Năm 2013, thông điệp Hoà bình dưới thế kỷ niệm 50 năm ra đời. Chắc chắn đây là một trong những thông điệp quan trọng nhất trong thế kỷ XX. Thông điệp được biên soạn nhờ sự góp công của nhiều người, trong số đó có cả những người không Công giáo. Thông điệp chất chứa nhiều hoài bão và hy vọng, và đã được đón nhận bởi phần lớn các nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, thông điệp còn góp phần mang lại uy tín cho Giáo Hội và Đức Giáo Hoàng giữa một thế giới trong giai đoạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tục hóa. Đây là thông điệp đầu tiên không chỉ dành cho các giám mục hay tín hữu Ki-tô giáo mà còn hướng đến tất cả những ai thiện tâm. Hơn nữa, thông điệp được ban hành vào thời điểm hết sức đặc biệt cho cả Giáo Hội, vì Giáo Hội vừa khai mạc công đồng chỉ được gần một năm. Thông điệp này còn đặc biệt cho cả thế giới, vì chỉ trong vài tháng trước, cả thế giới vừa trải qua nỗi sợ hãi về một cuộc chiến nguyên tử khốc liệt, thường được gọi là cuộc khủng hoảng Cuba.[1] Trong thời điểm ấy, cả thế giới đang sống trong tình trạng giằng co dưới sự điều khiển bởi hai siêu thế lực đang thống trị.[2]
Thông điệp của Đức Thánh Cha đưa ra một khảo luận sâu rộng và đầy đủ về chủ đề hoà bình, trong tương quan với cộng đồng chính trị và cộng đồng quốc tế, đụng chạm đến những vấn đề đạo đức hết sức nhạy cảm và thời sự. Như có thể dự đoán, thông điệp này là nguồn quý giá cho việc hình thành các tài liệu quan trọng của Công Đồng sau đó như hiến chế Vui mừng và hy vọng (Gaudium et spes) và tuyên ngôn về tự do tôn giáo Phẩm giá con người (Dignitatis humanae). Trong bài viết này chúng ta xem xét cách vắn gọn tiến trình hình thành thông điệp và phân tích từ góc nhìn lịch sử những đoạn văn quan trọng nhất.
Tiến trình hình thành thông điệp “Hoà bình dưới thế”
Nhật ký của Đức Hồng Y Roberto Tucci, khi đó là giám đốc tạp chí Civiltà Cattolica, có nhắc đến và nêu bật những khía cạnh quan trọng trong tiến hình hình thành của thông điệp này. Khi nói về cuộc gặp gỡ giữa ngài và Quốc Vụ Khanh Toà Thánh lúc ấy là Hồng Y Amleto Cicognani, Hồng Y Tucci ghi nhận: “Về thông điệp này, ngài nói với tôi, ý tưởng ban đầu đến từ Đức Hồng Y Pavan. Ban đầu bản văn rất dài và Đức Thánh Cha, người đã theo dõi tất cả tiến trình, nhận thấy rằng nội dung quá khô cứng; do vậy, các đoạn trích Kinh Thánh và huấn dụ được thêm vào. Sau đó Cha Ciappi sửa lại phần thần học và Đức Ông Zannoni rà soát lại lần cuối. Ấy là chưa kể những đóng góp từ phía Quốc Vụ Khanh Toà Thánh.”[3] Được gợi hứng từ những nguyên tắc đã định hướng giai đoạn đầu của Công đồng và dưới ánh sáng của bài diễn văn khai mạc Công đồng Gaudet Mater Ecclesia, Đức Thánh Cha đã mong muốn có một tài liệu không chỉ mang tính mục vụ hơn mà còn phong phú hơn về Kinh Thánh và các trích dẫn của các Giáo phụ.
Hồng Y Tucci tường thuật tiếp: “Đức Thánh Cha mong đợi lần này tài liệu không quá dính bén với Phủ Quốc Vụ Khanh để tránh sự chống đối của ‘những người bảo thủ,’ những người mà ngài đã biết từ trước […]. Đức Hồng Y Cicognani rất hài lòng về việc tài liệu được đón nhận và ngài nghĩ rằng tài liệu này rất tốt và phổ quát.” Vào thời điểm Đức Thánh Cha bắt đầu suy nghĩ để ra thông điệp, đã có một vài tờ báo nhận định về những điều sẽ xảy ra ngay sau cuộc khủng hoảng Cuba, điều mà Đức Hồng Y Cicognani nhận định là sớm xảy ra thôi. Đức Hồng Y Tucci kể tiếp: “Ngài nói với tôi rằng thông điệp về hoà bình cho Cuba được đón nhận nồng hậu bởi cả tổng thống Kennedy và tổng bí thư Krushchev, và nhờ vậy họ đều không bị mất mặt.”[4]
Theo ký ức của Đức Hồng Y Tucci, Đức Thánh Cha đã muốn soạn thảo một thông điệp về hoà bình cho thế giới, vốn là chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất, xuất phát từ tình hình liên minh quốc tế hết sức nhạy cảm vào thời điểm đó. Tài liệu này phải được biên soạn không bởi các vị hữu trách trong Giáo Triều, đặc biệt là Văn phòng Thánh Vụ (Sant’Uffizio, vốn là tiền thân của Bộ Giáo Lý Đức Tin, ND.), mà do những người chủ trương một nền thần học “hợp thời” hơn và nhạy bén trước những thách đố mới của thế giới đương đại. Đức Thánh Cha Gioan XXIII biết rằng việc này có thể ảnh hưởng quyết định đến Công đồng khi vừa kết thúc phiên họp đầu tiên mà chưa đạt được thành quả nào với nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chính trị-xã hội. Như đã kể, thông điệp này sử dụng ngôn từ hợp thời, ngỏ đến mọi tín hữu và những ai thiện tâm. Tuy vậy, đối tượng đầu tiên vẫn là các nghị phụ công đồng, những người được mời gọi canh tân giáo lý của Giáo Hội trong những vấn đề nền tảng, để nhờ đó Đức Thánh Cha hy vọng công đồng đạt được những đóng góp có giá trị hơn cho Giáo Hội.
