Chủ đích bài viết này là tìm hiểu về mối quan hệ giữa việc phát triển nhân bản và sứ mạng phúc âm hóa của Giáo Hội hiểu theo thần học Châu Á trong những thời gần đây. Có một cách để tiến hành việc tìm hiểu này là điểm duyệt và lượng định những biểu quyết và tuyên bố của Liên Hiệp các Hội Ðồng Giám Mục Châu Á (FABC) cũng như của các ủy ban và cơ quan trực thuộc.[2]
Liên Hiệp các Hội Ðồng Giám Mục Châu Á đã được thành lập tiếp theo sau cuộc họp các giám mục Châu Á tại Manila, Philippines, năm 1970.[3] Ảnh hưởng Liên Hiệp có đối với các Giáo Hội tại Châu Á, đã được đánh giá là tích cực.[4]
Chỉ đến nay, FABC đã họp khoáng đại được sáu khóa, và sau mỗi khóa đều có đưa ra những nghị quyết tổng kết.[5] Ngoài các kỳ họp khoáng đại, FABC còn có những cơ quan trực thuộc lo việc xuất bản nghị quyết của các kỳ họp,[6] cũng như của các cuộc hội thảo bất thường, các hội nghị và các cuộc tham vấn.[7] Trong các năm từ 1974 cho đến 1986, Ủy ban đặc trách về Hoạt động Xã hội (BISA) đã nhóm họp bảy lần, và sau mỗi kỳ họp, đều có đưa ra những nghị quyết.
Dù bài viết này chỉ tập trung chú ý vào sáu kỳ họp khoáng đại của FABC và bảy kỳ họp của ủy ban BISA, thì cũng xin được lưu ý về điểm trọng yếu này: đối với các giám mục Châu Á, việc tách hoạt động xã hội nhằm vào nỗ lực phát triển nhân bản, ra khỏi hai hoạt động khác trong các Giáo Hội Châu Á – tức công cuộc đối thoại liên tôn và công tác hội nhập văn hóa[8] – là một sai lầm trầm trọng về mặt thần học. Quả thế, các văn kiện về công cuộc đối thoại liên tôn và công tác hội nhập văn hóa thường đề cập dài rộng đến vai trò của Giáo Hội trong nỗ lực thăng tiến việc phát triển nhân bản. Vì vậy, cần phải lưu tâm cho đủ đến cả hai lãnh vực hoạt động ấy trong tác vụ của Giáo Hội.
Ngoài ra, xét vì các nghị quyết tập thể và chính thức thường được hình thành từ việc dung hòa các lập trường không hẳn đồng nhất để đạt tới một quan điểm chung, bài viết sẽ xin dựa trên tác phẩm của các thần học gia hiện đại, đặc biệt là thần học gia Châu Á, để nêu rõ một số điểm dị đồng đọc thấy trong các văn kiện trưng dẫn.
PHÁT TRIỂN NHÂN BẢN VÀ PHÚC ÂM HÓA
Sự việc kỳ họp khoáng đại đầu tiên của FABC, tổ chức tại Ðài bắc, Ðài loan, năm 1976, đã chọn đề tài “Công cuộc phúc âm hóa tại Châu Á ngày nay” làm chủ đề, mang một tầm ý nghĩa rất lớn. Ðiều đó khẳng định rằng “việc rao giảng Ðức Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngài cho các dân tộc chúng ta tại Châu Á ngày nay đã trở thành một nhiệm vụ cấp bách, thiết yếu và quy mô đến một mức độ chưa từng thấy trong lịch sử đức tin kitô tại phần đất này của thế giới.”[9]
Tuy nhiên, theo nhận định của FABC, trong “thời đại mới của truyền giáo,” công tác phúc âm hóa không còn được hiểu như là đà “chuyển động một chiều đi từ ‘các Giáo Hội cố cựu’ đến với ‘các Giáo Hội non trẻ,’ từ các Giáo Hội trong thế giới kitô giáo ngày trước đến với các Giáo Hội trong các vùng đất thuộc địa.”[10] Ðúng hơn: “mỗi Giáo Hội địa phương [đều tự bản chất] là và không thể không phải là truyền giáo. Mỗi Giáo Hội địa phương đều được Ðức Kitô và Chúa Cha “gửi đi” để mang Tin Mừng đến cho môi trường chung quanh, cũng như vào trong toàn bộ thế giới. Ðó là nhiệm vụ đầu tiên của mỗi Giáo Hội địa phương.”[11] Hơn nữa, công tác phúc âm hóa không thể được quan niệm đơn thuần như là một cuộc công bố Tin Mừng độc hướng cho một nền văn hóa nào đó, một loại độc thoại trong đó, chỉ một mình Giáo Hội nói, còn dân chúng thì chỉ biết nghe. Khác vậy: theo FABC, “đối thoại” phải là “cung cách chủ yếu” theo đó công cuộc phúc âm hóa tiến hành tại Châu Á ngày nay; hay nói cho rõ hơn, cần phải tiến hành công tác phúc âm hóa bằng đối thoại “qua một nỗ lực hội nhập văn hóa cương quyết hơn, có sức sáng tạo phong phú hơn, và cả óc nhận định chính thực cùng tinh thần trách nhiệm cao độ hơn; qua một cuộc đối thoại liên tôn tiến hành với tất cả thái độ nghiêm chỉnh; qua tình liên đới và hành động chia sẻ với người nghèo, cũng như qua hoạt động bênh vực cho nhân quyền…”[12]
Tiêu đích nhắm tới qua thể cách đối thoại thứ ba – tức đối thoại với người dân, đặc biệt là người nghèo – là “việc phát triển nhân bản toàn vẹn” hoặc “việc phát triển nhân bản toàn diện.”[13] Nghị quyết của BISA III (= trong kỳ họp III của Ủy ban BISA) nhận định rằng: “Chúng ta cần phấn đấu để xây dựng một xã hội mới trong đó, mọi người có được cơ may đạt đến mức phát triển toàn vẹn về mặt nhân bản. Hoạt động của chúng ta phải nhằm tới việc phát triển con người toàn diện và cho mọi người. Tính chất toàn diện ấy của con người bao gồm không những mức thành toàn sung mãn cá nhân, mà cả mức tăng trưởng và triển nở của toàn bộ thực tại trên mặt đất nữa.”[14]
Và như thế, rõ ràng là đối với FABC, việc phát triển nhân bản (1) là một chiều kích chủ yếu trong sứ mệnh phúc âm hóa của Giáo Hội, và (2) cần phải nhắm tới con người toàn vẹn.
PHÁT TRIỂN NHÂN BẢN: CHIỀU KÍCH CẤU THÀNH CỦA CÔNG TÁC PHÚC ÂM HÓA
FABC nhấn mạnh nhiều lần đến điểm này: việc phát triển và đà tiến bộ nhân bản với hết mọi khía cạnh của nó – chính trị, xã hội, kinh tế, kỹ thuật và văn hóa – là một chiều kích nội tại, một chiều kích cấu thành trong sứ mạng phúc âm hóa của Giáo Hội. Các giám mục Châu Á cũng thường nhắc đến văn kiện Công lý trong thế giới (Justice in the World) của khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới, năm 1971, ghi rằng “là điều hiển nhiên đối với chúng tôi: hoạt động cho công lý và hợp tác vào nỗ lực biến đổi thế giới là một chiều kích cấu thành trong công tác rao giảng Tin Mừng, tức trong sứ mệnh của Giáo Hội đối với công trình cứu độ nhân loại và giải phóng con người khỏi mọi tình huống áp bức.”[15] Theo BISA V, “phát triển nhân bản là khái niệm sâu đậm, diễn đạt được một cách sắc bén cho thời đại này, điều luật đơn giản mà cơ bản của Phúc Âm, dạy chúng ta phải biết yêu thương nhau.”[16]
Nếu quan hệ giữa công tác phúc âm hóa và hoạt động nhằm phát triển nhân bản không phải là chuyện ngẫu nhiên, mà trái lại, là một quan hệ chủ yếu, thì – theo nhận định FABC thường xuyên nêu lên – xét vì hiện trạng nghèo đói của đông đảo quần chúng và tình cảnh áp bức tràn làn trong khắp các miền xứ Châu Á, mối kết liên ấy lại càng có tính cách quyết định và bách thiết hơn đối với các Giáo Hội Châu Á. Trong lần họp khoáng đại lần đầu tiên, FABC đã tuyên bố: “Chúng tôi xác tín rằng từ trong cảnh bần cùng dân nghèo chúng ta đang sống, cũng như từ tiềm năng nhân bản cừ khôi của họ, và từ niềm khát vọng đang sôi động trong lòng họ, mong thấy được một thế giới tràn đầy tình người và tình huynh đệ, Ðức Kitô hiện đang cất tiếng kêu gọi các Giáo Hội Châu Á.”[17] Rồi nhận định tiếp: “Nếu hàng triệu triệu người dân Châu Á hiện đang sống trong cảnh nghèo đói, thế tất Giáo Hội tại Châu Á phải là Giáo Hội của người nghèo. Và như thế, thực thi công bằng là một yếu tố của thánh thiện. Công tác phúc âm hóa và nỗ lực phát triển là hai việc làm không đối nghịch nhau. Tại Châu Á ngày nay, các hoạt động ấy là phần bộ không thể thiếu của công tác rao giảng Tin Mừng.”[18]
PHÁT TRIỂN TOÀN VẸN, TOÀN DIỆN
Một ý tưởng khác thường được FABC khai triển: việc phát triển nhân bản Giáo Hội dốc lực cổ vũ, là một nỗ lực phát triển toàn vẹn hoặc toàn diện. Ðó là điều đã được mạnh mẽ nói lên trong cuộc họp mặt lịch sử tại Manila, của 180 giám mục Châu Á hồi năm 1970, vào dịp Ðức Phaolô VI viếng thăm Philippines. Sứ điệp của các ngài – được FABC coi như một ‘tuyên ngôn’ thần học và dùng đến trong các kỳ họp khoáng đại sau này – tuyên bố rằng: “Chúng tôi nhất quyết dấn thân chăm lo cho việc phát triển toàn vẹn của các dân tộc chúng ta. Chúng tôi tin rằng nhân tính con người là món quà, là công trình của Thiên Chúa, và nỗ lực thăng tiến nhân tính ấy là trách vụ, là bổn phận Thiên Chúa trao phó cho tất cả chúng.”[19] Kỳ họp khoáng đại lần VI đã miêu trình việc phát triển toàn diện ấy theo cách hiểu về một “sự sống toàn tiến” (“holistic life”): “Chúng tôi hiểu theo nhãn quan của sự sống toàn tiến, sự sống đã được hoàn thành và được giao phó cho mỗi người cũng như cho mỗi cộng đồng loài người, bất phân giới tính, tín ngưỡng hay văn hóa, đẳng cấp xã hội hay màu da. Ðó là thành quả của việc phát triển toàn diện, việc phát triển đích thực của toàn bộ con người và của mỗi người.”[20]
