Hợp Tuyển Thần Học

Đức Giêsu Kitô – Sự Công Bình Của Thiên Chúa Trong Thế Giới Của Thủ Phạm Và Nạn Nhân

Đức Giêsu Kitô – Sự Công Bình Của Thiên Chúa Trong Thế Giới Của Thủ Phạm Và Nạn Nhân

Mục Lục

Lời giới thiệu

Jürgen Moltmann (1926 – ) là một trong những nhà thần học Tin Lành đương đại lớn. Ông là giáo sư tín lý trong gần 40 năm tại Khoa Thần Học Tin Lành đại học Tübingen, Đức. Bên cạnh các tác phẩm tín lý, một trong những đề tài tiên phong của ông là mối tương quan giữa thần học và chính trị, trong đó niềm hy vọng cánh chung có ý nghĩa đặc biệt cho dấn thân của Kitô hữu. Thật vậy, một trong những tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ông là Theologie der Hoffnung (Thần học về hy vọng) năm 1964, trong đó ông làm nổi bật hai chiều kích đối nghịch nhau, một bên là “Thế giới không có Thiên Chúa“ mà Ernst Bloch tả một bên là “Thiên Chúa, nguồn hy vọng“ theo thư gửi tín hữu Rôma. Đức Kitô phục sinh mở ra con đường hy vọng cho những kẻ chịu bất công, và trao nhiệm vụ cho họ lao tác vì niềm hy vọng ấy ngay trong cuộc sống trần thế này. Bài viết chúng tôi chuyển dịch ở đây cũng gợi lại những nét tương tự của tác phẩm vừa kể. Cuộc đời, sự thương khó, cái chết phục sinh của Đức Giêsu Kitô là tâm điểm của hành trình công chính hoá, nơi đó con người, được nhìn từ mối liên hệ nạn nhân và thủ phạm của sự dữ, được xoá bỏ nhờ chính sự công chính cánh chung của Thiên Chúa, Đấng Công Chính. Bản dịch được thực hiện từ bản tiếng Đức “Jesus Christus. Gottes Gerechtigkeit in der Welt der Opfer und Täter”, trích từ tạp chí Theologie Aktuell. Die Zeitschrift der theologischen Kurse, số 2, năm 2009/10, trang 5-18.

Đối với những người tin vào Thiên Chúa nhân danh Đức Kitô thì sự công bình của Thiên Chúa sẽ không thể được tìm thấy trong dòng chảy của lịch sử hay rút ra từ những quy luật tự nhiên, cho bằng từ chính cuộc đời, hiến tế phục sinh, hiện tại tương lai của chính Đức Kitô. Con người Giêsu hành động thế nào, Thiên Chúa hành động thế ấy. Người chịu đau khổ thế nào, Thiên Chúa cũng đau khổ dường ấy. Đức Giêsu sống thế nào, Thiên Chúa cũng hiện diện sống động như vậy, như Tin Mừng Gioan đã tóm kết bằng chính lời của Chúa Giêsu: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” bởi “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,9-10).[1] Vì thế chúng ta không thể hiểu Kitô học như là một tổng thể những yếu tố nền tảng, được tích hợp từ những tín lý về công chính hoá vốn đã có nguồn gốc từ một dạng thần học về bí tích hoà giải, nhưng đúng hơn phải triển khai theo hướng ngược lại, tức là triển khai một tín lý về công chính hoá từ khuôn khổ của một nền Kitô học khái quát hơn: đức tin công chính hoá ở đây chính là nhận biết Đức Kitô.[2]

Sức mạnh cứu độ trong cuộc đời trần thế của Đức Giêsu và niềm tin có sức cứu rỗi

Điều đầu tiên mà người ta trải nghiệm nơi Đức Giêsu, như được kể trong các Tin Mừng Nhất Lãm, chính là sức mạnh cứu chữa mà những người bệnh hoạn đau yếu nhận lãnh khi có sự hiện diện của Người. Khi gần gũi với “Con Người”, Đấng đã đến để tìm kiếm những gì đã mất, những người này, không được miêu tả như những tội nhân như ta thấy trong tư tưởng của Phaolô, mà được coi như những người bệnh hoạn và đau yếu.[3] Họ bước ra từ trong bóng tối, nơi họ đã bị đẩy vào cho khuất mắt người đời, để lại được đến với ánh sáng của Đức Giêsu và tìm kiếm sự cứu chữa từ sự hiện diện bằng xương bằng thịt của Người. Khi bước vào sứ vụ công khai, thành phần Đức Giêsu nhận ra trước hết là những con người đau yếu này. Người đụng chạm đến con người ngay chính trong những điều đã và đang làm nên họ, tức những bệnh tật và những gì vây hãm cuộc đời họ: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ” (Mc 1,32-34). Sức mạnh cứu chữa chắc chắn toả ra từ chính sức sống của Người, như câu chuyện của người phụ nữ bị băng huyết, bà đến “đụng chạm từ phía sau, nơi gấu áo” (Mc 5,25-34). Tin Mừng sau đó tường thuật một cách tổng quát, rằng: “Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi” (Mc 6,56). Hình ảnh “tua áo choàng” là một lối nói khác để chỉ về thân thể của Người.

Những cuộc chữa lành kẻ ốm đau luôn đi liền với việc trừ những “thần ô uế” hay ma quỷ. Từ đó, có thể nói sức sống của Đức Giêsu là một sức sống có khả năng lan toả và biến đổi hết sức lạ thường: vita vivificans, một cuộc đời có sức lay động. Đức Giêsu đến, mang sức sống vào những nơi đầy bệnh hoạt tật nguyền và âu lo. Các Tin Mừng lý giải sức sống đầy sinh động này của Đức Giêsu bằng phép rửa trong Thần Khí của Người. Kể từ khi Người chịu phép rửa ở sông Giođan, nơi Người tràn đầy sức sức sống của Thần Khí của Đức Chúa, Thần Khí “ngự trên” Người. Thần Khí của Thiên Chúa hướng dẫn Người và hoạt động qua Người. Nơi nào sức mạnh sống động của Thiên Chúa lan toả, nơi đó sẽ tiêu biến các thần ô uế (Mc 1,23), nơi đó những tra tấn khổ sở của quỷ dữ sẽ tiêu tan. Khi ma quỷ đã bị trục xuất, con người sẽ trở nên mạnh khoẻ và tỉnh táo. Ma quỷ là hình ảnh được nhân cách hoá của những thế lực làm suy sụp và tan nát con người. Bản chất của chúng là sung sướng khi hành hạ con người. Khi Đấng Cứu Độ đến và khai mở thời đại của Đấng Mêsia, thì những thần lực bạo hành này sẽ bị xoá sổ khỏi mặt đất, và cuộc sống con người sẽ trở nên lành mạnh, đáng quý, như cách mà chính Thiên Chúa đã tạo dựng.