Quá trình hình thành thông điệp được ghi chép lại rất cẩn thận, từng đoạn văn của thông điệp được kể lại rất chi tiết về mặt nguồn gốc lịch sử, cũng như được hỗ trợ thêm qua các tài liệu và các bản ghi nhớ khác. Phần nghiên cứu gần đây của Alberto Melloni đã khái quát toàn bộ tiến trình này.[5] Tất cả bắt đầu với bức thư đề ngày 23 tháng 11 năm 1962 của Đức Hồng Y Pietro Pavan, Viện trưởng trường Đại học Giáo Hoàng Laterano, gởi đến thư ký riêng của Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Loris Capovilla. Đó là một bức thư “tuyệt mật” mà viện trưởng trình bày cách tóm tắt khung sườn của một thông điệp mới, với nội dung về vấn đề chính trị-xã hội và có thể gây ra “tiếng vang lớn trên toàn thế giới ở mọi lãnh vực.”
Đức Hồng Y nói tiếp, thông điệp này có thể kiện toàn việc dấn thân của Giáo Hội trong lãnh vực kinh tế-xã hội, như được trình bày trong thông điệp Mater et magistra (Hiền Mẫu và Tôn Sư, 1961), thông điệp mà Đức Hồng Y Pavan, cùng với Đức Giám mục Ferrari Toniolo và Đức Hồng Y Parente đã có công soạn thảo. Nếu vị thư ký của Đức Thánh Cha nhận định rằng đề nghị này là khả thi, vị ấy có thể sẽ ngay lập tức cho tiến hành. Như đã dự đoán, đề nghị này, đã tồn tại trong tâm thức của Đức Thánh Cha từ lâu, được ngài hoàn toàn đồng ý. Ngay sau đó, Đức Hồng Y Capovilla và vị Quốc Vụ Khanh Toà Thánh, Hồng Y Cicognani, đã nhân danh Đức Thánh Cha chính thức trao cho Đức Hồng Y Pavan nhiệm vụ soạn thảo thông điệp liên quan đến những vấn đề nhạy cảm về chính trị-xã hội, đặc biệt về hoà bình thế giới. Thông điệp dự định được công bố dịp lễ Phục Sinh.
Trong nỗ lực soạn thảo thông điệp, Đức Hồng Y Pavan tham khảo hai nghiên cứu của chính ngài: Trật tự xã hội (1951) và đặc biệt là Dân chủ và những lý lẽ của nó (1958), ngài tham khảo và dường như sử dụng khung sườn này cho việc soạn thảo thông điệp.[6]
Phần đầu của thông điệp bàn về mối quan hệ hỗ tương giữa quyền và nghĩa vụ của con người, phản ánh rõ nét hai nghiên cứu nói trên. Trong bản văn, ngài sử dụng nhiều nguyên tắc của Bản tuyên ngôn nhân quyền được Liệp hiệp quốc công bố năm 1948. Lựa chọn này phù hợp với tâm thức của Đức Thánh Cha Gioan XXIII và sau đó được cả giới dân sự trân trọng. Về khía cạnh xây dựng kết cấu về giáo thuyết, tác giả nối kết chặt chẽ giáo lý truyền thống của luật tự nhiên, được đặt nền nơi Thiên Chúa là Đấng quan phòng đời sống con người và thụ tạo, với bốn nền tảng đời sống con người là sự thật, công lý, tình yêu và tự do. Xét về phương diện lịch sử và thần học, ý tưởng này đáng để ta lưu tâm vì tác phẩm này trình bày trật tự của sự thật và công lý gắn liền với tình yêu và tự do, là những điều phản ánh rõ nét giáo huấn của Giáo Hội trong thế kỷ XIX.[7]
Tiếp đến là phần nói đến các dấu chỉ thời đại, được xem là phần có nhiều điểm sáng tạo, mang đặc nét của Đức Thánh Cha Gioan XXIII. Đó là quan tâm đến thành phần lao động chân tay, việc giải phóng phụ nữ, tiến trình giải thuộc địa (decolonisation). Phần này trước tiên xem xét các nền tảng của thế quyền, tiếp đến là tương quan giữa các quốc gia. Trong phần này, tài liệu đề cập cách chung đến chủ đề nóng bỏng của việc giải giới vũ khí và vấn đề chiến tranh hạt nhân. Như là dấu chỉ thời đại, chương này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thương thảo trong bối cảnh chính trị thế giới đang bị phân chia thành những khối thế lực và có nguy cơ dẫn đến chiến tranh. Ngay sau đó, thông điệp nhấn mạnh rằng “hầu như không thể nghĩ rằng trong thời đại nguyên tử, chiến tranh có thể được dùng như công cụ của công lý” (số 127[8]). Phần này cũng nói đến sự phân biệt, rất được Đức Gioan XXIII trân trọng, giữa hệ tư tưởng triết học và các phong trào chính trị; điều này thực sự xảy ra trong lịch sử, tương thích với các dấu chỉ thời đại và đôi khi cộng tác vào việc thăng tiến hoà bình và sự phát triển giữa các dân tộc.
