“Thế giới” được hiểu như là lãnh vực phàm tục đối lại với lãnh vực “thánh,” tức Giáo Hội. Người kitô là công dân của hai “nước” hay là nói như thánh Âugutinô, của hai “thành đô.” Vaticanô II nói rằng: “Công đồng khuyến khích các kitô hữu, công dân của cả hai thành đô, hãy nỗ lực và trung thành chu toàn những bổn phận trần thế của họ dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc âm” (MV 43). Các kitô hữu là như vậy; tuy nhiên các giáo sĩ thường lo về việc của Giáo Hội nhiều hơn, còn các giáo dân thì lo về những gì thuộc phạm vi trần thế nhiều hơn. Nói chung là vậy, nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ, như lúc một giáo sĩ làm chính trị hoặc giáo dân phụ trách một họ đạo. Tất cả đều phải đem tinh thần Phúc âm áp dụng vào trong hết mọi hoạt động. Tông Huấn Christifideles laici cảnh báo về hai cám dỗ: “một là cám dỗ mê mệt làm các công tác nội vụ Giáo Hội đến độ bỏ quên đi những bổn phận đảm trách trong lãnh vực chuyên nghiệp, xã hội, văn hoá và chính trị. Và ngược lại, là cám dỗ bảo chữa cho việc tách biệt vô lý giữa đức tin và sinh hoạt trong xã hội, cho rằng tin nhận Phúc âm là một chuyện, còn thực thi Phúc âm trong những hoàn cảnh khác nhau giữa cuộc đời lại là một chuyện khác” (CL 2). Tắt một lời, cần phải làm sao để cùng lúc: là kitô hữu hoàn toàn và là công dân hoàn toàn; sống đức tin trọn vẹn và sống trọn vẹn cuộc đời nghề nghiệp; hoàn toàn ở trong Giáo Hội và hoàn toàn ở giữa thế gian. Như ngày trước thần học năng nhấn mạnh đến việc đức tin cần được sinh động hoá bởi đức ái, thì ngày nay Giáo Hội thường xuyên nhắc nhở là lòng tin phải đi đôi với công bằng.
TÁC VỤ ĐẶC THÙ CỦA GIÁO DÂN
Thiên Chúa dựng nên thế giới và giao phó cho con người quản lý. Con người không phải là chủ, song là quản lý của các tài nguyên trong thế giới. Người kitô biết được như thế là nhờ mạc khải. Vậy, về điểm này, bổn phận đầu tiên của kitô hữu là chia sẻ chân lý ấy, vũ trụ quan ấy với hết mọi người thiện chí, vì đó là nguồn gốc phát sinh của những giá trị sẽ chi phối sự mở mang và đà tiến phát trong các lãnh vực khoa học, kinh tế, chính trị, v.v. Vì thế, không thể bỏ qua mà không tìm hiểu cho chín chắn “thần học về những thực tại trần thế”[1] được coi là ngành thần học đặc thù giáo dân. Người trí thức công giáo lấy vũ trụ quan kitô giáo làm đối tượng đặc tuyển cho việc suy tư triết lý và khoa học, để một khi đã làm chủ đề tài này, họ có thể đối thoại với đồng nghiệp và soi sáng cho công luận. Trong thời đại khủng hoảng văn minh như hiện nay, có lẽ tác vụ này phải chiếm ưu tiên hàng đầu giữa các việc tông đồ trí thức khác. Ðể hoạt động trong lãnh vực này, thì giáo dân có lợi thế hơn so với giáo sĩ, vì họ hiểu hoàn cảnh dễ dàng hơn và được coi là vô tư hơn trong tư thế giải thích; quả thế, nếu giáo sĩ giải thích thì có thể bị nghi ngờ là có thành kiến phe phái hoặc ý thức hệ (tôn giáo).
Nền tảng thần học của thái độ dấn thân vào giữa thế giới là giáo lý về Nước Trời ở giữa trần gian. Giáo Hội biết rằng thế giới càng trở nên hoàn hảo thì Nước Trời càng đến gần. “Quả thế, qua hoàn cảnh sống của giáo dân giữa trần gian, Thiên Chúa tiết lộ kế hoạch cứu độ của Người và ban cho họ ơn gọi riêng, ơn gọi tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào giữa thế sự và xếp đặt các sự việc ấy theo kế hoạch Thiên Chúa” (CL 15). Khi cầu xin “Nước Cha trị đến” tức để “ý Cha thể hiện dưới đất…” là chúng ta cam kết thể hiện ý Cha theo đúng kế hoạch của Người. Giáo dân là thợ xây Nước Trời ngay trong gia đình, ở nơi văn phòng, ở trong nghề nghiệp, ở trong mọi nơi sinh hoạt cuộc sống, và như thế góp phần vào sứ mệnh của Giáo Hội. Những viên đá xây nên Nước Trời là những giá trị của Phúc âm: cổ vũ công bình, thương yêu, tương trợ, hoà bình, tình huynh đệ, v.v. là mở rộng vương quyền của Thiên Chúa ở giữa xã hội.
“CONSECRATIO MUNDI” THÁNH HIẾN THẾ GIAN
Trong Sắc Lệnh về Giáo Dân, công đồng Vaticanô II đã giải thích rõ: “Giáo Hội được khai sinh là để làm cho nước Chúa Kitô rộng mở trên khắp hoàn cầu, hầu làm vinh danh Thiên Chúa Cha: tức là làm cho mọi người tham dự vào công cuộc cứu chuộc và ơn cứu độ, để rồi nhờ họ, toàn thể thế giới thực sự được quy hướng về với Chúa Kitô” (AA 2a). Ðó là ý nghĩa của nhan đề (không chính thức) “consecratio mundi” (trước số 34) của Lumen Gentium, dùng để diễn tả phận vụ tư tế của giáo dân. Ý là, vì họ “đã được thánh hiến cho Chúa Kitô và được Thánh Thần xức dầu,” mọi việc giáo dân làm đều là “hiến lễ thiêng liêng.” Ðoạn văn kiện kết thúc: “Như thế giáo dân thánh hiến thế giới này cho Thiên Chúa nhờ biết phụng thờ Ngài bằng hành động thánh thiện khắp nơi” (GH 34).[2] Các nghị phụ đã nhấn mạnh đến sự việc thế giới vẫn là phàm tục, nhưng tính phàm tục ấy chính là khí cụ phục vụ cho vinh quang Thiên Chúa, và thế giới ấy chính là môi trường để cho giáo dân nên thánh: không cần phải lánh bỏ thế gian để sống thánh.