Lịch sử thời cổ đã từng chứng kiến không hiếm những cuộc cứu chữa đầy ngoạn mục như vậy. Vì thế người ta cắt nghĩa những cuộc cứu chữa của Người một đàng theo phong cách của những theiosaner (những “thần nhân”) thời cổ và đàng khác theo kiểu của những “dị nhân làm phép lạ” thời hiện đại. Nhưng theo tinh thần của Tân Ước thì những cuộc cứu chữa của Đức Giêsu có một tầm vóc khác: Chúng là những dấu chỉ của triều đại Thiên Chúa đang đến và đức công bình của Người. Khi vị Thiên Chúa vĩnh cửu và sống động đến với thụ tạo của Người, thì những thần lực của sự hư mất phải tiêu biến đi. Triều đại của Thiên Chúa hằng sống xua trừ lãnh địa của sự chết và gieo mầm sức sống. Nước Thiên Chúa, tỏ hiện nơi con người của Đức Giêsu, mang lại ơn cứu độ không chỉ theo nghĩa tôn giáo mà còn trong mọi ý nghĩa. Ơn này được trải nghiệm từ trong sự phục hồi của cả thân xác lẫn linh hồn. Trong những cuộc cứu chữa các bệnh nhân, người ta thực sự trải nghiệm cách sống động một đức công bình mang giá trị tái kiến tạo trật tự của Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa đến và tái kiến tạo trật tự của một thế giới vốn đã bị các thế lực “phi Thiên Chúa” làm cho kiệt quệ, thì những sự kiện này không hề là điều “quá đỗi phi thường” hay nhiệm lạ, cho bằng đó là những điều “hết sức tự nhiên”. Nào đó chẳng phải là điều mà chúng ta đã từng chờ đợi sao. Vì vậy, những cuộc chữa lành của Chúa Giêsu trong bối cảnh Tin Mừng là những “phép lạ về Nước Thiên Chúa”. Trong ánh bình minh của cuộc sáng tạo mới thì những cuộc cứu chữa này suy cho cùng không hề là phép lạ, cho bằng đó là những điều nhất thiết phải xảy ra. Chỉ khi niềm trông đợi lớn lao về ngày tạo thành mới đang đến gần này bị mai một, và khi người ta chẳng còn hứng thú gì khi nhìn vào tương lai, thì những câu chuyện chữa lành này sẽ bị coi như những “phép lạ” khi được đặt vào một thế giới quan bất di bất dịch. Nhưng nếu ta hiểu những cuộc chữa lành của Chúa Giêsu trong khuôn khổ của sự trông đợi triều đại đang đến của Thiên Chúa thì chúng sẽ là những gợi nhắc không thể nào phôi pha được về tương lai.

Nếu như những cơn bệnh ngặt nghèo được ví như những sứ giả tiền phong của sự chết, thì chúng ta cũng ví các cuộc chữa lành của Chúa Giêsu như sứ giả tiền phong của sự sống lại và sự sống đời đời. Sự tái sinh của cuộc đời mỏng giòn và luỵ tử này để đi vào cuộc sống vĩnh hằng là sự viên mãn của những gì Đức Giêsu, trong cuộc đời trần thế của Người, đã làm cho những kẻ bệnh tật và kẻ bị trù ám. Thế giới của ngày phục sinh là sự viên mãn của Nước Thiên Chúa. Mầm giống của Nước này là lời của Đức Giêsu khi khắc vào tâm trí chúng ta, là những gì nhờ sức sống của Người được gieo cấy vào thân xác chúng ta. Nhìn từ góc độ của bệnh tật thì Nước Thiên Chúa không có tên gọi nào khác ngoài hai chữ “cứu chữa”, còn từ góc độ của cái chết: sự phục sinh.

Tất cả các phong trào truyền giáo và khai tâm trong Kitô giáo đều đã và luôn là những phong trào nhắm đến việc cứu chữa. Một Tin Mừng có sức khai mở niềm tin thì luôn đi kèm với những “dấu chỉ và phép lạ” mang tính cứu chữa. Những cuộc chữa lành các kẻ tâm bệnh nhân danh Chúa Giêsu và trừ tà nhờ dấu Thánh Giá đã đồng hành với việc truyền giáo và mở rộng Kitô giáo. Vì thế, ta phải coi hạt nhân thực sự của Kitô giáo là “sứ vụ của Thần Khí” và sứ điệp của Kitô giáo là “Tin Mừng sự sống”, như Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã đề cập.

Dầu vậy, sức mạnh cứu chữa lan toả từ chính cuộc đời Chúa Giêsu chỉ là một trong những nguồn căn của các cuộc cứu chữa mà ta thấy trong Tin Mừng. Sức mạnh cứu chữa này không phải lúc nào cũng có sẵn, túc trực bên Người. Việc cứu chữa xảy ra trong một hoàn cảnh này, nhưng không xảy ra trong hoàn cảnh khác. Tại quê nhà Nazareth, Người đã chẳng “làm được dấu lạ nào” (Mc 6,5). Vậy ta được phép đặt câu hỏi, rằng dưới những điều kiện nào thì sức mạnh cứu chữa của Đức Giêsu có hiệu lực?

Khi người ta mang một đứa bé bị động kinh đến, Đức Giêsu đã than phiền người cha của nó rằng: “Giá như ông có niềm tin! Mọi sự đều có thể đối với người tin.” Người cha đầm đìa nước mắt nói: “Tôi tin, xin Người nâng đỡ niềm tin yếu kém của tôi” (Mc 9,23 tt). Một đức tin hơi bị lung lay, yếu đuối, như thế là đủ. Rồi Đức Giêsu đưa tay, đỡ đứa bé đứng dậy. Ngay cả trong câu chuyện về người phụ nữ bị băng huyết, người đã nhận được sự chữa lành mà không cần đến ý muốn của Người trước, Đức Giêsu cũng nói: “Này chị, đức tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.” Để sức mạnh cứu chữa của Đức Giêsu có thể xảy ra, phải có một đức tin ao ước được chữa lành.

Nhưng đức tin ấy là gì? Ta thấy rõ đây là một đức tin không cần tín biểu, không cần đối thể, một đức tin tuyệt đối. Trên bề mặt nó không phải là một đức tin như của người Do Thái, cũng như không phải đức tin Kitô giáo tin vào Đức Giêsu. Suy ra từ trong bối cảnh vừa nói, ta có thể thấy ở đây muốn đề cập đến một dạng niềm tin về khả thể xảy ra cho đương sự một điều gì đó rất riêng: “đối với người tin thì mọi sự đều có thể”, bởi “với Thiên Chúa, không gì là không thể.” Đó là một thái độ phó thác làm vỡ tung mọi biên giới của những gì trần tục, phàm nhân và thống khổ, nhờ sự hiện diện của sự viên mãn mọi điều có thể của Thiên Chúa; một sự phó thác chuyển đổi những thực tại luôn luôn giới hạn vào sự viên mãn vô biên và thiên linh. Khi người tín hữu đặt những giới hạn của thực tại cá nhân đời mình vào sự viên mãn của Thiên Chúa thì lúc đó sức mạnh cứu chữa của Chúa Giêsu có thể xảy ra với họ.

