Tham dự vào thừa tác vụ vương giả của Ðức Kitô là giáo dân có khả năng và bổn phận phục vụ Dân Chúa trong những công việc quản lý.[1] Có lẽ đây là điểm tế nhị nhất trong quan hệ giáo sĩ và giáo dân. Lý do là vì bao giờ quyền bính cũng mang tính chất nước đôi: một đàng, xã hội nào cũng đều phải nhờ đến quyền bính để mà tồn tại an toàn; đàng khác, quyền bính thì khó mà đội trời chung với Phúc Âm… Các tài liệu chính thức ít khi đề cập đến quyền bính của giáo dân; làm như trong Giáo Hội, toàn bộ quyền hành đều nằm trong tay hàng giáo phẩm. Có thể là đã có thời giáo dân nhúng tay vào sinh hoạt của Giáo Hội một cách quá đáng, chẳng hạn như khi các hoàng đế tự tặng phong cho mình quyền triệu tập công đồng, như khi hàng quý phái nắm quyền bổ nhiệm giám mục hoặc quyết định ai sẽ làm giáo hoàng, v.v. Tuy nhiên, sau đó dường như con lắc đã chuyển về phía ngược lại, và giáo dân chỉ còn nhiệm vụ vâng lời. Suốt nhiều thế kỷ thời trước, đa số giáo dân đều thuộc giới ít học hoặc mù chữ, không có thế lực giữa xã hội; nhưng ngày nay, hoàn cảnh đã đổi hẳn: không thiếu chi giáo dân có khả năng chuyên môn trong nhiều lãnh vực như hành chánh, quản lý, xã hội học, v.v. vượt hẳn cả giáo sĩ lẫn giáo phẩm. Mặt khác, bối cảnh trí thức thời nay nhấn mạnh đặc biệt đến những giá trị dân chủ, bình đẳng, tập thể, v.v. Hẳn là Giáo Hội không thể bỏ qua mà không đón nhận những giá trị ấy.
Dĩ nhiên, Hội thánh có cơ cấu do chính Ðức Kitô đã thiết lập, giáo phẩm không có quyền thay đổi; tuy nhiên, trong cơ cấu ấy, những điều thực sự bất khả di dịch thì rất ít. Thế nên, trong Giáo Hội, là rất rộng khoảng trống dành cho tự do và sáng kiến, dành cho nỗ lực canh tân và hội nhập văn hóa, cho nhu cầu thích nghi với thời đại và đón nhận những giá trị mới, v.v. : dấu chỉ thời đại cũng là tiếng của Thần Khí nói với Dân Chúa.
NGUYÊN TẮC CĂN BẢN: TRÁCH NHIỆM CHUNG
Công đồng Vaticanô II đã khởi sự một phong trào đổi mới trong Giáo Hội chưa từng thấy kể từ thời công đồng Trentô. Năng động của Dân Chúa đã bừng lên dưới sự hướng dẫn của Thần Khí, trong một Giáo Hội học hiệp thông, dồn thúc tất thảy các tín hữu can đảm nhận lấy trách nhiệm đức tin trao phó.[2] Hiện trạng thế giới đã làm cho chúng tôi ý thức rằng giáo dân có vai trò đặc thù và tất yếu trong Giáo Hội. Ðừng ngạc nhiên nếu thấy rằng tinh thần trách nhiệm chung của toàn thể dân Chúa đối với toàn bộ đời sống Giáo Hội đã khơi dậy nhiều tiếng nói khác nhau; đó chính là nguồn sinh động, là thế căng thẳng sáng tạo.[3] Do ơn Rửa tội, mọi giáo hữu đều có bổn phận lo cho sứ mệnh của Giáo Hội và, vì thế, phải chịu trách nhiệm về những hoạt động trong việc thực thi sứ mệnh ấy. Thượng hội đồng giám mục năm 1985, nhắc nhở rằng: nếu tự bản chất Giáo Hội là hiệp thông, là đoàn thể, tất mọi thành phần trong Giáo Hội giám mục cũng như linh mục, giáo sĩ cũng như giáo dân đều có trách nhiệm chung.[4] Trách nhiệm theo hai chiều kích: thực thi mệnh lệnh của bề trên và góp phần vào quá trình quyết định.