Tính chất toàn vẹn hoặc toàn diện của việc phát triển nhân bản được hiểu theo bốn nghĩa. Thứ nhất, phát triển nhân bản phải ôm trọn hết mọi chiều kích của con người là một tổng thể gồm xác, hồn và trí. FABC đã minh nhiên bác bỏ chủ trương thu hẹp, coi việc phát triển nhân bản chỉ như là đà tiến bộ kinh tế và kỹ thuật, không hơn không kém. Như sẽ thấy trong phần sau bài viết, chính chủ trương thu hẹp ấy, theo nhận định của FABC, đang gây đổ vỡ cho các dân tộc Châu Á. Riêng đối với tiến trình hiện đại hóa: dù công khai nhìn nhận những lợi ích tiến trình này mang lại cho tương lai Châu Á, FABC cũng thấy rằng tiến trình hiện đại hóa thường dẫn đến tình trạng trục trặc về mặt văn hóa, xã hội. Các giá trị và lề lối truyền thống đều bị đặt lại vấn đề. Các biểu tượng cổ truyền chẳng còn nói lên được ý nghĩa gì. Những người thụ hưởng lợi ích của tiến trình hiện đại hóa lại là những người, rất thường khi, thâm nhiễm trào lưu tục hóa, chủ nghĩa duy vật và tiêu thụ. Trong một số miền xứ, đã xuất hiện một giới trung lưu mới, sống theo một đà tiêu thụ, một trào lưu cạnh tranh cao độ, và cách chung, tỏ ra chai đá, thờ ơ trước cảnh đại đa số dân chúng sống nghèo nàn và bị hất hủy ra bên lề xã hội.”[21]
Thứ hai, phát triển nhân bản có nghĩa là hết mọi khả năng và phương thế, chứ không chỉ tài năng kỹ thuật và vật chất mà thôi, phải được dồn vào công tác. Cách riêng, FABC đã nêu bật việc cầu nguyện, coi đó là phương cách hữu hiệu giúp hoàn thành công tác “phát triển nhân bản toàn diện”: “Cầu nguyện theo cung cách thực hành kitô giáo là cần thiết cho nỗ lực giải phóng con người và phát triển nhân bản đích thực, cũng như để đưa con người đạt được tới tầm cỡ sung mãn trong địa vị làm con Thiên Chúa.”[22]
Thứ ba, để được toàn vẹn và toàn diện trong nỗ lực đẩy mạnh công tác phát triển nhân bản, những cố gắng của Giáo Hội phải đồng hành sát cánh với hai yếu tố cấu thành khác của sứ mệnh Giáo Hội, đó là công tác hội nhập văn hóa và công cuộc đối thoại liên tôn. Quả thế, một trong những nét đặc thù và sâu sắc thấy được trong thần học của FABC về việc phát triển nhân bản là ở chỗ công tác phát triển này không phải chỉ được quan niệm như là một hoạt động tiến hành bên cạnh và song song với cuộc đối thoại liên tôn và với nỗ lực hội nhập văn hóa, nhưng là được bện chặt với hai công tác này, bởi tại Châu Á, các hoạt động này có thành tựu thì mới đạt đến được mức phát triển sung mãn xứng với con người. FABC thường xuyên nối kết ba tác vụ này lại với nhau: “Sau đây là những nhân yếu tố chủ chốt trong nhiệm vụ truyền rao Tin Mừng tại Châu Á ngày nay:
– Hội nhập văn hóa là yếu tố giúp cho Giáo Hội địa phương hiện diện thực sự ở giữa cuộc sống dân chúng.
– Ðối thoại với các tôn giáo lớn tại Châu Á nhằm tới việc giúp họ làm quen với Phúc Âm, mong rằng Lời hằng tiềm ẩn ở trong họ gặp được cơ may trổ sinh hoa trái.
– Phục vụ người nghèo để cùng nắm tay với họ trong cuộc đấu tranh cho một thế giới có được tình người thắm đượm hơn.”[23]
Thứ tư, để đạt được đến mức toàn vẹn và toàn diện, thì cuộc phát triển nhân bản phải tiến xa ra ngoài ranh giới gia đình nhân loại và trải rộng cho tới chân trời vũ trụ. BISA VII đã nêu bật lý chứng môi sinh trong cách FABC hiểu về tác vụ phát triển nhân bản: “Cần phải cấp bách gầy dựng một thể dạng linh đạo mới có sức ngập tràn công cuộc phúc âm hóa và ôm trọn kế hoạch của Thiên Chúa đối với toàn bộ công trình tạo dựng. Ðơn thuần cá nhân không thôi thì chưa đủ, việc cứu độ phải nhằm tới toàn bộ con người, hết thảy mọi người và cả vũ trụ nữa. Không được bo bo hướng nội, linh đạo ấy phải đưa Giáo Hội tiến đến chỗ mở rộng lòng ra phục vụ cho toàn thể nhân loại.”[24]
Tóm lại, đối với FABC, tác vụ phát triển nhân bản không chỉ đơn thuần là một đòi hỏi luân lý đạo đức, nhưng còn là một yêu cầu bách thiết và là một chiều kích cấu thành của sứ mệnh phúc âm hóa đã được giao phó cho Giáo Hội. Hơn nữa, tác vụ ấy phải nhằm tới mức thành tựu trọn vẹn và toàn diện của con người gồm xác, hồn và tâm trí, cũng như của cộng đồng nhân loại và của toàn bộ vũ trụ. Tác vụ ấy phải tận dụng tất cả những phương tiện và năng lực sẵn có, cũng như phải được tiến hành song song với các công tác hội nhập văn hóa và đối thoại liên tôn.
PHƯƠNG CÁCH HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI TRONG NỖ LỰC PHÁT TRIỂN NHÂN BẢN
FABC ý thức sâu xa rằng dù việc phát triển nhân bản là một phần cấu thành trong tác vụ rao truyền Phúc Âm, thì Tin Mừng cũng không đưa ra những giải đáp sẵn có cho các vấn đề xã hội, chính trị, kinh tế và văn hóa gặp thấy tại Châu Á ngày nay: “Nhu cầu thấy rõ là cần phải phân tích cho đúng với cách thức phê bình và đường lối kỹ thuật thích đáng, những vấn đề chúng ta đang đối diện với. Không thể hành động theo lối nhảy từ kinh nghiệm đức tin để đi tới chỗ đưa ra những quyết định cụ thể cho hoạt động xã hội mà trước đó không lo tìm hiểu cho chính xác về mặt kỹ thuật, cũng như nhận thức rõ ràng về các ý thức hệ đang ảnh hưởng sâu rộng đến môi trường sống của chúng ta.”[25]
Ðể giúp những người dấn thân trong các chương trình phát triển nhân bản đặt đúng kế hoạch cũng như sử dụng hữu hiệu các phương thức hành động, BISA VII đã đề xuất những đường nét chính yếu cho một hệ phương pháp gọi là “chu kỳ mục vụ” gồm bốn giai đoạn. Giai đoạn một (exposure-immersion): trình bày cho những người hoạt động trong công tác phát triển nhân bản về và đưa họ dìm sâu vào trong trạng huống cụ thể của những người nghèo mà họ làm việc với: “Trình bày có thể được coi như là cuộc chẩn bệnh của bác sĩ; còn dìm sâu thì giống như là cuộc thăm viếng của một người bạn chí tình đến để trao đổi tâm sự cùng kinh nghiệm thâm sâu về đời sống. Trình bày-dìm sâu… quả là dõi theo con đường (nguyên tắc) cơ bản của Nhập Thể…”[26]
Giai đoạn hai: phân tích tình trạng xã hội. Những đối tượng cần tìm hiểu bao gồm các hệ thống xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa và tôn giáo trong môi trường xã hội, cũng như những dấu chỉ thời đại, những biến cố lịch sử cùng những nhu cầu và khát vọng của dân chúng. Quả thế, Hội nghị quốc tế về Truyền giáo nêu rõ rằng không có một cuộc phân tích kỹ thuật như thế, thì “thái độ ngây ngô của số rất đông kitô hữu trước những nguyên nhân – phát xuất từ cơ cấu – của nghèo đói và bất công, thường đưa họ đến chỗ chọn lấy những biện pháp không đủ sức mang lại hiệu quả mong muốn cho hoạt động nhằm thăng tiến công bằng và nhân quyền mà họ theo đuổi.”[27] Trong việc phân tích môi trường xã hội, FABC không nói rõ phải theo một phương pháp nhất định nào. Tuy nhiên, Liên Hiệp cũng cảnh cáo về nguy cơ có thể “bị lừa gạt hoặc là bởi ý thức hệ hoặc là bởi tư lợi” cũng như có thể rơi vào tình trạng thiếu sót, tức không thu thập và phân tích cho đầy đủ tất cả các nhân tố cần thiết.[28]
Ðiều đó dẫn bước qua giai đoạn ba, là giai đoạn “đưa cuộc phân tích xã hội hội nhập vào thực tại cuộc sống tôn giáo và văn hóa, không phải chỉ để nhận ra những khía cạnh tiêu cực, nô lệ hóa không thôi, mà còn để phát hiện những chiều kích hay đẹp, có tính cách ngôn sứ, đầy sức năng gợi hứng cho một nền linh đạo chính thực.”[29] Giai đoạn này đòi hỏi phải có chiêm niệm để nhận cho ra Thiên Chúa hiện diện sống động giữa lòng xã hội, và lòng thương đặc đãi Người dành cho những người nghèo hèn. Chiều kích chiêm niệm ấy của tác vụ phát triển nhân bản sẽ đưa những tác viên hoạt động cho công cuộc phát triển xã hội đi vào trong một cuộc đối thoại đượm nhuần thiện cảm và kính trọng, với các tôn giáo lớn tại Châu Á, cũng như với lòng đạo đức bình dân của các người nghèo. Qua cuộc đối thoại song đôi này, các giá trị chính thực của Tin Mừng – như là “lối sống đơn giản, thái độ cởi mở chân thực và quảng đại chia sẻ, ý thức về đời sống cộng đồng và lòng trung tín trong đời sống gia đình”[30] – sẽ được nhận ra và sẽ được quý trọng cao độ.
