Từ lối hai ba thập kỷ trở lại đây, vấn đề “Tội nguyên tổ” (tội tổ tông, nguyên tội) đã trở thành đầu đề bàn thảo sôi nổi và sôi bỏng giữa giới thần học gia trong Giáo Hội. Việc đặt lại vấn đề này chỉ liên hệ tới cách hiểu tín điều về nguyên tội, chứ không trực tiếp đụng chạm gì tới nội dung chân lý của tín điều. Trong quá khứ, vì thiếu phân biệt cho rõ, nên những gì cách hiểu, lối giải thích và quảng diễn tín điều về nguyên tội trình bày, đã dần dần được coi như là chính giáo lý minh định của Giáo hội.
Các lý do đưa dẫn tới việc đặt lại vấn đề về nguyên tội có thể được thu gọn vào trong ba lãnh vực chính: khoa học, Kinh thánh và thần học. Dù chưa hoàn toàn chắc chắn và đầy đủ, thì những phát hiện mới của khoa học, đặc biệt là của các khoa cổ sinh vật học và nhân loại học, cũng đã giúp cho con người ngày nay biết nhiều điều hơn về nguồn gốc của vũ trụ và loài người, và vì thế, cũng đòi con người thời nay phải có một tầm nhìn lịch sử sao cho mới mẻ, rõ ràng và chính xác hơn. Còn đối với. Kinh Thánh, thì khoa chú giải được khoa khảo cổ học hỗ trợ mạnh mẽ, cũng đã tiến những bước thật dài và đã tìm ra những tiêu chuẩn phân định tinh vi hơn, chẳng hạn như là nguyên tắc giải thích theo những thể văn khác nhau được dùng trong các sách của Kinh Thánh; vì thế, không còn có thể cứ khăng khăng tìm cách giải thích Kinh Thánh theo kiểu “văn tự”, hoặc như là một “bộ sử ký” ghi lại các sự việc không thiếu một chấm một phẩy được nữa. Rồi đến lượt cả thần học nữa: càng ngày các nhà thần học càng nhận thấy rằng cách trình bày nguyên tội theo lối cổ điển có thể gây thương tổn nặng đến tính chất duy nhất của nhiệm cục cứu độ mà Thiên Chúa đã quyết định tiến hành trong Đức Kitô, là tâm điểm của lịch sử nhân loại và là Đấng trung gian có một không hai giữa Thiên Chúa và loài người. Lấy lý gì mà làm như là Đức Kitô chỉ giống một người thợ máy đến để “sửa chữa” những “hư hỏng” do Ađam đã lỡ gây ra cho kế hoạch nguyên khởi của Thiên Chúa! Thế thì, nếu Ađam đã chịu ngoan hơn một chút, hẳn Ngôi Hai khỏi có cần phải Nhập Thể cực nhọc, hoặc là phải chết trên thập giá nhốc nha như vậy làm chi! Nhưng từ đầu anpha đến cuối ômêga, kế hoạch của Thiên Chúa duy chỉ có một, không đổi thay, sai chậy, không hề hấn, sứt mẻ.
Trước tình cảnh chuyển biến nói trên, có thể mục kích nhận ra hai loại thái độ chính, đó là: lặng thinh và nói ra. Lặng thinh vì không còn tin chi nữa vào “những chuyện nhảm nhí các cụ xứ già thường kể”; lặng thinh vì không còn cho giáo lý về nguyên tội có một tầm cỡ quan trọng nào đối với đời sống đức tin kitô; hoặc là vì không dám đá động tới một vấn đề rắc rối còn quá xương xẩu như thế. Nói ra cũng có nhiều cách để nói: nói để tố giác, để bài bác một học thuyết cầm chắc là nguy hại lẫn buồn cười, đã được một “đầu nậu bất lương” (thánh Augutinô!) dựng đứng đặt bịa ra; nói ra để tiếp tục trình bày giáo lý nguyên tội theo lối cũ, vì không hề hay biết gì đến những nghiên cứu và khám phá mới trong thần học thời nay, hoặc là vì sợ bị “lạc đạo” nếu có phải trình bày theo một cách thức nào đó khác đi; cuối cùng, nói ra với tất cả tinh thần tùng phục đối với Huấn quyền, nói ra để đào sâu, để thấu hiểu Kinh Thánh và giáo điều đã được minh định, cho đúng với chân lý mạc khải hơn, cũng như để cách thức trình bày giáo lý được chặt chẽ, phù hợp hơn với toàn bộ các vấn đề trong thần học, với yêu cầu của khoa học hiện đại, và với não trạng của người thời nay, nhất là của giới trẻ; vì có như thế, mới hòng tránh được không ít những nghi vấn, những nghi hoặc – nếu không nói là khủng hoảng – có thể bùng lên xâu xé lòng tin của người kitô.
Nói ra như thế không phải là vì cho rằng vấn đề đã được hoàn toàn giải đáp sáng tỏ. Nếu có nhiều điểm đã được soi sáng, thì cũng còn nhiều điểm giả thiết khác đang nằm trong lò thử nghiệm của cộng đoàn Giáo hội, chờ thời gian đánh giá, chờ Huấn quyền của Giáo hội thẩm định. Khám phá và khai triển nội dung giáo lý đức tin chính là thế! Và đó là điều cần thiết và hằng được theo đuổi suốt trong tiến trình dài của lịch sử Giáo hội, kể từ thời các Tông đồ.
Bài viết sau đây của Philippe Bacq chỉ muốn đơn thuần đề ra cho các người dạy giáo lý, một cách thức – giống như là một thí dụ – để thử trình bày về những điểm chủ yếu trong phần giáo lý liên quan đến nguyên tội, chứ không chủ ý bàn tới vấn đề một cách sâu rộng, với hết mọi chiều kích thần học. NTM.
Philippe Bacq
Tác giả là một linh mục Dòng Tên, hiện làm giám đốc Trung tâm Lumen Vitae, bên Bỉ. Đây là bài viết đăng trong Tạp chí Lumen Vitae, số VT 45 (1990) 377-393.
Nếu thực sự có một vấn đề trời tru đất diệt, không ai dám đề cập tới, không ai ưa đả động gì, thì đó chính là vấn đề nguyên tội (tội nguyên tổ/tội tổ tông). Tin rằng Thiên Chúa đã trực tiếp dựng nên Ađam và Evà, là tức khắc phải đối đầu với cả một vấn đề hết sức rắc rối rồi. Còn tin rằng hai ông bà nguyên tổ đã truyền lưu cho con cháu về sau cả một tội trạng được coi như là câu giải đáp cho những tai họa khốn đốn đang dồn dập trút đổ xuống trên đầu nhân loại, thì đó là chuyện còn quá đáng hơn nữa: không thể nào chịu nổi được! Hễ cứ mạo hiểm trình bày vấn đề như thế, là giáo lý viên sẽ đau đớn nắm chắc phần bại. Và không riêng gì cá nhân giáo lý viên, mà cả tính cách đáng tin của Giáo hội và niềm tin vào Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu Kitô, cũng chuốc lấy luôn thảm bại nữa.
Do đó, cần phải tìm cho ra cách thức để thấy rõ, hay ít ra là để mở một lối đi khả dĩ giúp nhận ra được phương hướng trong một vấn đề hiện đang gặp phải rất nhiều nghi vấn do người thời nay đặt ra [1].
Quan Điểm Cổ Truyền
Có thể đọc thấy giáo thuyết cổ truyền này trong (các) Sách Giáo lý (Sách bổn/ Catéchisme), là tập cẩm nang đã từng đóng góp lâu dài cho việc đào luyện hàng loạt thế hệ người kytô trước thời Công đồng chung Vaticanô II. Căn bản của nội dung cuốn giáo lý này bắt nguồn từ Công đồng chung Trentô (1545-1563)[2]. Xin nhắc lại các điểm chủ yếu của giáo huấn ấy một cách vắn tắt như sau:
Thiên Chúa đã tạo dựng Ađam và Evà, là hai thủy tổ của loài người: Ngài đã tạo dựng ông bà trong tình trạng ơn sủng với hạnh phúc về cả phần hồn lẫn phần xác, và đã đặt ông bà ở trong vườn địa đàng. Ngài đã ban cho ông bà ơn thánh sủng, nhờ đó họ được làm con Thiên Chúa, được quy hướng về với cứu cánh tối hậu, tức là về với tình trạng được hưởng kiến và thấu hiểu Ngài đời đời trên thiên đàng. Thiên Chúa cũng ban cho những ơn huệ ngoại thường làm cho ông bà tránh khỏi tình trạng ngu dốt, khỏi bị nghiêng chìu về phía sự ác, cũng như khỏi phải chịu cảnh khổ đau và chết chóc. Ông bà phải truyền lưu tình trạng ấy cho toàn thể miêu duệ của mình về sau.
Nhưng Ađam đã không tuân thủ một huấn lệnh nghiêm cách của Thiên Chúa: ông đã phạm một lỗi nặng, tội bất phục tùng và kiêu căng. Do đó, ông đã đánh mất ơn thánh sủng cũng như các ơn ngoại nhiên, và đã truyền lưu tình cảnh này đến các thế hệ con cháu của mình. Tình trạng này được gọi là nguyên tội (tội tổ tông/tội nguyên tổ), bởi vì nó không phải do một hành động của ý chí cá nhân mà có, nhưng là do nguồn gốc phát sinh ra con người, và bởi vì nó theo con đường di truyền bản tính loài người mà lưu chuyển đến mọi thế hệ nhân loại. Tuy nhiên, nhờ chấp nhận chịu đau khổ và chịu chết trên thập giá, Đức Giêsu Kitô đã chuộc tội và mang lại ơn cứu độ cho mọi người. Bí tích rửa tội ứng dụng công nghiệp của Đức Kitô cho con người, và giải phóng con người khỏi tình trạng tội lỗi bẩm sinh của mình. Dù vậy, con người vẫn còn mang đậm dấu vết của nhục dục hằng quyến rũ con người đi theo đường ác.
