VẤN ĐỀ
Suốt dòng lịch sử và trong tất cả các nền văn hóa, phụ nữ đã bị coi tựa như là một “cái gì” của cha, của chồng, của gia trưởng… Dù thánh Phaolô đã khẳng định rõ: “Không còn có chuyện phân biệt Dothái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà…” (Gl 3:28), thì số phận của nô lệ và phụ nữ cũng chẳng đổi mới được bao nhiêu. Trong vấn đề này, Giáo Hội và xã hội không khác nhau là mấy; chính Ðức Gioan Phaolô II đã nhìn nhận phần lỗi của Giáo Hội; trong thư gửi cho các phụ nữ, ngài viết: “Khách quan mà nói, đặc biệt là trong một vài hoàn cảnh lịch sử, nếu phải quy lỗi cho nhiều phần tử trong Giáo Hội, thì tôi xin được nói lên lời xin lỗi.”[1] Ở Tây phương, trong các thế kỷ 19 và 20, phụ nữ đã đứng lên đấu tranh cho nữ quyền; dẫu đã có nhiều bước tiến bộ, tuy nhiên, nữ giới vẫn chưa thấy được đối xử ngang hàng với nam giới. Ở Châu Á, tại nhiều nơi, số phận phụ nữ vẫn còn rất tệ, thấy rõ qua: ác tập của hồi môn, giết nữ thai nhi, cắt xén cơ quan sinh dục, loạn luân, hành hạ, hãm hiếp, mại dâm, v.v.; vì thế, các giám mục đã viết: “Không những là một yêu cầu nhân bản, mà còn là một đòi hỏi thiết cốt của Phúc Âm việc nhìn nhận nhân phẩm của một nửa loài người cùng phục hồi phẩm cách của họ, và để họ đóng giữ vai trò xứng đáng cả ở giữa thế giới lẫn ở trong Giáo Hội.”[2] Và năm 1995, FABC 6, đã nhắc lại: “Là một công tác mục vụ bách thiết việc tạo cho nữ giới có điều kiện hành sử quyền của mình, giữ những địa vị và phận vụ ngang hàng với nam giới, ở giữa xã hội cũng như ở trong Giáo Hội” (số 15.2). Vậy, vấn đề là: giữa xã hội cũng như trong Giáo Hội, phụ nữ chưa được đối xử xứng với phẩm giá của họ. Tại nhiều nơi, phụ nữ, kể cả nữ tu, đã lên tiếng phê bình lối tổ chức và cách Giáo Hội cư xử đối với họ. Ðã đến lúc cần phải xét lại vấn đề và tìm cho ra cách giải đáp.
VÀI HÀNG LỊCH SỬ
Hiểu cho tường tận lịch sử là chuyện khó. Còn lấy những phạm trù hiện tại để mà giải thích những biến cố hoặc trạng huống xa xưa thì càng khó hơn nữa. Dù sao, lịch sử vẫn là “magistra vitae” (thầy cuộc đời), cho nên cần phải nhìn lại xem các tài liệu cũ dạy cho ta những bài học nào.
Phúc Âm cho thấy Ðức Giêsu khai mở một thể cách mới trong lối đối xử với phụ nữ, trong ý thức họ là “nữ tử Abraham” (Lc 13:16), và không chỉ trò chuyện với họ (như với phụ nữ Samaria: Ga 4:7tt) hoặc kết thân với họ như bạn hữu (như với Máctha và Maria: Ga 11), mà còn để họ đi theo làm môn đồ (x. Lc 8:1-3).[3] Sau đó, thánh Phaolô đã có thái độ song đôi: trong Gl 3:28, ngài nói tất cả đều ngang nhau, còn ở trong 1Cr 14:34-35, thì lại cấm phụ nữ “lên tiếng giữa cộng đồng” (x. 1Cr 11:2-16); nhưng nhiều lần ngài lại nhắc đến các nữ phụ tá của ngài (x. Rm 16:1.3.7.12). Trong Giáo Hội sơ khai, đã có “tu hội quả phụ” gồm các bà góa có nhiệm vụ cầu nguyện cho Giáo Hội. Khi tuần tự kể giám mục, linh mục và phó tế theo trật bậc, thì Ôrigênê nhắc đến họ (Homilia in Lc. 17); Téctullianô gọi họ là ordo (trật bậc) trong Giáo Hội với chỗ ngồi dành riêng trong cộng đoàn (De pudicitia 13.4); hồi thế kỷ 4, họ cũng phụ trách việc từ thiện. Trong các xã hội với phong tục đặc biệt, như ở Syri, Tiểu Á, Ba tư, v.v., để phục vụ nữ giới, thì Giáo Hội đã thiết lập hàng nữ trợ tá, như thấy được ở trong sách Ðiđaskalia (thế kỷ 3), và trong những miền nói tiếng Hylạp, thì gọi họ là “nữ phó tế,” như đọc thấy trong các tác phẩm của Clêmentê Alêxănđria và Ôrigênê. Công đồng Nixêa (năm 325) liệt kê nữ trợ tá là “giáo dân,” còn Canxêđônia (năm 451) chấp nhận các nữ trợ tá và xác định một số chi tiết về nếp sống cùng hoạt động của họ ở trong Giáo Hội; chẳng hạn như: họ phải sống độc thân (đ. 15), và dưới 40 tuổi phụ nữ không được chịu chức phó tế. Còn bên Tây phương (nói tiếng Latinh) thì công đồng Orange (năm 441) đã cấm phong chức trợ tá cho phụ nữ. Bên Ðông phương, các nữ trợ tá như thế biến dần rồi mất hẳn từ thế kỷ 11 trở về sau.