Người tín hữu có thể hiện thực hoá những khả thể được trao ban cho họ một cách hoàn toàn khác so với những khả thể thực sự xảy tra trước đây, khi còn bị giam hãm trong bệnh tật và ác thần. Bởi tất cả những gì có thể đối với Thiên Chúa đã trở thành có thể đối với những người tin, thì người có lòng tin như vậy sẽ thông phần vào mọi khả thể vô biên của Thiên Chúa. Và bởi điều này không được hiểu như việc con người tự thần thánh hoá mình, nên điều này phải được hiểu như là sức mạnh của Thần Khí Thiên Chúa, đến cư ngụ nơi con người và hiện diện kín đáo và âm thầm nơi họ. Đó là một sức mạnh được khơi lên từ niềm tin tuyệt đối vào mọi khả thể của Thiên Chúa. Các cuộc chữa lành và giải phóng khỏi thần ô uế xảy ra tại nơi mà sức mạnh cứu chữa của Thần Khí Thiên Chúa trong cuộc đời Đức Giêsu gặp được sức mạnh của niềm tin của người bệnh, khi mà hiệu quả tác động và thái độ tin tưởng gặp gỡ nhau. Nhờ đức tin của chính những người bệnh mà Đức Giêsu có thể chữa lành họ.

Sự liên đới mang tính lập quyền của Đức Giêsu với các nạn nhân và niềm tin đầy cảm thông của những người đau khổ

Như Đức Giêsu đã mang sức mạnh cứu độ của Thần Khí cho những người bệnh thế nào, thì Người cũng mang quyền của Thiên Chúa đến cho những người không có quyền và người chịu bất công như vậy. Điều này có thể thấy rõ trong sự liên đới của Người với những “kẻ tội lỗi và bọn thu thuế” mà Tin Mừng Nhất Lãm đã chỉ ra. Chúa Giêsu đã công khai hiệp thông với họ đến độ những kẻ chỉ trích Người đã phải kêu lên: “ông này đi lại với phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15,2). Điều này hoàn toàn không có nghĩa là Người hoà mình vào trong xã hội của kẻ xấu (theo tư tưởng của Adolf Holl), nhưng đúng hơn, Người dọn trước bàn tiệc cứu độ của Thiên Chúa dành cho mọi dân nước đến cho những kẻ bị ruồng bỏ và bên lề của xã hội Người đang sống. Nếu không chú giải biểu tượng Người đồng bàn ăn uống với “kẻ tội lỗi và bọn thu thuế” trong bối cảnh loan báo Nước Trời , – nghĩa là “Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi”, thì nó sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.

Chúng ta bắt đầu khai triển vấn đề “công chính hoá người tội lỗi” không phải với thư Phaolô gửi tín hữu Roma, nhưng với thực tại của những kẻ tội lỗi và thu thuế trong Tin Mừng Nhất Lãm. Ở đây, cũng như trong Rm 3,23, không phải mọi người đều tội lỗi như nhau và cũng không phải ai cũng là tội nhân. Nhóm “tội nhân và thu thuế” ở đây phải được hiểu là những con người, bởi sự nghèo nàn hay những hành vi không trong sạch của họ, đã không giữ được luật Chúa và vì thế họ bị những người “công chính” tẩy chay và loại ra ngoài. Người nào bị khinh bỉ và ruồng bỏ, sẽ càng lún sâu hơn vào căn bệnh tự đả phá mình. Người nào, vì những áp lực của những người khác trong xã hội, từ từ chuốc vào mình những phán xét của họ, sẽ dần dần tự sỉ vả mình và ghét bỏ chính mình. Họ không còn tin tưởng vào ai hay bất cứ điều gì nữa, như người ta gọi họ, tức những kẻ không đương đầu nổi với cuộc chiến cạnh tranh xã hội hiện nay, là những kẻ “rớt đài” hay “chủ bại” (looser). Người trong hoàn cảnh như vậy mà tìm được ai đó biết đón nhận, cảm thông, nâng đỡ và trao hy vọng, thì sẽ cảm thấy mình như được vực dậy và được cứu rỗi. Người đó sẽ tin tưởng vào những điều mà trước đây họ đã bỏ cuộc. Việc Đức Giêsu đón nhận “người tội lỗi và thu thuế”, chính là cứu độ họ về mặt xã hội. Thêm vào đó, sự chữa lành này còn là hình ảnh của sự công bình của Thiên Chúa, tái tạo quyền cho những người vốn là nạn nhân của một xã hội tự coi mình là có quyền. Như thế Đức Giêsu mang Nước Thiên Chúa và sự công bình của Thiên Chúa vào đáy xã hội, nơi của những người bị hạ nhục và bị khinh khi; và thêm vào đó Người cũng mở tung tù ngục của thói tự đả phá nội tâm của những kẻ khốn khổ ấy.

Tuy nhiên, nếu bên này là những người bị đào thải và khinh miệt, như “kẻ tội lỗi và thu thuế”, thì bên kia còn có những kẻ ngay thẳng và công chính, những người có quyền định đoạt cái gì là đúng đắn và công bằng trong xã hội. Hệ quả kéo theo là họ cũng có quyền tuyên án kẻ nào là xấu và vô luân. Kiểu như ta nói người có của thì sinh ra kẻ nghèo, thì kẻ khoác vào mình sự tốt lành thì để lại cái áo kẻ xấu cho người khác vậy. Khi Đức Giêsu đến với người tội lỗi và đồng bàn với họ, thì Người hoặc là mặc nhiên biến những kẻ công chính cùng thời thành kẻ tội lỗi, hoặc Người làm cách mạng, muốn đập đổ trật tự thế giới trong mắt họ. Thật ra khi Đức Giêsu đón tiếp người tội lỗi, Người cũng cứu cả những kẻ công chính và tốt lành này: Người giải thoát họ khỏi chính tính cách tự cho mình là công chính của họ. Người nào đón nhận “kẻ tội lỗi”, thì chắc chắn cũng sẳn sàng đón nhận “người công chính” rồi, nhưng không phải trong tính cách tự cho mình là công chính của họ, mà đón nhận những kẻ “công chính” ấy vào trong lòng một cộng đoàn của những kẻ “tội lỗi và thu thuế” mà chính họ đã vô tình lập ra ấy. Hành động ấy là sự công chính mang tính kiến tạo quyền, một sự công chính một đàng cứu vãn người này và kết án người kia, để mang cả hai vào trong cộng đoàn của Thiên Chúa.

Đường thương khó của Đức Giêsu đến với những nạn nhân của sự dữ

Đây là đặc điểm của Kitô học về sự liên đới: Đức Kitô ở với chúng ta, – những kẻ đã mất Thiên Chúa. Các Tin Mừng tường thuật cuộc thương khó của Chúa Giêsu như hành trình càng lúc càng đi sâu vào hành trình tỏ mình ra của Người. Hành trình này kết thúc với khổ hình trên thập giá. Cuộc đời Đức Giêsu rõ ràng là một hành trình đi xuống. Hành trình một cuộc đời dâng hiến. Thần Eros trong văn hoá cổ đại là hiện thân của tình yêu đối với cái đẹp và cái bóng bẩy. Ngược lại, tình yêu của Đức Giêsu xoay mình hướng đến người bệnh, đến nạn nhân của bạo lực và những tâm hồn không dung nhan. Đức Giêsu thấy trong những bóng dáng những kẻ bất lực những điều còn có ý nghĩa, thấy trong những người bị thế giới loại trừ những con người được Thiên Chúa kêu gọi, như bản Bát Phúc mà Người đã rao giảng trên núi. Những ai bị thế gian cướp mất tương lai, thì Người loan báo cho họ quyền thuộc về nước Thiên Chúa: những kẻ rốt hết sẽ không ăn những mẫu vụn dành cho chó, nhưng những kẻ rốt hết sẽ nên trước hết trong Nước Thiên Chúa.