Tông huấn Kitô hữu giáo dân (Christifideles laici), dành chương ba bàn về trách nhiệm chung của giáo sĩ và giáo dân đối với sứ mệnh của Giáo Hội, dựa theo mẫu Giáo Hội học hiệp thông. Tông huấn viết: Trong sứ mệnh chung của Giáo Hội, Chúa trao phó một phần trách nhiệm lớn cho giáo dân chu toàn, trong niềm hiệp thông với hết thảy các thành phần khác của Dân Thiên Chúa (số 32). Mục đích của việc trao phó như thế là nhằm xây dựng những cộng đoàn giáo hội trưởng thành (số 34), tức biết tự mình quyết định trong những gì thuộc phạm vi trách nhiệm của mình, chứ không phải chỉ biết ngồi chờ chỉ thị của giáo phẩm. Sáng kiến của giáo dân là yếu tố then chốt cho tương lai của Giáo Hội. Ắt là phải đổi mới cơ cấu của các cộng đoàn ấy, tức của giáo xứ, giáo phận và cả giáo triều Rôma, làm sao để giáo dân có thể đảm nhận trách nhiệm của mình như là những kitô hữu trưởng thành. FABC 4 (Tokyo, 16-25 tháng 9, 1986) đã ý thức rõ về việc ấy: Ba nguyên tắc về hiệp thông, tập đoàn tính và đồng trách nhiệm, mà Vaticano II đã nêu bật, đòi hỏi phải xem xét lại các cơ cấu của Giáo Hội… Chủ yếu là để tạo nên bầu khí thích đáng cho tinh thần hiệp thông, tập đoàn tính và trách nhiệm chung, ngõ hầu giáo dân được chuẩn bị, tham gia và hoạt động cách tích cực và đầy đủ hơn (4.5.2) trong các sinh hoạt của Giáo Hội. Thiết nghĩ mỗi đơn vị (như giáo xứ hay giáo phận) nên thử kiểm điểm lại xem trong hơn hai mươi năm qua, những gì đã thực sự thay đổi và đưa giáo dân đến chỗ góp phần tích cực và chủ động vào trong tiến trình quyết định và điều hành tại các Giáo Hội địa phương.
Qua điều khoản 129, giáo luật giới định quyền bính trong Giáo Hội như sau:
1 Quyền cai trị trong Giáo Hội là do thiên định, và cũng được gọi là quyền tài phán. Chủ thể có năng cách của quyền ấy là những người có chức thánh, chiếu theo qui tắc luật định.
2 Trong việc hành sử quyền ấy, các giáo dân có thể cộng tác theo qui tắc của luật.
Như vậy, quyền tài phán không phải là độc quyền của giáo sĩ, bởi giáo dân được quyền cộng tác, tức dùng quyền theo luật. Tự bản chất, luật mang tính tối thiểu; như thế, còn có nhiều lãnh vực ngoại luật, trong đó, giáo dân có thể hành sử quyền quyết định của mình như là những tín hữu trưởng thành. Và lẽ dĩ nhiên, luật cũng có thể thay đổi…
NGUYÊN TẮC PHÂN NHIỆM HOẶC BỔ TRỢ
Sách Giáo lý Công giáo lưu ý rằng: Theo nguyên tắc bổ trợ, một tập thể lớn không có quyền lấn át sáng kiến và trách nhiệm của các cá nhân và các tổ chức nhỏ (số 1894). Nguyên tắc bổ trợ (subsidiarity principle) là nền tảng của giáo lý công giáo về xã hội.[5] Ðược Ðức Piô XI nêu lên trong thông điệp Quadragesimo anno (n. 1931), Ðức Piô XII thường nhắc tới, và Ðức Gioan XXIII dùng đến trong Mater et magistra (n. 1961), nguyên tắc này xuất hiện rõ ở trong công đồng Vaticanô II (MV 86; GD 3; 6) cũng ở trong thông điệp Centesimus annus (n. 1991) của Ðức Gioan Phaolô II: Cần phải bảo toàn nguyên tắc bổ trợ: một tổ chức cấp trên không được can thiệp vào nội vụ của một tổ chức cấp dưới, làm cho cấp dưới mất đi chức năng riêng của mình, trái lại có bổn phận ủng hộ nếu cần và giúp phối hợp hoạt động của cấp dưới với hoạt động của toàn bộ cộng đoàn xã hội, nhằm xây dựng công ích (số 48). Nguyên tắc này đã trở thành viên đá gốc của Cộng đồng Châu Âu.[6]
Thuộc lãnh vực triết lý xã hội, và theo cách Giáo Hội hiểu là luật tự nhiên, nguyên tắc bổ trợ phải được áp dụng trong mọi lãnh vực sinh hoạt chính trị, kinh tế, tôn giáo, v.v. Bàn về nhiệm vụ của chính quyền, thánh Tôma tiến sĩ nhận định rằng: Chính quyền có bổn phận chỉnh đốn những gì lộn xộn, bổ túc những gì thiếu sót, và hoàn thiện những gì khả năng cho phép làm cho tốt hơn.[7] Xét theo ánh sáng đức tin, nguồn gốc nhân quyền là nhân phẩm của con người đã được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Người (x. St 1:26). Vaticanô II lưu ý: Bao nhiêu có thể, cần phải tôn trọng tự do con người, và không được giới hạn quyền tự do ấy trừ trường hợp cần thiết (TD 7). Giữa lòng Giáo Hội, Chúa Thánh Thần làm cho giáo dân ý thức được trách nhiệm của họ cùng thúc dục họ phục vụ Ðức Kitô và Giáo Hội trong mọi trường hợp (TÐ 1). Vì thế và dĩ nhiên, nguyên tắc bổ trợ phải được áp dụng trong cuộc sống của Giáo Hội. Trong một xã hội công bằng, nguyên tắc bổ trợ đi đôi với nguyên tắc liên đới hầu cổ vũ công ích trong phạm vi địa phương, cũng như trên bình diện quốc gia và quốc tế. Trong đời sống Giáo Hội, hai nguyên tắc này đồng hành sát cánh trong tinh thần hiệp thông, làm cho tất cả cá nhân và tập thể cộng tác để thực hiện sứ mệnh chung, ngõ hầu vinh quang Chúa được cả sáng rạng ngời hơn, và ơn cứu độ được tỏa rộng đến với nhiều linh hồn hơn.