Về mặt ngoài, nhiệm vụ số một của giáo dân là giải phóng thế gian. Thánh Gioan viết: “tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác thần” (1Ga 5:19), và ngài gọi Satan là “thủ lãnh thế gian” (Ga 12:31; 14:30; 16;11); Satan thống trị nhờ tội lỗi loài người. Vì thế các kitô hữu phải lấy sự thánh thiện mà biến đổi tình trạng; phải “trừ tà” thế gian và đuổi những giá trị giả trá đang lừa phỉnh loài người, ra khỏi mọi phạm vi sinh hoạt xã hội. Không “bỏ,” không “trốn” khỏi thế gian, giáo dân ở lại ngay giữa lòng thế gian để thánh hóa thế gian. Giữa xã hội ngày nay, thấy đầy dẫy những “cơ cấu tội lỗi”: những chế độ độc tài, những tổ chức bóc lột, những hệ thống thương mại bất công, buôn bán con người, mại dâm, ép trẻ con làm việc, v.v. và v.v. giáo dân có sứ mệnh phải làm sao để thay thế các cơ cấu ấy bằng những cơ cấu hợp với công bình và nhân đạo. Và bởi chính họ cũng là thành tố trong các cơ cấu ấy, nên khi cải thiện con người mình, là họ cải thiện các cơ cấu; rồi nhờ gây được ảnh hưởng trên các tổ chức trần thế qua việc đổi mới luật lệ, mục đích, phương pháp, phương tiện, v.v. họ góp phần cho việc kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Thánh Phaolô cho biết: “Muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo… tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không còn lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8:20-21). Mối liên đới của “con cái Thiên Chúa” với vũ trụ được đặc biệt thể hiện qua đời sống và sinh hoạt của giáo dân. Sứ mệnh giải phóng này chỉ hoàn tất trọn vẹn trong ngày cánh chung; nhưng phải được khởi sự với những bước đầu và phải tiếp tục diễn tiến trong dòng lịch sử ngay từ bây giờ. Phải giải phóng muôn loài khỏi xiềng xích của những bạo chúa tối tăm là tiền của, quyền lực, chủ nghĩa chuyên chế, tật tham nhũng, v.v. Ðó là tác vụ tiêu cực cần thiết để tiếp tay với tác vụ tích cực là thánh hóa mọi sự. Khi loài người hưởng được tự do đích thực thì muôn loài cũng được tự do: khi mà không ai bóc lột ai, áp bức ai, loài trừ ai, thì muôn vật không còn “chịu oan cảnh hư nát” và công cuộc consecratio mundi đạt đến mức thành tựu.
NHỮNG LÃNH VỰC HOẠT ĐỘNG
Muốn đạt tới tiêu đích ấy, tiêu đích mà Ðức Gioan Phaolô II gọi là “văn minh tình thương,”[3] giáo dân phải tích cực dấn thân vào những lãnh vực khác nhau dệt nên xã hội tân thời. “Do ân sủng và tiếng gọi của bí tích Rửa Tội và Thêm sức, tất cả các giáo dân đều là thừa sai; và môi trường hoạt động tông đồ của họ là những lãnh vực mênh mông và phức tạp, từ chính trị, kinh tế, kỹ nghệ, giáo dục, truyền thông, khoa học, cho đến kỹ thuật và thể thao” (Eccesia in Asia 45). Xin thử nhìn vào một vài lãnh vực như sau:
Chính Trị
Lãnh vực chính trị mang hai bộ mặt; vì thế, nhiều người kitô do dự không dám dấn thân vào. Tuy thế, Giáo Hội hiện đang cần đến những nhà chính trị thực sự đạo đức; còn thần học thì đang nói về “thánh thiện chính trị.” Từ “chính trị” có hai nghĩa: một là nghĩa tổng quát, chỉ về mọi khía cạnh của đời sống xã hội liên quan tới “công ích”; hai là theo nghĩa hẹp, chỉ hoạt động của những chính đảng.[4] “Chính trị” theo nghĩa rộng là bổn phận của hết thảy các tín hữu; “chính trị” theo nghĩa hẹp thì dành riêng cho giáo dân (Giáo luật, đ. 287 §2, cấm giáo sĩ làm chính trị). Các tài liệu của các Giáo Hội Châu Á (FABC) bao giờ cũng liên tưởng đến tình hình chính trị tại các nước trong vùng. FABC 4 (Tokyo, 16-25 tháng 9, 1986) đã đặc biệt khai triển điểm này: “Trước hết, chính trị phải trở thành một hoạt động nhằm tới ích chung. Toàn thể Dân Chúa được mời gọi dấn thân vào lãnh vực “chính trị” ấy, vì Phúc âm đòi hỏi kitô hữu đưa Phúc âm và những giá trị Nước Trời là tình thương và công bình, thâm nhập vào trong các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của Châu Á” (3.1.2). Bằng cách nào? Ðầu tiên là bằng cách làm tròn bổn phận nghề nghiệp của mình như là chứng tá của Ðức Kitô. “Dấn thân vào hoạt động chính trị là giáo dân củng cố gốc rễ của mình nẩy sinh từ Ðức Kitô; Ngài đã mời gọi cộng đồng các môn đồ trở thành men giữa lòng thế giới, và điều đó có nghĩa là làm việc cho công ích. Kitô hữu là thành viên của Dân Chúa và của xã hội, với bổn phận cổ vũ, bảo vệ và phục vụ công ích. Ai tuyệt đối khước từ những đòi hỏi của sự thay đổi chính trị ở Châu Á, ắt là, một cách nào đó, cũng phủ nhận căn tính kitô của mình” (3.1.3). Vì là phần tử của thiểu số, người kitô e ngại ra mặt cạnh tranh trong lãnh vực hiểm nguy này, nhường chỗ cho người khác, rồi làm như Philatô, rửa tay và “trao lại nó theo ý họ muốn” (x. Lc 23:25). Kết quả là “họ” thống trị và quản lý “nó” tức việc công theo những nguyên tắc của họ… Sau đó, nếu có đưa ra lời phê bình, tố cáo hoăïc làm gì khác thì thường cũng chỉ là công toi. Vì thế, Giáo Hội khẩn thiết kêu gọi giáo dân dấn thân vào lãnh vực chính trị chuyên nghiệp: “Việc thiết bách giờ đây tại Châu Á là giáo dân có khả năng và đức hạnh, can đảm dấn thân vào lãnh vực chính trị đảng phái để, từ bên trong, ra sức ảnh hưởng đến tư tưởng, chương trình và hoạt động của các chính đảng và các chính trị gia, hầu góp phần mưu ích chung dưới ánh sáng Phúc âm” (3.1.6.).