Đại để là thế. Đúng: những vấn nạn đặt ra thì nhiều và tế nhị. Chẳng hạn: việc phân biệt (hoặc phân chia) giữa hồn và xác, giữa tự nhiên và siêu nhiên, có giá trị gì? Phải hiểu thế nào về điểm giáo lý liên quan tới việc chuộc tội và ứng dụng công nghiệp của Đức Kitô cho con người? Nhưng xét theo phương diện dạy giáo lý, thì đó không phải là những vấn nạn khó khăn nhất gặp thấy ngay từ đầu. Nhưng là chính “câu chuyện” thuật về ông Ađam và bà Evà; rồi từ đó, cả tính chất có căn cứ của Kinh Thánh cũng bị ngờ vực luôn. Kể lại câu chuyện như thế chỉ là việc làm đơn giản, nhưng khổ nỗi là khó mà làm cho người ta nuốt trôi được. Vì thế, vấn đề tiên quyết nhất thiết cần phải đặt ra là: cho tới mức nào, chúng ta có bổn phận phải tin vào một giáo thuyết xem ra đã quá lỗi thời như thế? Có thể thay đổi giáo thuyết đó đi được không? Nếu có, thì cần phải làm theo những tiêu chuẩn nào?
Tính Chất Tương Đối Của Các Biểu Đề “Định Thức- Đức Tin” (énoncés de la foi)
Thông thường thì các tín điều được coi là không thay đổi. Chúng biểu đạt sự việc Thiên Chúa mạc khải chính mình ra cơ mà? Chúng đã chẳng được chính đặc ân bất khả ngộ của Giáo hội đảm bảo cho đó sao? Tuy nhiên, chính Huấn quyền của Giáo hội cũng đã tìm cách điều hòa hầu làm cho lối suy luận duy văn tự kia (fondamentaliste) giảm dịu bớt đi. Công đồng chung Vaticanô II cũng như Tuyên ngôn Mysterium Ecclesiae [3] đã đề ra một lối phân biệt chủ yếu: phân biệt giữa một bên là ý nghĩa của các công thức tín lý, một ý nghĩa “mãi mãi trung thực và đồng nhất với chính mình”, và bên kia là hình thức diễn đạt Mạc khải, một hình thức mang tính chất tương đối, tức là lệ thuộc vào một thời đại lịch sử nhất định. Và như thế, có thể xảy ra là “chân lý trong một tín điều thoạt đầu chỉ được biểu đạt một cách chưa đầy đủ – chứ không phải là sai lạc -, rồi về sau, nhờ được nhận định lại trong một bối cảnh sâu rộng hơn của đức tin hoặc của các hiểu biết nhân bản, mới được trình bày một cách trọn vẹn và đầy đủ hơn”. Vai trò của thần học gia chính là ở chỗ biết “nêu rõ giới mức chính xác của chủ ý giáo huấn thực sự tiềm ẩn ở trong các công thức giáo lý khác nhau”.
Văn bản trên đây sẽ làm kim chỉ nam cho đường hướng suy tư của chúng ta. Không có gì buộc người kitô phải đem hết tinh thần “sao y bản chánh” mà cố khư khư giữ nguyên lối quảng diễn giáo lý được dùng tới ở trong “cuốn sách bổn đồng ấu” cả. Trái lại, người kitô được mời gọi để biết rút ra những gì Giáo hội thực sự muốn chỉ dạy cho mình qua một hình thức trình bày có thể là quá độ. Để làm như vậy, người kitô có thể dựa theo những hiểu biết nhân bản đã trở thành sâu rộng hơn trong thời nay. Vì thế, trong khi giảng giáo lý, giáo lý viên có thể dùng đến các dữ kiện khoa học mới mẻ. Hơn thế nữa: đó còn là khởi điểm mà giáo lý viên phải nắm lấy để xử dụng lúc bắt đầu trình bày giáo lý; nếu không, thì ngay từ đầu, giáo lý viên sẽ mất hết uy tín đối với cử tọa đang nghe mình, và đưa họ đến chỗ quy kết cho rằng đúng là có một mối tương phản sừng sững đứng chặn ở giữa đức tin của Giáo hội và những gì họ học biết được từ chỗ khác.[4]
Quan Điểm Của Các Khoa Học Hiện Đại
Vậy thì, ngay từ khởi điểm, chúng ta chấp nhận thuyết “Big Bang” điển hình (vụ nổ lớn, lúc vũ trụ bắt đầu thành hình), cho dù thuyết này vẫn chưa hoàn toàn ngã ngũ,[5] và cả thuyết sinh vật tiến hóa trên mặt đất nữa.[6] Các thuyết này tiếp nối và bổ túc cho nhau. Từ lúc những hạt nhân hiđro và heli đầu tiên thành hình chỉ lối một giây sau vụ nổ ban đầu xảy ra cách đây khoảng mười lăm tỷ năm, cho tới khi con auxtralopitec (vượn phương nam),- có thể được coi như là ông tổ loài người – xuất hiện trên trái đất cách đây gần ba triệu sáu trăm ngàn năm, đã thực sự có một quá trình tiến triển tiếp diễn liên tục. Qua nhiều cuộc biến đổi liên tiếp và trèo dần từng bước lên trên những bậc cấp khác nhau ngày càng phức tạp hơn, các nguyên tố đầu tiên đã sinh ra vũ trụ, rồi đến các sinh vật trên trái đất, rồi đến loài người như vẫn còn thấy ngày nay. Không mục kích thấy một khúc gián đoạn nào ở trong quá trình tiến hóa dài dằng dặc kia, mà chỉ liên tiếp nhận thấy những ngưỡng đánh dấu đà phát triển ngày càng phức tạp thêm lên. Mỗi chặng tiến hóa đều cho thấy là cần thiết cho chính cái lúc nó xảy ra, để rồi khi tới lượt mình, loài người có đủ điều kiện mà xuất đầu lộ diện.[7] Đâu là nguồn gốc của nhân loại? Chắc chắn là loài người đã phát nguyên từ một loài giống (phylum) tiến hóa duy nhất, từ cùng một chủng loại duy nhất. Bằng chứng là hết thảy mọi chủng tộc hiện sống trên trái đất đều có thể truyền sinh làm cho nhau thụ thai được cả. Nhưng đằng khác, cũng hầu như chắc chắn là loài người đã không phát nguyên từ một “đôi uyên ương” duy nhất (như giả thuyết độc tổ – monogénisme – vẫn chủ trương), mà nói cho đúng hơn, là từ cùng một giống tộc rộng hơn (theo chủ trương của giả thuyết đa tổ: polygénisme).
Những điều kiện về gien (conditions génétiques) cần hội đủ để toàn thể nhân loại phát nguyên từ cùng một “đôi uyên ương” nguyên sơ độc nhất thì thực sự quá đặc biệt và khó mà có thể có được, đến độ “họa hiếm lắm lắm mới gặp thấy”.[8] Nhóm người giống tộc này đã từ từ thành hình sau một tiến trình dài có thể là tới hàng trăm ngàn năm. Vì thế, không thể nào xác định cho chắc chắn và rõ ràng được là con người đã xuất hiện từ bao giờ. Thật vậy, nếu việc phát minh các đồ dùng đánh dấu một mức ý thức đã đạt đến một độ tiến hóa khá cao, thì cũng vẫn chưa có thể xác định gì được về quá trình biến hóa chậm chạp trước đó, tức là thời gian mà các động vật linh trưởng (động vật thuộc bộ khỉ: primates), thường được coi là nguồn gốc xa xưa của loài người, chỉ mới đạt tới được một mức ý thức còn rất thô sơ, chưa đủ sức mà để lại những dấu vết đặc thù khả dĩ tạo cho những cố gắng sưu tầm ngày nay có cơ may nhận ra lại được.
Đó là những kết luận chính rút ra từ hiện trạng hiểu biết của các ngành khoa học ngày nay. Và dĩ nhiên là các kết luận này sẽ gióng lên cho lề lối trình bày đức tin theo kiểu “sách bổn” cổ điển, một câu hỏi hết sức căn bản. Tin rằng từ ban sơ, Thiên Chúa đã dựng nên một cặp uyên ương “trưởng thành sẵn”, và Ngài đã gìn giữ họ cho khỏi ngu dốt, khỏi bị hướng chiều về con đường ác cũng như cho khỏi khổ đau và chết chóc; tin rằng đôi uyên ương đó đã phạm tội, và loài người phát sinh từ họ,[9] sẽ phải gánh chịu tình trạng thất sủng (état de disgrâce): là chuyện không thể tưởng tượng nổi đối với đầu óc của đại đa số những người thời nay.
Vậy Phải Hiểu Sứ Điệp Kinh Thánh Như Thế Nào?
Cần phân biệt rõ giữa các khoa học thực chứng và thần học
Trước tiên, cần phải biết phân biệt rõ giữa các khoa học thực chứng và thần học.[10] Bởi vì hai lãnh vực này có hai mức độ khác nhau trong cách kiểu nhận thức thực tại: Khoa học thực chứng thì phân tách các đợt diễn biến xảy ra kế tiếp nhau trong quá trình tiến hóa, rồi giải thích cũng như tìm cho thấy các nguyên nhân làm phát sinh ra các hiện tượng nghiên cứu, và đưa ra những giả thiết nắm được nhiều hay ít phần chắc là tùy mức độ đánh giá trong bình diện liên hệ của ngành chuyên môn riêng.