Giai đoạn bốn: thiết định chương trình mục vuï, cố làm sao để đưa ba giai đoạn nói trên đạt được tới mức hoàn thành, bằng cách đề ra những kế hoạch cụ thể và thực tiễn, những phương sách và đường lối hành động thích đấng nhằm phục vụ cho công tác phát triển nhân bản toàn diện. Một khi đã được vun trồng và bén rễ vào trong môi trường hoạt động, các kế hoạch, phương sách và đường lối trên đây còn phải được thường xuyên lượng định và đánh giá theo tình trạng đổi mới của ba giai đoạn đầu trong chu kỳ mục vụ.[31]
PHÁT TRIỂN NHÂN BẢN TẠI CHÂU Á: THÁCH ĐỐ VÀ GIẢI ĐÁP
Căn cứ theo chu kỳ mục vụ ấy, FABC đã đề xuất những sáng kiến nào cho việc phát triển nhân bản và cho đà tiến bộ tại Châu Á hiện nay? Nói cách khác, để đáp ứng đúng mức bốn giai đoạn trong chu kỳ mục vụ, thì: (1) FABC đã hiểu như thế nào về “trình bày và dìm sâu” trong thế giới Châu Á, một công tác được coi là thành phần cấu tác trong sứ vụ phúc âm hóa? (2) FABC đã nhận ra được những vấn đề và những thách đố nào các dân tộc Châu Á và Giáo Hội hiện đang phải đối phó với? (3) FABC sẽ vận dụng những tiềm năng văn hóa và tôn giáo nào để tìm ra cách giải đáp cho những vấn đề và thách đố kia? (4) Và cuối cùng, FABC sẽ đề nghị những kế hoạch, phương sách và đường lối hành động nào cho tác vụ của Giáo Hội? Dĩ nhiên là, bởi tính chất phức tạp và bao quát của chúng, không thể nào trả lời cho hoàn toàn đầy đủ được, các câu hỏi kia. Bài viết chỉ xin ghi lại đây những yếu tố quan trọng nhất rút ra từ các văn kiện của FABC, để trả lời cho các câu hỏi đặt ra trên đây, với ý thức rõ về thứ tự thời gian của các văn kiện, tức là về sự việc trọng tâm các văn kiện đã di dịch tùy đòi hỏi của những biến cố và vấn đề xảy ra theo thời gian, suốt trong một phần tư thế kỷ kể từ khi thành lập FABC.
GIÁO HỘI CHÂU Á VỚI LẬP TRƯỜNG ÐẶC ĐÃI ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHÈO
Khiêm hạ và can đảm, các giám mục Châu Á đã quyết chọn lập trường đặc đãi đối với người nghèo làm hướng đi cơ bản cho Giáo Hội Châu Á. Ngay từ trong cuộc họp lịch sử tại Manila hồi năm 1970, các vị đã tuyên bố: “Quyết định của chúng tôi là tiên vàn, phải trở thành một cách trung thực hơn, ‘Giáo Hội của người nghèo.’ Muốn đứng về phía đại đa số người dân [nghèo] trong lục địa chúng ta, thì qua lối sống cụ thể của chúng ta, một cách nào đó, chúng ta phải chia sẻ cảnh nghèo của họ. Giáo Hội không thể dựng lên những hòn đảo phú quý, sung túc ngay giữa một đại dương túng quẫn, khốn cùng; đời sống của cá nhân chúng ta phải làm chứng cho tinh thần thanh đạm của Phúc Âm, và không một người nào dù có thấp kém, nghèo hèn đến mấy cũng không cảm thấy khó để mà đến với chúng ta, để mà nhận thấy chúng ta thực là những người anh em của họ.”[32] Là “Giáo Hội của người nghèo,” Giáo Hội Châu Á đã trở thành cantus firmus (khúc ca hùng tráng) của tất cả các văn kiện do FABC và các cơ quan trực thuộc đề ra. Theo FABC, việc quyết chọn đứng về phía người nghèo không những là điều do chính Ðức Giêsu và sứ điệp của Ngài chỉ thị, mà còn là một đòi hỏi thúc bách của cảnh huống Châu Á, trong đó, những đám quần chúng không kể xiết đang quằn quại dưới ách nghiền nát của cảnh cùng khổ.
Thế mà, như Ðại hội quốc tế Truyền giáo nhóm họp năm 1979 đã thẳng thắn bày tỏ, ngay giữa cảnh cùng khổ và áp bức giết mất nhân phẩm ấy, vẫn còn có một sự cách biệt giữa những lời Giáo Hội Châu Á tuyên giảng và cuộc sống làm chứng của Giáo Hội Châu Á: “Giáo Hội tại Châu Á không được lớp lớp quần chúng người nghèo coi là đã tận lực quan tâm đến quyền lợi chính đáng và nhân phẩm của họ, là đã dấn thân một cách vô vị lợi nhằm giải phóng họ, bằng một cuộc giải phóng toàn diện, khỏi cảnh bất công và áp bức giữa xã hội.”[33]
Trước tình cảnh đau thương vẫn tiếp diễn, không đổi thay, trong kỳ họp khoáng đại lần cuối cùng vào năm 1995, FABC đã cảm thấy cần phải lên tiếng đẩy mạnh hơn nữa: “Như Ðức Giêsu, chúng ta phải ‘đóng trại’ ở ngay giữa nỗ lực của toàn thể nhân loại, nỗ lực xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, nhưng đặc biệt là ở ngay giữa những người đau khổ và nghèo nàn, những người bị loại ra bên lề xã hội và bị chà đạp của Châu Á. Trong thâm tình ‘liên đới với nhân loại khổ đau’ và được dẫn bước theo Thần Khí sự sống, chúng tôi thấy cần phải dìm mình vào trong các nền văn hóa của nghèo khổ và bần cùng tại Châu Á, bởi từ đáy sâu của chúng vang lên thảm thiết nhất, thúc bách nhất, tiếng của những khát vọng mong cho có được tình yêu thương và sự sống. Phục vụ sự sống đòi hỏi phải biết sống thông hiệp với tất cả những ai, nữ cũng như nam, đang tìm kiếm và đấu tranh cho sự sống, theo mẫu gương tình liên đới của Ðức Giêsu với nhân loại.”[34]
BỘ MẶT ĐỔI THAY VÀ THÁCH ĐỐ CỦA CHÂU Á
FABC ý thức rõ rằng Châu Á là một lục địa hết sức bát ngát với không biết bao nhiêu là sắc thái đặc thù, nơi sinh sống của hai phần ba dân số thế giới, và vì thế, không thể nào phác họa được một bối cảnh chung về tình trạng xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa và tôn giáo của toàn Châu Á. Tuy nhiên, nếu muốn ước lượng tầm cỡ của công tác phát triển nhân bản tại các nước Châu Á, thì điều thiết yếu phải làm là dựa theo phương pháp phân tích xã hội Liên Hiệp đã áp dụng, để tìm xem thái độ của FABC là như thế nào trước những thách độ mà Châu Á và Giáo Hội hiện đang phải đối diện với. Khuôn khổ bài viết không cho phép bàn dài hơn, nên chỉ xin ghi lại đây các thách đố đã được FABC và các tổ chức trực thuộc lược kê qua các văn kiện.
Năm 1983, BISA IV cố thử tìm xem đã có “những trở ngại và thách đố cũ, mới nào việc phát triển nhân bản tại Châu Á gặp phải trong thập niên 80” hay không, và đã nhận định như sau: “Có những thách đố mới đã từng làm cho những thách đố sẵn có đối với việc phát triển nhân bản thêm trầm trọng, đó là tình trạng quân sự hóa ngày càng gia tăng trong lục địa, đà nhiệt tâm bừng lớn dậy nơi các tôn giáo cổ truyền như Hồi giáo, Phật giáo và Ấn độ giáo, cũng như sự việc Châu Á ngày càng lệ thuộc vào các nền kinh tế tầm cỡ toàn cầu… nền thương mại và các điều kiện giúp đỡ bất công, công nghiệp phục vụ xuất khẩu và kỹ thuật đại cường tư bản, công ty kinh doanh đa quốc gia, kinh doanh nông nghiệp và tổ chức du lịch siêu quốc gia… Các trung tâm toàn cầu của thế lực kinh tế đang lèo lái những phương tiện truyền thông đại chúng trong các nước Châu Á để tạo nhu cầu đối với những xa xỉ phẩm hầu nâng cao sản xuất nhằm trục lợi. Ðó là những gì dẫn tới lối sống tiêu thụ độc hại bởi ngấm ngầm mà tinh vi, đục khoét những giá trị tôn giáo sâu sắc của các nền văn hóa Châu Á, và xói mòn nền móng luân lý đạo đức của các dân tộc Châu Á”[35]
Ba năm sau, tức là năm 1986, kỳ họp khoáng đại lần IV của FABC đã lược kê những vấn đề ảnh hưởng đến giới công nhân như sau: “… Hơn nữa, chúng tôi nhận rằng những ước mơ, những nỗ lực nhằm tiến tới cuộc giải phóng toàn diện, hiện đang tan biến mất đi do những trở lực phức tạp, hỗ tương tăng cường cho nhau và thường vượt hẳn ra ngoài tầm lượng định của giới công nhân; những trở lực đó là: ưu thế thống trị của các công ty kinh doanh siêu quốc gia cũng như các công ty địa phương khổng lồ ở trong các ngành công nghiệp cổ truyền và sự việc các ngành công nghiệp này đang lấn chiếm các lãnh vực kinh doanh nông nghiệp, tìm cách trục lợi qua việc trả đồng lương rẻ mạt hoặc chiếm hữu đất đai của những tiểu điền chủ; việc cấm chỉ các cuộc đình công và các công đoàn, với hậu quả là tình trạng đàn áp những phản kháng chính đáng; hiện tượng các nhà nông hay nông công nhân rời bỏ nông thôn dời vào chui rúc nơi các khu ổ chuột đã quá đông dân cư trong các thành phố, biến các nơi này thành thị trường bán buôn nhân công rẻ; tình trạng thiếu vắng những tổ chức hoạt động trợ giúp cho đại đa số các công nhân thị thành, cho các tiểu điền chủ và cho dân quê không có ruộng đất; những giờ làm việc bất tận, tình trạng bị quấy rầy, việc làm bấp bênh và những bất trắc không thể ngờ; tình trạng sức khỏe sa sút, thất nghiệp và buộc phải chịu nhận đồng lương thấp. Rõ ràng là những cấu trúc kinh tế, nông nghiệp và chính trị đã biến công nhân cả trong thành thị lẫn ngoài nông thôn trở thành răng cưa của một bộ máy sản xuất vô danh; công việc của họ trở thành một thứ hàng hóa không nhất thiết là cần và hoàn toàn lệ thuộc vào luật cung cầu bấp bênh.”[36]
Ðặc biệt, kỳ họp khoáng đại lần IV của FABC đã nêu bật cảnh ngộ khốn khổ của nữ giới Châu Á: “Phương tiện truyền thông quốc tế đã cho thấy rõ đến mức độ nào các dịch vụ du lịch và giải trí đã bóc lột, đã làm mất phẩm giá và cả nhân tính của phụ nữ Châu Á… Vô số những bất công tiếp tục chồng chất trên họ, do thái độ kỳ thị các cộng đồng xã hội cổ truyền có đối với họ, cũng như do những hoàn cảnh kinh tế và công nghiệp trong cuộc sống ngày nay. Món của hồi môn, hôn nhân ép buộc, tình trạng đánh vợ, phá nữ thai nhi đè nặng trên họ, xô đẩy nhiều phụ nữ đến chỗ tuyệt vọng, tự kết liễu cuộc đời. Công nghiệp hiện đại bóc lột sức lao động của họ… Chống lại họ còn có tình trạng phân biệt giới tính trong cách thức thuê mướn người làm, và còn bị hành hạ, lạm dụng trong các công việc nội trợ. Nói chung, xã hội Châu Á coi phụ nữ là người cấp dưới.”[37]