Nói thì dễ, làm thì khó. Muốn đạt cho được tiêu đích ấy, Giáo Hội phải gia công huấn luyện giáo dân, không chỉ qua việc dạy giáo lý, mà còn bằng cách giúp họ tiến xa trong việc học hỏi và nghiên cứu về khoa chính trị học. Ðiều đặc biệt quan trọng là các chính trị gia kitô nắm vững giáo lý xã hội của Giáo Hội và có được một căn bản vững chắc về đạo đức học. Dư luận công giáo, nhất là giữa giới trí thức, phải biết trình bày một cách tích cực về hoạt động chính trị chuyên nghiệp, và thúc giục cùng nâng đỡ những ai có năng khiếu để họ can đảm bước vào con đường ấy. Còn thần học thì phải suy tư về “con đường nên thánh của chính giới” như là cách thức đặc thù thực thi ơn gọi kitô ở giữa thế gian. Nên thánh là làm ý Cha ở trên Trời, hoặc ở trong đan viện hoặc ở giữa chợ búa, hoặc ở trong phụng vụ hoặc ở nơi nghị viện, hoặc khi hoà giải tội nhân với Chúa hoặc khi hoà giải hai kẻ thù với nhau để tránh chiến tranh, v.v. Một chính trị gia có thể coi chính nghiệp của mình như là ơn gọi riêng, và sống kinh nghiệm thần bí ngay nơi chính trường. Uy thế chính trị ảnh hưởng rất lớn đến những sự việc quan trọng trong thế giới, như trào lưu toàn cầu hóa, nền hòa bình, việc xây dựng công bằng xã hội, hiện tượng di dân, nạn kỳ thị chủng tộc, việc lập quy ước về thương mại quốc tế, v.v.[5]
Kinh Tế
Các giám mục Châu Á đã lên tiếng thúc dục: “Các giáo dân phải dấn thân vào sinh hoạt và sứ mệnh của Giáo Hội, bằng cách đưa Tin Mừng Ðức Giêsu ảnh hưởng sâu đậm đến các lãnh vực kinh doanh và chính trị, giáo dục và y tế, phương tiện truyền thông và thế giới lao động. Muốn vậy, thì cần phải có một nền linh đạo môn đệ.”[6] Về điểm này, truyền thống Giáo Hội có thể ở trong thế nước đôi, vì thời xưa, khi nói đến việc giúp người nghèo là thông thường muốn nói đến việc bố thí; khoa học về cơ chế xã hội và kinh tế là điều mới có. Kitô giáo không có một bí quyết linh thiêng nào để làm tiền! Phúc âm không phải là uyên nguyên kinh tế.[7] Tuy vậy, Giáo Hội đã khai triển một giáo lý phong phú và hợp lý về xã hội. Trong số 2419-2449, Sách Giáo Lý Hội thánh Công Giáo trình bày tóm lược học thuyết xã hội với các nguyên tắc về hoạt động kinh tế và công bằng xã hội. Có rất nhiều sách báo viết về điểm này.[8] Một điểm cần được nêu bật, đó là trong lãnh vực này, giáo dân có ưu thế và khả năng cao hơn so với các thành phần khác trong Giáo Hội.
Thành ngữ “thừa tác vụ kinh tế” có vẻ hơi lạ; tuy nhiên, Giáo Hội ước mong có được những giáo dân chuyên nghiệp trong vấn đề “tạo lợi nhuận,” trong lãnh vực phát triển nền kinh tế của nước nhà, biết coi nhiệm vụ của mình như là ơn gọi đặc biệt. Chắc hẳn, ra sức làm cho bớt đói giảm nghèo là đang làm cho Nước Cha trị đến. Cả trong nội bộ Giáo Hội, nhiều giáo dân cũng có thể giữ vai trò quản lý của hội đồng giám mục, địa phận hay giáo xứ. Giữa xã hội trần thế, một chủ ngân hàng, một nhà kinh tế học biết sống thánh thì làm chứng cho Phúc âm hùng hồn hơn nhiều người giữ chức cao quyền trọng ở trong Giáo Hội, hữu hiệu hơn trăm ngàn bài thuyết giảng đạo đức.
Là bổn phận của giới có trách nhiệm hàng đầu trong Hội thánh (hiện là giáo phẩm) việc công nhận vai trò của những giới vừa nói và giúp họ chu toàn nhiệm vụ kitô giáo của họ. Tiêu đích chủ yếu một tuyên úy sinh viên nhằm tới là chuẩn bị tương lai kitô cho những tay nghề công giáo bằng cách cung cấp cho họ một vốn liếng giáo lý thần học vững chắc, một ý thức rõ ràng về sứ mệnh của mình ở trong thế giới, và động viên họ gia nhập một hội tông đồ. Những tổ chức sẵn có như Pax Rômana [9] hoặc những tổ chức có thể thành lâïp tại địa phương, đều là những khí cụ hữu hiệu trong việc đào tạo những tay nghề công giáo và củng cố ý hướng tông đồ của họ.