Tóm lại, đây là nội dung dự thảo của thông điệp mà Đức Gioan XXIII đã đọc vào ngày lễ Hiển Linh năm 1963. Về điều này, ngài ghi nhận trong nhật ký làm việc một cách đầy đủ rằng: “Tôi đã dành cả thời gian Kinh Tối, khoảng 3 giờ đồng hồ, để đọc thông điệp Phục Sinh đang được chuẩn bị này, do Đức Hồng Y Pavan trình lên: ‘Hoà bình giữa các dân tộc trong trật tự được Thiên Chúa thiết đặt, nghĩa là trong sự thật, công lý, tình yêu và tự do.’ Bản thảo dài 111 trang đánh máy. Tôi đã đọc tất cả, chỉ mình tôi, một cách chậm rãi và kỹ càng và tôi thấy rằng tài liệu này được chuẩn bị rất tốt. Phần cuối cùng, là ‘những hồi ức mục vụ’ rất hợp với tinh thần của tôi. Tôi bắt đầu cầu nguyện để tài liệu này, hy vọng sẽ công bố vào dịp lễ Phục Sinh, mang lại hiệu quả và sẽ trở thành động lực xây dựng to lớn.”[9]
Với sự chuẩn nhận của Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y Pavan cho tiến hành soạn thảo chính thức văn kiện. Các dữ kiện lịch sử cho biết ngày 08 tháng 01, Đức Thánh Cha cho triệu tập trong dinh tông toà của ngài gồm Hồng Y Capovilla, Hồng Y Cicognani và Hồng Y Pavan. Sau một lúc, hai vị trước ra về và Đức Gioan XXIII dành một tiếng rưỡi đồng hồ trò chuyện với tác giả của thông điệp. Các sử liệu không nói gì về nội dung cuộc trò chuyện. Theo Đức Hồng Y Pavan, Đức Thánh Cha nói đến tình hình ở Ý, đến khả thể cộng tác giữa người Công giáo với các đảng phái không Công giáo. “Ngài thêm rằng cần chú tâm vào việc cộng tác, hôm qua thì không thể, nhưng hôm nay thì có thể. Về điều này, Đức Thánh Cha, như một sử gia, có cái nhìn về hiện tượng này cách phổ quát chứ không chỉ đề cập đến tình hình đặc thù ở Ý.”[10]
Bản thảo mới của thông điệp về căn bản không khác so với dự định ban đầu. Có phần ước nguyện của Đức Thánh Cha được thêm vào. Tất cả được Đức Hồng Y Pavan thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 08 đến 24 tháng 01. Tựa đề tạm thời của thông điệp lấy ý tưởng từ Tin Mừng theo thánh Luca, Pax in terra.[11] Bản thảo được Đức Thánh Cha chuẩn nhận, sau đó được hai nhà thần học rà soát lại: một vị là thần học gia của Phủ Giáo Hoàng, một tu sĩ dòng Đa-minh, Cha Luigi Ciappi. Đây là một việc bắt buộc phải làm theo nguyên tắc, và cũng là để làm hài lòng những phản ứng không thể tránh từ phía những vị bảo thủ. Vị thứ hai đến từ bên ngoài Giáo Triều, là nhà thần học luân lý của Đại Học Giáo Hoàng Gregorian, Cha Georges Jarlot, Dòng Tên. Cũng nên nhắc lại là bản thảo không được trao cho bất cứ vị chức sắc nào trong Văn phòng Thánh Vụ xem xét, điều này, như cha Tucci nhấn mạnh trong hồi ký, không phải là không có nguyên do. Những nhận định của hai nhà thần học rất chính xác và thú vị: tuy xuất phát từ quan điểm truyền thống, những nhận định đó lại diễn tả sự trân trọng đối với những cởi mở của thông điệp liên quan đến các vấn đề xã hội, cùng với tầm vóc và ý nghĩa to lớn của thông điệp này.