Cuối cùng, hồi năm 1995, trong lần họp khoáng đại kỳ VI, FABC cũng đã lược kê những chướng ngại trầm trọng đang đe dọa công cuộc phát triển nhân bản: “Chúng tôi đã được báo nguy về sự việc các thế lực thị trường hiện thống trị nền kinh tế toàn cầu, đang gây hại như thế nào đến nhu cầu thiết thực của các dân tộc. Chúng tôi quan tâm đến tình cảnh bấp bênh và mong manh của những người di trú, di cư, của những sắc dân bị chuyển di tới những vùng xa lạ; đến nỗi khổ đau quằn quại của những công nhân bị bóc lột, đặc biệt là của các trẻ em lao động trong các miền xứ của chúng ta… Chúng tôi thấy rõ ngay trước mắt tình trạng ngày càng trầm trọng của bạo động, khủng bố, xung đột, và cảnh lực lượng hạt nhân tự do lan tràn, được tăng cường bởi cuộc chạy đua vũ trang cọng với thói háo trục lợi… Trong lãnh vực tôn giáo, giữa bối cảnh đa dạng tín ngưỡng, chúng tôi đã suy nghĩ về hiện tượng đang lan rộng của quan niệm cực đoan duy văn tự và thái độ cuồng tín kỳ thị chủ trương loại trừ những tín đồ thuộc các truyền thống tôn giáo khác… Khi nghĩ về các hiện tượng tiêu cực ấy, chúng tôi cũng không thể làm ngơ trước những thiệt hại to lớn gây ra cho hệ thống sinh thái của hành tinh chúng ta; đó là một điều xúc phạm lớn đến công bằng và quyền của các dân tộc.”[38]
Dù không phải là hoàn toàn đầy đủ, thì các danh sách lược kê trên đây về những thách đố công tác phát triển nhân bản tại Châu Á gặp phải, cũng xem như bất tận và vượt quá sức người. Ðáng lưu ý là khi phân tích về những thách đố kia, các giám mục Châu Á đã cố tìm cho ra nguyên nhân cơ cấu của chúng: “Chúng tôi, các giám mục và các chuyên viên, đã nhận ra các nguyên nhân gây nên tình trạng khốn khổ đau buồn ấy. Hẳn là vì chính sách thuộc địa, chế độ phong kiến, và việc du nhập chủ nghĩa tư bản cố hữu của Tây phương, mà cơ cấu cổ truyền với những phương thuật kiến tạo quân bình nội tại của xã hội Châu Á đã bị đổ vỡ. Ngày nay, thường thì các nền kinh tế trong những dân nước này được tổ chức không phải là để thỏa mãn nhu cầu của người dân trong nước, nhưng chủ yếu là để ứng đáp những đòi hỏi của thị trường nước ngoài, và ngay tại trong nước, thì cũng không phải là để đem lại những nhu yếu cơ bản (như thực phẩm, nhà cửa, giáo dục, công ăn việc làm), nhưng là để cung phụng một thứ xã hội tiêu thụ. Những kẻ trục lợi hàng đầu trong hệ thống này là những thị trường và người đầu tư nước ngoài, cũng như giới được ưu đãi tại địa phương. Và dĩ nhiên, nạn nhân vẫn là những người nghèo, tức là đại đa số người dân trong nước.”[39]
Như đã trình bày trên đây, các giám mục Châu Á tỏ ra rất lưỡng lự khi bàn đến tính chất hiện đại và tiến trình hiện đại hóa tại Châu Á. Cách riêng, các vị cực lực phê bình hệ thống kinh tế kết liền với việc hiện đại hóa, tức là với chủ nghĩa tư bản hay với lối kinh doanh tự do. Dù có nhận là hệ thống tư bản “đã chứng tỏ cho thấy tài tổ chức để lao động mang lại được hiệu suất cao, và tạo cho óc sáng tạo kỹ thuật hiện đại có cơ hội rộng đường phát triển,” cũng như “đã mang lại tự do rất đáng kể cho các giới thầu khoán và quản lý,” thì các giám mục cũng lưu ý rằng “hệ thống tư bản cũng đã hạ thấp đi phẩm giá của giới lao động, biến họ thành một thứ mặt hàng không cần thiết.”[40] Mặt khác, FABC cũng gay gắt phê bình hệ thống kinh tế tập quyền-hoạch định hoặc xã hội chủ nghĩa. Không quên sự kiện các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa “đã nêu bật cho thấy chính công nhân là những người làm nên nền kinh tế,” các giám mục cũng thẳng thắn nhận định rằng “các nền kinh tế kiểu ấy đã gián cách việc chỉ huy của các công nhân và tình liên đới của họ bằng một thứ nhà nước độc quyền chuyên chế. Kết quả: giới công nhân lại phải chịu quyền thống trị của một dạng thể chế xã hội khác, tức là nhà nước.”[41]
TIỀM LỰC VĂN HÓA VÀ TÔN GIÁO
Bất chấp vô số những thách đố dồn dập phủ ngập công cuộc phát triển nhân bản tại Châu Á, các giám mục trong vùng vẫn không ngừng nêu cao một tinh thần can đảm son sắt và một lòng hy vọng không gì lay chuyển được. Dĩ nhiên, thái độ lạc quan của các vị phát nguồn từ đức tin kitô, nhưng đồng thời cũng nẩy sinh từ xác tín về sự việc Châu Á có đủ năng lực để trả lời cho các thách đố kia. BISA I đã có lý để hãnh diện nói lên điều đó: “Một đại đa số kinh hoàng các người dân trong vùng chúng ta đều đang sống trong cảnh nghèo túng cùng cực; nhưng cần phải xác định cho rõ, ở đây, với ý niệm “nghèo” chúng tôi muốn nói lên điều gì. Nếu xét về mặt truyền thống văn hóa, về các giá trị nhân bản và những nhận thức tôn giáo sâu sắc, thì người dân của chúng ta không nghèo. Họ hết sức phong phú trong lãnh vực các thực tại tâm linh ấy… Vây, nếu Giáo Hội Ðông Nam Á quả thực là Giáo Hội của người dân, thì cũng phải là một Giáo Hội biết nhận ra được những gì làm nên tiềm lực phong phú của các dân tộc chúng ta, đó là: các truyền thống, các nền văn hóa, các giá trị cố hữu của Châu Á chúng ta.”[42]
Cụ thể mà xét, Giáo Hội sẽ có thể sử dụng đến những tiềm lực nào để phục vụ công tác phát triển nhân bản? Một lần nữa, chỉ có thể đơn thuần lược kê ra đây – bởi khó mà bình luận cho đủ về – các tiềm lực ấy. Ðó là: vô số những đám đông người nghèo, đối tượng của công tác phúc âm hóa và hơn nữa, chính là tác nhân chủ động hàng đầu của Giáo Hội;[43] giới trẻ đông đảo, chiếm 60% dân số Châu Á, đầy lý tưởng và nghị lực, đầy nhiệt huyết, quyết tâm và năng động dấn thân;[44] các tôn giáo Châu Á với các sách thánh, các nghi thức và các truyền thống thiêng liêng cũng như tu trì, với những kỹ thuật chiêm niệm và thái độ sẵn sàng xả thân cho công cuộc xây dựng công bằng xã hội;[45] cả việc cầu nguyện;[46] và các nền triết lý Châu Á với tính chất bổ sung siêu hình (âm – dương) cùng với mối hài hòa toàn vũ (bao la trong trời đất).[47] Các giám mục đã thường xuyên lên tiếng cổ vũ việc tận dụng các tiềm lực phong phú ấy để đương đầu với những thách đố công tác phát triển nhân bản tại Châu Á ngay nay đang gặp phải.
PHƯƠNG SÁCH ỨNG ĐÁP VÀ KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG TRONG CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN NHÂN BẢN TOÀN VẸN
Ðiều muốn bàn đến ở đây chắc hẳn không phải là những kế hoạch đặc thù Giáo Hội Châu Á đề ra để cổ vũ tiến bộ trong các lãnh vực xã hội, chính trị và kinh tế tại Châu Á. Quả thế, là một cộng đoàn đức tin, Giáo Hội chỉ có tư cách để dựa theo căn bản luân lý mà nói cho biết một cách chắc chắn, những phương sách và kế hoạch hành động cụ thể nào thì có thể chấp nhận được, theo nghĩa là chúng có phù hợp hay không với các giá trị của Phúc Âm; chứ Giáo Hội không có sứ mạng hay năng quyền xác định một cách tất yếu để cho biết phương sách và cách thức hành động nào sẽ dẫn tới một mức thành công cao đẹp hơn trong công tác phát triển nhân bản, tại một địa phương và ở một thời điểm nhất định. Cách chung, như đã lưu ý trên đây, Giáo Hội thường nhấn mạnh đến điểm này là bất cứ một kế hoạch hành động cụ thể nào đề ra cho công tác phát triển nhân bản cũng đều phải nhằm tới việc phát triển và giải phóng trọn vẹn toàn bộ mỗi con người và mọi người, cũng như toàn thể cộng đồng nhân loại và cả hoàn vũ nữa, rồi còn phải tận dụng hết mọi tiềm lực sẵn có, chứ không phải chỉ một chiều dùng đến các năng lực kỹ thuật và vật chất mà thôi.[48]
Ngay trong phạm vi giới hạn ấy, cũng vẫn có thể kể ra một số những khuyến nghị chủ chốt FABC đã đề xuất cho công tác phát triển nhân bản. Trước tiên, nhiều lần FABC nhấn mạnh nói rằng Giáo Hội của (chứ không chỉ là tại) Châu Á phải là “Giáo Hội của người nghèo,” có một lập trường đặc đãi đối với người nghèo, một lập trường hoàn toàn ý thức và thật sự thiết thực.
Thứ hai, Liên Hiệp cũng thường xuyên nhận định rằng hoạt động nhằm tới việc phát triển xã hội, chính trị và kinh tế, phải được tiến hành song song với công tác đối thoại liên tôn và nỗ lực hội nhập văn hóa. Không có hội nhập văn hóa, thì hoạt động kia sẽ không gắn liền được với gốc rễ thâm sâu nhất của dân tộc mà hoạt động ấy muốn phục vụ và hợp tác; không có đối thoại liên tôn, thì hoạt động phát triển sẽ bị tước đoạt mất đi sức năng biến đổi tiềm tàng ở trong các biểu tượng và nghi thức tôn giáo.
Thứ ba, liên quan với công tác đối thoại liên tôn, và để hoạt động phát triển nhân bản được thực sự hữu hiệu, FABC đề nghị nên tiến hành hoạt động này với sự hợp tác của tín đồ các tôn giáo khác. Ðó là việc làm thực tế đòi hỏi, không những là vì con số người kitô tại Châu Á quá nhỏ, và vì phương tiện họ có để thực hiện công tác cũng hết sức hạn hẹp, mà còn là vì nếu không thay đổi lối nhận thức về tôn giáo và những cơ cấu tổ chức tôn giáo, thì không sao trừ tiệt cho tận gốc rễ được một số tệ đoan xã hội, như: tình trạng kỳ thị dựa trên hệ thống đẳng cấp xã hội, và không biết bao nhiêu là hình thức bất công khác do các chủ hướng cực đoan tôn giáo gây ra.[49]
Thứ tư, bởi tình trạng chia rẽ giữa các kitô hữu là một gương xấu đang hiện rõ rành rành trước mắt người Châu Á, và là một chướng ngại trầm trọng đối với công tác phúc âm hóa, thế nên FABC đã gióng lên lời kêu mời như sau: “Trong mức độ tình trạng hiệp nhất đã có nhưng còn chưa toàn vẹn cho phép, tất cả các Giáo Hội Kitô nên cùng nhau đưa ra một nỗ lực chung để tiến hành công tác phúc âm hóa.”[50] Khỏi cần phải nói thì ai cũng hiểu, nỗ lực chung ấy sẽ bao gồm cả những kế hoạch hoạt động cho việc phát triển nhân bản, một thành phần của công tác phúc âm hóa.