Trong Giáo Hội, có một trật bậc tổ chức truyền thống được hiểu là thiên định; thế mà trong đó tối thượng quyền của giám mục Rôma thường để các thượng phụ khác tự do quyết định mọi sự trong lãnh vực thẩm quyền của họ, và cũng ứng xử như thế đối với các cấp thấp hơn, như các đấng bản quyền giáo tỉnh, giáo phận; rồi cách ứng xử tương tự lại được áp dụng cho các cấp khác, như giáo xứ, v.v… Ðành là cả Giáo Hội lẫn Nhà nước đều bị lôi kéo đi vào con đường tập quyền tối đa với cơ nguy trở thành chế độ cực quyền. Nỗ lực cải cách của Vaticanô II là phần lớn nhằm tới việc phân quyền, tức chia gánh nặng của giáo triều và chuyển trách nhiệm cho các thẩm quyền cấp dưới; nỗ lực ấy đã thành công hay thất bại là một chuyện khác. Nhưng nếu đã đòi xã hội trần thế vốn dựa theo quan hệ quân thần áp dụng nguyên tắc bổ trợ, tất Giáo Hội dựa theo quan hệ huynh đệ mà cũng phải áp dụng nguyên tắc ấy vào trong cơ chế và cách thức điều hành của chính mình. Chế độ bổ trợ giả thiết là những quyết định phải được bắt đầu từ những tầng lớp thấp nhất (tức giáo dân), và các thẩm quyền cao hơn chỉ can thiệp khi cần. Bởi vậy, trước hết cần phải định giới rõ các lãnh vực thẩm quyền; rồi tiếp đến cần phải tiến hành đúng theo thứ trật và vì công ích: cấp trên để cấp dưới tự do hoạt động trong phạm vi trách nhiệm của mình, giúp cho họ có khả năng thi hành nhiệm vụ và thay thế khi vì một lý do nào đó họ không thể tiến hành công tác; còn cấp dưới thì lo phát huy sáng kiến, sẵn sàng đón nhận ý kiến cùng sự trợ lực của bề trên, và hăng say thi hành phận vụ thường nhật, tiếp tay với cấp trên khi họ cần.
Ðặc biệt, Giáo Hội áp dụng nguyên tắc này vào các lãnh vực giáo dục, xã hội và kinh tế, trong mỗi nước cũng như trên bình diện quốc tế. Ðiều này giả thiết là phải biết tin tưởng lẫn nhau.
TINH THẦN CỦA THỜI ĐẠI
Nếu thời xưa, giáo dân đã giữ thái độ thụ động, thì điều đó có thể hiểu được; nhưng nếu ngày nay mà còn như thế thì không thể nào chấp nhận được. Thứ nhất là vì nhiều giáo dân đã đạt đến mức hiểu biết cao; cả trong lãnh vực triết thần, có khi giáo dân đạt đến những mức chuyên môn cao hơn giáo sĩ; còn trong các ngành khoa học khác thì khỏi cần phải nói. Thứ đến là vì kinh nghiệm xã hội họ có: giáo dân thường giữ những chức vụ rất cao trong các ngành hành chánh của nhà nước hoặc của những tổ chức tư khác, như công ty, nghiệp đoàn, trường học, v.v. Thứ ba là vì thời nay là thời đại của trào lưu dân chủ và tham gia, tham gia của hết mọi tầng lớp trong xã hội và Giáo Hội cũng là một xã hội! Các lý do vừa nêu cho thấy rất rõ dấu chỉ thời đại, tức là điều Thần Khí muốn nói với Giáo Hội nhằm tới việc xây dựng cho hiện tại và chuẩn bị cho tương lai.