Trong lãnh vực trí thức, nữ giới kitô đã góp phần quý giá cho nền văn học tôn giáo. Triết gia Giuxtinô ở Rôma cũng như Ôrigênê ở Alêxănđria đã có các nữ môn đồ. Ðặc biệt là ở Rôma, hồi thế kỷ 4, đã có một nhóm phụ nữ quý phái tụ họp để học Kinh Thánh và các Giáo phụ, với sự ủng hộ tích cực của thánh Hiêrônimô; một nhóm khác thì được Rufinô giúp đỡ để học tập; nổi tiếng nhất nhóm là bà Malania, sau này trở thành sáng lập viên của một đan viện tại Giêrusalem.
Thời Trung cổ, vai trò nữ giới trong Giáo Hội tập trung vào các tu viện, tương tự như hàng giáo sĩ/tu sĩ đối với phía nam giới.[4] Thường thì nhờ có địa vị xã hội, giáo dân “thuần túy,” nam cũng như nữ, mới can thiệp được vào trong sinh hoạt của Giáo Hội: nhiều khi hàng quý phái có quyền trao các chức vụ; trí thức thì viết sách hoặc dạy thần học. Khó mà liệt kê ra hết được số các phụ nữ đã góp phần độc đáo cho sinh hoạt của Giáo Hội: thánh nữ Scôlaxtica – em của thánh Biển Ðức (thế kỷ 6) – Hild Whitby ở Anh quốc – bà đã sáng lập đan viện cho cả nam lẫn nữ tu sĩ, và là thành viên của hôïi đồng (thế kỷ 7) – Walburge (thế kỷ 8) – đã hợp tác với thánh Bônifaxiô ở Ðức – Solange de Berry (thế kỷ 9), công chúa Olga ở Nga (thế kỷ 10), Margaret Scotland (thế kỷ 11), Hildegard thành Bingen (thế kỷ 12); trong thế kỷ 13, thì có: thánh Clara Asissi, thánh Catarina Siena, thánh Elisabeth Hungari, Mechtild Magdeburg; trong thế kỷ 14: thánh Gerthrude Cả, thánh Bridgit người Thụy Ðiển, Julian Norwich; Catarina Genoa (thế kỷ 15); thánh Têrêxa Avila (thế kỷ 16) tiến sĩ Giáo Hội, và bao nhiêu tác giả nổi tiếng khác. Ðã có rất nhiều phụ nữ tham gia các phong trào thiêng liêng giữa giáo dân, đặc biệt là các dòng ba (nhất là từ thế kỷ 13) theo các linh đạo Cát Minh, Ða Minh và Phanxicô. Có một nhóm đặc biệt gọi là Beguines (xuất hiện hồi thế kỷ 12 ở Bỉ), gồm những phụ nữ sống chung ở giữa thế gian với mục đích phục vụ người nghèo.
Mặt khác, suốt thời Trung cổ, tại Châu Á nữ giới đã phải trải qua nhiều nỗi thăng trầm khốn khổ. Nói chung, địa vị xã hội của nữ giới thì rất là thấp, kém xa nam giới; họ chỉ đóng vai thụ động. Trong thế kỷ 13, nhiều phong trào cải cách đã xuất hiện; có nhiều phụ nữ tham gia; nhưng đa số các nhóm ấy đã đi vào con đường sai lệch, biến thành lạc giáo. Phụ nữ bị nghi ngờ, và – nhất là ở Trung Âu – bị tố cáo là phù thủy; từ đó bắt đầu chính sách thanh trừ phù thủy – cả từ phía Giáo Hội lẫn từ phía nhà nước – khiến hàng ngàn phụ nữ bị thiêu sống. Từ thời phục hưng trở về sau, nữ giới bắt đầu ý thức rõ hơn đến phẩm giá của mình, và từ đó số phận nữ giới được cải thiện dần. Trong Giáo Hội, vai trò tích cực của nữ giới thường hiện rõ qua các dòng tu. Từ giữa thế kỷ 19 cho đến thời công đồng Vaticanô II, số dòng nữ đông hơn gấp bội các dòng nam. Chẳng hạn, năm Vaticanô II kết thúc (1965), tại Hoa kỳ, số linh mục (triều và dòng) là 58.632; trong khi đó, số nữ tu lên đến 179.974; hồi năm 1996, trong thế giới, đã có 404.336 linh mục, còn nữ tu thì 828.660. Riêng tại Việt Nam, trong năm 2000, nếu con số linh mục đã đếm được 2.303, thì con số các nữ tu đã lên tới 9.739. Thế nhưng, quyền quyết định trong Giáo Hội hầu như vẫn còn nằm trọn trong tay nam giới.