Còn đức tin thì không xen vào trong lãnh vực ấy, bởi vì đức tin hoạt động trên một bình diện khác hẳn: bình diện của những ý nghĩa cần phải được mang lại cho các hiện tượng mà khoa học nghiên cứu. Đâu là ý nghĩa của quá trình tiến hóa dài dằng dặc như thế kia? Tại sao (vì đích nhắm gì) mà sự ác lại gặm mòn lịch sử loài người đi như vậy?
Hai bình diện nói trên, bình diện của “thế nào” và bình diện của “mục đích” không thể nào thay thế cho nhau được, cũng như không thể nào chồng chéo xen lấn lẫn nhau được. Do đó, đứng trên bình diện lý thuyết mà nói, thì không bao giờ có chuyện đức tin lại đi xung đột với các thành quả của khoa học thực chứng cả.[11]
Lối phân biệt trên đây là một bí quyết nhận định có tầm quyết định đối với việc giải thích cho chính xác các bản văn của Kinh Thánh,[12] cũng như của Huấn quyền. Đúng thế, các tác giả của các văn bản này chỉ dựa theo những dữ liệu khoa học thời họ mà cống hiến cho chúng ta thấy ý nghĩa của lịch sử loài người. Họ đưa ra cho chúng ta biết về lý do “tại sao” của các hiện tượng trong lịch sử ấy. Họ tuyên xưng lòng tin của mình đối với chân lý về “nguyên tội” bằng cách trần thuật cho chúng ta nghe về câu chuyện của Ađam và Evà. Thế nên, nếu không thể nào ý nghĩa của Kinh Thánh và của truyền thống giáo hội đi ngược lại với các dữ kiện khoa học, thì không phải vì thế mà hình thức trần thuật “lịch sử” làm khung cho đức tin, lại không đụng chân vào trong vòng giao thoa xung đột với khoa học, vì nó cũng diễn ra trên cùng một bình diện nhận thức như các khoa học. Nhưng tính cách tương khắc ấy chỉ là một hiện tượng biểu kiến, đi dính liền với hình thức trình bày đức tin, chứ không phải với bản chất thuần túy của chính đức tin. Trong ánh sáng ấy, sau đây, chúng ta thử tìm hiểu về câu chuyện trần thuật trong Sách Sáng thế, thường được dùng tới những khi trình bày giáo lý.
Hình thức trần thuật lịch sử trong các chương 2-3 của Sách Sáng thế
Theo ý nghĩa nào thì câu chuyện kể lại công cuộc tạo dựng và tội lỗi lúc ban sơ có thể được coi là có tính cách lịch sử? Những tiến bộ mới trong khoa chú giải có thể giúp để làm cho câu hỏi này sáng tỏ.[13]
Quả thật, câu chuyện kể lại trong Sách Sáng thế, cho thấy một chuỗi liên cảnh đặc biệt mà Cựu Ước sẽ còn tái diễn ở một đoạn trần thuật khác, khi nói tới sự việc dân Ítraen được đặc tuyển và giao ước Giavê ký kết với họ. Vậy, câu chuyện trong Sách Sáng thế kể lại rằng: Thiên Chúa “cầm lấy” con người (nắm lấy: ST 2,15; 3,19.23), rồi “đặt để” con người vào trong vườn (2,8) và “cho” con người “một thứ thức ăn”: “ngươi được ăn mọi cây trái trong vườn”(2,16). Ơn huệ đó lại có một “cấm lệnh” đi kèm theo nhằm bảo vệ sự sống con người chống lại sự chết: “ngươi không được ăn từ cây trái của khả năng nhận thức lành dữ, vì ngày nào ngươi ăn nó, thì tất ngươi phải chết”(2,17). Nhưng con rắn lại gieo “ngờ vực” chống lại lời căn dạy ấy: “vậy thì Thiên Chúa đã nói là ngươi không được ăn một thứ cây trái nào trong vườn cả, phải không?” (3,1). Và như thế, nó rót vào trong lòng người nữ thái độ không tin và lòng “ham muốn”: “người đàn bà nhận thấy quả là đúng: cây ăn ngon thật và nhìn thì sướng mắt” (3,6). Tiếp theo đó là hành động “vi phạm”cấm lệnh (3,6) kéo theo tình trạng “hư hỏng” ơn huệ: “hai ông bà nhận biết mình trần truồng” (3,7). Tuy nhiên, dù có nói rõ những hậu quả của tội lỗi con người, thì Giavê Thiên Chúa cũng vẫn “hứa ban” cho người nữ một miêu duệ đủ sức đánh thắng con rắn (3,15).
Mặt khác, chuỗi liên cảnh kia cũng gợi lại nhiều kỷ niệm lịch sử của dân Ítraen. Chẳng hạn, từ “cầm lấy” được dùng để chỉ tình trạng đặc tuyển. Thế nên, Abraham đã được Thiên Chúa “cầm lấy” để khai sinh ra dân tộc (ST 24,7), rồi sau đó Ngài đã “nắm lấy” Đavít để đặt làm vua cho dân này (TV 78,70) và chính dân tộc này cũng đã được “cầm lấy”, đã được chọn từ giữa các dân nước (Ed 36,24). Hơn nữa, việc nối kết hai động từ “cầm lấy” và “đặt để” là một lối dùng từ cổ điển để nói về sự kiện dân tộc định cư nơi đất hứa (xem Ed 36,24; 37,21…). Lãnh địa này là một vùng đất phì nhiêu xanh tốt, có sữa và mật ong lai láng (Ds 13,20-25; Xh 3,8.17; 13,5…) và tràn trề “thức ăn” vô kể.
Lời đề nghị mở giao ước mà thực sự Giavê đã ký kết với dân Người, cũng đã có một “cấm lệnh” đi kèm theo nhằm bảo vệ cho giao ước được vẹn toàn: đó là Luật ban bố trên núi Sinai tiếp theo sau cuộc giải phóng khỏi Ai cập (Xh 20; Đnl 5,6-21; Xh 19,4-6). Quả thế, các giới răn đều được mở đầu bằng lời nhắc nhở về cuộc giải phóng mà Giavê đã thực hiện cho Ítraen. Dù vậy, luôn luôn Lề Luật vẫn làm như là đầu mối đưa ngờ vực và “thử thách” tới cho Ítraen (Xh 20,20. Xem cả Đnl 8,2-3; Tv 78,17-20), cũng như đặt Ítraen trong thế phải chọn lựa giữa Lời của Giavê và nỗi quyến rũ của lòng “ham muốn”. Và thực sự, cũng như thế và còn nhiều hơn nữa, Ítraen đã “vi phạm” Lề Luật mà đáng lẽ ra cần phải được coi như là thành lũy bảo vệ cho mình. Ítraen đã xé bỏ giao ước ký kết với Giavê qua hành động tự chọn lấy một vị vua để được “giống như các dân nước khác”, cũng như qua sự việc tôn kính các ngẫu thần. Kết quả là phải sống qua cả một lịch sử sôi động với “chết chóc”: dân tộc bị chia rẽ thành hai vương quốc chống chọi nhau; hố chia cách ngày càng lớn rộng dần giữa giới quyền thế và đám quần chúng bị bóc lột khai thác, giữa các thành phần giàu và nghèo. Lãnh thổ tự do đã biến thành một vùng đất nô lệ. Dẫu vậy, Giavê vẫn mãi trung thành với “lời hứa” cùng Abraham. Ngài không ngừng nhắc nhở lại các đòi hỏi của giao ước cũng như gìn giữ cho dân Ngài sống trong hy vọng: sẽ có ngày Ngài đích thân đến để cứu giải dân Ngài thoát khỏi cảnh chết.
Và như thế, có thể nhận ra rõ ràng hơn, cách thức tác giả nguồn Giavê (thuộc nguồn tài liệu gốc dùng tên Giavê trong văn bản:(Yahviste)[14] biên soạn câu chuyện của mình: để giải thích thực trạng tội lỗi trong thế gian, tác giả đã không bắt đầu đi từ kinh nghiệm của Ađam và Evà mà suy luận, nhưng là đã chuyển vị vào trong thời khởi thủy loài người, kinh nghiệm thụ ân và bội phản mà Ítraen sống qua suốt trong cả dòng lịch sử của mình. Lần về trở lại với nguồn cội như thế, tác giả đã phổ quát hóa lịch sử của dân mình ra cho toàn thể nhân loại. Dưới ngọn bút của tác giả, Ađam và Evà không những đại diện cho dân Ítraen và vị vua của dân này, mà còn cho cả mọi dân tộc và mọi vua chúa,[15] mọi người nam cũng như nữ trong loài người.
Suy luận như thế là chuyện rất dễ hiểu đối với đầu óc thị tộc của các bộ lạc sống trong sa mạc, và đó cũng là cách suy luận mà tác giả câu chuyện sáng thế sử dụng: tác giả hình dung Ađam như là ông tổ của một thị tộc bao gồm toàn thể nhân loại. Mà trong nhãn quan tư duy này, thì không có chuyện phân biệt rõ ràng giữa vị tổ phụ và toàn bộ thị tộc. Và dĩ nhiên là tất cả những gì thị tộc sống qua thì đều được coi như là chính kinh nghiệm của vị tổ phụ, và ngược lại.[16] Thế nên, tội của Ítraen trở thành tội của Ađam, và giống như là do sức dội lại của một đà va chạm, hành động lỗi phạm của Ađam bắn tung tóe trở lại trên toàn thể nhân loại. Đó không phải là sự kiện truyền lưu tội vạ theo lối một chiều, cho bằng hiện tượng xoay vòng của sự ác. Tội lỗi hiện giờ của dân tộc là tội lỗi của vị tổ phụ cũng như của loài người phát nguyên từ ông.