Cũng không phải là khó hiểu nếu phản ứng của những kẻ “đứng đầu”, tức những kẻ có quyền trong thiên hạ này, khi đứng trước đòi buộc phải đảo lộn giá trị mà họ theo đuổi, là dang tay bày kế bắt bớ, đàn áp hay tàn sát. “Thập Giá là câu trả lời của thế giới dành cho tình yêu theo tinh thần Kitô giáo,”[4] nhà thần học Ernst Bloch đã từng khẳng định như vậy. Dù sao hành trình Thập Giá của Chúa Giêsu cũng vén mở cho ta thấy những quyết định của Người: chính tình yêu chủ động của Người dành cho những kẻ đang đau khổ đã dẫn Người đến tình yêu chấp nhận đau khổ với người đau khổ. Chúng ta không coi sự vâng phục Thiên Chúa đến độ chịu đau khổ của Người như một lễ vật đền tội thế gian, cho bằng đó là một sự dâng hiến độ lượng cho đến cùng, dành cho những người đã không còn Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ trong sự dâng hiến của Chúa Giêsu, đến độ “không thể nào có thể tưởng tượng được nơi bất cứ dung nhan thần thánh nào” (Bloch). Thần tính của Thiên Chúa khai mở trong của lễ hiến dâng của Đức Giêsu cho đến cái chết trên thập giá là một tình yêu không chỉ dám chấp nhận đau khổ, mà còn dám đón nhận cả phần số diệt vong của cái chết nữa. Tình yêu “của Thiên Chúa, tỏ hiện nơi Đức Giêsu Kitô” (Rm 8,30) làm cho phần số chúng ta không tách lìa khỏi “gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy và gươm giáo” (Rm 8,35). Lời tán dương tình yêu vô lượng của Thiên Chúa trong thư Phaolô gửi tín hữu Rôma (Rm 8,31-39) là lời tán dương tình yêu dâng hiến, nơi đó Đức Giêsu và Thiên Chúa nên một.

Thiên Chúa đi cùng với Đức Giêsu, và Thiên Chúa ở nơi Người, và qua cuộc thương khó Người mang tình yêu Thiên Chúa đến cho những người bị hạ thấp và bị loại bỏ như chính Người. Thập Giá của Người hiện diện giữa muôn vàn thập giá, những thập giá giăng kín con đường lịch sử nhân loại đầy máu dưới tay những đồ tể bạo lực, từ Spartacus cho đến các trại tập trung và diệt chủng dưới thời Đức Quốc Xã, đến hàng loạt những “kẻ mất tích” trong thời đại các nhà độc tài Châu Mỹ Latinh hoặc trong những trung tâm lao dịch Gulag thời Xô Viết.

Cuộc thương khó dâng hiến của Chúa Giêsu không chỉ duy đau khổ mình Người, mà còn bao gồm mọi đớn đau của những kẻ bị Thiên Chúa ruồng bỏ; đó là đau khổ mà Đức Giêsu muốn chung phần với những kẻ đau khổ trên thế giới này. Nhờ của lễ dâng hiến này mà Người trở nên anh em với họ. Thập Giá của Người mang lại sự hiện diện huynh đệ giữa biết bao thập giá khác, để trở nên dấu chỉ, thậm chí trở nên mặc khải về sự thông hiệp của Thiên Chúa vào những đau đớn của con người và hiện diện với con người khi họ cảm thấy bị bỏ rơi. Paul Gerhardt đã diễn tả ý tưởng này một cách sâu sắc trong khổ thứ 9 của thánh thi “Oh Haupt von Blut und Wunden”[5] (Trên đầu Người tích thương máu đổ):

Nếu một mai ngày chia ly gọi,
Đừng để con trơ trọi một mình,
Tử thần xông đến, vãng sinh,
Con đi với Chúa bên mình an vui.
Cơn khiếp đảm bao trùm thân nhỏ
Ép tim côi lạc ngõ ân tình,
Mong Ngài cứu vớt tâm linh,
Nhờ cơn Thương Khó, an bình cho con.

Nhờ tình hiệp thông liên đới, Đức Kitô xao xuyến và hấp hối trên Thập Giá trở nên nguồn an ủi cho anh chị em đồng loại đang xao xuyến và hấp hối của Người. Ngay chính trong cơn thương khó của mình, họ được an ủi nhờ chính sầu khổ và đau đớn của Đức Kitô, bởi ở đâu có Người, ở đó có sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhờ sự hiến dâng bằng cái chết của kẻ bị Thiên Chúa bỏ rơi, Đức Kitô đã mang Thiên Chúa đến cho những kẻ đã mất Thiên Chúa. Đức Giêsu đã lâm vào tình trạng không còn thấy Thiên Chúa và không còn thấy loài người, để từ đó Người trở nên anh em của những kẻ không còn Thiên Chúa và trở nên bạn đồng hành của họ trong cơn nguy khốn. Không phải bởi phép lạ siêu nhiên mà Người nâng đỡ họ, cho bằng nhờ chính sự dâng hiến ngang qua đau khổ của Người: “Chúng ta được chữa lành nhờ những thương tích của Người” (Is 53,5 và Mt 8,17), được chữa lành khỏi “căn bệnh chết người”, khỏi tình trạng không còn Thiên Chúa, vốn còn có tên gọi là “tội lỗi”, đặc biệt trong ngôn ngữ Đức khi hiểu tội lỗi theo nguyên nghĩa là “sự bị cô lập”.

“Chỉ vị Thiên Chúa đau khổ mới có thể đỡ nâng ta”[6], D. Bonhoeffer đã viết dòng này trong phòng giam của mật vụ Đức. Một Thiên Chúa mà suy cho cùng không thể nào chịu đau khổ, thì chẳng thể nào đồng cảm hay có khả năng thương cảm. Hạn từ “Deus impassibilis” chỉ một vị Thiên Chúa chẳng có trái tim cũng chẳng có lòng từ bi, đơn thuần chỉ là một hình thái quyền lực thần thiêng mà thôi.[7] Vị Thiên Chúa mà thần tính tỏ lộ nơi của lễ dâng hiến của Đức Giêsu sẽ đỡ nâng ta trước hết bằng chính lòng thương cảm của Người. Người sẽ là bạn cùng bước trên con đường đau khổ của những kẻ bị bỏ rơi.