Nhà thần học dòng Đa-minh nhìn chung khẳng định rằng, để tránh những nhầm lẫn hay hiểu sai về giáo lý, cần nối kết thông điệp mới này với giáo huấn của các giáo hoàng tiền nhiệm, cụ thể là của Đức Leone XIII và Đức Pio XII. Ngài nhấn mạnh, một cách ngắn gọn nhưng chính xác, năm điểm sau:[12] (1) nói rằng mỗi con người đều có quyền tự do dường như sẽ đi ngược lại với những lên án chủ nghĩa cấp tiến và quan niệm các tôn giáo là như nhau (indifferentism) được nói đến trong các văn kiện quan trọng của tất cả các Đức Thánh Cha trong thế kỷ XIX; (2) luận điểm tôn thờ Thiên Chúa theo lương tâm có thể gây ra những diễn giải nguy hại và chống lại giáo lý Công giáo, nên chăng đề cập đến “lương tâm ngay thẳng,” nghĩa là những ai thực hành đức tin chân thật, do vậy việc còn lại cần bảo vệ là thực hành đức tin phù hợp với chân lý mạc khải; (3) luận điểm về việc coi phụ nữ như một cá nhân và quan niệm đồng đẳng về quyền và nghĩa vụ của giữa phụ nữ và nam giới có lẽ không cùng hướng đi với những gì Giáo Hội, khởi đi từ thánh Phao-lô, đã luôn dạy dỗ; (4) việc khẳng định rằng thế quyền có lẽ sẽ không công bằng khi thực hiện những hành động ngược lại với luân lý, và trở nên nguy hiểm trong trường chính trị và có thể biện minh cho mọi kiểu đối nghịch lại quyền lực; (5) đoạn văn nói về sự phân biệt giữa các triết thuyết chính trị sai lầm và các phong trào chính trị phát sinh từ đó có lẽ cũng nguy hại. Cha Ciappi cho rằng không phù hợp và không khuyến khích mọi hình thức cộng tác với các đảng phái từ chủ nghĩa cộng sản. Trong mọi trường hợp ngài phản đối khẳng định của thông điệp khi hy vọng giáo dân phủ nhận hay hạn chế việc cộng tác ấy như là điều Giáo Hội và giáo huấn luân lý không mảy may quan tâm.
Nói tóm lại, các quan sát của vị thần học gia này đối với bản thảo không phải là không có giá trị. Các điểm ấy có thể tóm kết lại trong hai điều: một mặt, vị này không đồng ý việc giáo huấn của Giáo Hội thể hiện sự không liên tục trong các điểm quan trọng như vấn đề đạo đức-xã hội; mặt khác, dưới ảnh hưởng của tư tưởng tân Tô-ma, ngài không đồng tình với viễn tượng mà tài liệu diễn tả, coi sự kiện lịch sử (dấu chỉ thời đại) là nơi ưu tiên mà Tin Mừng nói với con người thời đại.
Đức Thánh Cha không lưu tâm những nhận định của vị thần học gia này, mặc dù ngài vẫn theo một vài điểm gợi ý. Đặc biệt về vấn đề “lương tâm ngay thẳng” sẽ được thêm vào trong tiến trình soạn thảo. Bản thảo sau đó được trao cho Đức Ông Guglielmo Zannoni để dịch sang tiếng La-tinh, một việc không dễ dàng và cũng không dễ chịu, nhất là những đoạn nói về chiến tranh hạt nhân (lãnh vực mới cho một chuyên gia tiếng La-tinh) và về vấn đề luân lý.[13]
Thông điệp được Đức Gioan XXIII ban hành, trước ống kính đài truyền hình quốc gia Ý, ngày 11 tháng 04 năm 1963, nhằm ngày thứ Năm Tuần Thánh. Khi giới thiệu thông điệp này cho thế giới, Đức Thánh Cha nói những lời rất ý nghĩa: “Thông điệp này với dung mạo và đặc tính đại kết, có thể được hiểu cách phổ quát bởi tất cả mọi người. Các luận điểm của thông điệp là để đạt đến sự đồng thuận của tất cả những ai có lý trí và tự do, ngay cả đối với những người không cùng niềm tin và viễn tượng siêu nhiên về cuộc sống của Giáo Hội Công Giáo. Thông điệp giãi bày một sự khai mở chân lý và, cho dù bàn về những vấn nạn, mở ra trong lương tâm con người hôm nay sự phong phú của giáo huấn của Giáo Hội, thực hiện nhằm phục vụ chân lý cách trực tiếp.”[14]
Thông điệp được chia làm bốn phần, khởi đầu với lời chào và phần giới thiệu. Những lời đầu tiên, cũng là tựa đề của văn kiện, hướng đến nền hoà bình thế giới và việc cần thiết tôn trọng trật tự Thiên Chúa đã thiết lập: “Hoà bình trên trái đất, khao khát sâu thẳm của mọi người mọi thời, chỉ có thể được cải thiện và củng cố trong sự tôn trọng trọn vẹn trật tự mà Thiên Chúa đã thiết đặt.”
Phần đầu văn kiện bàn về trật tự giữa con người với nhau, cả về phương diện quyền lợi và nghĩa vụ được mong đợi ở mỗi người xét như một cá nhân. Phần hai nói về mối tương quan giữa con người và quyền lực trong nội bộ các cộng đồng chính trị. Phần thứ ba là tương quan giữa các cộng đồng chính trị, bàn về việc giải giáp vũ khí và loại bỏ chiến tranh trong trật tự thế giới mới. Phần thứ tư là tương quan giữa con người và các cộng đồng chính trị với cộng đồng quốc tế. Như đã đề cập, mỗi một phần đều chỉ ra “những dấu chỉ thời đại” mà Giáo Hội phải đặc biệt lưu tâm và chắc chắn đây là những điểm quan trọng nhất của văn kiện, nơi bộc lộ rõ nhất tinh thần của Đức Gioan XXIII và định hướng ngôn sứ của văn kiện giáo hoàng. Phần cuối cùng, cũng rất đáng lưu tâm, nói về những hồi ức mục vụ.