Nữ giới bao giờ cũng bị kém thua nam giới trong quyền hạn. Trong xã hội Tây phương, nữ giới đã đấu tranh dành cho được quyền hạn ngang với nam giới.[5] Phụ nữ được quyền bỏ phiếu ở Anh và Ðức quốc năm 1918, ở Hoa kỳ năm1920, ở Tây ban nha năm 1931, ở Pháp năm 1945. Tại các phần thế giới còn lại, số phận của nữ giới còn thua kém hơn nhiều. Tại đa số các nước Hồi giáo, phụ nữ chẳng có được một quyền hạn nào. Riêng tại Việt Nam, phụ nữ đã phải giữ “đạo tam tòng” và, dù được luật pháp bênh vực, nữ giới vẫn phải tiếp tục nhường bước cho nam giới. Năm 1946, phụ nữ được quyền bỏ phiếu; nhưng vẫn còn quá ít phụ nữ giữ những địa vị quan trọng trong các lãnh vực chính trị và xã hội. Trong thế giới, 70% người nghèo là phụ nữ. Phụ nữ bị hành hạ ở mọi nơi và bằng mọi cách: hiếp dâm, mại dâm, đánh đập, khinh bỉ, trả công thấp hơn, cưỡng hôn, chồng ruồng rẫy bỏ rơi, v.v.
Vì vậy, gần đây đã xuất hiện phong trào và ý thức hệ “nữ quyền” (feminism) cả ở trong việc đạo lẫn ở giữa việc đời. Ở đây chỉ xin giới hạn ở trong phạm vi tôn giáo. Nhiều phụ nữ đã nghiên cứu và cho thấy được một “mặt kín” của lịch sử: không những đã bỏ “quên” vai trò của phụ nữ, rất nhiều sách lịch sử còn dùng thành kiến chống họ.[6] Dù đôi lúc tỏ ra quá khích, các nữ tác giả này cũng đã góp phần tích cực cho việc hiểu về quá khứ một cách khách quan hơn. Họ có lý khi đòi hỏi nam giới phải đổi thái độ lệch lạc đối với phụ nữ và đánh giá đúng mức việc làm của phụ nữ ở trong gia đình, ở giữa xã hội, ở trong các sinh hoạt tôn giáo. Họ nêu bật phong cách nữ tính của mọi sự, cả đến của Thiên Chúa! Các nhà nữ chú giải cắt nghĩa Kinh Thánh và trình bày thần học với những sắc thái mới. Linh đạo kitô nhờ đó cũng trỡ nên phong phú hơn, khi có được lối nhìn năng động hơn đối với phụ nữ và biết nhận ra những khả năng mới. Trước trạng huống bi đát nữ giới phải sống qua tại nhiều nơi, trào lưu nữ quyền không chỉ đã gây được ý thức cho công luận về vấn đề, mà còn đưa đến việc giải phóng phụ nữ thật sự.[7] Họ cũng đã gây sức ép trên việc dùng ngôn từ để thay đổi một số cách nói, đặc biệt là ở trong phụng vụ và thần học: đối với lối nói gồm hàm (inclusive language). Giữa xã hội, họ đã dành được – ít là trên nguyên tắc – quyền bình đẳng nam nữ, trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, cả đến trong quân đội. Thế nên, họ mạnh dạn hỏi: còn trong Giáo Hội thì sao?
Một số nhóm “nữ quyền” thường tỏ thái độ cực đoan, chối bỏ hết những gì thuộc “truyền thống phụ quyền,” coi đó là những yếu tố làm nhiễm độc văn hóa và tôn giáo. Ngôn ngữ họ dùng thường có tính cách khiêu khích; họ giải thích Kinh Thánh và khai triển các chủ đề thần học theo lối lý luận chịu ảnh hưởng nặng của chủ nghĩa nữ quyền. Có nhóm còn tỏ rõ thái độ chống đối “thể chế Giáo Hội” và bất phục tùng, tự xưng là “tiên tri” và hành động theo lối “việc đã rồi.” Ðó là trường hợp của những nhóm cử hành phụng vụ theo kiểu nữ quyền hoặc đã kiếm cách để chịu chức thánh.[8] Kết quả là đưa tới cãi vã và chia rẽ trong Giáo Hội.
Tuy nhiên, vấn đề đã đặt ra rồi, bây giờ chỉ còn có việc là phải giải quyết. Thực tế là: không biết bao nhiêu phụ nữ liêm trực trong Giáo Hội hiện đang cảm thấy ngột ngạt. Nhiều tập quán, nhiều thói lệ của ngày trước không còn có thể chấp nhận được trong thời đại ngày nay; đã đến lúc phải thay đổi.