Tuy nhiên, những gì có thể chấp nhận được theo quan niệm các bộ lạc ngày trước, không còn có thể chấp nhận được nữa trong nền văn hóa khoa học thời đại ngày nay. Nhưng mặt khác, cũng không thể cứ việc đơn thuần đem Ađam của thời văn hóa thị lạc, đồng hóa với mẫu vượn phương nam (auxtralopitec) mà giả thuyết tiến hóa nhắc tới và đã biến mất khỏi trái đất cách đây cả ba triệu sáu trăm ngàn năm rồi được. Không, hai nhân vật đó khác nhau, cho dù có vẻ như là một. Cũng không thể đơn thuần lồng Ađam của Sách Sáng thế vào trong ý niệm tân thời của chúng ta về tội của cá nhân, là ý niệm phát nguồn từ một mẫu thức văn hóa khác hẳn. Đối với tác giả nguồn Giavê (J), tội của Ađam với tội của dân Ítraen chỉ là một. Cũng không bao giờ có ai nghĩ đến chuyện gán cho mẫu vượn phương nam tội lỗi của cả loài người chúng ta. Khi tìm hiểu cho biết vượn phương nam đã có thể lỗi phạm như thế nào theo ý thức vừa chớm nở của mình ở vào thời ban sơ của lịch sử loài người, là chúng ta muốn nói tới một loại tội phạm hoàn toàn khác với loại được Sách Sáng thế đề cập tới. Đồng hóa chúng thành một tội mà thôi, “tội của thời nguyên sơ nhân loại”, là lẫn lộn hai bình diện giải thích khác hẳn nhau.
Đằng khác, cũng nên lưu ý là Cựu Ước còn đề ra nhiều cách thức khác để nhận thức về “tội của thời nguyên sơ nhân loại”. Chẳng hạn, không thuộc ảnh hưởng của quan niệm thị tộc như người viết theo nguồn Giavê, tác giả tư tế (P) để tâm nhiều hơn đến việc khai triển ý niệm về một tội lỗi đã từ từ lan rộng dần ra trên khắp mặt đất, kể từ sau cuộc tạo dựng vạn vật cho tới lụt đại hồng thủy (St 6,11-12).[17] Lối nhìn này đi gần với cách chúng ta quan niệm về lịch sử hơn. Vì thế, điều quan trọng là không nên tuyệt đối hóa quan điểm của tác giả nguồn Giavê.
Ý nghĩa của các đoạn St 2-3
Đằng sau hình thức trần thuật theo kiểu lịch sử, đâu là ý nghĩa đích thực của câu chuyện Sách Sáng thế kể lại? Nó có nhắn nhủ gì quan trọng cho cuộc sống đức tin của chúng ta hôm nay không?[18] Trước tiên: nó nói lên một niềm xác tín trong đức tin. Toàn thể nhân loại mà Ađam là biểu tượng, đã được chỉ một mình Thiên Chúa duy nhất dựng nên, để đặt bước vào trong một tiến trình lịch sử dẫn đến sự sống. Quả thế, lời đầu tiên Đấng Tạo hóa nói với con người mới lọt khỏi lòng bán tay tạo dựng của mình, là một lời khai đạo cho tất cả những gì là khả dĩ: “Ngươi có quyền ăn mọi cây trái trong vườn” (2,16), ngay cả cây sự sống nằm ở giữa vườn. Thiên Chúa của ân huệ, của nhưng không: Ngài không biết đến tính toán hơn thiệt và không dành giữ gì riêng cho mình cả. Ngài đặt định cho con người một màng lưới quan hệ đa dạng: quan hệ với chính Giavê, với đất đai, với loài vật và cuối cùng là với người phụ nữ là cá thể mà khi đối diện với, thì con người đạt được tới khả năng phát biểu bằng lời nói, và phát hiện ra bản sắc đặc thù của mình. Đối với tác giả câu chuyện, sự sống nằm chính ở trong các mối quan hệ ấy. Hơn thế nữa, chính Thiên Chúa còn đích thân mở giao ước với thụ tạo của mình; Ngài tiếp tay hành động với sinh hoạt của con người để sự sống nẩy sinh lên: Ngài sẽ làm cho mưa rơi, nhưng canh tác đất đai là công trình con người (2,5). Ngài nắn tạo loài vật nên, nhưng việc đặt tên cho chúng là phần của con người (2,19). Cuối cùng, Thiên Chúa đưa ra một cấm lệnh hầu đảm bảo cho màng lưới quan hệ kia được nguyên vẹn. Ngài cấm con người không được nếm mùi cây có sức toàn năng ảo tưởng (tức là chỉ theo lời con rắn nói bịa, chứ không phải có thật), vì trái của cây ấy sẽ đưa tới tình trạng quan hệ hỗn độn: nếu con người muốn trở thành tất cả cùng một lúc, không còn biết tôn trọng những gì khác biệt phân cách mình với Thiên Chúa, thì con người sẽ gây ra chết chóc thảm hại cho chính mình. Tiếp diễn trường kỳ theo dòng lịch sử, công trình tạo dựng là thế. Xác tín đức tin theo kiểu mẫu này sẽ tẩy trừ hết mọi lối quan niệm Thiên Chúa như là một chủ nhân ông khinh khỉnh đứng nhìn một tên nô lệ khép nép thúc thủ tội nghiệp. Ngược lại, đối với tác giả nguồn Giavê, Thiên Chúa và con người là thành viên liên đới chung sức tiến bước trên cùng một tiến trình lịch sử.
Ngoài ra, đề ra cấm lệnh là Giavê muốn nhắc nhở cho con người ý thức về tự do và trách nhiệm của mình. Con người có tự do để đón nhận hoặc từ chối Lời chỉ bảo giúp cho mình tránh khỏi sự chết. Nhưng loài người không bao giờ chịu tin vào Lời của Giavê, và đó là nguyên nhân gây ra thảm họa cho con người. Đối với tác giả nguồn Giavê, sự dữ và sự chết không phải là hoa trái của một định mệnh tất yếu. Từ khởi điểm của những đổ vỡ xảy ra trong lịch sử loài người, đã có những hành động tự do, hành động của nhà vua và của nhân dân, của người nam và của người nữ: họ đã đồng loạt sa lầy vào trong giấc mơ chiếm hữu cho được một thứ toàn năng tính ảo tưởng nhưng lại chứa đầy ác lực tàn phá độc hại; họ hủy hoại lẫn nhau; tập thể đồng tình, họ dẫn nhau đi đến chỗ chết. Giavê đâu có trách nhiệm gì đối với những thứ ấy; Ngài đã không hề gắn lồng sự dữ và chết chóc vào trong bản tính con người. Chính con người đã dùng tự do mà tác họa cho chính mình. Nhưng dù sao thì niềm thâm tín về trách nhiệm như thế của con người cũng đem lại được nhiều hy vọng; bởi vì, nếu con người là nguyên nhân của sự ác, thì con người cũng có thể kiến tạo nên được một cuộc giải phóng cho chính mình. Loài người không nhất thiết phải là con mồi thiêu thân cho một định mệnh mù quáng. Đối diện với sự ác, tác giả câu chuyện đã biết loại bỏ đi mọi ý nghĩ quy trách cho phía Thiên Chúa, cũng như mọi thái độ chủ bại và tất định (déterministe) đối với lịch sử loài người.
Có phải chỉ cần đoàn kết chung sức là có thể bẻ gãy được vòng bạo lực trói chặt con người vào ách sự chết hay không? Tác giả nguồn Giavê đã biết là vấn đề không quá đơn giản như thế. Dĩ nhiên là con người có tự do, nhưng con người đã bị mê hoặc và lừa bịp để rồi không sao nén nổi mà không chạy theo ảo vọng “trở thành ông trời”. Hoài vọng này xuất xứ từ một giới nằm hẳn bên trên con người,[19] và nó đánh động vào tận trong nơi sâu thẳm của lòng con người; nó đặt cấu trúc nền tảng cho các mối quan hệ của con người. Loài người không thể làm gì hơn được trước trạng huống ấy, và lịch sử của mọi dân nước trên mặt đất chứng minh cho thấy quá rõ điều đó. Con người cứ mãi khăng khăng tưởng rằng sự sống nằm ở bên phía danh vọng cao sang, ở bên phía chế ngự và thống trị thế giới: “Trở thành giống các thần linh”! Dù, ngày qua ngày, lịch sử có chứng minh rõ cho thấy hoài vọng kia chỉ là một ảo tưởng, thì con người cũng cứ tiếp tục để cho ảo vọng ấy quấy rầy mình, vây bủa và trói chặt mình vào trong màng lưới của nó. Nó phân hóa và xô đẩy con người đến chỗ diệt vong. Thế nên, dù có đoàn kết hiệp lực để giải phóng cho chính mình đi nữa, thì bất lực, loài người cũng sẽ không làm sao thoát nổi vòng chi phối vũ bão của nó.
Nhưng như thế có phải là Giavê đã bị chính thọ tạo của mình đặt vào thế bí hay không? Có phải sự sống ban ra tràn đầy đã lật ngược cán cân một cách vô phương cứu chữa, để trở thành một cảnh chết chóc phải bó tay mà chịu hay không?[20] Nhưng không phải là chỉ đơn giản như thế. Vì tội lỗi con người không chận đứng nổi ân huệ của Giavê. Mặc cho gai góc có mọc lên đầy (3,17-18), con người cũng không ngừng canh tác ruộng đất và thu hoạch hoa màu làm thức ăn. Người nam và người nữ vẫn thu hút lẫn nhau trong niềm quý trọng các khác biệt của nhau (2,23), cho dù mối quan hệ giữa họ có bị thói thèm muốn và thống trị làm loang lổ đi (3,16). Giavê vẫn tiếp tục tạo dựng sự sống trong mối hợp đồng với con người, như bà Evà đã công nhận lúc Ca-in chào đời (4,1), cho dù sau này Ca-in sẽ giết chết em mình. Từ nay, giữa lịch sử loài người, tự trong thâm sâu của bản chất, sống và chết sẽ luôn luôn kết chặt với nhau. Sự sống được ban ra dồi dào, nhưng từ nay, nó chỉ diễn ra ngập ngừng với viễn ảnh kinh hoàng của một cảnh chết bắt buộc phải sống qua như một cuộc bứt nhổ và chia lìa đầy đau thương đắng cay. Đó chính là tác phẩm của tội lỗi còn đang hoành hành ở ngay giữa lòng sự sống.