Thứ năm, Giáo Hội không thể hoàn thành nhiệm vụ cổ vũ việc cải tiến xã hội mà không nâng cao cho đúng với tầm quan trọng của nó, vai trò của giới giáo dân, cách riêng là của nữ giới và của giới trẻ.[51]
Thứ sáu, trong chiều hướng nâng cao vai trò của giáo dân, FABC cũng khuyên nên đẩy mạnh hơn việc thành lập các Cộng đoàn Kitô Căn bản: “Sự kiện cơ bản là giữa bối cảnh Châu Á ngày nay, chúng ta đang bước đi trong tiến trình phát hiện trở lại việc các kitô hữu, xét theo tư thế là cá nhân đơn lẻ, có thể sống còn, tăng trưởng và phát triển tốt đẹp, tốt đẹp nhất, theo diện con người kitô, ở trong các cộng đoàn kitô sống tự túc về mặt bồi dưỡng, quản trị, thi hành thừa tác vụ và quảng bá.”[52]
Thứ bảy, FABC khuyến khích các tổ chức của Giáo Hội như các trường trung và đại học, các cơ quan y tế cũng như các dịch vụ xã hội khác nên dồn các hoạt động của mình trước tiên vào việc phục người nghèo.[53]
Thứ tám, việc dùng các phương tiện truyền thông đại chúng vào trong công tác phúc âm hóa và phát triển nhân bản đã được mạnh mẽ cổ vũ.[54]
Thứ chín, đối với các dạng mẫu kinh tế cổ điển, sau khi phê bình cả chủ hướng tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội, FABC đã chia sẻ: “Theo như chúng tôi thấy, tương lai nằm trọn ở trong những dạng thể mới, dạng thể tiên phong, qua đó các công nhân dự phần vào trong tổ chức công nghiệp, kể từ việc canh cải trào lưu hợp tác xã cho đến việc công nhân hợp tác vào trong các tổ chức kinh doanh tư hoặc bán công. Ðiều đó cũng đồng nghĩa với việc nắn đúc nên một kỹ thuật thích đáng khả dĩ tránh cho khỏi tình trạng tập trung quyền hành vào trong tay một số người, cũng như với lập trường ủng hộ việc dùng kỹ thuật để phục vụ lao động chứ không phải là ngược lại. Tiến hành theo lề lối ấy có nghĩa là phát triển kỹ thuật tầm cỡ nhỏ để các công nhân có thể sở hữu và quản trị, ít nhất là như một hợp tác xã.”[55] Ðó là những gì cụ thể FABC đã đưa ra để đề nghị một hệ thống kinh tế biệt loại nhằm phục vụ việc phát triển nhân bản, thích hợp với hoàn cảnh Châu Á, và qua đó, xem ra Liên Hiệp cố tìm cách mở một con đường trung dung giữa kiểu kinh tế thả lỏng (laissez-faire) và lối phát triển kinh tế tập quyền-quản trị.
Thứ mười, cuối cùng, FABC ý thức rõ rằng hoạt động xã hội của Giáo Hội thường chạm trán với cảnh đối lập, đấu tranh. Dẫu vậy, Liên Hiệp cũng vẫn lưu tâm nêu bật hai điểm: Trước tiên, “tranh đấu không nhất thiết có nghĩa là bạo động (cần được tầm cứu qua một cách thức nhận định khác), mà cũng chẳng nhất thiết đối nghịch với đức ái kitô. Thứ đến, tranh đấu thường là cách thế cần thiết để đạt đến chỗ đối thoại thực sự với những người cầm quyền. Người nghèo sẽ không làm được điều đó bao lâu họ chưa tỏ cho thấy họ không còn là nô lệ, không còn sống trong lo âu sợ sệt.”[56]
GIÁO HỘI TRONG MỘT THỂ CÁCH MỚI
Một khi đã lượng định kỹ, thì có thể nói rằng: một đàng, thần học về việc phát triển nhân bản của FABC không đề xuất gì khác đáng kể so với giáo thuyết xã hội của Giáo Hội, cách riêng là so với những gì các Ðức Phaolô VI và Gioan Phaolô II đã phát biểu. Việc nhấn mạnh vào các công tác phát triển nhân bản và giải phóng, coi đó như là một chiều kích nội tại của tác vụ phúc âm hóa, cũng như việc nhắc nhở cần phải nhắm tới tiến trình phát triển toàn vẹn và toàn diện, đều là những âm vang dội lại giáo huấn của Ðức Phaolô VI. Còn những gì FABC phân tích phê bình về chế độ tư bản cũng như chế độ xã hội chủ nghĩa thì phản ánh rõ lập trường của Ðức Gioan Phaolô II. Và, dĩ nhiên, dù không minh nhiên trưng dẫn tác phẩm của các thần học gia giải phóng Châu Mỹ Latinh, thì FABC cũng đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của các tác giả này trong cách nhận thức sắc bén về: lập trường đặc đãi người nghèo, Ðức Kitô theo tư thế là Ðấng Giải Phóng, Giáo Hội như là “Giáo Hội của người nghèo,” công cuộc cứu độ như là một công trình bao gồm cả cuộc giải phóng xã hội, kinh tế và chính trị, các cộng đoàn kitô cơ bản, và kỹ thuật phân tích xã hội, coi đó là một nhân tố nằm trong bản chất của phương pháp thần học.
Mặt khác, FABC cũng đã sâu rộng cải biến và phong phú hóa những đóng góp rút ra từ giáo huấn xã hội của các giáo hoàng cũng như từ thần học giải phóng Châu Mỹ Latinh. Xét theo diện phương pháp học, bổ sung cho kỹ thuật phân tích xã hội, FABC đã dùng đến con đường “chiêm niệm” hoặc “nội quan” trong tiến trình xây đắp thần học.[57] Quan trọng hơn hết là sự việc FABC coi các công tác đối thoại liên tôn và hội nhập văn hóa là những giai đoạn thiết yếu trong nỗ lực của Giáo Hội nhằm tới công cuộc giải phóng; bởi có thế mới tránh được nguy cơ bóp méo cách hiểu về công cuộc cứu độ, với lối một chiều nhấn mạnh đến những khía cạnh vật chất và chính trị không thôi.[58] Làm thế là FABC tận dụng được những tiềm lực phong phú hơn, rộng lớn hơn cho việc phát triển nhân bản, những tiềm lực đâm rễ sâu trong lịch sử và cuộc sống của các dân tộc Châu Á.[59] Kết quả là FABC đã phổ biến rộng rãi và phong phú hóa các cộng đoàn kitô cơ bản với việc làm cho chúng cùng lúc thực sự trở thành những “cộng đoàn nhân bản cơ bản.”[60] Ngoài ra, dù có dùng đến phương cách phân tích biện chứng để nhận rõ cảnh áp bức và bóc lột chính là nguyên nhân gây ra thực trạng nghèo đói tại Châu Á, thì, khác với các nhà thần học Châu Mỹ Latinh, FABC cũng đã tỏ ra trung dung trong những nhận định phê bình của mình đối với đường lối phát triển thấy trước mắt, và vẫn rộng tay tiếp đón sự trợ giúp của các cơ quan quốc tế, như Liên Hiệp Quốc, Hội Ðồng Ðại Kết các Giáo Hội Kitô, Cơ quan bác ái (Caritas) quốc tế, Tổ chức Misereor, Sodepax, v.v…[61]
Tuy nhiên, nếu chỉ để ý đến những khía cạnh lý thuyết mà thôi, thì không thể có được một sự lượng định đầy đủ về nhãn quan thần học của FABC đối với công tác phát triển nhân bản. Quả vậy, qua tất cả các lời tuyên bố về việc phát triển nhân bản tại Châu Á, điều mà FABC đã làm, là đề xuất một phong cách mới cho đời sống Giáo Hội, không phải như là một dạng Giáo hội học trừu tượng mới lạ, nhưng như là một lề lối hành động mới trong cuộc sống cụ thể của hết mọi kitô hữu. Trong kỳ họp khoáng đại lần VI, sau khi kiểm điểm quá trình hoạt động trong 25 năm kể từ ngày thành lập, FABC đã nhận rằng: “Chủ yếu và bao quát hơn cả trong các hoạt động tiến hành những năm gần đây, là đà thúc đẩy các Giáo Hội Châu Á hướng tới ‘một phong cách mới trong lối sống Giáo Hội’ một Giáo Hội biết quyết tâm trở thành ‘một cộng đồng các cộng đoàn,’ một dấu chứng khả tín của ơn cứu độ và của giải phóng.”[62]
Dù các Giáo Hội Châu Á đã bước một bước tiến bộ lớn trong một phần tư thế kỷ qua, thì năm 1991, Văn phòng Phúc âm hóa của FABC cũng đã thẳng thắn nhận là: “Giáo Hội vẫn còn mang phong thái xa lạ, ngoại lai trong lối sống và cơ cấu tổ chức, trong việc phụng tự và cách thức lãnh đạo rập khuôn theo kiểu Tây phương, cũng như trong phương thức nghiên cứu thần học. Thường thì các nghi thức phụng tự kitô vẫn còn thiên nặng về hình thức, thiếu tính cách tự phát mà cũng chẳng có gì là đặc thù Châu Á. Có một sự cách biệt giữa giới lãnh đạo và các tín hữu thường cấp trong Giáo Hội, và còn hơn nữa, đối với tín đồ các tôn giáo khác. Giáo Hội đã tạo ra một giai cấp tư tế quyền thế, không mấy cần đến phần hợp tác của giới giáo dân. Thường khi việc huấn luyện trong chủng viện biến chủng sinh trở thành xa lạ với dân chúng. Thần học kinh thánh, hệ thống và lịch sử thường được dạy theo một chương trình đào luyện không phù hợp với thực tế mục vụ và tính chất Châu Á.”[63] Và: “… Giáo Hội thường sống và hành động như là một phản chứng đối với sứ mạng phúc âm hóa của chính mình. Ðiều đó nổi bật rõ nhất qua việc Giáo Hội đã không đồng nhất hóa cho đủ trong đời sống thực tế, với người nghèo, đã không dấn thân cụ thể cho đủ vào trong cuộc đối thoại liên tín ngưỡng, cũng như đã không thực sự quan tâm đến việc hội nhập các nền văn hóa… Giáo Hội xuất hiện như là một tổ chức bứng trồng vào vùng Châu Á, hơn là một cộng đoàn phúc âm hóa của Châu Á.”[64] Những lời lẽ thể ấy, nghe ra tựa như một chuỗi ngôn từ kích bác, chống báng Kitô giáo, đã chẳng do một cơ quan chính thức của FABC gióng lên đó sao!