GIÁO HỘI THAM GIA
Ðể xác định vị trí chính đáng ở trong Giáo Hội của các phụ nữ thì đã sẵn có những nguyên tắc. Tông Thư Mulieris dignitatem (Phẩm giá nữ giới, 15.8.1988) khẳng định rằng: “Phụ nữ đứng ngay ở trọng tâm của biến cố cứu độ” (số 3). “Hẳn là nữ giới không kém về khả năng so với nam giới, chỉ có điều là khác nhau thôi” (số 10). Và khi muốn ám chỉ về cuộc khổ nạn của Ðức Giêsu, văn kiện viết: “Có thể thấy được rằng trong cuộc thử thách ghê gớm nhất đối với niềm tin và lòng trung thành, phụ nữ đã tỏ ra kiên cường hơn các tông đồ; trong những giây hiểm nguy, có ‘yêu mến nhiều’ thì mới vượt thắng được sợ hãi” (số 15). “Thái độ của Ðức Kitô đối với các phụ nữ củng cố và nêu rõ hơn thêm trong Thánh Thần, chân lý về sự bình đẳng giữa nam nữ. Phải nói đó là một ‘sự bình đẳng’ căn bản, bởi vì cả hai, nữ cũng như nam, đều đã được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa,và vì thế cả hai, trong những mức độ như nhau, đều có khả năng đón nhận ân huệ của Thiên Chúa là chân lý và tình yêu của Thánh Thần: cả hai đều có khả năng cảm nghiệm như nhau về những tác động của Thiên Chúa cứu độ và thánh hóa” (số 16), v.v.
Theo giáo lý trên đây, tổ chức trong Giáo Hội rồi sẽ như thế nào? Có lẽ ngày xưa, thời mà trong xã hội, quan hệ nam nữ khác hẳn, theo cách “hội nhập văn hóa” Giáo Hội đã lấy lại nguyên dạng quan hệ phân biệt ấy. Nhưng ngày nay, xã hội đã biến đổi, mà vẫn còn giữ cơ chế ngày xưa, thì Giáo Hội sẽ bị coi là lỗi thời. Ðành là trong cơ chế Giáo Hội, có những yếu tố bất di dịch bởi thuộc “thần quyền”; nhưng các yếu tố như thế thì chỉ là một số rất nhỏ. Sự thật về Giáo Hội đòi phải có những cơ cấu thể hiện rõ các nguyên tắc nói trên đây. Vì thế, các giám mục Châu Á đã chia sẻ cho thấy: “Các nghị phụ rất ưu lự lắng lo về sự việc Giáo Hội phải là một ‘Giáo Hội tham gia’ trong đó, không một ai cảm thấy bị phân biệt, loại trừ; đặc biệt, các ngài ý thức rõ một nhu cầu bách thiết, đó là cần phải làm sao để các phụ nữ có cơ hội tham gia nhiều hơn vào trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội ở Châu Á.”[9]
Trong các cơ chế lãnh đạo chịu trách nhiệm đối với việc quyết định chính sách trong Giáo Hội, hầu như không có mặt phụ nữ. Là thành phần đa số trong công đồng kitô hữu, chắc hẳn nữ giới phải giữ một vai trò chủ chốt hơn trong các cơ chế lãnh đạo của Giáo Hội. Ðể đạt được mục tiêu ấy, ắt phải bắt đầu bằng việc thay đổi não trạng, thay đổi cách quan niệm về đường lối tổ chức cơ chế Giáo Hội, về vai trò của mỗi thành viên trong cộng đồng. Không chỉ học thần học về nữ giới, giáo sĩ còn phải học thần học của phụ nữ.[10] Hiện nay, tại nhiều nước số các phụ nữ học và dạy thần học đã tăng lên nhiều: đó là điều hợp lẽ và đáng mừng.
Thảo luận về vấn đề phụ nữ trong khóa họp khoáng đại lần 4 tại Tokyo, năm1986, FABC đã quyết tâm lo sao để họ có cơ hội đóng giữ vai trò thích đáng với địa vị của họ, trong Giáo Hội. Rồi năm 1993, FABC đã triệu tập một hội nghị tại Petaling Jaya (Malaysia) để nhìn lại “Những sự kiện và kinh nghiệm của phụ nữ tại Châu Á” và đã quyết định thành lập ngay trong cơ chế của FABC, một Uỷ ban về Phụ nữ; FABC cũng khuyến khích các hội đồng giám mục trong vùng làm tương tự như thế “nhằm cổ vũ việc gặp gỡ và đối thoại giữa nam nữ trong Giáo Hội, nhất là trong tiến trình hình thành các quyết định.” FABC 6 (Manila 1995), BILA[11] I và II (1995, 1998) đã nhắc lại lời khuyến dụ ấy. Trong FABC 7 (Samphran, Thailand, 3-12.1.2000) các giám mục đã lại bàn luận về điểm này, và đã lắng nghe ý kiến của phía phụ nữ.[12] Bây giờ, chỉ còn một điều cần làm là các Giáo Hội địa phương phải đưa ra những biện pháp cụ thể.