FABC VI (1995) đã kêu gọi xây dựng một chế độ tham gia dân chủ, một thể dạng chính trị nhân đạo và một xã hội công bằng, an bình cho mọi nơi (số 7). Chắc hẳn Giáo Hội không thể đứng ngoài lề, bởi không thể khuyến khích người khác làm một điều chính mình không làm! Thế nên, các giới cấp trong Giáo Hội, từ giáo triều trung ương cho đến các họ đạo địa phương phải nêu cho thế gian thấy được một xã hội tham gia là như thế nào. Hẳn là loài người không có quyền thay đổi cơ chế thần quyền cố định với phẩm trật ba bậc trong Hội thánh. Tuy nhiên, cũng còn có thần luật phúc âm dựa trên lời Ðức Giêsu: những người làm lớn giữa thế gian thì áp đặt trên dân chúng quyền hành của họ; nhưng giữa anh chị em trong Giáo Hội thì không phải như vậy, và ngược lại, ai đứng đầu thì phải phục vụ mọi người (x. Mt 20:25; Mc 10:42), bởi tất cả đều là anh chị em với nhau (x. Mt 23:8). Các giám mục Châu Á đã nhiều lần nói đến sự cần thiết phải đổi mới các cơ cấu trong Giáo Hội.[8] Chắc hẳn không phải là vứt bỏ đi thể chế giáo sĩ-giáo dân theo như chủ trương quá giản dị của một số người song là thực thi tinh thần phúc âm trong mọi bình diện và mọi lãnh vực cũng như trong mọi thừa tác vụ, thế nào để những thủ lãnh thực sự trở thành tôi tớ và để giáo dân thi hành trách nhiệm nơi những hội nhóm hoặc tổ chức khác nhau trong Giáo Hội.
Thể chế giáo phẩm thường được quan niệm như là chế độ quân chủ. Giáo Hội có thể chọn lối sinh hoạt theo thể chế dân chủ không? Trên nguyên tắc thì có thể; nhưng sẽ là một dạng dân chủ đặc biệt. Thực ra, từ dân chủ mang những ý nghĩa khác nhau tùy theo cách hiểu theo thời xưa hay thời nay. Trước hết, cần lưu ý: quyền bính, hoặc exousia, trong Giáo Hội không phát sinh từ các thành viên trong cộng đồng, song là từ Ðức Kitô; và thứ đến, Giáo Hội không chỉ là một xã hội (Dân Chúa) mà còn là một Bí tích, một thể chế do Ðức Kitô thiết lập. Trong dòng lịch sử, Giáo Hội đã mặc lấy nhiều dạng cơ cấu mượn từ xã hội chính trị, như thấy trong cách tổ chức các địa phận và giáo xứ, chẳng hạn. Suốt nhiều thế kỷ, các hoàng đế kitô (nhất là bên Ðông phương) đã giữ quyền bổ nhiệm và bãi chức các giám mục. Chẳng thế mà Giáo Hội đã thực sự sống qua một cuộc giải phóng lớn, khi Ðức Grêgôriô VII giành lại được quyền ấy và dành riêng nó cho một mình giám mục Rôma (thế kỷ 11). Tuy nhiên, sau đó các vua vẫn còn giữ một vai trò hơn kém tùy chế độ trong việc bổ nhiệm ấy. Ðồng thời, lịch sử Giáo Hội thời xưa cũng cho thấy dân Chúa tích cực dự phần vào việc tuyển chọn giám mục, vào trong các công đồng, nhất là những khi cần phải quyết định chính sách chung. Theo Cv 6:3-7, 1Tm 3:7, Clêmentê 44.3, v.v., Giáo Hội đã giữ đúng nguyên tắc sau đây của luật khoa Rôma: Những gì ảnh hưởng đến tất cả, thì tất cả phải dự phần bàn luận và phê chuẩn,[9] đến độ châm ngôn này đã được đưa vào giáo luật thời Trung cổ.