Vậy, sự chết đã thắng được cuộc rồi đó sao? Không còn có một tia hy vọng hòa giải nào cả hay sao? Không quá đến như vậy! Tuy nhiên, nếu hoà bình đã được ban tặng lại cho con người, thì nó cũng chỉ đến từ một chốn cao thẳm bên kia thế giới con người. Loài người đã bị ngàn vạn bộ mặt quyến rũ của sự chết mê hoặc trầm trọng đến độ không còn có thể tự cứu giải cho chính mình được. Cần phải có một khởi điểm mới, một sự sống mới không mảy may đồng lõa với sự chết. Cần phải có một hành động can thiệp mới của Thiên Chúa Tạo hóa. Và thực sự, một luồng đại phong hy vọng đã thổi mạnh đến, nâng hẳn toàn bộ lịch sử loài người lên cao: Giavê đã hứa ban một miêu duệ có sức đánh thắng con rắn.
Đại để, đó là những cảm nghĩ chủ chốt mà tác giả nguồn Giavê đã có đối với tiến trình lịch sử loài người. Những suy nghĩ này bao gồm cả sự sống lẫn sự chết, cả tự do lẫn những gì ràng buộc làm mất tự do, cả cuộc sống thực tế cực nhọc hằng ngày lẫn niềm hy vọng cho ngày mai. Trình bày theo cách thức ấy, thì các suy tư kia mới có thể thực sư đặt vấn đề cho người lớn cũng như cho trẻ em, bởi vì ở trong đó, họ sẽ nhận ra chính kinh nghiệm của riêng cá nhân mình, cho dù họ có không tin vào Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa đi nữa. Và những cảm nghĩ ấy cũng có thể giúp dẫn lối đưa đến tận mức viên mãn của niềm tin đối với công trình của Đức Kitô Cứu Thế.
Đọc Lại Thánh Phaolô Dưới Ánh Sáng Của Các Nhận Định Trên Đây
Thường thường các thư của thánh Phaolô ít được dùng tới trong các lớp giáo lý. Ai cũng thừa biết tại sao rồi! Phần lớn các thư này thuộc loại khó hiểu. Ở đây, chỉ xin thử tìm hiểu một đoạn trong Thư gửi tín hữu Roma: đó là đoạn ngay từ buổi đầu của lịch sử truyền thống, đã soi dẫn Giáo hội trong cố gắng suy tư tìm hiểu về nguyên tội:
Thế nên, cũng như chỉ vì một người (Ađam), mà tội lỗi đã đột nhập vào trong trần gian; và vì tội lỗi, nên cả sự chết cũng đột nhập như thế nữa; và vậy là sự chết đã lan truyền qua hết mọi người, bởi lẽ mọi người đều đã phạm tội,… thì ơn của Thiên Chúa, ơn ban qua một người là Đức Giêsu Kitô, còn dẫy tràn hơn biết bao trên vô số người (Rm 5,12 và 15b).
Trong Ađam, mọi người đều là tội nhân
Đối tượng Phaolô chú tâm đến trước tiên, không phải là Ađam, mà là Đức Giêsu Kitô. Thánh nhân muốn cho thấy rằng Đức Kitô sống lại đã đích thân mang ơn cứu độ tới cho toàn thể nhân loại. Để trình bày cho dễ hiểu, thánh nhân đã dựa theo câu chuyện Sách Sáng thế kể lại, và giải thích nó theo quan niệm thị tộc của tác giả. Đối với Phaolô cũng như đối với tác giả nguồn Giavê, Ađam là nguyên tổ của loài người. Với danh nghĩa đó, Ađam mang toàn thể loài người trong con người của mình; còn tội của ông thì truyền lan tới hết tất cả mọi người: cái chết thể lý do tội mà ra, là dấu hiệu của một cái chết tuyệt đối hơn, tức là của sự việc nhân loại bị dứt khoát tách rời ra khỏi Thiên Chúa Hằng sống, cội nguồn của sự sống.
Trong Đức Kitô, mọi người đều được cứu độ
Tuy nhiên, theo Phaolô, Đức Kitô là phản đề đối lại Ađam. Trong Ngài, mọi người đều được cứu độ, vì Đức Kitô sống lại đã tổng hợp toàn bộ lịch sử loài người vào trong chính con người của mình (Ep 1,9-10). Nói thế có nghĩa là gì? Theo sát nghĩa đen trong tiếng Hy lạp, từ anakephalaiôsasthai (“tổng hợp”) có nghĩa là: “nắm lấy trở lại, từ dưới lên trên bằng cách trở thành cái đầu, trở thành đầu mối”. Do vậy, trong một cách nào đó, Đức Kitô đi ngược trở lại dòng thời gian, trở về đằng trước, về phía các tổ phụ của mình là Đavít, Giacóp, Abraham cho đến đầu hết, tức là cho đến Ađam. Thánh Luca minh họa điều đó thật tài tình bằng cách kể lại gia phả của Đức Giêsu (xem Lc 3,23-38). Thế nên, cuộc đời, cái chết và sự kiện sống lại của Đức Kitô có sức đánh động mạnh hơn là toàn dân Do thái hay là cộng đoàn các tín hữu, và mang những chiều kích rộng lớn hơn là một giai đoạn đặc biệt nào đó trong lịch sử loài người. Đúng là các biến cố ấy mang một tầm vóc vũ trụ. Trong Đức Giêsu Kitô sống lại, sự sống tìm thấy một khởi điểm mới, như trong ngày đầu của một cuộc tạo dựng mới.
Đi ngược dòng thời gian, Đức Kitô nắm lấy lại dòng lịch sử từ đằng dưới: quả thế, Ngài đã đến “trong thân phận xác phàm tội lỗi của chúng ta” (Rm 8,3); vì chúng ta, Ngài đã bị “đồng hóa với tội lỗi” (2Cr 5,21). Các Phúc âm nhất lãm đã cụ thể hóa các từ ngữ phi thời gian này bằng một nội dung trần thuật có tính cách lịch sử. Đức Giêsu Kitô đã đến để kêu gọi những người tội lỗi (Mc 2,17 và các đoạn song song): Ngài không chỉ đến để đem an bình và hòa giải cho những người có tội cá nhân, như người phụ nữ ngoại tình hay như người trộm lành chết trên thập giá bên cạnh Ngài mà thôi. Ngài thường hay cố ý đi đến với các tầng lớp xã hội công khai bị xếp vào hạng những người tội lỗi, chẳng hạn như là: các người ngoại giáo, các kẻ ăn xin, các người yếu đau bệnh tật, các người nghèo hèn, các người thu thuế và các cô điếm. Ngài cố ý giữ giây liên đới với các tầng lớp bị xã hội loại ra ngoài lề như thế, vì các tầng lớp này thể hiện những cơ cấu tổ chức tội lỗi trong lịch sử thời ấy. Sự việc Ngài chịu phép rửa giữa những người thú nhận tội mình (Mc 1,9-11) và chết trên thập giá giữa hai người trộm cướp (Mc 15,27) là dấu chỉ của tình liên đới ấy. Ngài đã đồng hóa với họ, vì Ngài muốn dùng “những gì là hèn hạ, bị khinh miệt” mà cứu toàn thể nhân loại thoát khỏi sự chết. Đó là điều mà thánh Phaolô gọi là “sự điên rồ của thập giá” (1Cr 1,18-31).
Nhờ họ và với họ, Ngài đã làm cho lịch sử chuyển hướng đi lên: Ngài đã giải phóng họ, đã mang lại cho họ phẩm cách làm con Thiên Chúa, làm anh chị em của Ngài, đã khôi phục các quyền của họ lại cho họ, và kết hợp họ lại trong một cộng đoàn đức tin, đức cậy cùng đức mến. Cứu độ các tầng lớp xã hội bị xô đẩy ra ngoài lề cuộc đời như thế: các tầng lớp thể hiện cho những cơ cấu tội lỗi trong loài người, là Đức Kitô đã giải cứu cả toàn bộ lịch sử nhân loại; Ngài đã mở cánh cửa ơn cứu độ cho mọi người: cho người nghèo cũng như người nghèo, cho người công chính cũng như người tội lỗi, cho người Do thái cũng như người ngoài Do thái giáo. Không còn một ai bị loại ra ngoài, bởi vì không còn một ai là không được ơn cứu độ của Ngài chạm tới tận nơi cội rễ sâu thẳm nhất trong tâm hồn khước từ của mình. Từ nay, ơn cứu độ sẽ luôn luôn đi từ dưới lên trên, từ cái nhỏ nhất đến cái lớn nhất, từ ngoài lề vào trong tâm điểm, từ người nghèo đến người giàu. Vì, thay vì muốn trở thành “như ông trời”, Đức Kitô đã trở thành “người rốt hết”, “người tôi tớ và là người nô lệ của mọi người” (Mc 10,35-43 và các đoạn song song), và không ganh tị “giằng cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa” (Pl 2,1-11). Và như thế, Ngài đã trở thành thủ lĩnh, người lãnh đạo, “Ađam mới” (1Cr 15,45), khởi điểm mới của lịch sử nhân loại: khởi điểm tuyệt đối mới mẻ, vì bất chấp tất cả những chia rẽ và phân cách giữa loài người, bất chấp cả đến sự chết, Ngài tổng hợp toàn thể nhân loại lại ở trong Ngài. Và như thế, trong Ngài, lịch sử sẽ làm như đi qua một con đường tắt để đạt đến mức hoàn thành viên mãn của mình; trong Ngài, mối giao hòa chung cục với Thiên Chúa cũng được thành tựu.