Ðối thoại với phụ nữ có nghĩa là phải lắng nghe không chỉ từng cá nhân riêng lẻ, mà cả toàn bộ nữ giới theo tư thế là một tập thể trong Giáo Hội. Ngẫm đọc đoạn Lc 13:10-16, nhiều phụ nữ cũng nhận thấy rằng trong Giáo Hội, phụ nữ đang bị “còng lưng” tê liệt trong “xiềng xích” của những thái độ và lối cư xử không xứng đáng đối với nữ giới ở giữa đời cũng như trong đạo. Cho đến nay, nhờ nữ giới đã biết nhẫn nhục nín lặng, bầu khí xem ra ổn thỏa trong Giáo Hội; tuy nhiên, trong một xã hội đang đổi thay nhanh chóng và sâu rộng như đang thấy, quả là ngây thơ nếu cứ tưởng tình trạng ấy có thể kéo dài mãi. Phụ nữ đã ý thức, đã bắt đầu lên tiếng cũng như đã bắt đầu ra tay hành động.
Giáo Hội sẽ phong phú hơn nhiều, khi “bộ mặt nữ tính” của mình lộ hiện rõ. Vì những thành kiến tiêu cực, đa số phụ nữ không đi được đến chỗ đánh giá cao chính mình, khiến hơn một phần nửa Giáo Hội cũng không tự đánh giá cho đúng mức. Là nguồn nhân sinh, người mẹ giữ vai trò làm hợp tác viên của Ðấng Tạo hóa; hiện đang vận động cho sự sống, thì đây là lúc Giáo Hội cần phải nêu bật giá trị này từ giữa lòng cuộc sống của mình. Cảm nghiệm tôn giáo của nam giới và nữ giới thì khác nhau; thế nên, cần phải nêu bật và trình bày một cách thực sự cụ thể ở trong cuộc sống Giáo Hội, về sự khác biệt này; chẳng hạn trong cách biểu đạt niềm tin, trong các sinh hoạt phục vụ và đặc biệt là trong quá trình hình thành các quyết định. Quá trình này thường mang tính cách “đàn ông,” tức nặng nề duy lý; nữ giới dùng đến cảm tính nhiều hơn và, vì thế, mềm dẻo hơn. Nếu phụ nữ không tham dự vào quá trình quyết định, thì Giáo Hội thiếu mất đi những đặc tính ấy, thiếu mất đi những “tài năng bẩm phú của nữ giới” như giáo hoàng đã từng nhận định.[13] Ôn hòa và dịu dàng hơn, phụ nữ sẽ hữu hiệu hơn trong những lúc cần phải giải quyết các vụ xung đột. Trong các tổ chức có nhiều phụ nữ tham gia, tính cách nhân đạo thường nổi bật rõ hơn. Và nhân đạo phải là nhân đức đặc thù của Giáo Hội.
Ở Châu Á, Giáo Hội có một sứ mệnh đặc biệt đối với phụ nữ: vận động để giải phóng nữ giới. Các truyền thống Châu Á, phát sinh từ gốc Trung quốc hoặc Ấn độ, trọng nam kinh nữ, thường đặt phụ nữ dưới quyền chi phối của phái nam, khiến các trẻ gái, ngay từ thở bé, có thói quen hướng về phía nam, làm cho thiếu đi khả năng mở mang cá tính và tự do, tức nhân phẩm. Chẳng thế mà giáo hoàng đã gọi việc công nhận phẩm giá của phụ nữ là “dấu chỉ thời đại,” và nhận định rằng: “Lời kêu gọi phục hồi phẩm giá và sứ mạng của phụ nữ – đặc nét của thời đại chúng ta – phải được đón nhận với ‘ánh sáng và sức lực’ Thánh Thần ban cho con người, ngay cả giữa thời đại của không biết bao nhiêu biến đổi này.”[14] Nếu xã hội, nói chung, phải đón nhận dấu chỉ ấy, thì còn cần chi phải nói đến trường hợp của Giáo Hội! Trước hết, cần phải dạy giáo lý về “quyền nam nữ bình đẳng” cho các gia đình công giáo: “Nam và nữ đã được tạo thành ‘cho nhau’… để thành một mối hiệp thông giữa hai người, nên nơi nương tựa và giúp đỡ cho nhau, bởi cả hai đều vừa bình đẳng vừa bổ túc cho nhau;”[15] rồi dạy cho họ biết vui mừng đón nhận và dưỡng dục đồng đều các con cái, trai cũng như gái, theo tinh thần kitô, không mảy may phân biệt giới tính. Hệ thống giáo dục phải chuẩn bị cho thanh niên nam nữ để họ biết dùng tự do mà chọn lựa người bạn trăm năm theo tiêu chuẩn kitô, ngõ hầu gia đình trở thành tổ ấm thực của tình thương và bình đẳng. Phòng liệu cho những trường hợp bạo lực xảy ra trong gia đình, Giáo Hội phải sẵn có những cơ cấu tư vấn, nhất là nhờ các nữ tu và giáo dân chuyên nghiệp; đó là một công tác phục vụ rất quý báu trong xã hội ngày nay, và cũng là một thừa tác vụ đặc biệt thích hợp cho các nữ giáo dân đã được đào tạo. Nếu gia đình gặp khủng hoảng, thường thì phụ nữ phải gánh chịu phần lớn những thua thiệt: nào là ly dị nào là kỳ thị; Giáo Hội cũng có thể góp phần trợ giúp qua những cơ cấu đặc thù.