Truyền Thông
“Truyền thông” bao gồm các hoạt động liên quan đến việc đưa tin, trao đổi ý kiến, tạo dư luận, tuyên truyền, v.v… Tác viên trong lãnh vực này là các nhà báo, các nhà văn, các nghệ sĩ đặc biệt là ở trong truyền hình, phim ảnh, chuyên viên tin học, quảng cáo, v.v. Tín hữu hoạt động trong lãnh vực này cần ý thức rõ mình có sứ mệnh đối với nhân loại, trong công cuộc xây dựng một xã hội đặt trên nền tảng chân lý. Phục vụ chân lý là tác vụ phát sinh từ chức năng tiên tri và được đặc biệt yểm trợ bởi Thần Khí Chân lý (x. Ga 14:17).
Kinh Thánh là trường hợp điển hình: Thần Khí dùng văn chương làm khí cụ mạc khải để “truyền thông” chân lý và tin mừng cho chúng ta. Tự bản tính, Giáo Hội là truyền thông. Từ những thời đầu, trong Giáo Hội đã có những giáo dân nổi danh về truyền thông, như thánh Giuxtinô tử đạo, hoặc Qua-dratus, Aristiđes, Minucius Felix và nhất là Ôrigênê và Téctullianô (trước khi chịu chức linh mục). Và lịch sử Giáo Hội cho thấy là văn nghệ sĩ công giáo đã không ngừng góp phần vào việc phát biểu và truyền thông tư tưởng kitô giáo. Hồi thượng bán thế kỷ 20, khi Marconi phát minh kỹ thuật truyền thanh vô tuyến, Vaticanô đã xây ngay một đài phát thanh; và quyền giáo huấn thì đã công bố nhiều văn kiện, đáng kể hơn hết là thông điệp Miranda prorsus của Ðức Piô XII (n. 1957), sắc lệnh Inter mirifica (n. 1963) của Vaticanô II; rồi gần đây nhất, Tòa Thánh đã đưa ra hai văn kiện: Những Nguyên tắc Ðạo đức trong việc Thông tin, (19 tháng 3, 2000) và Giáo Hội với Internet, (28.2.2002). Năm 1948 Tòa Thánh đã thành lập Uỷ ban Giáo hoàng về Phim ảnh, chuyên trách việc lượng định giá trị về mặt tôn giáo và luân lý của các phim ảnh. Vaticanô II chưa kết thúc, thì Tòa thánh đã lo thành lập Uỷ ban Thông tin Xã hội (2.4.1964). Ủy ban này đã xuất bản nhiều tài liệu; đáng chú ý đặc biệt là cuốn “Chỉ nam dùng cho việc đào tạo các linh mục tương lai” (19.3.1986). Ðiều này chứng tỏ cho thấy Giáo Hội ý thức rõ về tầm trọng yếu to lớn hoạt động truyền thông có đối với sứ mệnh của mình.[10]
Ðối với vấn đề đang bàn ở đây, điểm quan trọng đáng chú ý là lãnh vực này là lãnh vực đặc thù của giáo dân, không chỉ vì đó là một khía cạnh nổi bật của xã hội hiện đại, mà còn vì, nói chung, họ có khả năng hơn giáo sĩ. Vì vậy, đặc biệt qua FABC 4, các giám mục Châu Á đã nhấn mạnh đến nhu cầu của Giáo Hội trong phạm vi này; các giám mục thấy rằng “trong lãnh vực này, ảnh hưởng của Giáo hội thật quá nhỏ bé, không đáng kể”; thế nên, các ngài lưu ý: “Giờ đây, giáo dân Châu Á được mời gọi phúc âm hóa môi trường của mình qua những khí cụ hết sức mạnh mẽ là các phương tiện truyền thông đại chúng, do kỹ thuật hiện đại sáng chế. Ðức Phaolô VI đã nêu bật ‘vai trò ngày càng rộng lớn hơn của các phương tiện truyền thông và tác dụng của chúng trong việc thay đổi não trạng của xã hội’ (Octogesima adveniens, 20)” (FABC 4, 3.6.1). Dư luận thường cho rằng các “phương tiện” ấy có ảnh hưởng lớn, ảnh hưởng tiêu cực và bị “các lực lượng u tối” chi phối; vì thế, tôn giáo và triết lý đã cố đề ra một mẫu đạo đức học cho các chuyên viên ngành nghề này.[11] Tuy nhiên, cũng có những khía cạnh tích cực mà Giáo Hội muốn dùng vào trong việc thực thi sứ mệnh của mình. “Sứ mệnh phúc âm hóa của Giáo Hội bị chi phối bởi ảnh hưởng sâu rộng của các phương tiện truyền thông cũng như của các kỹ thuật tin học ngày càng mới mẻ. Tuy nhiên, các phương tiện ấy cũng có thể trợ giúp nhiều trong việc rao giảng Tin Mừng đến mọi nơi tại lục địa này, như đã từng thấy qua việc FABC mở Ðài Phát thanh Chân lý (Radio Veritas). Nhưng, nếu chỉ dùng các phương tiện truyền thông để truyền giáo và phổ biến giáo thuyết đích thực của Giáo Hội mà thôi thì chưa đủ; còn cần phải hòa nhập sứ điệp Tin Mừng vào trong nền ‘văn hóa mới’ do kỹ thuật thông tin tối tân sáng tạo nên” (FABC 7, số 3). Trong nền văn hóa mới này, “kinh nghiệm ngày nay của con người là một thứ kinh nghiệm qua media, qua phương tiện truyền thông đại chúng,” đến độ cả các cá nhân lẫn các nền văn hóa đều phải chịu “uốn nắn” bởi ảnh huởng của các phương tiện này.[12]
Tiêu đích cao rộng, cần có nhiều người dấn thân thực thi công tác, một công tác vừa chuyên môn với những kỹ thuật mới, vừa được thấm nhuần bởi tinh thần Phúc âm. Chỉ giáo dân mới có thể dễ dàng đạt tới tiêu đích ấy, tất nhiên là với sự động viên và trợ giúp bằng nhiều cách của giáo sĩ, chẳng hạn như tổ chức những khóa giáo lý và đạo đức học chuyên đề. Mặt khác, Giáo Hội cũng cần phải suy nghĩ và thiết kế một dự án dài hạn nhằm đào tạo nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, chuyên viên các ngành truyền hình, vi tính, phim ảnh, quảng cáo, v.v., và cung ứng cho họ một linh đạo thích ứng,[13] đồng thời phải biết đánh giá cao “sứ mệnh” khó khăn của các tín hữu hoạt động trong các lãnh vực này, cũng như biết nghe và thông cảm với cảnh ngộ của họ, v.v.