Nói về ơn cứu độ cho thời đại hôm nay
Ngày nay phải hiểu như thế nào về giáo lý của Giáo hội liên quan đến nguyên tội, khi mà giáo lý này không còn mặc hình thức miêu tả thuộc nền văn hóa nguyên gốc của nó nữa? Có thể quan niệm nguyên tội như là một sự dính líu chung vào trong thực trạng của tội lỗi trong xã hội loài người. Ngay giây phút mới tượng thai trong lòng mẹ, mọi con người, nam cũng như nữ, đều phải bước vào trong một thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của tội lỗi kể từ lúc nhân loại mới xuất hiện. Đó là một tình trạng khách quan, lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ nọ, và đối nghịch lại với kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa. Vì thế, con người phải chịu ảnh hưởng của tội lỗi đã từng ăn sâu trong môi trường sống của mình, ngay từ trước khi sinh ra:
“Vậy, sự việc con người dính líu với tội lỗi không phải chỉ là cái gì nằm ở ngoài con người, không phải chỉ là một gương xấu, một ảnh hưởng độc hại, một môi trường quyến rũ mà thôi, nhưng đó còn là một yếu tố nằm tận trong cơ cấu nội tại của mọi con người, và có tầm quyết định trên thái độ của con người đối với Thiên Chúa, đối với người khác cũng như đối với chính mình; qua ý niệm “tình trạng dính líu với tội lỗi” này, một ý niệm rút ra từ cuộc sống cụ thể của con người hiện hữu thực sự ở trong lịch sử, chúng tôi muốn diễn đạt tất cả những gì chứa đựng trong thành ngữ “tội nguyên tổ”: đây là một lối dùng từ dễ gây ngộ nhận và không mấy thích đáng. Thành ngữ “tội nguyên tổ” hàm chứa ý nghĩa này là: tình trạng phổ quát có ảnh hưởng quyết định từ bên trong đối với mọi người, và theo thực tế mà nói, thì tình trạng này đi ngược lại với ý định cứu độ nguyên sơ của Thiên Chúa, là Đấng đã tạo thành mọi sự bởi Đức Kitô và quyết định hoàn tất mọi sự trong Đức Kitô”. [21]
Vậy, nếu xét về mặt thực tế chứ không phải về mặt bản chất, tự bên trong, tự do của mọi người trong nhân loại đều bị nhuốm nặng ảnh hưởng của khuynh hướng khép kín mình vào trong thái độ tự mãn, thì có thể hiểu được rằng con người không có khả năng để tự cứu thoát mình được:
“Nếu những phân tích nghiên cứu trên đây là chính xác, thì nổ lực để giải thoát cho khỏi tình trạng tha hóa hằng bao vây con người như đã thấy, chỉ có thể xảy ra được với điều kiện là phải có một sự từ bỏ đến từ bên ngoài khuôn khổ những dự kiến khả dĩ của lịch sử loài người. Quả thế, tình cảnh liên đới chịu chi phối bởi tội lỗi đã gây ra thực trạng này là ơn cứu rỗi một khi đã bị mất đi thì không thể nào được tái tạo lại nổi do một cá nhân hoặc một tập thể sống trong những điều kiện của chính lịch sử ấy… Thay vì cùng nhau tìm cách để cố gắng làm cho tiến trình triển nở chung được thành tựu, thì các cá nhân chỉ biết phá hại lẫn nhau, khiến cho những điều kiện thiết yếu đối với việc sử dụng tự do bị tiêu tán đi, và xô đẩy mỗi người vào trong cảnh đơn độc trơ trụi của mình… Và như thế, lịch sử tội lỗi của loài người phải ì ạch gánh chịu cả một sức nặng dính chặt vào nơi bản chất của mình, và cứ buông theo khuynh hướng tự giam nhốt mình vào trong vòng chuyển vận đều đặn của một định mệnh khốc hại”. [22]
Vòng định mệnh đã khốc hại lại càng khốc hại hơn khi trải dài theo dòng lịch sử, những hành động của tự do con người đã kết tinh thấm nhập sâu đậm vào trong các cơ cấu bất công của xã hội nhân loại: các cơ cấu được đặt định một cách khách quan này đè nặng với hết sức ép của mình lên trên các cá nhân trong nhân loại, mặc cho họ “có thiện chí” đến bao nhiêu đi nữa. Những tâm trạng tập thể, những dạng thức văn hóa và những tổ chức kinh tế cùng chính trị đã xô đẩy, loại trừ không biết bao nhiêu người ra ngoài lề cuộc sống, để rồi cuối cùng giết chết họ đi: đó chính là những gì biểu hiện cho thấy “các cơ cấu tội lỗi” trong lịch sử loài người. [23] Các cơ cấu này ghi ảnh hưởng sâu đậm vào trong nội tâm của mỗi người, vào trong nơi sâu thẳm nhất của tự do cá nhân con người. Tuy nhiên, tội lỗi không phải là định mệnh tất yếu, không thể thoát được; nó không nằm “ở trong máu”, ở trong bản chất của con người. Cứu độ con người vẫn là một điều khả dĩ.
Khách quan mà nói, cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô đã mang lại cho con người một phương thức cứu độ, thường được gọi là ơn thánh hay ơn ban Thánh Linh. Ơn huệ này ghi đậm dấu vết vào trong nội tâm con người ngay từ trước khi con người đạt tới mức có đủ trưởng thành để có thể dùng tự do mà hành động. Nó đặt vào tâm hồn con người lòng khát vọng và niềm hứng thú đối với mối liên đới đích thực bén rễ tận trong tình yêu thương. Theo ý niệm khách thể và cấu trúc, nó cũng được gọi là “Nước Trời” hay Vương quyền Thiên Chúa”. Nó đang hiện diện đó: ngay giữa lòng lịch sử loài người như là men trong bột (Mt 13,33), như là hạt giống gieo vào lòng đất (Mc 4,26-29). Vì thế, đà năng động của tội lỗi đã bị lật ngược lại từ bên trong. “Vưong quyền Thiên Chúa” đã đặt vào tận trong cán cân lực lượng và vào giữa các cơ cấu bất công của lịch sử, một mầm giống của sự sống, của công chính và hòa bình. Nếu hằng ngày có thể đọc thấy trên báo chí, những vết tích của sự việc mọi người đều dính líu với tội lỗi trong trần gian (thống trị, khai thác, đàn áp, bạo lực…), thì hệt như thế, cũng có thể đọc thấy giữa cuộc sống hằng ngày, những dấu chỉ ơn cứu độ đã được ban cho mọi người qua và trong Đức Giêsu Kitô. Không biết bao nhiêu tổ chức, không biết bao nhiêu dân nước đang ra sức để làm cho việc phân phối tài nguyên trong thế giới được công bằng hơn; những nổ lực nghiên cứu để cải tiến các cấu trúc xã hội nhằm đẩy mạnh việc tôn trọng các quyền con người và cổ vũ công lý và hòa bình; những cố gắng mà khắp nơi trong thế giới đang có đối với công tác bảo vệ môi sinh của địa cầu: đó là bao nhiêu dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của Nước Thiên Chúa ở giữa lòng thế giới, một sự hiện diện vượt cả ra ngoài ranh giới hữu hình của Giáo hội cũng như của các cộng đoàn tín hữu. Vấn đề là ở chỗ có biết để ý mà nhìn hay không: nhìn với một cặp mắt đức tin để có thể nhận ra công trình cứu độ con người, hay là chỉ nhìn với thái độ không tin để rồi chỉ biết ngỡ ngàng trước tình trạng con người phải thúc thủ chịu cảnh dính líu với tội lỗi.
Mọi người trong nhân loại đều được mời gọi để tiếp nhận cho chính mình những khả năng mới, tức là phương thức cứu độ nói trên: đó là khả năng sống theo đường lối của Nước Thiên Chúa. Bằng cách nào? Bằng cách đừng sống và hành động theo lối cá nhân đơn độc, chỉ cậy dựa vào sức riêng của mình, vì làm thế là đi vào ngõ cụt bất lực, nhưng là biết sống kết liên với cộng đoàn các tín hữu, trong niềm tin vào Đức Kitô sống lại. Nhờ phép Thanh tẩy (Rm 6), con người được ghép vào trong thân mình của một cộng đoàn sống niềm tin, lòng cậy và tình mến. Trong đó, con người ngụp sâu vào trong sự chết và sống lại của Đức Kitô để chết cho tội lỗi và nhận lãnh sự sống mới được ban cho trong Thánh Linh (Rm các chương 7-8).
Khẳng định như thế về niềm tin đối với giáo lý nguyên tội có một tầm cở quan trọng như thế nào trong thực tế? Trong bình diện cá nhân, người kitô sẽ gắng hết sức mình để từ bỏ mọi thái độ, mọi hành động cố tình đồng lõa với tội lỗi trong thế gian. Khoa dạy giáo lý cổ truyền đã nhấn mạnh rất nhiều đến điểm này của đức tin kitô bằng cách trình bày giáo lý về “tội trọng”. Vì thế, không nên bỏ quên mà không trình bày cho thấy rằng điểm giáo lý này có liên hệ chặt chẽ với thực trạng các cơ cấu tội lỗi đã và đang thực sự gây ra chết chóc cho hàng triệu người trong nhân loại; cả những thái độ và hành động cố tình đồng lõa với các cơ cấu này cũng là những gì còn đang tiếp tục gây ra chết chóc. Vậy, trong khi dạy giáo lý, cần phải trình bày về những khía cạnh căn bản của các quyền con người, cũng như về giáo thuyết xã hội của Giáo hội. Và phải tránh cách kiểu giới thiệu Đức Kitô như là Đấng chỉ đến để mang lại một thứ “ơn cứu độ cá nhân bỏ túi” mà mỗi người có thể chiếm hữu được nhờ đọc kinh và chịu các bí tích. Làm thế là bỏ sót đi mối giây liên đới cụ thể mà Đức Kitô hằng giữ bền chặt với những người bị ruồng bỏ vất vưởng bên lề đường dài của lịch sử.