Nếu FABC đãgay gắt phê bình các Giáo Hội Châu Á như thế thì không phải là do ‘mặc cảm tự oán,’ nhưng là do một cảm nhận sâu xa và sống động về vai trò then chốt Giáo Hội đóng giữ trong hoàn cảnh hiện nay của Châu Á, về chính khả năng sống còn của vùng đất này. Với những lời lẽ bi đát, Cuộc hội thảo tổ chức hồi năm 1977 về các tác vụ trong Giáo Hội, đã biểu đạt rõ việc Giáo Hội tự nhận thức như thế về mình: “Chúng tôi đã tiếp cận ngay một trong những khúc quanh quyết định của lịch sử thế giới và của lịch sử Giáo Hội tại Châu Á. Với 60% dân số toàn cầu, Châu Á sẽ là nơi có đông dân nhất vào cuối thế kỷ này, và có thể sẽ là lục địa có số tín hữu kitô ít nhất thế giới. Nếu trong khi ấy, Kitô giáo Châu Á không thật sự là men trong bột của Châu Á mới đang thành hình, ắt sẽ rơi vào nguy cơ bị gạt ra ngoài cuộc, không còn ảnh hưởng gì được giữa những biến cố bi đát có khả năng xảy đến trong một vài thập kỷ tới.”[65] Cuộc Hội thảo phát biểu tiếp: “Hiện tượng mới mẻ, có tính cách quyết định đối với Kitô giáo tại Châu Á sẽ là việc xuất hiện của những công đoàn kitô đích thực – thực sự là Châu Á trong cung cách suy nghĩ, cầu nguyện, sống và truyền đạt kinh nghiệm cá nhân mình có về Ðức Kitô cho người khác… Nếu không biết nhận ra căn tính đặc thù của mình, thì các Giáo Hội Châu Á sẽ không còn có được một tương lai nào trước mắt.”[66]
Qua việc nhìn kỹ lại quá trình nỗ lực của hơn hai mươi năm, các lý chứng thuận và nghịch đối với cái nhiên tính của lời tiên đoán trên đây, có thể chồng chất lên cao ngang nhau cho cả hai phía. Dù sao thì cũng có một điều không thể tranh luận được, và điều đó là: nếu không trở thành “một Giáo Hội tôi tớ: tôi tớ của Thiên Chúa, tôi tớ của Ðức Kitô, tôi tớ phục vụ chương trình cứu độ của Ngài; tôi tớ của các dân tộc Châu Á, của những hoài bão sâu kín, những chờ mong và ước vọng họ ấp ủ tận trong đáy lòng; tôi tớ của tín đồ các tôn giáo khác, của mọi người, nữ cũng như nam, chỉ là và hoàn toàn vì người khác,”[67] thì Giáo Hội Kitô sẽ không còn là Giáo Hội của Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô. Và chỉ có một cách duy nhất để trở thành “Giáo Hội tôi tớ” là các kitô hữu phải dấn thân hết sức mình vào trong những nỗ lực nhằm tới việc phát triển và giải phóng trọn vẹn cùng toàn diện, các dân tộc Châu Á.
Nguyễn Thế Minh trình dịch
[1] Bài viết tựa đề “Human Development and Evangelization” (The first to the sixth Plenary Assembly of the Federation of Asian Bishops’s Conferences), đăng trong Studia Missionalia vol. 47 (1998) 205-227. Tác giả hiện là giáo sư thần học tại Ðại học Công giáo Hoa kỳ (Catholic University, Washington DC, USA).
[2] Ðể tiện bề nghiên cứu, xin xem Gaudencio B. Rosales và C. G. Arévalo, For All the Peoples of Asia: Federation of Asian Bishops’ Conferences Documents from 1970 to 1991 (Maryknoll: Orbis Books, 1992). Viết tắt: For All. Các văn kiện sẽ được trưng dẫn theo trang và số đoạn trong cuốn tài liệu vừa kể, trừ ra phần biểu quyết kết thúc khóa họp khoáng đại lần thứ sáu: phần này được FABC xuất bản tại số 16 Caine Road, Hong Kong. Về lập trường của FABC liên quan đến công tác hội nhập văn hóa thần học, xin xem Stephen Bevans, “Inculturation of Theology in Asia: The Federation of Asian Bishops’ Conferences, 1970-1995”, Studia Missionalia 45 (1996) 1-23.
[3] Về tiểu sử của FABC, xin xem C. G. Arévalo, “The Time of the Heirs”, For All, xv-xxii. Arévalo nhận định rằng việc thành lập FABC cho thấy “niềm hiệp thông ngày càng gia tăng giữa các Giáo Hội địa phương tại Châu Á” và đánh dấu “khúc quanh lịch sử có tính cách quyết định, hướng tới việc hình thành một Giáo Hội tại Châu Á” (xvi).
[4] Liên quan đến việc lượng định tổng quát về ảnh hưởng của FABC trên các Giáo Hội tại Châu Á, xin xem Felix Wilfred, “The Federation of Asian Bishops’ Conferences (FABC): Orientations, Challenge and Impact”, For All, xxiii-xxx. Tác giả nhận định rằng “FABC đã tạo được giây liên hệ hàng ngang giữa các giám mục và các hội đồng giám mục, cũng như tinh thần tập thể, cộng đoàn và hợp tác giữa họ” (xxix). Tuy nhiên, tác giả cũng nêu cho thấy rõ là vì các Giáo Hội Châu Á không đồng nhất – cho dù có những điểm giống nhau thật sự – nên “FABC chỉ nhận định được một cách chung, chứ không thể đề cập một cách chi tiết đến những hoàn cảnh cụ thể được” và vì phương tiện các giám Châu Á có rất giới hạn, nên “các vị cảm thấy không đủ sức để đưa vào hiện thực viễn ảnh lớn lao do FABC đề ra” (xxx).
[5] Sau đây nơi chốn và ngày tháng họp của sáu kỳ họp khoáng đại: Ðài Loan – tháng 4, 1974, Calcutta – tháng 11, 1978, Bangkok – tháng 10, 1982, Tokyo – tháng 9, 1986, Bandung – tháng 7, 1990, và Manila – tháng 1, 1995.
[6] Các cơ quan này gồm có các ủy ban đặc trách: về Hoạt động Tông đồ Truyền giáo (BIMA), về các Vấn đề Liên tôn quan hệ tới thần học đối thoại (BIRA), về việc Tông đồ Giáo dân (BILA), và đặc biệt có ý nghĩa đối với bài khảo luận này, là ủy ban đặc trách về Hoạt động Xã hội (BISA).
[7] Ðã tùng có một số cuộc hội thảo và tham khảo như thế, chẳng hạn như: cuộc tham khảo về sự có mặt của Kitô giáo giữa môi trường Hồi giáo tại Châu Á (1983), cuộc hội nghị quốc tế về truyền giáo (1979), và hai cuộc hội thảo, một về các thừa tác vụ trong Giáo Hội (1977), và một về Giáo Hội tại Châu Á trước tình trạng biến đổi toàn cầu (1997).
[8] Trong các năm từ 1984 đến 1991, ủy ban BIRA đã nhóm họp 12 lần. Về thần học hội nhập văn hóa theo FABC, xin xem bài viết của Stephen Bevans trưng dẫn trong ghi chú 2 trên đây.
[9] For All, tr. 13, số 8. Ủy ban BIMA cũng xác quyết rằng việc tuyên báo Ðức Giêsu Kitô cho những ai chưa tin vào Ngài, vẫn là ưu tiên hàng đầu: “Tính chất thiết yếu của việc tuyên báo lần đầu không giảm sút đi chút nào trong mức độ bức bách của nó tại Châu Á, nơi người kitô chỉ là một thiểu số rất nhỏ” (For All, tr. 104, số 9).
[10] For All, tr. 130, số 14.
[11] For All, tr. 130, số 14.
[12] For All, tr. 131, số 19.
[13] Hai thành ngữ này thường được FABC dùng để chỉ về loại tiến bộ nhân bản Giáo Hội hằng ra sức cổ vũ.
[14] For All, tr. 208, số 5.
[15] For All, tt. 14-16, số 22; tr. 20, số 5; tr. 21, số 9; tr. 23, số 18; tr. 208, số 4.
[16] For All, tr. 218, số 6.
[17] For All, tr. 16, số 22. Kỳ họp khoáng đại lần II – với chủ đề “cầu nguyện: sức sống của Giáo Hội tại Châu Á” – đã khẳng định: “Chẳng những không mảy may làm cho chúng ta xa lánh việc chia sẻ trách nhiệm con người đối với thế giới và đối với nỗ lực xây dựng các quan hệ chính trực và đầy tình thương mến giữa các cá nhân và các nhóm trong xã hội, cầu nguyện còn đưa chúng ta đến chỗ dấn thân hoạt động để giải phóng con người bằng một cuộc giải phóng đích thực. Cầu nguyện kết chặt chúng ta vào trong tình liên đới đối với những người nghèo khổ, những người không thế lực, những người bị gạt ra bên lề xã hội và bị áp bức ở trong các môi trường xã hội của chúng ta.” Xin xem For All, tr. 33, số 23. Kỳ họp khoáng đại lần III – với chủ đề “Giáo Hội: một cộng đồng đức tin tại Châu Á – cũng đã nhấn mạnh đến tình trạng khẩn cấp ấy: “Viễn ảnh thần học của chúng ta phải hơn bao giờ hết, dứt khoát quay nhìn về phía trách nhiệm Giáo Hội có đối với thế giới, đối với những lãnh vực sinh hoạt công, đối với việc xây dựng một tương lai đầy tình người hơn cho các dân tộc Châu Á. Chúng ta có bổn phận phải đi xa hơn việc đơn thuần ủng hộ những gì Ðức Gioan Phaolô II đã nói, như:‘thái độ đặc đãi người nghèo là một thái độ thực sự kitô giáo’ và ‘thái độ ấy biểu hiện mối quan tâm của Ðức Kitô, là Ðấng đã đến để công bố sứ điệp cứu độ cho người nghèo khó,… là những người được Thiên Chúa yêu thương… bảo vệ quyền lợi cho.’ Chúng ta có bổn phận phải ngay từ đây, chọn họ làm khuôn thước thực sự cho đường lối hành động hằng ngày của chúng ta.” Xin xem For All, tr. 60, số 17.1. Kỳ họp khoáng đại lần IV – với chủ đề “ơn gọi và sứ mạng của giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới Châu Á – khẳng định: “Ẩn sâu trong con tim Châu Á, Mầu nhiệm Phục sinh của Ðức Giêsu hiện đang được tưởng niệm, đang trở thành hiện thực và đang được sống trở lại. Cuộc sống dìm sâu trong đen tối của khổ cực, đớn đau, chết chóc và tuyệt vọng sẽ mang lại ánh sáng Phục sinh, với hy vọng, công bằng, tình yêu và an bình, cuộc giải phóng toàn diện. Chúng tôi tin chắc đó chính là lời hứa của Chúa Cha.” Xin xem For All, tr. 178, số 1.4. Kỳ họp khoáng đại lần V – với chủ đề “đồng hành hướng tới thiên kỷ thứ ba” – coi tình trạng bất công kéo dài là một thách đố đối với sứ mạng phúc âm hóa của Giáo Hội : “… Chúng tôi tiến hành công tác phúc âm hóa, bởi vì Tin Mừng là men giải phóng và là men biến đổi xã hội. Thế giới Châu Á của chúng ta đang cần đến những giá trị của Vương quốc và của Ðức Kitô để mang phát triển, công bằng, hòa bình và hòa hợp với Thiên Chúa và với hết mọi tạo vật, đến cho các dân tộc; đó là điều các dân tộc Châu Á đang trông chờ.” Xin xem For All, tr. 281, số 3.2.5. Và cuối cùng, kỳ họp khoáng đại lần VI – với chủ đề “làm môn đệ Ðức Kitô tại Châu Á ngày nay trong công tác phục vụ sự sống” – nhận định: “ Giống như Ðức Giêsu, chúng ta cũng phải ‘đóng trại’ của chúng ta ở giữa toàn thể nhân loại đang gia công xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, nhưng đặc biệt là giữa những người đau khổ và những người nghèo đói, những người bị loại ra bên lề cuộc sống và những người bị chà đạp cửa Châu Á. Sâu đậm sống tình ‘liên đới với nhân loại khổ đau’ và được Thần Khí sự sống soi dẫn, chúng tôi cần được dìm mình vào trong các nền văn hóa của nghèo khổ và bần cùng tại Châu Á, bởi từ đáy sâu của chúng vang lên thảm thiết nhất, thúc bách nhất, tiếng của những khát vọng mong cho có được tình yêu thương và sự sống. Phục vụ sự sống đòi hỏi phải biết sống thông hiệp với tất cả những ai, nữ cũng như nam, đang tìm kiếm và đấu tranh cho sự sống, theo mẫu gương tình liên đới của Ðức Giêsu đối với nhân loại.” (Christian Discipleship in Asia Today: Service to Life, số 14.2. Viết tắt khi trưng dẫn: Christian Discipleship).