Trong việc chọn giám mục hoặc cha sở, giáo dân thời xưa được quyền can thiệp chẳng hạn như đề cử hoặc gạt bỏ các ứng viên nhưng chỉ giáo sĩ mới có quyền tuyển chọn. Giáo dân không có quyền cứ luật để quyết định, nhưng có một thứ quyền mạnh hơn là sức mạnh hiệp thông, vì đối với giới lãnh đạo trong Hội Thánh, hiệp thông là bổn phận quan trọng hơn cả pháp luật, như Ðức Xêléxtinô I đã nhận định qua câu nói nổi tiếng sau đây: Nullus invitis detur episcopus, Ðừng bổ nhiệm vào chức giám mục người người ta không muốn (PL 50.434). Ngày xưa, nghi thức phụng vụ phong chức rất chú ý đến quyền này của giáo dân; ngày nay, chỉ còn đơn thuần là một nghi thức! Ðấy là một điểm cần được thay đổi. Còn đối với dự phần vào trong các công đồng, hội đồng, hội nghị, v.v. giáo dân đã và vẫn còn tiếp tục đóng góp phần mình trong tư cách là cố vấn, chuyên viên, học giả uyên bác, v.v. Không khi nào giáo dân dự phần qua việc bỏ phiếu: dù có triệu tập công đồng thì các hoàng đế cũng không bao giờ bỏ phiếu.
Còn một lý do khác, không kém quan trọng, đòi giáo dân phải tham dự tích cực hơn vào trong tổ chức và sinh hoạt của Giáo Hội, đó là để thái độ cởi mở minh bạch nói lên sự thật và lòng thành thực trong mọi sự hiện rõ trước mắt mọi người như đáng phải có và như dư luận thường đòi hỏi trong sinh hoạt của một tổ chức công cộng. Giáo Hội đã bị nghi kỵ và hiểu lầm vì giữ bí mật quá kỹ về quá nhiều điều, bởi các chế độ độc quyền thường làm như thế. Nếu để giáo dân đảm trách những vai trò chủ yếu hơn trong cơ cấu và các bộ phận hành chánh của Giáo Hội, nếu việc bàn luận và quyết định các sự việc diễn ra đường đường hơn, thì việc hướng dẫn dân Chúa sẽ trở nên dễ dàng hơn cho hàng giáo phẩm, và đồng thời, cảm tưởng tiêu cực kia cũng sẽ tan biến dần đi. Ðối với công tác đại kết, hình ảnh mới mẻ và trong suốt này của Giáo Hội quả là một yếu tố đóng góp thực sự tích cực và hữu hiệu.
GIÁO DÂN TRONG GIÁO TRIỀU RÔMA VÀ CÁC PHỦ GIÁO PHẬN
Giáo luật công nhận giáo dân có thể giữ một số chức vụ luật pháp trong Giáo Hội. Trong Giáo triều Rôma, dễ nhận ra nhất là sở an ninh của Tòa thánh, tức biệt đội lính Thụy sĩ gồm toàn giáo dân trừ vị tuyên úy hoặc các nhân viên truyền thông đại chúng mà đại đa số cũng đều là giáo dân. Trong tòa án, thì có luật sư, chưởng ấn và lục sự. Quan tòa duy nhất của lãnh địa Vaticanô là một giáo dân, và toàn bộ luật sư cũng đều là giáo dân; rồi Chủ tịch của Hàn Lâm Viện Khoa Học Tòa thánh cũng là một giáo dân. Ngoài ra, còn có nhiều giáo dân phục vụ trong các Bộ của Tòa thánh và các Hội đồng Giáo hoàng. Hiện các chủ tịch của hai Hội đồng Giáo dân và Gia đình đều là hồng y; nhưng, xét cho cùng thì cũng có thể bổ nhiệm giáo dân được chọn giữa những bậc làm cha làm mẹ vào các chức vụ đó?
Còn trong các Giáo Hội địa phương, tại phủ giáo phận, thì giáo dân có thể đảm nhiệm phận vụ chưởng ấn (đ 483.2), lục sự (đ 483.2) và biện lý của giáo phận (đ 494); có thể làm thẩm phán trong một tòa án tập đoàn (đ 1431.2), cố vấn thẩm phán (đ 1424), chưởng lý và bảo hệ viên (đ 1435); có thể làm kiểm toán viên (đ 1428.2) và thụ ủy (đ 1483). Sự hiện diện của giáo dân trong các nhiệm vụ vừa kể chắc chắn sẽ thay đổi hình ảnh dư luận thường có về Giáo Hội. Giáo Hội khuyên các giám mục nên đặt giáo dân vào các chức vụ nói trên, theo điều 228, trong tinh thần hiệp thông và tham gia. Giáo phủ có nhiều phận vụ giáo dân có thể đảm trách, chẳng hạn như giữ vai thư ký, quản lý, chủ tịch của các hội đồng, trưởng lễ nghi, phụ trách việc xuất bản, lưu trữ viên, thư viện trưởng, đại diện giám mục hoặc cha sở để giàn xết các cuộc tranh cãi trong cộng đoàn hoặc với người ngoài, v.v.