Riêng về Internet, Giáo Hội hy vọng các kitô hữu – đặc biệt là giáo dân – sẽ góp phần tích cực để làm cho phương tiện “phổ quát” này trở thành khí cụ của sứ mệnh cứu độ. Văn kiện Giáo Hội và Internet đề nghị “các đại học, trung học và tất cả các chương trình giáo dục công giáo tổ chức những lớp học [về Internet] cho các nhóm khác nhau (chủng sinh, tu sĩ, lãnh đạo giáo dân, giáo viên, cha mẹ và học sinh) cũng như những khóa chuyên môn hơn về kỹ thuật thông tin, quản lý học, đạo đức học, chính sách, v.v., có quan hệ với lãnh vực này, nhất là cho những người chuyên môn trong nghề thông tin hoặc có vai trò trong giới chi phối, và cho cả những chuyên viên của Giáo Hội” (số 11). Ðoạn viết này cho thấy rõ mối quan tâm của Giáo Hội đối với Internet; nhưng khi không có trường để học thì sao? Thì phải lấy óc sáng tạo mà đạt cho được tiểu đích bằng những phương tiện khác. Trong vấn đề này, điều Giáo Hội nhắm tới là làm sao để các giáo hữu biết dùng mạng với óc phê bình. Ở Việt Nam, không thiếu gì những giáo hữu có tài, thạo việc, đầy thiện chí… chỉ cần được động viên để tổ chức thành nhóm với mục đích tung gieo, phổ biến những giá trị Phúc âm trong cánh đồng mênh mông của mạng. Giáo sĩ góp phần nội dung, giáo dân góp phần kỹ thuật trong nỗ lực chu toàn sứ mệnh chung.
Ðặc biệt từ Vatican II trở đi, Giáo Hội đã mạnh mẽ cổ võ các phong trào vận động cho tự do tín ngưỡng, bởi xác tín rằng lương tâm có quyền không thể vi phạm để tìm kiếm sự thật và sống theo sự thật ấy. Phương tiện truyền thông đại chúng là khí cụ có thể giúp cho biết sự thật để rồi giúp người khác cũng đạt được mục đích ấy. Nhưng tiếc thay đó cũng là khí cụ sắc bén để lừa gạt người khác; vì vậy, cần phải huấn luyện khán thính giả – các tín hữu – để họ biết giữ thái độ chủ động và dùng óc phê bình mà phân định đúng/sai, hay/dở, tốt/xấu trong lãnh vực này.
Y Tế
Giáo Hội thường coi việc y tế là công tác xã hội điển hình trong nỗ lực phục vụ người nghèo, đặc biệt là tại các nước đang trên đường phát triển. Nói chung, thừa tác vụ này làm chứng cho giá trị tuyệt đối là sự sống, và nêu bật ý nghĩa cứu độ của đau khổ.[14] Các thừa sai đã xây hàng ngàn bệnh viện, trại phòng bệnh, trạm xá khắp nơi trong thế giới. Giáo Hội tại Châu Á ghi rằng: “Noi gương Chúa Giêsu Kitô đã thương xót tất cả và chữa hết mọi bệnh hoạn tật nguyền (x. Mt 9:35), Giáo Hội Châu Á cam kết dấn thân hơn nữa trong việc săn sóc bệnh nhân, bởi ý thức đó là khía cạnh then chót trong sứ mệnh của mình, sứ mệnh mang ơn của Ðức Kitô đến để cứu chữa con người toàn diện” (số 36). Nói về các thừa tác viên của sứ mệnh này, Christifideles laici công nhận: “Hiện giờ, số giáo dân cả nam lẫn nữ, trong các bệnh viện và cơ chế y tế công giáo đều đang tăng lên. Ðôi khi toàn bộ các nhân viên làm việc trong các cơ chế này đều gồm toàn giáo dân. Tất cả các người ấy – bác sĩ, y tá, các công nhân ý tế khác, những người tình nguyện – đều được mời gọi để trở thành hình ảnh sống động của Ðức Kitô và Giáo Hội, đang nói lên lòng thương đối với những người đau ốm, bệnh tật chịu cảnh khổ đau” (CL 53).
Ngày nay, thừa tác vụ y tế như vừa bàn, đã trở thành phức tạp hơn trước nhiều, bởi không chỉ đòi hỏi phải tỏ lòng thương kitô đối với những người khốn khổ, mà còn phải làm chứng cho những giá trị Phúc âm trước mọi người. Xã hội hiện đang chạy theo khoái lạc ích kỷ, còn ngành y học với những khả năng mới lạ, đang đặt ra những vấn nạn khó giải cho lương tâm kitô, như: phá thai, an tử, ưu sinh học, thụ tinh trong ống nghiệm, ghép cơ quan, hạn chế sinh đẻ, sinh sản vô tính, v.v. và v.v. Hơn nữa, đa số những nhân viên y tế công giáo làm việc trong các cơ chế không công giáo, điều hành bởi những nguyên tắc không kitô; trong rất nhiều trường hợp, hành động theo lương tâm có nghĩa là mất chức, mất việc làm! FABC 4 đã lưu tâm đến trạng huống này: “Càng ngày chúng ta càng phải đối phó với những vấn đề càng khó khăn do khoa học kỹ thuật y tế tân tiến đặt ra, như: giá y tế quá cao, tập trung quá độ những hệ thống y tế y cụ ở trong các thành thị, y tế phòng bệnh quá kém. Tệ hơn nữa, hiện nay đang thấy lộ rõ nhiều vấn đề sinh đạo đức học hệ trọng vừa vì rộng lớn vừa vì ngày càng phức tạp hơn. Ðó là bao nhiêu thách đố đặt ra cho toàn thể Giáo Hội, nhưng đặc biệt là cho các giáo dân làm việc trong ngành y tế” (3.9.1).