Tuy nhiên, nếu chỉ có như thế thôi, thì lối nhìn kia vẫn chưa có thể được coi là đầy đủ, vì nó còn nhấn mạnh quá nhiều đến tính cách cá nhân của tội lỗi. Trong khi đó, đối diện với các cơ cấu thống trị, con người lại không thể nào đứng riêng rẽ đơn độc mà không bị sa vào lầy diệt vong của thực trạng thúc thủ bất lực, hoặc của thái độ khoái kết tội cho chính mình, là một thái độ không mấy lành mạnh. Do đó, cần phải nêu rõ cho thấy tầm quan trọng cực kỳ to lớn của một hành động tập thể và có tính cách liên đới, tức là nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cộng đoàn kitô và hoạt động đầy sức mạnh giải phóng mà cộng đoàn kitô đang triển khai ra ở giữa lòng thế giới loài người. Lối nhìn giáo lý theo con mắt cổ điển thường nối chặt cuộc sống cộng đoàn lại với việc tham dự bí tích. Trong khi đó lại không coi trọng cho đủ việc các cộng đoàn phải hoạt động để cổ vũ công lý và hòa bình. Nhưng đây lại là khía cạnh chủ yếu. Chỉ thúc đẩy mọi người phải lo cho cá nhân họ nên thánh mà thôi thì chưa đủ; còn cần phải cùng nhau xây dựng các cộng đoàn tình yêu biết dồn nổ lực để làm nên sức mạnh hầu đối phó với các cơ cấu bất công thì mới được. Chính khi biết cùng nhau chung sức thì chúng ta mới có thể làm cho Nước Thiên Chúa đang hiện diện ngay đó, triển nở sung mãn được; chính khi biết cùng nhau nắm tay thì chúng ta mới có thể chết cho tội lỗi hằng tràn lan trong lịch sử, và mới có thể tích cực đón nhận ơn cứu độ đang hiện diện trong chúng ta được. Cùng nhau và cùng với nhiều người khác, trong tinh thần tương kính và đối thoại theo chân lý, cố gạt bỏ ra ngoài mọi lắng lo giữ cho được thế quân bình lực lượng, để mọi người, nam cũng như nữ, có thể sống “theo hình ảnh của Thiên Chúa”, được tôn trọng đúng với phẩm giá của mình: đó là cách thức tích cực đón nhận và hữu hiệu xây dựng nước Thiên Chúa vậy.
Nguyễn Thế Minh chuyển ngữ
[1] Cuốn sách của G. Martelet, mang tựa đề Libre réponse à un scandale, la faute originelle, la souffrance et la mort, Cerf, 1986, 1987 tái bản lần thứ ba, đã phát động một luồng tranh luận mãnh liệt trong lãnh vực thần học. Công trình nghiên cứu của Martelet đã bị P. Masset đặt lại vấn đề trong bài viết tựa đề Réflexion philosophique sur le péché originel, đăng trên Nouvelle Revue Théologique, 110, 1988, tt. 879-921; rồi sau đó cũng đã bị B. Pottier phản bác qua bài mang tựa đề Interpréter le péché originel avec G. Fessard, đăng trong NRT 1989, tt. 801-823. Gần đây, A. Chapelle đã dựa theo quan điểm thần bí mà nghiên cứu vấn đề qua bài Méditations sur nos premiers parents, đăng trong NRT 112/5, 1990. Cuộc tranh luận diễn biến chung quanh điểm chủ chốt này là: làm sao để có thể điều hòa được các cứ liệu khoa học hiện đại với giáo thuyết cổ truyền của Giáo hội, đặc biệt là giáo thuyết dạy về “tính chất độc nhất của tội lỗi đầu tiên mà cá nhân một Ađam lịch sử đã mắc phạm” và việc truyền lưu tội lỗi ấy đến toàn thể nhân loại. Ở đây chúng tôi sẽ dựa theo kỹ thuật dạy giáo lý và chú giải Kinh Thánh mà bàn tới các vấn đề nêu trên, và kỹ thuật này sẽ tiến theo một lối lập luận khác hẳn.
[2] Xem Catéchisme à l’usage de tous les diocèses de Belgique, Desclée De Brouwer, Les Presses St Augustin, Bruges, 1959, câu hỏi 47-63, tt. 21-23, và Catéchisme et Manuel national à l’usage des diocèses de France, Nouvelle édition, Mame, 1947, câu hỏi 48-56, tt. 34-36.
[3] MV số 62; Tuyên ngôn Mysterium Ecclesiae, trong La Documentation Catholique, số 1636, 15.07.1973, t. 667. Dù còn là vấn đề chưa ngã ngũ xét theo quan điểm các khoa học truyền thông, việc phân biệt giữa ý nghĩa và hình thức diễn đạt vẫn là phương thức thiết dụng đối với công trình giải thích Kinh Thánh và các tín điều. Liên quan đến vấn đề này, xin xem: W. Kasper, La Théologie et l’Eglise, bộ Cogitatio Fidei, 158, Cerf 1990, tt. 35-52. 87. 95-132, và R. Marlé, La question du pluralisme en théologie, trong Gregorianum 71/3, 1990, tt. 463-486, đặc biệt là các tt. 478482)
[4] Xem P. Gibert, Péché originel ou problème occidental? trong Etudes, (371/3), tháng 09, 1989, t. 254: “Ở vào một thời mà trẻ em lớp giáo lý vở lòng nào cũng đã từng nghe nói tới học thuyết tiến hóa, nếu cứ khăng khăng dùng lối áp đặt lên trên đầu não của chúng những quan niệm và hình ảnh thuộc một thời khác và hoàn toàn đi ngược lại với những gì các em học biết được từ nhiều phía khác, để mà trình bày về nguồn gốc loài người, thì chẳng khác chi là chủ trương bóp nghẹt cái thế quân bình của đức tin nơi các em cho chết mất đi”. Xin xem thêm MV số 62).
[5] Sách viết về thuyết “Big Bang” thì vô số! Để có một khái niệm có tính cách khoa học về thuyết này, về những khó khăn nó gặp phải, cũng như về những hình thức trình bày nó, xin đọc J. Demaret và Ch. Barbier, Le principe anthropique en cosmologie, trong Revue des questions scientifiques, 1981, 152 trg, 181-222, và 461-509, cũng như J. Demaret, L’univers, la Physique et l’homme, trong Création et salut, Publications des Facultés universitaires St Louis, bộ Théologie, Bruxelles, 1989, tt. 45-74. Nếu muốn có một lối trình bày đại chúng hơn, thì đọc H. Reeves, Patience dans l’azur, l’évolution cosmique, bộ Points, Sciences, S 55, Seuil, 1988, tái bản lần thứ hai, và L’heure de s’enivrer: l’univers a-t-il un sens?, Seuil, 1986. Liên quan đến thuyết sinh vật tiến hóa, xin xem Joel de Rosnay, Les origines de la vie, de l’atome à la cellule, bộ Points, Sciences, S 10, Seuil, 1977; cuốn này đã được bổ túc để trở thành cuốn L’aventure du vivant, bộ Sciences ouvertes, Paris, Seuil,1988.
[6] Xem Ch. Montenat, Luc Plateau, P. Roux, Pour lire la création dans l’évolution, Cerf, 1984; E. Bonné, Paléontologie et reconnaissance de l’homme, trong Etudes, janv. 1980, tt. 39-57.
[7] Giữa các kiểu mẫu vũ trụ khác nhau có thể có được, kiểu vũ trụ thật sự hiện hữu như đang thấy trong thực tế đây, là kiểu đòi phải hội đủ những điều kiện hết sức đặc biệt đến độ, tiên nghiệm (a priori) mà nói thì rất khó để nó có thể trở thành hiện thực được. Vậy thì phải giải thích biện bạch thế nào đây về sự hiện hữu của nó? Có những nhà vũ trụ học đã đưa ra giả thiết cho rằng: chính sự hiện diện của con người ở trong vũ trụ đã là yếu tố quyết định cho các điều kiện ban sơ của vũ trụ được thành hình cũng như hội đủ, và do đó, cũng là yếu tố quyết định cho cả tính chất đẳng hướng (isotropie) hiện nay của vũ trụ nữa. Thuyết này được gọi là “Nguyên tắc duy nhân” (principe anthropique). Xem bài viết của J. Demaret và C. Barbier, op. cit., tt. 461-509, và J. Demaret, op. cit., tt. 76-83. Cũng xin xem thêm J. Ladrière, Approches philosophiques de la création, trong La création dans l’Ancien Testament, bộ Lectio Divina, 127, Cerf, 1987, tt. 13-38.
[8] Xem Ch. Montenat, L. Plateau, P. Roux, Pour lire la création dans l’évolution, Cerf, 984, tt. 49. 63-81.
[9] Điều này sẽ đưa đến kết luận nói rằng con cháu của cặp vợ chồng này rồi phải lấy nhau để sinh ra loài người về sau. Đúng thế, thường thường các trẻ em học giáo lý đã tức khắc phản ứng và kết luận như vậy. Nếu thế thì ngay từ thuở khai sinh nhân loại, hành động tạo dựng đã đặt việc loạn luân như là điều kiện cần thiết cho đà phát triển về sau của loài người. Người dạy giáo lý không thể làm ngơ trước một vấn đề như thế được
[10] Liên quan đến các vấn nạn mà khoa sinh vật học đặt ra cho giáo lý cổ truyền, xin xem C. Heddebaut, Biologie et péché originel, trong La culpabilité fondamentale, péché originel et anthropologie moderne, bản khảo cứu liên khoa xuất bản dưới quyền điều hành của P. Guilluy, bộ Recherches et synthèse, Gembloux, Duculot, 1975, tt. 153-164.