[18] For All, tr. 23, số 18. BIMA II năm 1980 nhận định: “Giữa các hình thức phúc âm hóa áp dụng tại Nam Á, chúng tôi lưu ý trước tiên đến nhu cầu cổ vũ việc phát triển nhân bản toàn diện và việc làm chứng cho công bằng trong các môi trường xã hội của chúng ta… Chúng tôi đã từng nhấn mạnh đến việc các Giáo Hội chúng ta cần phải tỏ rõ thái độ phản đối bất cứ ở đâu quyền con người bị chối bỏ, không kể là thuộc tín ngưỡng hay đẳng cấp nào, và lên tiếng tố giác những cơ chế xã hội đang tiếp tay kéo dài tình trạng bất công trong xã hội” Xin xem For All, tr. 100, số 12.
[19] For All, tr. 6, số 21. Chữ xiên: do tác giả bài viết thêm vào để nhấn mạnh.
[20] Christian Discipleship, số 10.
[21] For All, tr. 276, số 2-16.
[22] For All, tr. 41, số 16. Xin lưu ý là hai từ ‘phát triển’ và ‘giải phóng’ thường được dùng chung với nhau, như thế bởi vì tại Châu Á, tình trạng thiếu phát triển đầy đủ về mặt nhân bản là con đẻ của các cơ cấu đàn áp. FABC lưu ý là hai từ này cần được hiểu theo nghĩa được nói lên trong các văn kiện Populorum Progression và Evangelii Nuntiandi. Xin xem For All, tr, 58, ghi chú cuối trang.
[23] For All, tr. 23, số 20.
[24] For All, tr. 230, số 5. Qua nhận định trên đây, BISA VII nhắc lại và khai triển rộng một nghị quyết của BISA VI: “Nếu không được thấm nhuần bởi đường lối thiêng liêng [linh đạo], thì tác vụ phúc âm hóa trong lãnh vực phát triển nhân bản sẽ không xứng với danh nghĩa đó. Linh đạo ấy ôm trọn kế hoạch của Thiên Chúa đối với toàn bộ vũ trụ. Ðó không phải là dạng linh đạo chỉ thu hẹp ở trong vòng cứu độ đơn thuần cá nhân, nhưng là ôm trọn toàn bộ con người và mọi người cũng như những gì khác trong công trình tạo dựng.” Xin xem For All, tr. 226, số 18.
[25] For All, tr. 204, số 9.
[26] For All, tr. 131, số 8. Dù thông thường chỉ diễn ra trong một thời gian tương đối ngắn, phương thức trình bày-dìm sâu ấy cũng không chỉ đơn thuần là một giai đoạn tạm thời. FABC nhấn mạnh nhiều lần đến việc Giáo Hội cần phải chia sẻ cuộc sống và cảnh nghèo của những ai Giáo Hội rao truyền Tin Mừng cho: “Thực quá rõ, con đường qua đó Thần Khí đã từng dẫn dắt nỗ lực nhận định của Giáo Hội Châu Á: Giáo Hội Châu Á có bổn phận phải trở thành Giáo Hội của người nghèo” (For All, tr. 145, số 6. Câu này tương ứng với đường lối hành động được thần học giải phóng Châu Mỹ Latinh coi như là điều kiện tiên quyết theo diện phương pháp học, của việc nghiên cứu (làm) thần học.
[27] For All, tr. 145, số 9. Hầu hết các văn kiện của FABC và của các cơ quan liên hệ đều bắt đầu với việc phân tích kỹ lưỡng những điều kiện xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa, và tôn giáo của môi trường Châu Á, hoặc tùy nhu cầu đòi hỏi, của một số vùng tại Châu Á.
[28] For All, tr. 231, số 9. Một cách mặc nhiên, FABC cho thấy là lối phân tích xã hội theo kiểu mácxít từng được trào lưu ban đầu của thần học giải phóng trọng dụng, không đủ khả năng đối với việc nhận định hoàn cảnh Châu Á.
[29] For All, tr. 231, số 10. Kỳ họp khoáng đại lần VI của FABC đã gợi ý nói rằng “việc phân tích xã hội cần phải được hòa nhập với việc phân tích văn hóa, và cả hai phải được đặt dưới ánh sáng nhận định của đức tin.” Xin xem For All, tr. 285, số 7.3. 2.1.1.
[30] For All, tr. 232, số 11. Aloysius Pieris gọi giai đoạn này là “giai đoạn nội quan” (“introspection”), với lý luận nói rằng “‘một dạng thần hành-giải phóng’ (‘liberation-theopraxis’) áp dụng cho Châu Á mà chỉ biết một mặt dùng đến các kỹ thuật mácxít của phương pháp phân tích xã hội thì không phù hợp với Châu Á và không thể nào hữu hiệu được, trừ phi biết phối hợp với những phương thuật tâm lý về nội quan mà các hiền nhân của chúng ta đã tìm ra” (An Asian Theology of Liberation [Maryknoll, New York: Orbis Books, 1988], 80).
[31] Xin xem For All, tr. 232, số 12. Có thể đối chiếu “chu kỳ mục vụ” của FABC với phương pháp của thần học giải phóng Châu Mỹ Latinh. Clodovis Boff miêu tả cho thấy có ba loại trung gian trong phương pháp của thần học giải phóng: trung gian phân tích xã hội (socio-analytic mediation = social analysis), trung gian chú giải (hermeneutic mediation = contemplation), trung gian thực tiễn (practical mediation = pastoral planning). Ba loại trung gian này đi tiếp theo sau phương cách hành động (praxis) phục vụ cho công bằng và giải phóng (= exposure-immersion), cũng như được phương cách này đi kèm theo. Xin xem Clodovis Boff, Theology and Praxis: Epistemological Foundation, bản dịch của Robert R. Barr (Maryknoll, New York: Orbis Books, 1987).
[32] For All, tr. 5, số 19.
[33] For All, tr. 145, số 8. Trong kỳ họp khoáng đại lần III, năm 1982, FABC đã tỏ ra khắt khe hơn khi lượng định về các Giáo Hội Châu Á: “Rất thường khi các cộng đoàn của chúng ta, cách riêng là các cộng đoàn có đời sống sung túc hơn, đã không ý thức cho đủ về những cảnh bất công xã hội, xúc phạm đến nhân phẩm và quyền con người đang ngang nhiên diễn ra vô số kể chung quanh họ… Biết bao lần thái độ dấn thân của chúng ta đã tỏ ra quá thờ ơ, ngập ngừng đối với việc phát triển nhân bản và công tác giải phóng; đối với những gì cần phải làm khi quyền lợi chính đáng của nữ giới, của người nghèo, của những người yếu thế bị chà đạp, khi những quan hệ và những cơ cấu cố tình kéo dài tình trạng bất công và bóc lột trong xã hội vẫn ngày càng nới rộng và củng cố thêm lên… Thật quá ít ỏi tiếng nói và hành động chúng ta đã gióng lên và thực hiện tại Châu Á để chống lại việc áp bức và làm mất phẩm giá nữ giới, cách riêng là giữa những người nghèo và ít học, qua ý đồ trục lợi của các kỹ nghệ, các tổ chức du lịch, mại dâm và những thứ tương tự” (For All, tr. 58, số 9.7-9.8). Như thế, khó mà có thể cho rằng FABC đã che đậy để ‘giữ thể diện,’ không dám nói thẳng, nói rõ những thiếu sót của mình.
[34] Christian Discipleship, số 3.
[35] For All, tr. 224, số 5.
[36] For All, tt. 187-188, số 3.7.2.
[37] For All, tt. 182-183, số 3.3.1.
[38] Christian Discipleship, số 7.
[39] For All, tr. 212, số 4 và 5.
[40] For All, tr. 189, số 3.8.2. Năm 1978, BISA IV đã đưa ra một số nhận định đối chiếu giữa Châu Á ngày nay và Châu Âu thời thế kỷ 19: “Các dân nước Châu Á hiện đang sống qua một chu chình tương tự như thời thế kỷ 19 ở bên Châu Âu, trong đó, con người và những giá trị nhân bản đã bị tàn nhẫn hy sinh cho mức lợi nhuận tối đa. Việc áp dụng phương sách kinh tế thả lỏng [laissez-faire] vào trong những hệ thống kinh tế đã từng thiếu quân bình của Châu Á mà không kiểm tra và cân nhắc cho đủ như vẫn được tiến hành trong các nền kinh tế tiến bộ, cho thấy rằng quả đó có thể là một việc làm độc hại trong ngày nay cũng như đã từng là thế trước kia” (For All, tr. 212, số 6).