Dù sao Giáo Hội (giáo dân và giáo sĩ) cũng vẫn tiếp tục những công tác phục vụ cổ truyền để giúp bệnh nhân, người phong cùi, khuyết tật, v.v., vì sứ mệnh Ðức Kitô đòi hỏi như vậy: “Tôi đến để cho họ sống và sống dồi dào” (Ga 10:10). Nhưng đồng thời cũng phải ý thức là tình trạng mới đòi hỏi sáng kiến mới. Toàn thể Giáo Hội ngưỡng mộ các kitô hữu đáng khâm phục đang xả thân hy sinh trong lãnh vực y tế; họ được và các bạn đồng nghiệm chia sẻ và giúp đỡ.[15] Nhu cầu bây giờ không chỉ là làm chứng cho Ðức Kitô bằng việc cứu chữa, nâng đỡ trực tiếp, mà còn bằng việc nghiên cứu mài miệt và kiên trì trong các lãnh vực y tế, dược lý, sinh lý, di truyền học, sinh thái học và cả đến nhân chủng học để tìm cho ra những phương dược phòng ngừa và cứu chữa; và làm như thế chính là phục vụ nhân loại. Lịch sử ghi ơn nhiều giáo dân công giáo đã góp phần to lớn trong lãnh vực này, như một Louis Pasteur chẳng hạn.
Nhân viên y tế công giáo như bác sĩ, y tá, không chỉ chữa trị bệnh tật, mà còn, và nhất là, săn sóc bệnh nhân, tỏ lòng kính trọng nhân phẩm của họ bởi nhìn thấy Ðức Kitô ở trong họ. Như thế có nghĩa đối tượng lưu tâm không chỉ là thể xác, mà còn hơn nữa, là linh hồn với hết mọi chiều kích thể chất và thiêng liêng, tự nhiên, sinh lý, tâm lý và siêu nhiên, cá nhân và xã hội.[16]
Giáo Dục
Bởi chủ đề đã được bàn đến trong chương trên, nên ở đây chỉ xin nêu bật một vài điểm.[17] Khắp nơi trong thế giới, Giáo Hội đã và đang “đầu tư” nhiều vào công tác phục vụ này. Trong giáo triều có Bộ Giáo dục Công giáo; sự kiện này cho thấy là Giáo Hội ý thức rõ về tầm trọng yếu của thừa tác vụ giáo dục. Chỉ duy trong thế kỷ 20, đã có 574 đại học công giáo được thành lập, và như thế trong năm 1990, có 1040 cơ chế giáo dục công giáo bậc đại học hoặc cao đẳng (369 tại Châu Á), không kể số trường học các cấp khác.[18] Ða số giáo viên là giáo dân. Thường xuyên động viên giáo hữu làm các “công tác từ thiện” – được nêu rõ, trong số đó có việc “Mở dạy kẻ mê muội” – Giáo Hội coi việc giáo dục là ơn gọi và là sứ mệnh đích thực kitô. Các giáo viên và các nhà nghiên cứu chuẩn bị một tương lai, một xã hội tốt đẹp hơn cho các thế hệ đàn em; tất cả đều phục vụ nhân loại theo khả năng của mình. Nếu nhìn tác vụ giáo dục trong ánh sáng ba chức năng trong sứ mệnh của Ðức Kitô (Tư tế, Tiên tri vàVương giả), thì giáo viên công giáo sẽ thấy rõ là mình đang thi hành nhiệm vụ của Ðức Kitô đối với thế gian; đó là ý nghĩa cao cả của cuộc đời giáo nghiệp kitô.
LINH ĐẠO GIÁO DÂN: VỪA KITÔ GIÁO VỪA THẾ TRẦN
Linh đạo là linh hồn của cuộc đời, là nguồn trào dâng ý nghĩa và sức lực cho hoạt động. Linh đạo kitô giáo (cho mọi kitô hữu, giáo dân cũng như giáo sĩ) cốt tại ở tinh thần làm môn đệ Ðức Giêsu trong Giáo Hội.[19] Tại Châu Á, nên đặc biệt chú ý đến hoạt động của Thần Khí ở trong lịch sử, nhất là giữa cộng đồng kitô. Linh đạo này được nuôi dưỡng nơi Bàn Bánh (các bí tích, nhất là Thánh Lễ) và Bàn Lời (Kinh Thánh), bởi truyền thống của Giáo Hội và cả kinh nghiệm thường ngày. Linh đạo kitô giáo là bước khởi đầu và là nền tảng của hết mọi thể dạng linh đạo trong Giáo Hội. Nghề nghiệp là yếu tố chính trong linh đạo kitô giáo.
“Nói về ‘linh đạo đặc thù giáo dân’ là nói về sự việc giáo dân được mời gọi sống ơn gọi làm môn đệ Ðức Kitô và chia sẻ sứ mệnh của Ngài theo tư thế là giáo dân trong Giáo Hội. Ở đây, cần phải nêu bật tính chất trần thế trong ơn gọi và sứ mệnh của giáo dân.” (FABC 4, 4.8.8.). “Trần thế tính” là gì? Là sống thân phận làm người như bao nhiêu người khác trong thiên hạ, không tách rời ra khỏi thế gian; và như thế là khác với “tu hành tính.” Christifideles laici giải thích rằng: “Giáo dân được kêu gọi nên thánh, tức là sống đời sống theo Thần Khí, một đời sống được hiện thực hóa cách đặc thù qua việc dấn thân vào giữa thế sự và tham dự vào trong sinh hoạt thế tục” (số 17). Thông thường, hễ nói đến chuyện giáo dân cần phải có đường hướng sống đạo tích cực là người ta nghĩ ngay đến việc đề nghị với giáo dân mẫu linh đạo của các tu sĩ hay đan sĩ. Không, sinh hoạt trong những môi trường và hoàn cảnh khác hẳn, giáo dân có cách thức sống đạo đặc thù của mình, tức là có một dạng linh đạo riêng.[20] Linh đạo giáo dân coi sự việc sống thân phận trần thế là ân huệ của Chúa, là điều tốt lành dùø còn cần phải làm cho nên tốt hơn. Vì thế, người kitô coi trọng các giá trị trần thế, ý thức đó là một khía cạnh của tình yêu đối với thế gian: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (Ga 3:16). Thế gian này là thế gian đã được cứu chuộc. Ðó là cách nhìn thế sự thực sự tích cực, thực sự trọn vẹn, thực sự kitô.