Trong bài viết ngắn này, chúng ta chỉ bàn đến một vài điểm được cho là quan trọng nhất. Thực ra, do cấu trúc chặt chẽ và phong phú về nội dung, văn kiện cần được tìm hiểu cách tổng thể và đào sâu dưới khía cạnh luân lý cũng như cần đối chiếu với các văn kiện của Công đồng khi bàn đến những đề tài tương tự.
Toàn bộ phần đầu của thông điệp được dành để nhấn mạnh giá trị tuyệt đối của con người, cùng với quyền lợi và nghĩa vụ, “ngay lập tức và đồng thời gắn liền với chính bản tính của mình” và do đó mang tính “phổ quát, không thể bị xúc phạm, không thay đổi” (số 8). Thông điệp khởi đi từ việc khẳng định quyền lợi và nghĩa vụ của con người trong tư cách là cá nhân có nền tảng từ Thiên Chúa chứ không từ chính bản tính bị vương bẩn bởi nguyên tội và sa ngã. Đây rõ ràng là một viễn tượng mới: Đức Thánh Cha nhìn về con người và về lịch sử của loài người với ánh mắt tích cực và với niềm hy vọng, cho dù tồn tại những nguy cơ hiện sinh đến từ mối đe doạ chiến tranh hạt nhân, từ bất quân bình xã hội và từ bất bình đẳng giữa các dân nước.
Một điểm mới khác của thông điệp là cách quan niệm về con người và cách đọc thực tại của lịch sử. Điểm nhấn mạnh của thông điệp là con người như một chủ thể với các quyền lợi, chứ không phải là chân lý được hiểu trừu tượng như là một hệ thống các nguyên tắc, dù đó có là các nguyên tắc chính đáng và hữu ích. Chân lý, cùng với công lý, tình yêu vàtự do, được coi là một trong các “cột trụ” của thông điệp. Nhưng các trụ cột ấy không phải là những chủ thể với các quyền lợi. Chỉ con người, hình ảnh Thiên Chúa, mới có quyền hạn này. Dưới ánh sáng của điểm này, người ta mới hiểu hơn lời của thông điệp khi mời gọi chúng ta không bao giờ đánh đồng giữa tội lỗi và tội nhân, “cả khi nói đến những lầm lỗi hay thiếu hiểu biết trong lãnh vực luân lý-đạo đức. Tội nhân mãi là, và trên hết, là một con người và trong mọi trường hợp luôn có nhân phẩm, do vậy luôn được đối xử và xem xét sao cho phù hợp với nhân phẩm ấy” (số 159). Đức Thánh Cha nói tiếp: nơi con người, khao khát thoái khỏi xiềng xích tội lỗi và mở ra với chân lý không bao giờ bị dập tắt. Đây là lời mời gọi cho tất cả mọi người, có niềm tin hay không có niềm tin, để cộng tác và thấu hiểu trong bối cảnh hiện tại, bởi đây “có thể là dịp để khám phá ra chân lý và để biến chúng thành hiện thực.”
Như đã nói, cốt lõi của thông điệp là vấn đề hoà bình trên thế giới. Thông điệp nhắm đến mục đích này với bốn cột trụ đã đề cập, do vậy cả với tự do và chính chân lý. Thông điệp bàn đến việc cần thiết phải giải giáp vũ khí và mối nguy hại của việc chạy đua vũ trang khiến cho thế giới lâm nguy, bởi “con người sống trong lo sợ về một cơn bão có thể xảy đến bất cứ lúc nào với độ tàn phá không thể hình dung được” (số 111), và thế giới trở nên nghèo hơn và ít tin tưởng nhau hơn. “Cần đồng thời và cùng nhau giảm bớt vũ khí – Đức Thánh Cha van nài – hãy loại trừ vũ khí hạt nhân và tiến tới giải giáp toàn bộ vũ khí” (số 112).
Khi giải thích các dấu chỉ thời đại, Đức Gioan XXIII nhận định rằng, với những người thiện tâm, lan tỏa niềm hy vọng luôn tốt hơn là gây xung đột. Đây là điều các nước có thể đạt được ngang qua đối thoại. Ngài nói việc đối thoại ngày nay cần được thúc đẩy, nhất là khi đứng trước thực trạng sức mạnh hủy diệt của vũ khí hiện đại, “và nỗi ám ảnh khi nghĩ đến sự phá hủy và đau khổ do vũ khí gây ra cho gia đình nhân loại. Bởi đó, không thể nghĩ rằng trong thời đại nguyên tử, chiến tranh có thể được dùng như là công cụ của công lý” (số 127). Luận điểm này lên án chiến tranh nói chung và loại bỏ khỏi giáo lý truyền thống khái niệm “chiến tranh hợp pháp” do các nhà thần học luân lý hậu công đồng Trento khởi xướng.