[11] Dĩ nhiên là trừ khi có một trong các bộ môn này vượt ra khỏi lãnh vực chuyên môn của mình, và tự coi là có thẩm quyền tuyệt đối đối với các thành quả nghiên cứu của mình. Đó không phải là chuyện hiếm xảy ra. Liên quan đến việc phân biệt giữa hai bình diện như đã nói trên, xin đọc những trang nhận định rất sáng suốt của Clodovis Boff, Théorie et Pratique, La méthode des théologies de libération, bộ Cogitatio Fidei, Paris, Cerf, 1990, tt. 53-58. 145165
[12] Hơn ba thế kỷ rưỡi trước đây, vào ngày 12 tháng 4 năm 1615, Đức thánh hồng y Roberto Bellarmino đã viết cho ông Galilée như sau:”Nếu thực sự đã có một bằng chứng xác đáng về sự việc… mặt trời không quay chung quanh trái đất, mà là trái đất quay chung quanh mặt trời, thì lúc đó chúng ta cần phải tiến hành một cách hết sức cẩn trọng trong việc giải thích các đoạn Kinh Thánh xem ra chỉ dạy ngược lại, và cần phải nhận rằng chúng ta đã không thấu hiểu chúng cho đúng…”. Xem J.-P. Lonchamp, L’affaire Gallilée, bộ Bref, Cerf, 1988, t. 41.
[13] Chúng tôi theo sát tư tưởng của L. Alonso-Schoekel, “Motivos sapienciales y de alianza en Gen 2-3”, trong Biblica 43 [1962], tt. 296-316 trưng dẫn trong P. Beauchamp, Etudes sur la Genèse: L’Eden, les sept jours, les Patriarches, ad instar manuscripti, Lyon, 1971, tt. 7-43. Xem thêm J. Briend, Genèse 2-3 et la création du couple humain, trong La création dans l’Orient Ancien, Cerf, 1987, tt. 123-138; P. Gisel, La Création, Labor et Fides, 1987, tái bản lần 2, tt. 32-39; J. Vermeylen, Au commencement, une lecture de Gen. 1-11, pro manuscripto, CETEP, Bruxelles, 1986, tt. 47-91.
[14] Dùng từ ngữ tác giả nguồn Giavê là để cho giản tiện; chứ thực ra, bắt đầu từ thời vua Đavít, câu chuyện sáng thế có lẽ đã được tác giả sửa lại dưới thời Salômon, rồi sau đó vào khoảng năm 585, cũng được trường phái đệ nhị luật (deutéronomiste) trau chuốt lại, và cuối cùng, trong thời lưu đày và hậu lưu đày, lại được tác giả nguồn tư tế (P) hoàn tất. Nhưng, đoạn nói về tội lỗi thì thường được coi như là của tác giả nguồn Giavê. Xin xem J. Vermeylen, Le Dieu de la promesse et de l’Alliance, trong Lectio Divina, 126, Cerf, 1986, tt. 24, 28, 115.
[15] Công trình phân tích văn bản câu chuyện cũng như việc đem so sánh bản văn với Ed 28,11-19 và 31,1-18, đều đưa người ta đến chỗ nghĩ rằng tác giả nguồn Giavê (Yahviste) đã lấy lại một huyền thoại vua chúa thuở xưa, đặc biệt là trong các đoạn 2,1-17 và 3,20-24. Và như thế, có thể là Ađam tượng trưng cho nhà vua của Ítraen, còn cây của khả năng nhận thức lành dữ thì tượng trưng cho quyền bính nhà vua (xem 2Sm 14,7 và 1V 3,9). Xin xem P. Beauchamp, op. cit. tr. 31, và J. Vermeylen, Fatalité du mal et responsabilité morale au regard de la Bible, trong Péché collectif et responsabilité, Publi. Univ. St Louis, bộ Théologie, Bruxelles, 1986, tr. 41-43. Ngoài ra, từ ngữ “là xương và thịt” thường được dùng để chỉ mối kết liên giữa nhà vua và nhân dân trong nước (xem Tl 9,2; 2Sm 5,1; 19,13). Xem L. Ligier, Péché d’Adam et péché du monde, trong bộ Théologie, số 43, Aubier, 1960, tr. 232-282, đặc biệt là các tr. 240 và 246-249.
[16] Xem J. Scharbert, Le péché originel dans l’Ancien Testament, bộ Quaestiones disputatae, Desclée de Brouwer, 1972, tr. 38: “Trước tiên, có thể coi thị tộc như là hình ảnh của đại ngã (grand-moi); nó là hình thể biểu thị một vị tổ phụ quá cố đã từ lâu, nhưng vẫn sống còn ở giữa bộ lạc và ngược lại: người ta gán cho vị tổ phụ bản chất, hành động và cả chính cuộc sống hiện tại của bộ lạc nữa. Do đó, người ta không còn phân biệt rõ ràng giữa vị tổ phụ và bộ lạc, giữa những người đại diện cùng những người đứng đầu có trách nhiệm trong thị tộc và các cá nhân thành viên. Ít nhiều thì những thực thể và cá nhân giữa họ cũng chỉ làm thành có một bản sắc duy nhất mà thôi”. Nhận định này soi sáng rất nhiều cho vấn đề: nó giúp cho ý niệm về một loại “tội di truyền” được sắc hoạch hơn, bởi nó cho thấy rõ hơn về mối tương quan giữa vị tổ phụ và thị tộc của ông.
[17] J. Scharbert, op. cit.,tr. 93-97
[18] Liên quan tới điểm này, xin xem A. Gesche, Dieu et le mal, trong Péché collectif et responsabilité, op. cit., tr. 69112.
[19] Theo tác giả nguồn Giavê, thì hoài vọng ấy là do “Con Rắn” gợi lên bằng cách gieo rắc ngờ vực đối với Lời Giavê và biến hình ảnh Thiên Chúa thật thành “một ông thần” giống như thần linh của các dân ngoại, “một thần linh” đầy ganh tị, lo khăng khăng giữ kỹ những đặc quyền của mình, và không muốn thấy con người trở thành giống mình cũng như thẳng tay dùng cái chết mà trừng trị những ai bất phục tùng (St 3,4). Tin vào một thần linh như thế là chuyện không thể nào chịu nổi được, và chỉ có hành động vi phạm cấm lệnh mới có thể giải phóng cho khỏi sợ hãi ông ta. Liên quan đến Xa-tăng như là biểu tượng của sự dữ, xin xem G. Tavard, Satan dans la catéchèse, trong Lumen Vitae 45(1990).
[20] Xét theo khoa học, chết về mặt sinh học là sự kiện “tự nhiên” đối với mọi sinh vật, kể cả con người. Vậy thì tại sao lại coi sự chết như là một hậu quả của tội lỗi? Nhận xét thánh Phaolô đưa ra có thể soi sáng cho vấn đề này. Ít là trong các thư đầu của ngài, thánh nhân đã nghĩ rằng mình sẽ không phải chết. Ngài xác tín rằng cuộc Quang lâm (Parousie) đã gần kề, và mình sẽ ở trong số “những người vẫn còn sống sót” cho đến giây phút ấy, tức là những kẻ “sẽ được đưa qua các tầng mây đến gặp Chúa Kitô trên không trung” (1Tx 4,15-17), mà không phải đi qua ngõ sự chết. Vì đối với thánh nhân, kể từ khi Chúa Kitô sống lại, việc kết thúc cuộc sống chỉ đơn thuần là một chuyến sang ngang, một cuộc biến đổi thân xác hay chết của con người trở thành thân xác thiêng liêng (1Cr 15). Thánh Augutinô đã áp dụng nhận xét này cho trường hợp của Ađam và Evà: “một ngày kia, hai ông bà sẽ được biến đổi trở thành thân xác thiêng liêng, và không phải trải qua thử thách của sự chết, họ sẽ bước vào trong tình trạng không hư nát đã được hứa ban cho những ai trung tín và cho các thánh” (De meritis, 1,2). Đó cũng là đức tin của Giáo Hội đối với Đức Maria đồng trinh. Như thế, có thể được coi là chính đáng việc phân biệt giữa một bên là cái chết về mặt thể lý: giống như là chuyến sang ngang nói trên đây, và là một điểm nằm trong kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa, và bên kia là tâm trạng kinh hoàng mà sự chết bắt buộc con người phải sống qua: tâm trạng bị bứt nhổ ra khỏi sự sống, bị chia lìa xa khỏi người khác và cả chính mình. Biết sống sự chết với một thái độ nhận thức hiện sinh như thế là làm chứng cho thấy rằng tất cả chúng ta đều có tội và đều bất lực, không thể nào tự giải cứu mình được.
[21] 21. W. Kasper, Jésus, le Christ, Cerf, 1976, tr. 304-305
[22] Idem. tr. 307
[23] Thông điệp Sollicitudo rei socialis đã nhấn mạnh rất nhiều đến các guồng máy “tai ác” loại ấy, và nhận định rằng “chúng thường vận hành một cách hầu như tự động” (các số 16,17,19); về mặt thần học, chúng được giải thích như là “những cơ cấu tội lỗi” (số 36). Xin xem M. Schooyans, Dérives totalitaires et “structures de péché” trong NRT, 110, 1988, tr. 481-502; I. Berten, Péché du monde et royaume de Dieu, trong Péché collectif et responsabilité, op. cit., tr. 163-189; G. Fourez, Une Bonne nouvelle pour le monde, Novissima,1987, tr. 56-57, 65-68, và Les sept sacrements, Centurion, Ed. Paulines, 1989, tr. 81-82.