Linh đạo vừa nói có hai chiều kích: chiêm niệm và hoạt động; tu sĩ (nhất là đan sĩ) thường nhấn mạnh việc chiêm niệm; về phần giáo dân thì nên dành ưu tiên cho hoạt động; cả hai phối hợp với nhau để đưa cuộc sống đến chỗ “chiêm niệm trong hoạt động.” Khi đã quen nhìn mọi sự với con mắt đức tin thì người kitô sẽ biết tìm thấy Thiên Chúa trong mọi sự; và như thế, làm việc trở thành cầu nguyện. Giáo dân để Ðức Kitô mượn bàn tay và trí tuệ của mình mà thực thi sứ mệnh của Ngài ở giữa thế gian. Thật ra, linh đạo là không gì khác ngoài việc làm cho triển nở trọn vẹn ơn nhận được từ phép Thánh Tẩy: nếu nhờ bí tích, người kitô đã trở nên chi thể của Ðức Giêsu, thì chi thể phải để Ðầu hướng dẫn trong việc thực thi sứ mệnh của ‘thân mình toàn vẹn’ ở giữa dòng lịch sử. Bấy giờ, cuộc sống thường nhật với công ăn việc làm giữa đời là phương tiện để thực thi ơn gọi nên thánh. Thánh thiện cốt tại ở chỗ làm những điều thông thường với tình yêu Chúa phi thường.
Không phải duy chỉ gia đình mới là “Giáo Hội tại gia” – theo thành ngữ Vaticanô II dùng – mà cả văn phòng, nơi làm việc, xưởng máy, công trường, nhà trường v.v., đều là “đền thờ” nơi Thiên Chúa gặp gỡ với con người và con người dâng lễ tế lên Thiên Chúa: cả cuộc đời là lễ tế như thánh Phaolô lưu ý: “Tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Chúa; đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12:1). Ðối với Kitô giáo, nói cho cùng, chẳng có nơi nào thánh hơn nơi nào – không phải Giêrusalem hay Rôma, hoặc là một thánh đường hay một đan viện nào đó – bởi ở đâu cũng phải “thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật” (Ga 4:23), vì “chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17:28). Ðó là một trong những nhân tố chủ yếu trong linh đạo giáo dân.[21]
Nếu có một công tác phục vụ nào lớn lao nhất người kitô có thể thực hiện cho thế giới thì đó chính là sống thánh. Xã hội đang cần đến những mẫu gương thánh thiện mới, nhất là từ các kitô hữu sống giữa trần thế; giáo dân đặc biệt có bổn phận và khả năng để ứng đáp.[22] Vaticanô II đã kêu gọi mọi người nên thánh (x. GH chương V), nghĩa là sống trọn lòng tin cậy mến theo gương Ðức Giêsu. “Trong và nhờ những trạng huống, chức vụ hay hoàn cảnh của cuộc sống, tất cả các kitô hữu sẽ nên ngày càng thánh thiện hơn, nếu họ biết tin tưởng đón nhận mọi sự từ tay Cha trên Trời, và biết côïng tác với thánh ý Thiên Chúa bằng cách tỏ rõ cho mọi người thấy tình yêu Thiên Chúa đối với thế gian qua chính việc họ phục vụ trần thế” (GH 41cuối). Tất cả những gì người kitô làm trong Chúa, đều có khả năng thánh hóa cả môi trường lẫn chính bản thân mình. Thánh thiện cốt tại ở chỗ say mê và theo gương Ðức Kitô mà chu toàn nhiệm vụ đối với Thiên Chúa, tha nhân, và thế giới; nếu thế thì giáo dân có kém gì giáo sĩ đâu.
Làm môn đệ Ðức Giêsu không cần thiết phải bỏ nhà mà đi theo Ngài trên bước đường ‘rảo quanh’ như Simon Phêrô… Ngài cũng có những ‘môn đồ tại gia’ như Ladarô, Máctha và Maria, Nicôđêmô và Giuse Arimathia, v.v. Các môn đệ này vẫn tiếp tục sống đời nghề nghiệp như trước khi biết Ngài. Nhưng họ cảm mến Ngài, tin vào Ngài, nghe lời Ngài, và sẵn sàng góp phần để cùng thi hành sứ mệnh với Ngài. Môn đệ thì theo thầy: nghe lời Thầy để lại trong Kinh Thánh là yếu tố quan trọng trong linh đạo kitô; sinh hoạt trong cộng đồng môn đệ (Giáo Hội) làm cho mình thấm nhuần tinh thần của Thầy; gặp Thầy ‘diện đối diện’ (cầu nguyện) đưa đến chỗ Thầy trò hiểu nhau; như vậy, môn đệ có được nhân sinh quan và vũ trụ quan của Thầy làm chỉ nam cho đời mình.