Biến cố làm hoán cải vị tổng giám mục 59 tuổi Oscar Arnulfo Romero đã được nhà thần học Jon Sobrino kể lại: “Hình bóng vị Thiên Chúa chịu đóng đinh đã hiện lên trong lòng cha ấy qua biết bao nhiêu con người bị đóng đinh hôm nay. (…) Cha ấy thấy trong ánh mắt của những người nghèo và bị áp bức của dân tộc mình chính ánh mắt của Thiên Chúa.”[8]

Chỉ nhờ sự đồng hoá với những nạn nhân của tội lỗi nhờ sự hiến dâng của Đức Giêsu dành cho họ thì ta mới hiểu được kịch tính của câu chuyện “Con Người ngự đến phán xử thế giới” trong Mt 25,31-36. Điểm cần nói ở đây không hệ ở việc phán xử người tốt và kẻ xấu qua việc họ làm, cho bằng sự đồng hoá của Con Người với kẻ “đói khát, rách rưới, khách lạ, tù đày”: “Những gì các ngươi làm cho anh em bé mọn này là đã làm cho chính ta, bởi ta đói khát, … đau ốm, v.v…”. Trong chính sự dâng hiến của Chúa Giêsu dành cho những kẻ bé mọn nhất này đã có sự hiện diện của Con Người, đấng ngự đến xét xử trần gian. Người đồng hoá mình với những nạn nhân của lịch sử nhân loại sâu đậm đến độ những tiêu chí xét xử của Người sẽ không gì khác hơn là điều người ta đã làm hoặc không làm cho những người bé mọn nhất này. Ngài sẽ phán xử những kẻ gieo vãi bất công không dựa trên việc vi phạm các luật lệ mà ta thấy theo kiểu luật hình sự, cho bằng phán xử họ từ góc nhìn của các nạn nhân. Người phán xử trong bối cảnh liên vị giữa một bên là thủ phạm một bên là nạn nhân. Nạn nhân sẽ đóng vai trò phán xử thủ phạm, bởi các thủ phạm gặp lại nạn nhân của mình nơi vị Thẩm Phán – Con Người, Đấng đồng hoá mình với những nạn nhân ấy.

Đức Giêsu mặc lấy thân phận của những kẻ bị cái ác giam cầm

Bây giờ ta nói đến một nền Kitô học “mặc lấy thân phận”: Đức Kitô vì chúng ta, những kẻ sống như không có Thiên Chúa, vô đạo. Đối với bộ Tora của Do Thái giáo thì kẻ tội lỗi được coi là những người không trung tín với Luật và sống phi luật. Từ đó Phaolô đã gọi cả hai nhóm “Do Thái và Hy Lạp” đều là những con người “sống trong tội lỗi” (Rm 3,9).

Phaolô, như trong lời kể trong thư gửi tín hữu Galát trong chương 2, khi ông đến gặp Phêrô, đã vượt qua cách hiểu về tội lỗi theo Tora, để mở ra cách hiểu theo Tin Mừng cứu độ và công chính hoá dành cho mọi con người, dù là Do Thái hay dân ngoại:

“Chúng ta bẩm sinh là người Do Thái chứ không phải hạng người tội lỗi xuất thân từ dân ngoại.Tuy nhiên, vì biết rằng con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Kitô Giêsu, để được nên công chính, nhờ tin vào Đức Kitô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy. Quả thế, không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy.” (Gl 2,15-16)

Nếu Phaolô đã giả định một cách hiểu về tội lỗi như thế, hầu Tin Mừng có thể được loan báo cho toàn thể thế giới, thì đối với Phaolô, ngay cả trước khi lời hứa tuyển chọn và ban bố luật dành cho dân Israel, sức công phá của tội lỗi, thứ mà mọi con người đều vướng vào, đã hiển hiện và đi vào trần thế như một căn bệnh chết người, tàn phá thân phận con người bằng cái chết như những kẻ không có Thiên Chúa. Vì thế, tội lỗi làm băng hoại con người, nếu xét con người như thụ tạo của Thiên Chúa. Do tội lỗi mà ánh vinh quang của Thiên Chúa đã bị lịm tắt (Rm 3,23).

Vậy thì mọi con người theo nghĩa này đều là tội nhân theo kiểu “đổ đồng, cá mè một lứa” thôi sao, khi mà tất cả đều là thủ phạm và nạn nhân của cái ác? Kỳ thực Phaolô đã không phân biệt rạch ròi kẻ tội đồ với nạn nhân, bởi Phaolô chỉ coi những kẻ thủ phạm như là “tôi tớ của ác thần”, những kẻ ra tay làm điều dữ mà không có tự do. Điều này không phải để biện minh hay chạy tội cho họ, cho bằng cho thấy họ còn cần được cứu độ nhiều hơn. Tội lỗi thống trị trên họ và thao túng họ, khiến họ không thể nào thoát ra được, kể cả bằng sức mạnh riêng hay nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Ân sủng chỉ có thể làm cho tội lỗi nơi người tội lỗi “chết từ từ”, để rồi đối với ác thần, cái tội lỗi của người tội lỗi coi như đã chết, và vòng cương toả của ác thần đối với người tội lỗi từ từ bị đập bỏ.

Sự công chính của Thiên Chúa mà Tin Mừng gửi đến cho trần gian, một trần gian nằm dưới ách thống trị của tội lỗi, không phải là một “sự công chính, chỉ cần Chúa biết”, theo như cách mà Luther đã diễn tả, cho bằng “sự công chính kiến tạo công bình” của chính Thiên Chúa, Đấng tỏ cho kẻ bất công thấy Người là Đấng Công Chính, và qua đó có quyền trên những thụ tạo của Người, những kẻ đã bị tước hết mọi quyền. Tới đây chúng ta đặt ra câu hỏi về nền tảng Kitô học về sự công chính của Thiên Chúa, một sự công chính làm cho “kẻ vô đạo”, cho kẻ sống như không có Thiên Chúa, “trở nên công chính” (Rm 4,5).

Phaolô đã nhận ra điều này trong các biến cố của cuộc tự hiến và phục sinh của Chúa Giêsu, “Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính” (Rm 4,25). Trong cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Kitô “vì chúng ta” đã tiềm tàng ơn tha thứ tội, nhưng chỉ trong sự phục sinh của Người “vì chúng ta” sự công chính dành cho chúng ta mới được tỏ lộ. Sự công chính hoá người tội lỗi hoàn tất trong sự phục sinh của Đức Kitô; và trong sự phục sinh ấy đã hàm chứa ơn tái sinh vào sự sống vĩnh cửu.

Ta hiểu ơn tha tội trong bối cảnh này như thế nào? Không có con người nào có thể làm cho chuyện đã xảy ra lại thành như chưa từng xảy ra. Tội nợ xích xiềng hiện tại vào quá khứ và cầm tù tương lai. Không một hành vi thiện nào có thể san bằng một hành động ác. Kẻ thủ phạm chỉ có một ký ức nhất thời, bởi họ gây manh động từ những gì làm cho họ bị manh động. Nhưng nạn nhân thì phải sống với một ký ức dài hơn, bởi cả đời họ phải mang theo những dấu tích nạn nhân của mình. Vì thế, kẻ thủ phạm chỉ có thể được giao hoà cân bằng với nạn nhân khi họ được cứu độ. Đã đành việc đền tội có thể tái thiết lại cái trật tự cuộc sống đã bị tổn thương và kẻ thủ phạm phải mang lấy cảm thức tội lỗi của mình; tuy nhiên, không con người nào có thể trở thành của lễ đền tội được, bởi cái bất công đã xảy ra thì mãi mãi còn đó. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể giải phóng cái nặng nề của mặc cảm tội lỗi trong quá khứ và thiết lập một cuộc khởi đầu mới. Điều này xảy ra khi Thiên Chúa mang lấy quyền phán xử sự bất công vô đạo của tội lỗi vào mình, để trao tặng sự công chính hoá sáng tạo của sự sống của Người cho những ai đã vướng vào thứ tội luỵ, vốn đã làm cho họ yếu đuối và bị tước đoạt hết mọi quyền lợi.