Trong thực tế, các nguyên tắc luân lý phản chiến đã được huấn quyền nhắc tới vào thời các Đức Thánh Cha tiền nhiệm, cụ thể là thông điệp trên đài phát thanh của Đức Pio XII năm 1944. Theo các Đức Thánh Cha, chiến tranh là một điều xấu phải tránh, nhưng nó vẫn xảy ra do sự ích kỷ của con người và sự thiếu thiện chí trong thế giới hiện đại trong việc theo đuổi giáo huấn của Giáo Hội về luân lý. Giáo huấn này lường trước mọi tình huống chiến tranh tự vệ chính đáng và chiến tranh phản công, đôi khi để tái thiết lập quyền lợi đã bị xâm phạm. Thông điệp Hoà bình dưới thế đoạn giao với những quan niệm sử dụng các dữ kiện thực tế như là cái cớ để biện minh, và khẳng định rằng chiến tranh đương đại không thể kiến tạo công lý theo kiểu bất chấp mọi cách. Những quan niệm như thế không áp dụng tiêu chí của thần học luân lý, mà đơn thuần chỉ đọc và diễn giải theo lối quy nạp các biến cố lịch sử; bởi đó sự đối đầu và mối nguy chiến tranh hạt nhân hiện tại khiến cho việc diễn giải luân lý truyền thống về chủ đề chiến tranh hợp pháp ra vô ích.[15]
Một đoạn quan trọng khác của thông điệp là việc phân biệt những ý thức hệ trong dạng thức giản lược của chúng, nghĩa là “những nguyên tắc triết học sai lầm”, với những phong trào chính trị cụ thể. Đức Thánh Cha khẳng định rằng các nguyên tắc “một khi đã phát triển và hoàn thiện thì luôn tồn tại không đổi, trong khi những phong trào thực tế, chịu tác động từ những biến động không ngừng của lịch sử, không thể không chịu ảnh hưởng và do đó chịu sự thay đổi, thậm chí là thay đổi sâu sắc. Hơn nữa, ai có thể phủ nhận nơi những phong trào ấy, trong mức độ các phong trào thuận theo những mệnh lệnh của lý trí đúng đắn và phản ánh những gợi hứng hợp lý của con người, có những thành tố tích cực và đáng chuẩn nhận?” (số 86).
Đức Thánh Cha đặt câu hỏi rằng trong các phong trào chính trị có những thành tố tích cực và đáng chuẩn nhận ư? Tất nhiên là có, ngài trả lời. Thực vậy, ta có thể kiểm chứng một đường hướng chính trị, cho tới hôm qua còn được coi là không phù hợp, thì hôm nay có thể, hoặc sẽ có thể vào ngày mai.
Những khẳng định này gây ra một ảnh hưởng rất lớn đối với chính trị, không chỉ ở Ý, mà còn cho trường chính trị quốc tế.[16] Một vài học giả nhìn thấy nơi đây lối hiểu căn bản cho những hiện tượng chính trị-ngoại giao như Ostpilitik (chính sách chính trị với khối Đông Âu, ND.) của Toà Thánh […].[17]
Ở Ý, đoạn văn này của thông điệp được đọc như một chìa khóa chính trị, được coi như sự ngầm chuẩn nhận của Đức Thánh Cha trong việc cộng tác giữa các tín hữu với các thành viên đảng xã hội trong định hướng lợi ích chung.[18]
Một đoạn văn ý nghĩa khác của thông điệp Hoà bình dưới thế, là đoạn nhìn nhật bản Tuyên ngôn nhân quyền, được Liên hiệp quốc công bố ngày 10 tháng 12 năm 1948, như là “hành động quan trọng bậc nhất”. Bản tuyên ngôn này, dù bị lên án nhiều và bị cho là có sử dụng những “nguồn kín,” vẫn được coi là “một bước tiến quan trọng hướng đến việc tổ chức chính trị-luật pháp của cộng đồng thế giới” bởi bản tuyên ngôn chân nhận, ở mức độ cao nhất, “phẩm giá của tất cả mọi người” (số 145). Đây là lần đầu tiên một văn kiện Giáo Hội đề cập minh nhiên cách tích cực đến Bản tuyên ngôn năm 1948. Điểm mới này được đánh giá cao, với sự tôn trọng và phán quyết mang tính phê bình, bởi rất nhiều nhà tư tưởng giáo dân và những người nhạy bén với sự kiện tôn giáo.