Gia đình là môi trường sống thông thường nhất của giáo dân và, vì thế, linh đạo giáo dân phải mang đậm tính chất gia đình.[23] Sống Phúc Âm trong gia đình và với gia đình là cách thể lý tưởng cho việc sống đạo của giáo dân và, vì gia đình là tế bào căn bản của xã hội, giáo dân có đủ tư cách để góp phần quyết định cho việc xây dựng một nền văn minh tình thương. Truyền thống của quê hương xứ sở sống động trong gia đình phối hòa với tinh thần kitô để nắn đúc nên những chứng tá kiên cường về mọi mặt, và thế là kitô hữu lớn lên thành con người trọn vẹn, vừa cá vị vừa tập thể, vừa là người bản xứ (Việt Nam chẳng hạn) vừa là người Công Giáo. Ngày nay, linh đạo cần phải biết đối thoại với các nền văn hóa, với các tôn giáo, với mọi người thiện chí; tinh thần đối thoại mọc lên từ trong gia đình, khi các thế hệ biết đối thoại với nhau: ông bà, cha mẹ, con cái, anh chị em…
Ðể giáo dân sống linh đạo riêng của mình, Giáo Hội muốn giáo sĩ giúp đào tạo họ, hoặc trong những trung tâm đặc biệt hoặc trong các phong trào tông đồ, cho đến khi họ có thể tự túc. Trong lãnh vực này, giáo dân và giáo sĩ cần tương trợ lẫn nhau và bổ túc cho nhau.
[1] G. Thils,Théologie des réalités terrestres, Paris 1946.
[2] Xin xem M.-D. Chenu, “I laici e la consecratio mundi” in G. Barauna (ed.), La Chiesa del Vaticano II, tr. 992; M.-D. Chenu, Pour une théologie du travail, Paris 1955; A. Fernández, “Misión específica de los laicos. Consecratio o sanctificatio mundi?,” in Theologica 10 (1975) tt. 402-403; Reinholdo Aloysio Ullmann (Ed.), Consecratio mundi (Tạp văn kỷ niệm Urbano Zilles), Porto Alegre 1998, 572 trang.
[3] Xin xem Рatrick de Laubier, Pour une civilisation de l’amour. Le message social chrétien. Paris, Fayard,1990.
[4] FABC Paper 46h, “The Laity in Politics and Public Service” (1986).
[5] Xin xem David Aberbach, Charisma in Politics, Religion and the Media: Private Trauma, Public Ideals, New York University Press 1996.
[6] FABC 7 A: (Samphran, Thailand, 3-12 tháng Giêng 2000).
[7] Dù vẫn có thể được gợi hứng do Kinh Thánh; xin xem chẳng hạn Stephen C. Perks, The Political Economy of a Christian Society, Kuyper Foundation, Taunton, England (2001); FABC Paper 46l, “The laity in the World of Business” (1986).
[8] Xin xem Marie-Dominique Chenu, O.P., La “doctrine sociale” de l’église comme idéologie, Paris: Cef 1979; Amalorpavadass, D. Simon, ed., Indian Church in the Struggle for a New Society. Bangalore, India: National Biblical, Catechetical and Liturgical Centre, 1981; Carrier, Hervé, S.J. The Social Doctrine of the Church Revisited, Vatican City: Pontifical Council for Justice and Peace, 1990; Coleman, John A. and Gregory Baum, eds., Rerum Novarum: One Hundred Years of Catholic Social Teaching, Philadelphia: Trinity, 1991.
[9] Pax Romana MIIC/ICMICA, C.P. 315, 15 Rue du Grand-Bureau. Geneva 24, CH-1211, Switzerland. Tel.: (41-22) 823-0707. Fax: (41-22)-823-0708. Website: www.paxRomana.org. Email: [email protected].
[10] Có thể tìm hiểu về các vấn đề này qua tạp chí Journal of Mass Media Ethics (ISSN 0890-0523) published quarterly by Lawrence Erlbaum Associates, Inc., 10 Industrial Avenue, Mahwah, NJ 07430-2262.
[11] Xin xem chẳng hạn các tạp chí trên đây, và Claude-Jean Bertrand, Media Ethics & Accountability Systems, Transaction Publishers 1999; Matthew Kieran, Media Ethics: A Philosophical Approach, Greenwood Publishing Group, 1997.
[12] Aetatis Novae, n. 2, do Ủy ban Giáo hoàng về Truyền Thông Xã hội, 17-3-1992.
[13] Về một số sáng kiến liên quan đến vấn đề (theo kinh nghiệm ở Mỹ), xin xem Tom Beaudoin, Harvey Cox, Virtual Faith, The Irreverent Spiritual Quest of Generation X, Wiley, John & Sons, 1998; Peter Malone, MSC, with Rose Pacatte, FSP, Lights, Camera, Faith! A Movie Lover’s Guide to Scripture, Pauline Books & Media 2001.
[14] Xin xem tông thư Salvifici doloris của Ðức Gioan Phaolô II, 11-2-1984, và thông điệp Evangelium vitae, 25-3.1995.
[15] Chẳng hạn Phong trào Quốc tế các Bác sĩ và Y tá Công giáo (CICIAMS), cf. http://www.ciciams.org
[16] FABC Paper 46f, “The Asian laity in the World of Health Services” (1986).
[17] Về lập trường của Tòa thánh, xin xem văn kiện của Bộ Giáo dục Công giáo, The Catholic School on the Threshold of the Third Millennium, 28th December 1997.
[18] The Sacred Congregation For Catholic Education, Lay Catholics in Schools: Witnesses to Faith, 15.10.1982.
[19] Về vấn đề này, tác phẩm cơ bản vẫn là Francis de Sales, (Preface by Edward Cardinal Egan), Introduction to the Devout Life, Vintage Books, 2002; xin cũng xem José De Mesa, Lay spirituality, Manila: Wellspring Books, 1987; Virginia Sullivan Finn, Pilgrims in this world: a lay spirituality, New York: Paulist Press, 1990; Douglas J. Morin, No Less Zeal: A Spiritual Guide for Catholic Lay People, Alba House 1993.
[20] Xin xem chẳng hạn William J. Byron, Vincent T. O’Keefe, Jesuit Saturdays: Sharing the Ignatian Spirit With Lay Colleagues and Friends, Loyola Press 2000; Wayne Teasdale, A Monk in the World: Finding the Sacred in Daily Life, New World Library 2002.
[21] FABC Papers 46b, “Lay Spirituality” (1986).
[22] Ann W. Astell (ed.), Lay Sanctity, Medieval and Modern, A Search for Models, University of Notre Dame, 2000.
[23] Amalorpavadass, D.S., Theology and spirituality of the family, Madras, 1983; Wendry M Wright, Sacred dwelling: a spirituality of family life, New York: Crossroad, 1989.