Giáo Hội phải ra sức thiết đặt các cơ cấu tham gia để phụ nữ có thể hợp tác làm việc trong Giáo Hội xứng với phẩm giá và địa vị của mình. Bàn về chủ đề Phụ Nữ, BILA II đã đề nghị là trong các ủy ban của Giáo Hội địa phương, nên có ít là 30% thành viên thuộc nữ giới, và nếu làm việc thường xuyên, thì phải được trả lương, nhất là đối với các nữ tu. Ðôi lúc, người bên ngoài nhìn vào trong sinh hoạt Giáo Hội, thay vì thấy “nữ tu” thì chỉ thấy “nữ tỳ”… Tình trạng này mang ý nghĩa biểu tượng: chiếu lên hình ảnh của một Hội thánh đi ngược với nguyên tắc và giáo lý “nam nữ bình đẳng.” Dân ngoài Kitô giáo sẽ coi chế độ quân chủ công giáo như một tổ chức hình chóp: đứng trên đỉnh là giám mục hoặc cha sở, ở dưới đáy nữ giới; đứng đầu các cơ cấu quyết định là các giám mục và linh mục quản xứ; mọi người khác có bổn phận tuân theo… và làm như không có một sự kiểm sát nào đối với đầu chóp! “Giáo Hội tham gia” phải ra sức để thay đổi hình ảnh lệch lạc ấy, cho thấy Giáo Hội thật là gia đình của những anh chị em trong Ðức Kitô, trong đó nam cũng như nữ đều giữ đúng vai trò thích đáng và đặc thù của mình.
Dù chỉ là thiểu số ở Châu Á, Giáo Hội có một nhiệm vụ – một sứ mệnh – lớn đối với nữ giới tại lục địa này. Ðành rằng phải bắt đầu bằng gương sáng… Ðối với sứ mệnh này, các nữ tu đóng giữ một vai trò quả là tích cực, vì họ có mặt tại nhiều nơi, dấn thân đắc lực vào trong công tác xã hội, lại được đào tạo để đối phó các vấn đề của phụ nữ, ngoài ra còn những cơ sở làm căn cứ vững chắc trong việc vận động để giải phóng phụ nữ, v.v. FABC đã từng đề xuất một số sáng kiến cụ thể; việc của Giáo Hội địa phương bây giờ là phải mạnh mẽ dấn bước vào con đường ấy: suy tư thần học về chủ đề “nam nữ bình đẳng,” huấn luyện cho giáo sĩ làm quen với các suy tư ấy, dùng truyền thông đại chúng để quảng bá tư tưởng ấy, đẩy mạnh vai trò và việc hợp tác của phụ nữ trong các cơ cấu Giáo Hội, thiết lập những cơ chế vừa công giáo vừa liên tôn nhằm bênh vực và giải phóng nữ giới trong hết mọi lãnh vực sinh hoạt xã hội, đào tạo người và đầu tư tài nguyên cho công trình ấy, v.v.
PHỤ NỮ VỚI CHỨC LINH MỤC
Ðã bàn đến vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội ngày nay, thì không thể lặng thinh làm ngơ trước vấn đề này. Chủ đề quả hiện đang hết sức sôi nổi, nếu không nói là đang đưa tới tình trạng căng thẳng tại một số nước, đến độ hai phía thuận và chống không còn đối thoại được với nhau, sinh ra chia rẽ trầm trọng; từ đó, một vài nhóm phụ nữ đã tự động thành lập công đoàn họ gọi là “Giáo Hội nữ giới.”[16] Vấn đề đã thành “toàn cầu hóa” sau khi Anh giáo “truyền chức” linh mục và giám mục cho phụ nữ; một số phụ nữ công giáo cũng đã được truyền chức linh mục một cách bất hợp luật; và trong Chính thống giáo vấn đề cũng được đặt ra.[17]
Ðức Phaolô VI đã lưu tâm đến vấn đề; ngài đặt câu hỏi: phụ nữ có thể lãnh chức linh mục hay không? Năm 1975, Uỷ ban Kinh Thánh nhận định rằng nếu chỉ tầm cứu Kinh Thánh không thôi, thì không thể trả lời câu hỏi một cách đích xác được. Sau đó, ngày 15.8.1976, bộ giáo lý đức tin đưa ra bản tuyên bố Inter insigniores. Dựa vào cách thức hành động của Ðức Kitô và các tông đồ, cũng như dựa vào lề lối tiến hành trong truyền thống của Giáo Hội, bộ khẳng định rằng: “Vì phải trung thành với mẫu gương hành động Chúa để lại, Giáo Hội nghĩ là mình không có quyền để đón nhận phụ nữ vào chức thánh.” Rồi ngày 27.01.1977, bộ giáo lý đức tin đã công bố một tài liệu chính thức, nêu rõ những lý do thần học liên quan đến vấn đề: truyền thống bên Ðông cũng như bên Tây đều nhất trí về điểm có tính cách tín lý này, và cũng vì thế mà cho đến gần đây, thần học đã coi giáo lý này là chắc chắn hoặc