Trong Kinh Thánh, ta thấy nói đến trong câu chuyện Đại Hồng Thuỷ và ông Noê hình ảnh Đức Chúa đau buồn và hối tiếc, trong ngôn sứ Hôsê thì Chúa suy nghĩ lại, còn Thánh Vịnh nhắc đến sức mạnh của lòng Chúa thương xót. Chúng ta lấy lại ở đây hình ảnh Thiên Chúa đau khổ. Sự đau đớn của Thiên Chúa là vì cả hai, vì nạn nhân và vì kẻ làm tôi đòi cho ác thần. Điều này hết sức quan trọng: nhận thức ra được điều này sẽ giúp cho kẻ nạn nhân thoát khỏi sự tra tấn của ký ức, và giải phóng kẻ tội đồ của bạo lực khỏi những xung lực xấu xa nơi mình. Ngay cả Thiên Chúa cũng không thể biến chuyện đã xảy ra coi như không xảy ra, nhưng Người có thể phá bỏ xiềng xích trói buộc hiện tại với quá khứ, cũng như mở lối cho tương lai.

Thiên Chúa bày tỏ sự đau đớn của mình trong cuộc thương khó và tử nạn của Đức Giêsu. Một niềm đau đến từ tình thương vô biên của Người, vén mở trong sự dâng hiến của Chúa Giêsu. Nhưng phải nói ngay rằng điều này không giống như ta thường hiểu: Đức Giêsu chết thay làm của lễ đền tội cho chúng ta và cách nào đó giống như trả nợ ngân hàng Thiên Đàng qua việc chuyển các khoản nợ từ tài khoản của chúng ta qua Người. Cách hiểu như vậy chỉ dẫn đến ảo tưởng, bày cho vài hình ảnh ít nhiều dỗ dành lương tâm, nhưng lại không chỉ ra trọng tâm của vấn đề. Đấng “đã bị trao nộp vì tội tỗi chúng ta” theo Rm 4,25 không phải là người Con hiến tế cho Cha vì tội lỗi chúng ta, mà là người Con được Cha sai đến đến làm của lễ hiến dâng (Rm 1, 24.26.28), để chính Thiên Chúa đi vào trong vực thẳm của những kẻ đã mất Thiên Chúa và qua đó mở đường mới cho loài người vô đạo chúng ta.

Cách nói về tội lỗi như một số lượng đong đếm được thường dẫn chúng ta đến một hiểu lầm tai hại, như thể chúng từng thuộc “sở hữu” của chúng ta, những con người tự bản chất là thiện tâm, nhưng do chút yếu lòng nên phạm lỗi, và vì thế những lỗi này cần được xí xoá, bởi chúng ta cũng cần phải tự tha thứ cho chính mình. Một số chính trị gia hôm nay vẫn nói về “lầm lỡ” nơi bản thân của họ. Tội lỗi được nói ở số nhiều cần được tha xoá, bỏ đi; còn tội nhân ở số ít, trong chính thân phận của họ, phải được “giữ lại”, để các tội được giải gỡ từ từ, và tội nhân cũng theo đó từ từ được tái sinh, như phép rửa trong cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên đã tượng trưng (Rm 6). Khía cạnh thiết thân “vì chúng ta” của Đức Kitô là điều tiên yếu, còn cái “vì những tội lỗi của chúng ta” là thứ yếu.

Sự phục sinh của Đức Kitô trong tương quan với các nạn nhân và kẻ thủ ác

Sự liên đới của Đức Kitô chịu đóng đinh với những nạn nhân của sự dữ chỉ là bước đầu trong hành trình giải phóng của họ. Sự tha thứ tội lỗi cho kẻ thủ phạm cũng chỉ là điều kiện cần để đưa họ vào hành trình tái sinh thực sự. Sự giản lược hành trình công chính hoá vào việc tha thứ tội, như cách mà thần học bí tích xá giải và tín lý của Luther trong bản tuyên tín “Confessio Augustana”, mục 4 đã tiếp cận, chỉ dẫn đến hiểu lầm. Đã hẳn theo Phaolô, Đức Kitô đã “vì tội lỗi chúng ta mà tự hiến”, để “chúng ta được nên công chính” (Rm 4,25). Đối với Augustinô sự tha thứ tội đích thật tương ứng với cái chết thật sự của Đức Kitô và sự nên công chính của chúng ta tương ứng với sự sống lại thật của Người.[9] Ý nghĩa cứu độ của cuộc thương khó và cái chết của Người chắc chắn hệ tại ở sự tha thứ tội lỗi cho ta, nhưng trong thương khó và tử nạn, ý nghĩa cứu độ của việc được nên công chính hay công bình vẫn chưa đạt đến. Ý nghĩa cứu độ của ơn công chính chỉ đạt đến trong biến cố Phục Sinh.

Sự Phục Sinh của Đức Kitô từ trong cõi chết không chỉ đơn thuần là sự tỏ lộ ý nghĩa cứu độ của cái chết trên thập giá.[10] Sự Phục Sinh ấy cũng không chỉ có nghĩa là Thiên Chúa tự đồng hoá mình với con người bị treo trên thập tự. Sự Phục Sinh là một hành động hoàn toàn thuộc riêng về Thiên Chúa.[11] Nhờ hành động này mà cả nạn nhân lẫn kẻ thủ ác đều được mang vào một thế giới và sự sống mới, công bình và vĩnh cửu. Bởi sự sống lại của Đức Kitô không là một vấn đề riêng tư của Người. Hơn thế, Người là đầu của toàn thể nhân loại mới và là trưởng tử trong số những thụ tạo được trỗi dậy. Nhờ sự Phục Sinh của Đức Kitô từ trong cõi chết, chúng ta, những kẻ đã chết vì tình trạng không có Thiên Chúa và vô đạo, được tặng ban sự sống mới tràn đầy hy vọng (1Pr 1,3). Nhờ điều này mà chúng ta bước vào cảnh vực sự sống của sự công chính thần thiêng. Trong ánh sáng của sự Phục Sinh, khía cạnh tích cực của lòng Chúa thương xót dành cho nạn nhân và thủ phạm được nêu bật. Đối với Thiên Chúa, trong sự tha thứ tội, thì tội không phải là điểm nhấn, nhưng điểm nhấn là sự sống mới; sự sống được khơi lên và trao tặng cho người tội lỗi. Không phải vì người đó được tha tội nên người đó trở nên công chính, cho bằng người được nên công chính là người được sinh ra trong đời sống mới nhờ Thánh Thần của Đấng Phục Sinh. Sự phủ định của những điều tiêu cực sẽ không sinh ra cái tích cực. Sự phủ định đúng hơn là điều kiện giả định để có thể tạo lập một khởi đầu mới.