[41] For All, tr. 189, số 3.8.3. Năm 1978, BISA IV đã gạt bỏ cả cộng sản lẫn tư bản [dạng cổ điển] chủ nghĩa: “Cộng sản chủ nghĩa hiện chiếm giữ một vai trò quan trọng tại Châu Á do bởi sự việc có lối 46% người Châu Á sống trong các nước cộng sản. Chúng tôi ý thức rằng cộng sản chủ nghĩa mang nhiều bộ mặt khác nhau trong thế giới. Nhưng tại Châu Á, dù không thể phủ nhận một số điểm tích cực chủ nghĩa này mang lại, thì bộ mặt của cộng sản chủ nghĩa cũng làm cho chúng tôi lo ngại. Ðã từng chỉ trích tư bản chủ nghĩa cổ điển bởi chủ trương công khai đẩy mạnh đà phát triển kinh tế đến độ ngang nhiên tước đoạt hoa lợi chính đáng của lao công con người, giờ đây chúng tôi gióng lên tiếng nói để phê bình cộng sản chủ nghĩa vì đã tước đoạt những quyền lợi chính đáng của con người. Trong quá trình triển khai giữa dòng lịch sử, cả hai chủ nghĩa đã cản chặn việc phát triển nhân bản đích thực, một bên thì bằng cách gieo rắc nghèo đói giữa đại đa số người dân, còn bên kia thì bằng cách giết chết tự do trong nỗ lực kiến tạo bình đẳng” (For All, tr. 213, số 13).
[42] For All, tr. 199, số 2-3.
[43] Ðại Hội Quốc Tế về Truyền Giáo khẳng định rằng: “…xét cho cùng, người nghèo là cộng đoàn được đặc đãi và là những tác nhân chủ động của ơn cứu độ (và bao giờ cũng đã là như thế trong lịch sử cứu độ)” (For All, tr. 144, số 4).
[44] Về giới trẻ Châu Á và về vai trò họ đống giữ trong các công tác phúc âm hóa và phát triển nhân bản, xin xem For All, tt. 181-182. Kỳ họp khoáng đại lần IV nhận định như sau: “Giới trẻ Châu Á là Châu Á của hôm nay. Cuộc đấu tranh tất yếu cho giải phóng tại Châu Á cũng như những cuộc dấn thân cho các công tác xây dựng khác, phản ánh rõ qua những cố gắng các tầng lớp người trẻ thực hiện để lớn lên và qua lòng tha thiết mong chờ mà họ ấp ủ về một thế giới mới, về một ý nghĩa cho cuộc sống. Dân Chúa tại Châu Á có bổn phận phải trở thành theo một nghĩa nào đó,‘Giáo Hội của người trẻ’” (For All, tr. 182, số 3.2.5).
[45] Kỳ họp khoáng đại lần II đã đào sâu và giải thích: “Nét đặc thù trong linh đạo các tôn giáo của lục địa chúng ta là ở chỗ đặc biệt nhấn mạnh đến việc tìm cách đạt cho được một mức ý thức ngày càng sâu đậm về Thiên Chúa và về toàn bộ bản ngã qua hồi tâm, tĩnh lặng và chiêm nguyện, đưa dẫn tới thái độ cởi mở đối với tha nhân, thái độ nhân hậu, bất bạo động, quảng đại” (For All, tr. 35, số 35).
[46] Về cầu nguyện như là phương thế biến đổi xã hội, xin xem trọn văn bản của kỳ họp khoáng đại lần II, trong For All, tt. 29-44. Một nghị quyết đáng ghi ra đây: “Cầu nguyện kitô là thiết yếu đối với việc giải phóng và phát triển nhân bản đích thực, cũng như đối với tác vụ đưa con người đạt đến tầm cỡ sung mãn của địa vị làm con Thiên Chúa” (For All, tr. 41, số 16).
[47] BIRA IV/11 nói rằng: “Khi nhìn vào các nền văn hóa và những di sản cổ truyền, chúng ta nhận ra rõ quả chúng đã được khơi hứng từ một nhãn quan hiệp nhất. Vũ trụ được nhận thức như là một toàn cục có tổ chức với một mạng quan hệ đan dệt vào nhau theo từng phần cũng như theo từng bộ phận của các phần. Không có chuyện quan niệm thiên nhiên và con người như là những thực thể đối địch nhau, nhưng như là âm điệu trong cùng một bản đại hòa tấu của hoàn vũ (trời đất). Toàn bộ thực tại được giữ ở trong thế hiệp nhất qua một khúc âm vận toàn vũ (Rta, Tao)” (For All, tr. 319, số 6). Dĩ nhiên ý niệm về hài hòa và quân bình như thế là một ý niệm chủ yếu trong nỗ lực khai triển một dạng thần học sinh thái.
[48] Xin xem For All, tr. 213, số 12: “Vì thế, nhiệm vụ của chúng tôi không nằm ở việc đề ra những bản thiết kế về biện pháp xã hội, kinh tế và chính trị cần dùng đến trong những hoàn cảnh cụ thể và trước những đề xuất đi ngược lại với các giá trị của Phúc Âm, nhằm chỉ rõ những đường hướng phải theo trong công tác nhân bản hóa.”
[49] Và như thế, liên quan đến cuộc đối thoại giữa Kitô giáo và Ấn độ giáo, BIRA III nhận định: “Trong khi để tâm tự vấn cho chính mình, về khuynh hướng tư nhân hóa và nghi thức hóa tôn giáo và về thái độ dễ dãi chấp nhận những tội ác gắn liền với hệ thống đẳng cấp xã hội, Kitô giáo vẫn có thể nhấn mạnh việc chú tâm đến những chiều kích xã hội và cơ cấu trong việc dấn thân của các tôn giáo, và ủng hộ hết mọi giá trị cũng như mọi lập trường có sức đem lại cho con người cùng nỗ lực sáng tạo của con người giữa tiến trình lịch sử, một vai trò tích cực trong cố gắng xây dựng một nhân loại mới của công bằng và tình huynh đệ” (For All, 121, số 11). Ðối với trào lưu phục hưng và chủ hướng cực đoan tôn giáo, kỳ họp khoáng đại lần IV của FABC nói rằng: “Mặt tiêu cực của hiện tượng [ấy], với khuynh hướng thiên về chủ nghĩa giáo điều, não trạng chính thống cực đoan và thái độ cố chấp, đã thậm chí gây nên tình trạng bạo động cùng những vụ xung đột trầm trọng” (For All, tr. 181, số 3.1.9).
[50] For All, tr. 98, số 6.
[51] Về vai trò của giáo dân, xin xem toàn bộ văn kiện của kỳ họp khoáng đại lần IV về ơn gọi và sứ mạng của giới giáo dân, trong For All, tt. 178-198.
[52] For All, tr. 77, số 49. Có thể dịch: “…giữa một cộng đoàn tự bồi dưỡng, tự quản trị, tự thi hành thừa tác vụ và tự quảng bá.” Vì thế, tác giả bài viết lưu ý là dù ngôn ngữ dùng ở đây làm cho liên tưởng đến cách nói của Giáo Hội tự trị Trung quốc với chủ trương “tam tự” (three “selfs), thì
[53] Liên quan đến công tác đào luyện về công bằng và việc phát triển nhân bản, xin xem For All, tt. 33-34, 156-159, 185-186, 214-215. Riêng về vai trò của các đại học Công giáo, FABC đã phát biểu như sau: “Ðại học Công giáo được thiết bách mời gọi để giữ vai trò dẫn đạo trong công tác phát triển giáo dục. Thế nên, Ðại học Công giáo cố tìm cho ra và thiết kế một mẫu chuẩn đích cho công tác phát triển nhân bản, dựa trên giáo huấn xã hội của Giáo Hội” (For All, tr. 158, số 16). Về các dịch vụ y tế, xin xem For All, tt. 190-191: “Còn lớn hơn cả việc để tâm lo cho nỗ lực cải tiến các cơ sở y tế sẵn có lâu đời của chúng ta, phải là mối quan tâm của chúng ta đối với những đám đông người nghèo không kể xiết, đang sống tại các vùng nông thôn, và bởi vì nghèo túng hoặc vì không có những dịch vụ y tế thích đáng, nên rất thường khi không được hưởng những phương thế chữa trị của khoa y tế hiện đại” (For All, tr. 191, số 3.9.6).
[54] Xin xem For All, tt. 162-163, 186-187, 291-292. Việc dùng các phương tiện truyền thông đại chúng để phục vụ người nghèo là việc làm đặc biệt thuộc phận vụ của giáo dân; đặc biệt bởi vì tại Châu Á, hầu hết các phương tiện truyền thông đại chúng đều nằm trong quyền kiểm soát của các chính phủ chuyên quyền, hoặc là của một nhóm người có quyền lực về mặt kinh tế và chính trị: “Viễn ảnh ấy tất sẽ đòi Dân Chúa, cách riêng là giới lãnh đạo trong Dân Chúa, phải có một thái độ nâng đỡ đối với việc đào tạo và huấn luyện quy củ cho giáo dân có khả năng đảm nhận những trọng trách lớn hơn trong lãnh vực truyền thông” (For All, tr. 187, số 3.8.4).
[55] For All, tr. 189, số 3.8.4.
[56] For All, tr. 213, số 9.
[57] Như đã lưu ý trên kia, trong cuốn An Asian Theology of Liberation (Maryknoll: Orbis Books, 1988), nhiều lần tác giả Aloysius Pieris đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc chiêm niệm (tt. 79-81).
[58] Có thể nói là qua việc phối kết ba khía cạnh trên đây trong tác vụ của Giáo Hội lại với nhau, FABC đã tiến thêm một bước đáng kể so với giáo huấn của các giáo hoàng về nỗ lực phát triển nhân bản, cũng như so với các trào lưu thần học Tây phương liên về các công tác hội nhập văn hóa và đối thoại liên tôn.
[59] Về vấn đề dùng tiềm lực Châu Á vào việc nghiên cứu thần học, xin xem Choang Seng Song, Third-Eye Theology, (Maryknoll: Orbis Books, 1990), tt. 1-16; idem, Theology from the Womb of Asia, (Maryknoll: Orbis Books, 1986); và Doing Theology with Asian Resources, do John C. England và Archie C. C. Lee xuất bản (Auckland, New Zealand: Pace Publishing, 1993).
[60] Về “cộng đoàn nhân bản cơ bản,” xin xem Aloysius Pieris, Fire & Water: Basic Issues in Asian Buddhism and Christianity (Maryknoll: Orbis Books, 1996), tt. 161: “What happens in the BHCs is a veritable symbiosis of religions. Each religion, challenged by the other religion’s unique approach to the liberationist aspiration of the poor… discovers and renames itself in its specificity in response to the other approaches.”
[61] Về những nhận định phê bình đối với đường lối phát triển, xin xem Gustavo Gustiérrez, A Theology of Liberation, bản dịch của nữ tu Caridad và John Eagleson (Maryknoll: Orbis Books, 1991), tt. 13-25.
[62] Christian Discipleship, số 3.
[63] For All, tr. 337, số 13.
[64] For All, tr. 338, số 15.
[65] For All, tr. 69, số 13.
[66] For All, tr. 70, số 14, ii.
[67] For All, tr. 340, số 23.