CÁC HỘI ĐỒNG GIÁO PHẬN VÀ GIÁO XỨ
Giáo luật đòi phải có những hội đồng khác nhau, chuyên trách về các lãnh vực khác nhau, như hành chánh, mục vụ, phụng vụ, v.v. Ðiều 492 §1 ghi rằng: Trong mỗi giáo phận, phải thiết lập một Hội đồng kinh tế, do chính giám mục giáo phận hoặc một người được ủy nhiệm làm chủ tịch và gồm ít nhất là ba tín hữu do giám mục bổ nhiệm: cần phải là những người thành thạo về kinh tế và về dân luật, và thanh liêm. Như vậy, luật định là phải có ít nhất ba giáo dân làm thành viên, và vị chủ tịch cũng có thể là một giáo dân. Theo đ. 494, Quản lý của điạ phận có thể là một giáo dân. Lịch sử đã dạy nhiều bài học đáng buồn về điểm này, vì thế Giáo Hội tỏ ra rất thận trọng.
Hội đồng mục vụ phải gồm có những thành viên giáo dân, được lựa chọn cách nào để có thể phản ảnh được phần dân Chúa cấu tạo thành giáo phận, dựa vào các khu vực khác nhau của giáo phận, các điều kiện xã hội và nghề nghiệp, và cả tới phần vụ mà các tín hữu đóng góp trong hoạt động tông đồ hoặc với tư cách cá nhân hoặc liên hiệp với những người khác (đ. 512 §2). Hội đồng này chỉ có quyền tư vấn (đ 514 §1). Các giáo xứ cũng có thể có hội đồng mục vụ (đ. 536) và kinh tế (đ. 537), với tư cách tương tự như ở cấp địa phận. Trong các hội đồng này, giáo dân có thể có ảnh hưởng lớn, bởi giám mục hoặc cha sở có bổn phận lắng nghe tiếng nói của họ. Còn trong họ đạo thì giáo dân có thể phối trí các công tác tông đồ dưới quyền chỉ đạo của cha xứ, và nếu không có linh mục, môﴠgiáo dân có thể phụ trách cả họ đạo (đ 517.2); và dĩ nhiên, để lo về các việc đòi hỏi chức thánh thì phải có một linh mục. Giáo Hội khuyến khích giáo dân tham gia vào các hội đồng này; tông huấn Christifideles laici nhận định rằng: Việc các giáo dân tham gia vào các hội đồng cố vấn sẽ giúp cho tiến trình tham khảo cũng như nguyên tắc hợp tác mà trong một số trường hợp có thể bao gồm cả những thể thức để lấy quyết định được áp dụng cách rộng rãi và kiên định hơn (số 25). Giáo Hội Châu Á cũng mạnh mẽ thúc dục hợp tác: Là nhu cầu đặc biệt thiết yếu việc cổ vũ giáo dân và những người sống đời tận hiến (tu sĩ) ra sức tham gia nhiều hơn trong việc thiết đặt các kế hoạch mục vụ và trong thể thức đưa tới những quyết định qua các cơ cấu tham gia như hội đồng mục vụ và các hiệp hội của giáo xứ (số 25). Mục đích là để giáo dân ý thức rõ rằng Giáo Hội chính là của mình chứ không phải của riêng các giáo sĩ, và để trong Giáo Hội, giáo sĩ biết tránh thái độ cư xử như là chủ nhân ông, song như là người quản lý, ý thức rằng nếu biết tận dụng các tài năng của giáo dân thì tác vụ chăm lo cho các linh hồn và quản lý tài sản của Giáo Hội sẽ hữu hiệu hơn.[10] Trong nhiều nước, giáo dân đã đáp ứng tích cực lời mời gọi của giáo phẩm để hợp tác vào trong các tổ chức của giáo xứ và các cơ chế của Giáo Hội; chỉ tại Hoa kỳ không thôi, hiện có hơn 180 ngàn thủ lãnh giáo dân (lay leaders) làm việc trong Giáo Hội.[11] Tại một vài Giáo Hội địa phương, thấy có một sáng kiến mới gọi là giáo dân mục tử (lay pastors): họ quy tụ thành hội để hợp tác với các linh mục, trong việc giữ liên hệ với từng tín hữu một trong xứ đạo, nhất là với các tín hữu không đi nhà thờ và với lương dân.[12] Theo giáo luật (đ. 231.2), Giáo Hội có bổn phận thù lao cho họ hệt như cho các giáo sĩ phụ trách một thừa tác vụ.