Nếu không được phép giản lược sự Phục Sinh của Đức Kitô vào sự mặc khải ý nghĩa cứu độ học của thập giá thế nào, thì cũng không được phép đánh đồng cái chết và sự sống lại của Người như vậy. Và như thế, cũng không được phép coi là ngang nhau ơn tha thứ tội và sự tái sinh vào cuộc sống mới. Khi viết về Đức Kitô chết và sống lại, Phaolô đã dùng cụm từ “mà còn hơn nữa” khi nói về sự sống lại này (Rm 8,34). Sự trỗi dậy của Đức Kitô từ cõi chết diễn tả sự trào tràn của ân sủng, bởi “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). Ân sủng vượt trội này mang lại sự giải phóng khỏi sự trói buộc vào quá khứ mà các tội nhân và các nạn nhân phải chịu, cũng như dẫn đưa họ vào cuộc sống mới và phổ quát nhờ sức mạnh của sự công chính nơi chính Thiên Chúa.

Trong quá khứ, một nền thần học phiến diện về thập giá đã đẩy Giáo Hội Tinh Lành Luther đến chỗ giản lược kinh nghiệm về sự công chính của Thiên Chúa, – sự công chính tái lập quyền của thụ tạo, vào thần học về sự tha thứ tội. Sự phiến diện này cũng đẩy Giáo Hội Công Giáo thời Trung Cổ đến chỗ ghì trói con người trong cảm thức tội lỗi, hầu làm cho họ lệ thuộc vào phương tiện ban phát ân sủng mà Giáo Hội nắm trong tay. Chỉ đến thế kỷ 17, Kitô giáo mới nhìn nhận và thực thi khía cạnh tái sinh và đi vào đời sống mới nhờ Thần Khí của Đấng Phục Sinh như là đích đến của sự tha tội. Nhờ kinh nghiệm tái sinh vào niềm hy vọng sống động mới mà con người trở nên chủ thể của cuộc đời riêng mình, với Chúa và với vũ trụ. Chỉ trong hoàn cảnh đó con người mới trở thành những “Kitô hữu trưởng thành”.

Khi chúng ta nói về kinh nghiệm được nên công chính trong đức tin, chúng ta không chỉ nói về một kinh nghiệm tức thời, nhưng đúng hơn đó là một tiến trình năng động và hướng về cánh chung:

  1. Đức Kitô đi vào thế giới, chữa lành những kẻ bệnh tật đau yếu thể xác và trừ quỷ nhờ sự hiện diện bằng xương bằng thịt của Người. Đó là sức mạnh cứu chữa từ đời sống hiện thực của Người.
  2. Đức Kitô bước vào đường thương khó và đón lấy thập tự từ những kẻ gieo rắc bạo lực. Bằng tình liên đới, Người mang Thiên Chúa đến những kẻ đang đau khổ vì tình trạng vô đạo của mình. Đó là sức ủi an nhờ cái chết đau thương của Người.
  3. Nhờ sức mạnh của sự dâng mình thế chỗ trong khổ hình và tử nạn, Người đã cởi trói người tội lỗi, tức kẻ bị xiềng xích trong hành vi tội lỗi của mình và vất đi gánh nặng tội lỗi cho họ.
  1. Nhờ sức sống trong cuộc Phục Sinh của Người, Người tạo lập cho nạn nhân và thủ phạm một cộng đồng những người được nên công chính với Chúa và với Họ có thể sống dưới triều đại Thiên Chúa, bởi triều đại này bao gồm cõi đất của kẻ đang sống và đã chết, và giải trừ quyền lực sự dữ.
  2. Với vương quyền của Đức Kitô ngự đến, một cuộc tạo thành mới trong Thiên Chúa đã nảy nở giữa lòng thế giới chết chóc. Tạo thành này đạt đến viên mãn trong khi “trao vương quyền” cho Thiên Chúa, để Thiên Chúa là “mọi sự trong mọi người” (1Cr 15,28).

Trong thần học của Giáo Hội Cải Cách, lối nói “Finis historiae Christi” (tận cùng của lịch sử trong Đức Kitô) bao gồm các nghĩa sau đây: 1. Chữa lành kẻ ốm đau, 2. Liên đới với kẻ đau khổ, 3. Tha thứ kẻ có tội, 4. Làm cho cuộc sống của kẻ nạn nhân và thủ phạm được nên công chính, 5. Quyền thủ lãnh của Đức Kitô trên kẻ sống và kẻ chết, 6. Cho kẻ chết sống lại và thủ tiêu sự chết, 7. Tạo dựng mọi loài nên mới nhờ vinh quang hằng hữu của Thiên Chúa.

Quyền thừa kế của con cái Thiên Chúa

Một trong những chiều kích cuối cùng, khó thấy và hay bị quên lãng trong tiến trình được nên công chính, chuyển dịch từ ơn được tha tội đến ơn được tái sinh vào đời sống mới, là kinh nghiệm về Thần Khí của Thiên Chúa. Được Thần Khí ban sự sống tràn ngập, người tín hữu sẽ trải nghiệm rằng, cho dù họ còn nhiều bất toàn và phải mang lấy thân phận của kẻ chối bỏ Thiên Chúa và vô đạo, họ vẫn được Thiên Chúa đón nhận (Paul Tillich). Họ không còn bị coi là nạn nhân hay tôi tớ của tội lỗi nữa, nhưng là con cái Thiên Chúa, là những kẻ được tái sinh từ sức mạnh ban sự sống và linh hoạt của Thần Khí. Họ trở thành anh chị em của Con Thiên Chúa, – Đức Kitô, Người là “trưởng tử giữa đàn em đông đúc” (Rm 8,29), những người “được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn”, và “trở nên con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14).

Trở nên con cái Thiên Chúa không chỉ có ý nói rằng người tín hữu, – kẻ được tái sinh trong Thiên Chúa, trở nên cao quý và ý thức mình vượt trội trên thế gian, mà còn ám chỉ đến một quyền mới, quyền thừa kế của con cái Thiên Chúa. Chiều kích này trong ơn được công chính hoá của con người rất hiếm hoặc chưa bao giờ được để ý trong tín lý về ơn công chính, bởi trong vấn đề này trọng điểm của các phát biểu tín lý vẫn luôn là ân sủng Thiên Chúa. Tuy nhiên, người được nên công chính cũng sẽ trở thành “người thừa kế của Thiên Chúa và đồng thừa tự với Đức Kitô” (Rm 8,17). Vậy quyền thừa kế này là gì và bởi đâu mà họ có được quyền ấy?

Đó là vương quốc đầy vinh quang Chúa, mang lại sự sống đời đời, tạo dựng một trời mới đất mới, trong đó “công bình sẽ triển nở mãi” (Gl 3,29; Gc 2,5; Tt 3,7). Nói theo phạm trù pháp lý, ơn nên công chính một đàng là sự ân xá tội luỵ, đàng khác là uỷ thác phần thừa kế vương quốc Thiên Chúa cho con người. Quyền thừa kế mới mẻ dành cho con cái Thiên Chúa mở cho con người tương lai, cất khỏi họ phần số nạn nhân và tôi đòi sự dữ, ban cho họ viễn tượng mới nơi Thiên Chúa và nhờ đó giúp họ sống đời sống mới thực sự ngay trong hiện tại, tại đây và vào lúc này, của họ.

Sự công chính hoá của Thiên Chúa

Ở đâu Thiên Chúa mang lại quyền cho những kẻ bị tước quyền hay là nạn nhân của bạo lực, ở đó họ được phục hồi và Thiên Chúa đối với họ trở nên Đấng Công Bình. Chính Thiên Chúa thực thi quyền của Người nơi họ. Đó là ý nghĩa thứ nhất của sự công chính hoá của Thiên Chúa trong thế giới này. Đó là lý do tại sao những kẻ bị đụng chạm về vấn đề công bình sẽ phải mang lấy cách nhìn của Thiên Chúa.