Đối với một số nhà tư tưởng, thông điệp này là một cuộc cách mạng về thái độ của huấn quyền trong tương quan với nhân quyền. Trước đây, những tuyên ngôn chính thức thường được hình thành bởi các hội đồng, và kết quả thường không khác gì lắm so với những văn kiện đã có từ thời các giáo hoàng trước. Theo sử gia Daniele Menozzi, trong phần đầu thông điệp, nơi liệt kê các quyền con người theo Giáo Hội, điều được bảo vệ và thăng tiến là luật khách quan của con người, không phải các quyền chủ quan. Theo thông điệp, chỉ những luật khách quan mới được đặt nền trên bản chất con người hướng về trật tự Thiên Chúa thiết đặt cho vũ trụ.[19] Dù trong trường hợp nào đi nữa, vị sử gia này khẳng định “đối với viễn tượng truyền thống, khi bảo vệ và phê bình nhân quyền, Giáo Hội duy trì thái độ lạc quan và xây dựng khi diễn tả nhân quyền như con đường hiện thực hóa các quyền con người.”[20]
Cũng trong hướng này sử gia Vincenzo Ferrone cho rằng thông điệp Hoà bình dưới thế không chỉ mở ra cách can đảm những hướng đi mới trong suy tư Công giáo về đề tài nhạy cảm này, mà còn “để lại dấu ấn với bàn tay thép trong việc xác định những biên giới tối hậu và chắc chắn theo thần học Tô-ma trong lý thuyết về nhân quyền. Lý thuyết ấy một cách chính thức chỉ được chấp thuận bởi huấn quyền khi nhìn từ góc độ quyền con người.”[21] Trên thực tế, về vấn đề này, thông điệp phải giữ khoảng cách an toàn cả với những suy tư thái quá: với những ai coi ước muốn của con người là nguồn tối hậu và duy nhất từ đó phát xuất mọi quyền lợi và nghĩa vụ của con người và của xã hội chính trị; với những ai không yêu thích sự biến đổi tiệm tiến trong những vấn đề của thế quyền và cho rằng “họ cảm thấy thôi thúc bởi ước ao đổi mới, vượt lên tất cả với một bước nhảy đốt cháy giai đoạn, như khi muốn thực hiện điều gì đó giống với cuộc cách mạng” (số 162). […].
Nếu muốn bàn về việc đón nhận thông điệp trong bối cảnh Công giáo và Giáo Hội, hay từ phía giáo dân, có lẽ cần một bài viết khác. Ở đây bài viết chỉ đề cập đến các phản ứng, nhất là những tán đồng, trong môi trường ngoại giao và các toà đại sứ.[22] Ngoại trừ Tây Ban Nha, vốn không lo ngại lắm nguy cơ chiến tranh cho bằng vấn đề tự do tôn giáo, thì nội các vài chính phủ khác ở châu Âu (như Pháp, Đức, Ý) bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha. Họ đều ít nhiều tán thành. […]. Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Roma trong những ngày đó gởi đến Đức Thánh Cha một lá thư với nội dung cám ơn nồng nhiệt về vấn đề giải giáp vũ khí và về bình thường hóa tình hình quốc tế, vốn bị đe doạ liên tục bởi nguy cơ chiến tranh. Tổng thống Kennedy, trong nỗ lực đi trước các nhà lãnh đạo Xô Viết bằng cuộc viếng thăm Đức Thánh Cha, yêu cầu đại sứ Reinhardt ngỏ lời với Hồng Y Cicognani để xác định một ngày vào đầu tháng Sáu, nhưng không chỉ rõ nơi chốn. Đức Gioan XXIII, người được tất cả xem như Đức Thánh Cha của hoà bình, qua đời ngày 3 tháng 6 năm 1963.
[1] Cuộc khủng hoảng Cuba hay khủng hoảng vùng Caribê trong tháng 10.1962, là những cuộc đụng độ giữa quân đội Hoa Kỳ và Xô Viết, khi Hoa Kỳ khám phá ra tên lửa đạn đạo của Xô Viết trên vùng biển Cuba. (ND.)
[2] Về bối cảnh lịch sử, xem G. Sale, “Primi contatti tra Santa Sede e Unione Sovietica al tempo di Giovanni XXIII” (Những tiếp xúc đầu tiên giữa Toà Thánh và Liên Bang Xô Viết dưới thời Đức Gioan XXIII) trong Civ. Catt. 2013 I 326-339. Xem thêm F. Occhetta, Jesuitas y Papas, la guerra y la paz, Madrid, Endymnion 2007, 147-176.
[3] Archivio della Civiltà Cattolica (ACC), Fondo p. Tucci. Diario del direttore. Ghi chú đề ngày 16 tháng Tư năm 1963.
[4] Ibid.
[5] Xem A. Melloni, Pacem in terris, Storia dell’ultima enciclica di Papa Giovanni (Pacem in terri, lịch sử thông điệp cuối cùng của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII), Roma-Bari, Laterza 2012; Id., L’altra Roma. Policita e S. Sede durante il Concilio Vaticano II (1959-1965), Bologna, il Mulino 2000, 178tt.
[6] Về P. Pavan, xem R. Goldie, L’unità della famiglia umana. Il pensiero sociale del card. P Pavan, Roma, Studium 2001; C. Ciriello, Pietro Pavan. La metamorfosi della dottrina sociale nel pontificato di Pio XII, Bologna, il Mulino 2012.
[7] Xem A. Melloni, Pacem in terris, Storia dell’ultima enciclica di Papa Giovanni, sđd., 48tt.
[8] Số thứ tự của thông điệp ở đây được ghi theo tác giả, có sai lệch với cách đánh số của bản văn hiện hành (ND.).
[9] Gioan XXIII, “Pater amabilis”. Agende del Pontefice, 1958-1963, Bologna, Viện khoa học tôn giáo 2007, 482.