thuộc giáo lý đức tin. Ðức Giêsu chỉ chọn những người thuộc nam giới để đặt làm tông đồ – “mầm mống” của thừa tác vụ thánh – và sau này các tông đồ cũng chỉ chọn những người thuộc nam giới để trao cho nhiệm vụ làm niên trưởng và giám mục trong các cộng đoàn. Không phải là vì không coi trọng nữ giới – dù văn hóa thời ấy có tỏ ra là thế – mà các ngài đã làm như vậy, song là vì muốn hoàn toàn tuân theo ý định của Thiên Chúa đối với kế hoạch cứu độ diễn ra một cách cụ thể giữa lòng lịch sử loài người. Sau này, thần học về bí tích suy giải rằng Ðức Kitô thuộc nam giới, thế nên, là biểu tượng thay mặt Ngài, linh mục cũng phải thuộc nam giới. Và nói cho cùng, dù nam hay nữ, không một ai có quyền đòi hỏi cho mình ơn làm tư tế; vì thế, đây không phải là vấn đề công bằng hay bất công. Ngoài ra, cũng cần ý thức về bản chất của Giáo Hội để hiểu rằng quyền bình đẳng giữa công đồng kitô không triệt tiêu mất đi những khác biệt phong phú. Và đặc sủng trường mọi kitô hữu có bổn phận gia công tìm kiếm trước hết và hơn hết, không phải là chức năng tư tế, song là đức ái (x. 1Cr 12-13); trong nước Thiên Chúa, người lớn nhất không phải là thừa tác viên tư tế, song là người sống thánh.
Theo Giáo luật, “Chỉ người nam đã chịu phép Rửa tội mới được lãnh nhận hữu hiệu bí tích truyền chức thánh” (đ. 1024). Trong thư gửi cho Phụ nữ Bắc kinh (29.6.1995), Ðức Gioan Phaolô II viết rằng: “Nếu, hoàn toàn tự do – như cả Phúc âm lẫn truyền thống Giáo Hội thường xuyên cho thấy rõ – Ðức Kitô đã chỉ muốn trao phó cho những người thuộc nam giới không thôi, nhiệm vụ làm ‘hình ảnh’ (icon) của bộ mặt Ngài theo tư thế là ‘mục tử’ và là ‘tân lang’ của Giáo Hội qua việc thi hành thừa tác vụ tư tế, thì việc này không mảy may làm giảm thiểu phẩm giá và vai trò của phụ nữ, hoặc của bất cứ thành viên nào khác không chịu chức linh mục trong Giáo Hội, bởi vì hết thảy đều đồng chia sẻ phẩm giá của “chức tư tế chung” do bí tích Rửa tội” (số 11).
Dĩ nhiên là nên đón nhận giáo thuyết chính thức, có luận chứng vững chắc, có sức thu phục, và trên nguyên tắc hưởng ưu tiên về mặt chính xác; tuy nhiên, có nhiều người vẫn giữ lập trường ngược lại. Hai phía đồng ý là Kinh Thánh không nghiêng về bên nào cả. Còn những sự kiện lịch sử thì có thể giải thích nhiều cách khác nhau. Và cần phải cẩn thận khi viện vào “truyền thống trường kỳ” để làm lý chứng, vì Giáo Hội đã từng nếm kinh nghiệm chua cay trong các vụ: Galilêô (việc coi trái đất là trung tâm của vũ trụ), coi Môsê là tác giả của Ngũ thư, cách hiểu tính chất vô ngộ của Kinh Thánh và tính cách lịch sử của Phúc âm, v.v. Tuân theo Ðức Kitô là điều tất yếu; tuy nhiên, thần học cũng nhận ra rằng trong lãnh vực tổ chức cơ cấu, Ngài đã để tự do rộng rãi cho Giáo Hội. Công đồng Trentô dạy rằng Giáo Hội không có quyền trên “bản tính” của bí tích; nhưng phải hiểu thế nào đây về “bản tính” ấy. Hai phía đều nhận biết là thời xưa đã có những phụ nữ đã chịu chức phó tế, và hiện giờ đang có phong trào chủ trương phục hồi chức ấy trong Giáo Hội.[18] Nếu bí tích chức thánh chỉ là một với ba bậc – phó tế, linh mục và giám mục – và nếu đã chịu chức phó tế, tất phụ nữ đã từng lãnh nhận chức thánh. Hẳn, hiện nay thần học về chức phó tế còn rất là mù mờ; rất có thể đó chỉ là ‘chức thánh’ theo tính cách Giáo Hội. “Luật tối cao trong Giáo Hội là phần rỗi các linh hồn” (đ. 1752); thiết tưởng cần phải giải đáp vấn nạn dựa vào hậu cảnh “phần rỗi các linh hồn.” Trong xã hội hiện đại, với nhiều đổi thay trong các nền văn hóa, giá trị “nam nữ bình đẳng” là một dấu chỉ của thời đại, tựa như lời của Thần Khí nói với Giáo Hội. Nếu thần học suy lý không đồng ý về việc truyền chức linh mục cho phụ nữ, thì có lẽ thần học mục vụ sẽ giúp cho thấy rõ hơn điều mà “phần rỗi các linh hồn” đòi hỏi. Trong Thư gửi cho phụ nữ, Ðức Gioan Phaolô II nhận định rằng: “Trong thiên niên thứ ba, đời sống Giáo Hội chắc chắn sẽ không thiếu cơ hội để chứng kiến những biểu hiện mới và bất ngờ của ‘thiên tài’ nữ giới” (số 11).[19]