Ở đâu Thiên Chúa làm cho kẻ bị nô lệ vòng bất công trở nên công chính, nơi họ phải mang gông tội lỗi và dính chặt vào quá khứ, thì nơi đó Thiên Chúa cởi trói, tặng cho họ cuộc khởi đầu mới; đối với những người này Thiên Chúa cũng là Đấng Công Chính. Thiên Chúa thực thi quyền của Người nơi họ. Đó là ý nghĩa thứ hai của sự công chính hoá của Thiên Chúa trong thế giới này. Đó là lý do tại sao ta nói người được nên công chính sẽ có cùng quan điểm như Thiên Chúa.[12]

Bằng hai cách tặng ban quyền cũng như thực thi quyền này của Người, Đấng Sáng Tạo đặt yêu cầu cho thụ tạo của Người. Người giải phóng họ khỏi những “ràng buộc vô tín vô thần của thế giới”, như luận đề 2 của Bản tuyên tín thần học Barmer của phong trào Giáo Hội Phản Kháng tại Đức thời Quốc Xã năm 1934 đã nói đến, và Người thực thi quyền của Người nơi họ. Nhờ sự công bình vốn kiến tạo quyền và làm cho nên công chính của Thiên Chúa, Người mở ra trước sự công chính của Triều Đại sẽ đến của Nước Thiên Chúa, sự công chính vốn sẽ cứu độ thế giới, và qua đó cho thấy Người là Đấng Công Chính. Đó là ý nghĩa thứ ba của sự công chính hoá của Thiên Chúa trong thế giới này. Ai có kinh nghiệm về sự công bình như thế, cho dù người ấy có thân phận thủ phạm hay nạn nhân hay cả hai đi nữa, họ sẽ nhận ra sự công bình trong thế giới này; và trong kinh nghiệm đó, họ trở nên đồng quan điểm với Thiên Chúa.

Thiên Chúa làm cho ta nên công chính, chúng ta cũng làm cho hình ảnh Thiên Chúa trở nên Đấng Công Chính. Đó là hai mặt chủ động và thụ động của ơn công chính hoá của Thiên Chúa. Ơn công chính này lại hệ tại ở một đức tin biết tìm ơn công chính hoá. Đức tin tìm công chính này không chỉ là một dạng niềm tin con người, nhưng là một đức tin làm cho Thiên Chúa xuất hiện như Đấng Công Chính. Đồng quan điểm với Thiên Chúa, chúng ta sẽ coi thế lực của sự dữ trong thế giới này là điều bất công. Có cùng cách nhìn với Người, chúng ta biết tự đánh giá mình là thuộc về phía của những điều bất công nếu bao lâu chúng ta còn để mình bị thu hút và bị vây bủa bởi cái tầm thường của sự dữ.

Học nhìn như Chúa, chúng ta sẽ thôi không tự bao biện cho mình trong bất cứ chuyện nhỏ to nào. Chúng ta cũng sẽ không cần tự thanh minh và tự biện hộ mình trước người khác, bởi lúc đó chẳng còn ai tố tụng nữa. Chúng ta được Thiên Chúa đón nhận, khích lệ và yêu thương. Và bởi đã trở thành con cái của Người, chúng ta cũng sẽ chẳng ngại không ngừng phơi bày những gì làm được hay còn thiếu sót của mình. Thiên Chúa công chính hoá chúng ta, để chúng ta có thể công chính hoá Người. Đó là ơn cứu độ nhờ Danh Người. Đó là sự thành toàn của điều răn thứ nhất.

Vì tán đồng với Ernst Bloch, nên tôi trích ra đây câu cuối cùng trong tác phẩm “Geist der Utopie” (Thần Khí của những điều không tưởng), xuất bản năm 1922, của ông: “Riêng kẻ dữ thì tồn tại nhờ vị Thiên Chúa của riêng họ, còn đối với người công chính, do bởi Thiên Chúa hiện hữu trong những người này, và cũng trong tầm tay của những người này mà Danh Người trở nên nguồn cứu độ (Kiddush Haschem), nên việc gọi tên Thiên Chúa lại là một ân ban.”[13] Làm cho Danh Người chí thánh là sự công chính hoá mà chúng ta dành cho Thiên Chúa trong thế giới này.


 

[1] Bài viết này đã được xuất bản lần đầu trong tạp chí Stimmen der Zeit, số 219, 2001.

[2] H. J. Iwand là một đại biểu rõ ràng nhất cho lập trường này của Luther. Xem H.J. Iwand, Glaubensgerechtigkeit nach Luthers Lehre, trong: ThEx heute, 75, München, 1941.

[3] Xem kỹ hơn trong J. Moltmann, Der Weg Jesu Christi. Christologie in messianischen Dimensionen (Đường của Đức Giêsu Kitô. Kitô học trong chiều kích Mêsia), München, 1989, đặc biệt chương III: Die messianische Sendung Christi (Sứ mạng Mêsia của Đức Kitô), trang 92-172.

[4] E. Bloch, Das Prinzip Hoffnung (Nguyên lý hy vọng), Frankfurt, 1959, tr. 1490 và 1495.

[5] Nguyên bản: Wenn ich einmal soll scheiden/, dann scheide nicht von mir/. Wenn ich den Tod soll leiden/, so tritt du dann herfür/; wenn mir am allerbängsten /wird um das Herze sein/, dann reiß mich aus den Ängsten / kraft deiner Angst und Pein.

[6] D. Bonhoeffer, Widerstand und Ergebung (Kháng cự và quy hàng), München, 1951, nhất là câu thơ: “Người tín hữu đứng kề bên Chúa trong cơn lâm luỵ của chính mình”.

[7] Về vấn đề sự cảm thương và khả năng bất cảm thương của Thiên Chúa xin xem phản bác của Karl Rahner dành cho tôi và ngược lại, trong: J. Moltmann, In der Geschichte des dreieinigen Gottes. Beiträge zur trinitarischen Theologie, München, 1991, 169 -172.

[8] J. Sobrino, mục “Oscar Arnulfo Romero, Märtyrer der Befreiung” trong O. A. Romero, Die notwendige Revolution (Cuộc cách mạng thiết yếu), München, 1982, tr. 17.

[9] Augustinô, Enchiridion, 52.

[10] R. Bultmann, “Neues Testament und Mythologie” trong: Kerygma u. Mythos. Ein theologisches Gespräch, biên tập H. -W. Bartsch, Hamburg, 1960, tr. 46 với câu: “Niềm tin Phục Sinh không gì khác hơn là niềm tin vào thập giá như biến cố cứu độ.”

[11] K. Barth, Kirchliche Dogmatik IV/ 1, § 59.

[12] Xem H.J. Iwand, Glaubensgerechtigkeit nach Luthers Lehre, trong: ThEx heute, 75, München, 1941, tr. 11 với câu: “Có cùng quan điểm như Thiên Chúa, đó là niềm tin và giới răn thứ nhất.”

[13] E. Bloch, Geist der Utopie, Frankfurt 1964, tr. 346.