[10] Trong E. Galavotti, Processo a Papa Giovanni, Bologna, il Mulino 2005, 313.
[11] Về tương quan giữa các hệ thống tư tưởng triết học và các phong trào lịch sử – Đức Hồng Y Pavan nhớ lại – Đức Thánh Cha thêm vào ý của ngài rằng các phong trào gần đây nhất, đôi khi tồn tại những yếu tố tích cực và đáng trân trọng, trong mức độ các phong trào thuận theo những mệnh lệnh của lý trí đúng đắn và phản ánh những gợi hứng hợp lý của con người, có những thành tố tích cực và đáng chuẩn nhận?” (số 84).
[12] Về những điểm này, xem A. Melloni, Pacem in terris, Storia dell’ultima enciclica di Papa Giovanni, sđd., 104tt.
[13] Như đã đề cập, bản thảo thông điệp, chuyển ngữ sang tiếng La-tinh, cuối cùng được trao cho cha Jarlot duyệt xét và ngài đã làm điều này rất nghiêm túc và tỉ mỉ. Trước tiên, ngài cho rằng đây là câu trả lời cho bản tuyên ngôn nhân quyền năm 1948. “Tuy nhiên, nếu bản tuyên ngôn ấy có thể đi trước trong mức độ thực nghiệm, Jarlot cho rằng thông điệp này ‘đặt nền ở mức độ nguyên lý’ cho khái niệm Công giáo về nhân quyền. Nếu không xảy ra như thế […] ngài e ngại sẽ có sự hiến thánh cho các nguyên tắc nhân quyền năm 1971” (số 63). Vị Linh mục dòng Tên cho là một sai lầm khi coi con người là tuyệt đối, bởi như thế sẽ vượt lên các quyền chính đáng của Chúa. Vị này cũng phản đối đoạn văn kiện khẳng định nhân loại phải hướng dẫn và cai quản dựa trên “bốn cột trụ” của sự thật, công lý, bác ái và tự do. Theo cha Jarlot, chỉ có chân lý mới được coi là kim chỉ nam cho sự thiện, vàtừ đó phát sinh tất cả. Ngài nhấn mạnh, sự thật là con đường tất yếu và chắc chắn, trong khi tự do làvô định và bấp bênh, có thể dẫn đến sai lầm. Tuy vậy, Đức Thánh Cha, mặc dù trân trọng những suy tư và phê bình chi tiết từ vị Linh mục dòng Tên này, vẫn tiếp tục con đường của mình, biết rằng thế giới và Giáo Hội, đang cần một cú thúc mạnh và quyết định, đặc biệt liên quan đến các vấn đề trong Thông điệp, để khởi sự một xã hội mới đặt nền trên tình yêu, tự do và trên chân lý ngàn đời của Tin Mừng (Melloni, trang 1019tt).
[14] Trích trong M. Roncalli, Giovanni XXIII. Angelo Giuseppe Roncalli. Una vita nella storia, Milano, Modadori 2006, 613.
[15] Xem. D. Menozzi, Chiesa, pace e guerra nel Novecento. Verso una delegittimazione religiosa dei conflitti, Bologna, il Mulino 2008.
[16] Trích Lm. Yves Congar, sử gia Andrea Ricardi khẳng định rằng ở điểm này của thông điệp phải tái chấp nhận các nền dân chủ dân tộc, đặc biệt là nước Nga, trong hiệp hội các quốc gia, trong viễn tượng của hoà bình phổ quát. Xem A. Ricardi, Il potere del Papa. Da Pio XII a Paolo VI, Roma-Bari, Laterza 1988, 192.
[17] Xem. G. Barberini, L’Ostpolitik della Santa Sede. Un dialogo lungo e faticoso, Bologna, il Mulino 2007, 73.
[18] Trong các cuộc bầu cử chính trị tháng Tư năm 1963, Đảng Dân chủ Công giáo lần đầu tiên hứng chịu sự mất tín nhiệm đáng kể […]. Kết quả đó, như đã dự báo, tạo ra hoang mang trong các nước Công giáo và cả trong Giáo Hội. Người ta gán trách nhiệm về chiến thắng của phe “đối lập” cho Đức Gioan XXIII, và đặc biệt là thông điệp Pacem in terris (G. Sale, Giovanni XXIII e la preparazione del Conciio Vaticano II nei diari inediti del direttore della Civiltà Cattolica padre Roberto Tucci, Milano, Jaca Book 2013, 39tt.) […]. Xem M. Roncalli, Giovanni XXIII. Angelo Giuseppe Roncalli. Una vita nella storia, sđd., 615.
[19] Xem D. Menozzi, Chiesa e diritti umani. Legge naturale e modernità politica
dalla Rivoluzione francese ai nostri giorni, Bologna, il Mulino 2012, 190.
[20] Ibid.
[21] V. Ferrone, Lo strano illuminismo di Joseph Ratzinger. Chiesa, modernità e diritti dell’uomo, Roma-Bari, Laterza 2013, 72.
[22] Về vấn đề này, xem A. Melloni, Pacem in terris, Storia dell’ultima enciclica di Papa Giovanni, sđd., 84.