NHỮNG TỔ CHỨC TRẦN THẾ
Trong Giáo Hội, giáo dân cũng có thể thành lập và điều khiển những tổ chức nhằm tới những mục đích khác nhau. Theo giáo luật: Các tín hữu có quyền tự do thiết lập và điều khiển các hiệp hội nhằm mục đích từ thiện hoặc đạo đức… (đ. 215). Những tổ chức này rất khác nhau: có thể là Caritas hay Legio, hoặc những đoàn thể địa phương, quốc gia hay quốc tế, như đã thấy ở trên. Nếu công khai mang danh hiệu công giáo hoặc Giáo Hội thì phải chấp nhận sự giám sát (ít là tổng quát) của giáo phẩm; mà cũng có thể thành lập một tổ chức hoàn toàn độc lập, nhất là với chủ đích văn hóa, kinh tế hoặc chính trị (như một đảng hay một nghiệp đoàn). Tuy nhiên, vẫn cần phải giữ tinh thần kitô. Công đồng mong rằng: Trong khi cộng tác với hàng Giáo phẩm theo thể thức riêng của mình, người giáo dân đảm nhận trách nhiệm và đem kinh nghiệm riêng để điều hành các tổ chức như thế, để tìm những điều kiện thích hợp cho hoạt động mục vụ của Giáo Hội cũng như để soạn thảo và theo đuổi một chương trình hành động sáng suốt (TÐ 20d). Giáo Hội muốn thấy rằng không thụ động ngồi chờ lệnh công tác từ giám mục hoặc cha sở, giáo dân tự động đề xuất sáng kiến và dấn thân vào việc, như các giám mục Châu Á đã từng nói rõ: Việc mục vụ phải dành chỗ nhiều hơn nữa cho sáng kiến và quyền quyết định từ phía giáo dân, cũng như phải biết đáp ứng nhu cầu thực tế của dân chúng.[13] Vì sống ở giữa môi trường dân chúng, giáo dân thường ý thức rõ hơn về những nhu cầu cụ thể, và nhận ra cũng như đánh giá tức thời được những trào lưu dư luận, những gì quần chúng cảm nghĩ về Giáo Hội, v.v. để rồi qua các tổ chức và hoạt động nằm ngay giữa lòng thế sự, họ nhanh chóng tìm ra cách thức ứng xử thích đáng.
Trong lãnh vực thế trần, giáo dân có ưu thế, vì đó là lãnh vực của họ.[14] Ðiểm này sẽ được bàn thêm trong phần dưới. Ở đây, chỉ xin nói về vai trò lãnh đạo của giáo dân trong các công tác trên đây, vai trò lãnh nhận từ thừa tác vụ vương giả. Ðặc biệt, các chuyên gia được mời gọi thực ra là đặc ân đầu tư tài năng của mình vào trong những sáng kiến có ích lợi cả cho Giáo Hội lẫn cho riêng họ: nghề nghiệp phải trở thành thừa tác vụ. Chức năng vương giả của giáo dân làm cho họ tích cực thông phần vào việc xây dựng Nước Thiên Chúa (x. Evangelii nuntiandi, số 70), và vì thế, họ có quyền và bổn phận dùng sáng kiến của mình cho mục đích ấy.
LÃNH ĐẠO CÁC CỘNG ĐOÀN CƠ BẢN
Xuất hiện ở Châu Mỹ Latinh, Phong trào Các cộng đoàn cơ bản đã vén mở cho thấy nhiều dấu chứng để hy vọng vào Giáo Hội, nhất là vào các Giáo Hội trẻ hoặc thiểu số. Ðặc điểm của các cộng đoàn này là ở chỗ giáo dân đóng giữ vai trò chủ yếu.[15] Thông điệp Sứ mệnh Ðấng Cứu độ (Redemptoris missio) nhận thấy rằng các cộng đoàn cơ bản này phải được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch mục vụ của nhiều hội đồng giám mục; thông điệp định nghĩa cộng đoàn cơ bản là một nhóm kitô hữu tụ họp hoặc trong môi trường gia đình hoặc trong một bối cảnh giới hạn tương tự, để cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, học giáo lý, bàn luận về các vấn đề xã hội và Giáo Hội, ngõ hầu tích cực dấn thân hoạt động. Các cộng đoàn này là dấu hiệu sống động giữa lòng Hội thánh, là khí cụ huấn luyện và truyền giáo, và là khởi điểm vững chắc cho một xã hội mới dựng xây trên nền móng của văn minh tình thương. Các cộng đoàn này áp dụng nguyên tắc phân quyền và tổ chức giáo xứ theo phương cách mới… Tín hữu sinh hoạt trong các cộng đoàn cơ bản, có kinh nghiệm sống về cộng đoàn, và vì thế cảm thấy mình có bổn phận giữ một vai trò tích cực cũng như được thúc giục để dấn thân hợp tác vào trong tác vụ chung (SMÐCÐ 51). Các giám mục Châu Á đã không ngừng lên tiếng cổ võ việc thành lập các cộng đoàn nhỏ này với những tên gọi khác nhau, như: cộng đồng khu xóm, cộng đoàn Giáo Hội, cộng đoàn cơ bản, cộng đoàn nhân bản, v.v.[16] Như thế, các cộng đoàn cơ bản quả là môi trường sống động và thuận lợi cho việc giáo dân thực thi thừa tác vụ của mình ở giữa lòng Giáo Hội, đặc biệt là vai trò lãnh đạo (leadership).