* * *
Trong những thời gian gần đây, thường nghe vọng lên như một lời “tiên tri” nói rằng: thế kỷ 21 sẽ chứng kiến việc xuất hiện “Giáo Hội của giáo dân.” Thực ra, Giáo Hội đâu phải là Giáo Hội của giáo dân hay của giáo sĩ, song là của Ðức Kitô. Thành viên tất cả làm nên dân Chúa với hết mọi đoàn sủng, năng động và chức năng, mà Thiên Chúa phân phát qua các bí tích, đặc biệt là các bí tích Rửa tội, Thánh chức và Hôn phối. Nhờ Thần Khí linh hứng Nhiệm thể, hết thảy, cả giáo dân lẫn giáo sĩ, đều phải đảm nhận trách nhiệm đối với toàn thân Hội thánh, mỗi người một cách, tùy ơn gọi và khả năng của mình, theo cách thánh Phaolô miêu tả: “Chính Ðức Kitô đã ban ơn cho kẻ này làm tông đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ, nhờ đó các tín hữu được trang bị để làm công việc phục vụ là xây dựng thân thể Ðức Kitô…” (Ep 4:11-12).
[1] Letter to Women, 29.6.1998, số 3.
[2] FABC 4, Tokyo 1986, số 3.3.3.
[3] Moltmann-Wendel, Elisabeth, The women around Jesus: reflections on authentic personhood, SCM Press London, 1982.
[4] Xin xem Jo Ann Kay McNamara, Sisters in Arms: Catholic Nuns Through Two Millennia, Harvard University Press, 1996.
[5] Xin xem Montreynaud Florence (ed.), Le XXe siècle des femmes, Paris: Nathan, nouvelle édition, 1999.
[6] Xin xem Schottroff, Luise, Lydia’s impatient sisters: a feminist social history of early christianity, SCM Press London 1994. Nói chung, xin xem Gross, Rita M. Feminism and Religion: An Introduction, Beacon Press, 1996, Anne Marie Pelletier, Le Christianisme et les femmes, Paris: Cerf, 2001.
[7] Xin xem Fiorenza, Elizabeth Schüssler, ed. The Power of Naming: A Concilium Reader in Feminist Liberation Theology, MaryKnoll, NY: Orbis Books, 1996.
[8] Những tổ chức như IMMAC (Internatiơnal Movement We Are Church), hoặc WOW (Women’s Ordination Worldwide), v.v.
[9] Ecclesia in Asia số 45.
[10] Xin xem chẳng hạn Madonna Kolbenschlag (ed.), Women in the Church I, The Pastoral Press Washington, D.C. 1987; Hyun K. Chung, Struggle to be the sun again: introducing Asian women’s theology, Orbis Books New York 1991; Sr Virginia Fabella, Beyond Bonding: A Third World Women’s Theological Journey, Manila, 1993; Serene Jones, Feminist Theory and Christian Theology, Minneapolis: Fortress Press, 2000.
[11] BILA là FABC Lay Office, Văn Phòng đặc trách Giáo Dân.
[12] Xin xem FABC Papers số 92c.
[13] Xin xem Mulieris Dignitatem số 10.
[14] Ibid. số 1 và 28.
[15] Sách Giáo Lý Hội thánh Công Giáo, số 372.
[16] Xin xem Miriam Therese Winter, “The Women-Church Movement,” Christian Century, March 1, 1989, tr. 227; tin tức và tài liệu liên quan đến Giáo Hội và phụ nữ trong http://www.women-churchconvergence.org và www. womenpriests.org. Hồng y Ratzinger, Monitum về việc một số phụ nữ cố kiếm cách để chịu chức linh muc (10.7.2002).
[17] Elisabeth BehrSigel et Mgr Kallistos Ware, L’Ordination des femmes dans l’Église orthodoxe, Paris: Cerf, 1998.
[18] Tác phẩm đáng lưu ý nhấ là Dorothea Reininger, Diakonat der Frau in der Einen Kirche, Schwabenverlag 1999; xin cũng xem Phyllis Zagano, Holy Saturday: An Argument for the Restoration of Female Diaconate in the Catholic Church, Crossroad, 2000.
[19] Xin xem National Catholic Reporter, June 1997, Paper Presented for consideration at the 1997 CTSA convention in Minneapolis: “Tradition and the Ordination of Women.”