Nói về Giáo Hội tham gia là FABC nghĩ ngay đến các cộng đoàn cơ bản này. Sáng kiến tổ chức cộng đoàn có thể phát sinh từ giáo sĩ hay từ giáo dân, một cách có hệ thống hoặc một cách tự phát. Nguời lãnh đạo thường là giáo dân, hoặc vì là người trong xóm, hoặc vì có uy thế trong nhóm, hoặc vì là thủ lãnh sắc tộc, v.v. Họ nhận trách nhiệm về sinh hoạt cộng đoàn, về quan hệ hiệp thông với giáo xứ và giáo phận, về công tác đào tạo các thừa tác viên, về việc thường huấn cho các thành viên và hợp tác với các cộng đoàn khác. Nguyên tắc phân quyền được áp dụng tích cực và hữu hiệu. Trong môi trường như thế, các kitô hữu cảm thấy một cách sống động mình thực sự là phần tử của Giáo Hội, mình là Giáo Hội, và vì thế, ai nấy đều coi công việc của Giáo Hội là công việc của mình. Có thế, Giáo Hội mới là cộng đồng của các cộng đồng, mới thực là Giáo Hội tham gia và chức năng tư tế vương giả của các tín hữu mới được hành sử thực sự.
[1] Về quyền vương giả của giáo dân, xin xem Y. Congar, Jalons pour une théologie du lạcat, Paris: Cerf 19542 chương V, tt. 314-366.
[2] Léon-Joseph Card. Suenens, Corresponsibility in the Church, Herder & Herder 1968.
[3] Tổng công hội Dòng Tên 34, Sắc lệnh 11, số 8.
[4] Xin xem phần II, C, 6, bản văn trong mạng http://library.saint-mike.org/Synod_Bishops/ Final_Report1985.html.
[5] Gutiérrez García, José Luis, Introducción a la doctrina social de la Iglesia, ed. Ariel, Barcelona 2001, 520 trang.
[6] Follesdal, Andreas, Subsidiarity, Journal of Political Philosophy, 6 (1998) 231-259; Gregory R. Beabout, The Principle of Subsidiarity and Freedom in the Family, Church, Market and Government, Markets and Morality, Oct 1998.
[7] De regno, I, ch. XV.
[8] We must evolve participative Church structures in order to use the personal talents and skills of lay women and men (FABC 7, I. A.6, năm 2000). We cannot effectively promote our Christian vision of full life unless the Church as a communion of communities will credibly expend its moral and spiritual energies to the conversion of mentalities, the transformation of structures (FABC 6, năm 1995, số 15.2). That the Church, consistent with its social doctrine, investigate and remove from within its own structures and practices whatever obstructs human rights and justice (FABC 5, năm 1990, số 7.3.2.1). The principles of communion, collegiality, and coresponsibility stressed by Vatican II demand that we re-examine our ecclesial structures with respect to their purpose and thrust and reorganize them to yield optimum benefit. The renewal of inner ecclesial structures does not consist only in strengthening and multiplying the existing parochial and diocesan organizations, nor in creating new ones. It consists in creating the right atmosphere of communion, collegiality and coresponsibility for an active and fuller lay initiation, participation and action. (FABC 4, năm 1986, 4.5.2).
[9] Xin xem Yves Congar, Quod omnes tangit ab omnibus tractari et approbari debet, Revue Historique de Droit Fran硩s et Étranger, 36 (1958) 210-259.
[10] Christifideles laici, 33; xin xem Giáo luật, điều 537.
[11] Xin xem Dr. Zeni Fox, Laity in Leadership Roles in the Church in the United States Today: A Theological and Pastoral Overview, Washington: FADICA 2000.
[12] Xin xem http://www.laypastorsociety.org.
[13] FABC 4, số 4.6.2.
[14] Xin xem G. Chantraine, Les lạcs, chrétiens dans le monde, Paris: Fayard 1987.
[15] Về chủ đề này, xin xem Clark, Stephen B., Building Christian Communities: Strategy for Renewing the Church. Ave Maria Press, Notre Dame, Indiana, 1972; Thomas A. Kleissler, Mary C. McGuinness, Margo A. Lebert, Small Christian Communities: A Vision of Hope for the 21st Century, Paulist Press 1997.
[16] Trong tiếng Anh: NCs (neighborhood communities), BCCs (Basic Christian communities), BECs (Basic ecclesial communities), SCCs (Small Christian communities)…