Hợp Tuyển Thần Học

Thừa Tác Viên Sứ Mệnh Truyền Giáo

Thừa Tác Viên Sứ Mệnh Truyền Giáo

Mục Lục

Kế hoạch truyền giáo là của Thiên Chúa, nhưng được ủy thác cho con người thực hiện. Ðối tác nhân loại trong kế hoạch ấy là các “thừa sai” nói chung, tức những thừa tác viên có sứ mệnh tuyên bố Tin Mừng. Vì tự bản chất, Giáo Hội là truyền giáo, thế tất hết thảy mọi thành viên Giáo Hội đều tham gia vào sứ mệnh ấây: tất cả đều có trách nhiệm đối với công cuộc rao giảng Phúc Âm, cũng như đối với những gì liên quan đến việc truyền giáo. Tác vụ truyền giáo là một chiều kích trong “dịch vụ tính” (mi­nis­teriality) của Giáo Hội, và vì thế, hết mọi thành viên đều dự phần vào “dịch vụ” ấy theo giai trật hệt như đối với các thừa tác vụ khác. Bởi Giáo Hội toàn thể mang “dịch vụ tính,” cho nên tác viên thừa sai căn bản chính là Giáo Hội: Thiên Chúa (Ðức Kitô) đã sai Giáo Hội đi rao giảng Tin Mừng, ra đi thu nạp và đào luyện những môn đệ mới cho Ngài, v.v.; các chức năng, tức thừa tác vụ trong Giáo Hội cũng không nhằm một mục đích nào khác: “Chúa Kitô đã thiết lập các chức vụ khác nhau trong Giáo Hội, để chăn dắt Dân Thiên Chúa và để không ngừng làm cho Dân Người tăng số” (GH 18a).

1. SỨ MỆNH CỦA GIÁO HỘI

Trước hết, Vaticanô II đã xác định rõ: “sứ mệnh riêng biệt mà Ðức Kitô đã ủy thác cho Giáo Hội không thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội; mục đích Ngài đã ấn định cho Giáo Hội thuộc phạm vi tôn giáo” (GS 42b). Trong chú thích 7 của số 58, hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng trích dẫn lời sau đây của Ðức Piô XI: “Ðừng bao giờ quên rằng mục tiêu Giáo Hội nhằm là truyền bá Phúc Âm, chứ không phải là truyền bá văn minh. Nếu Giáo Hội có truyền bá văn minh, thì cũng qua việc truyền bá Phúc Âm.” Ðó là giáo lý hiển nhiên; vì thế, hiến chế về Giáo Hội đã tóm tắt nhắc lại rằng: “Giáo Hội đã lãnh nhận sứ mệnh rao truyền và thiết lập Nước Chúa Kitô và Nước Thiên Chúa giữa mọi dân tộc” (số 5b).

Hệ luận của nguyên tắc trên đây nằm trọn ở trong lời khẳng định này: so với các thừa tác vụ khác, công tác truyền giáo phải được coi là ưu tiên số một. Thời trước, thần học quan niệm hoạt động truyền giáo là một trong các “dịch vụ” của Giáo Hội; ngày nay, Vaticanô II xác định rõ rằng việc truyền bá Phúc Âm là yếu tố cấu tạo bản tính Hội thánh! Vì vậy, Giáo Hội phải tùy theo tỷ lệ mà dành cho công trình này đầy đủ phương tiện về tài chánh cũng như nhân sự. Từ thời thế kỷ 17, để chuyên lo cho công tác rao giảng Tin Mừng, Tòa thánh đã thành lập một bộ gọi là Bộ Truyền giáo (De Propaganda Fide); tuy nhiên, không phải vì thế mà các Bộ khác – chẳng hạn như Bộ Giáo dục, Bộ Giáo sĩ, v.v. – không chú tâm đến sứ mệnh chung của Giáo Hội. Trong chương trình đào tạo tu sĩ, linh mục tương lai, tức là các học viên, các chủng sinh, môn truyền giáo học được đặt ở vị trí nào, được đánh giá như thế nào? Các Ðại học và nói chung, các trường công giáo, có gây ý thức và trình bày gì về vấn đề qua một giáo trình hệ thống hay không? Và các phương tiện truyền thông đại chúng công giáo có ý thức đủ về vai trò của mình trong lãnh vực này không?

Giáo Hội Ðịa Phương

Những gì nằm trong bản chất Hội thánh thì cũng nằm trong bản chất của các Giáo Hội địa phương. Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục lưu ý rằng: “Cộng đoàn địa phương không những chỉ lưu tâm đến việc chăm sóc các tín hữu của mình mà thôi, bởi một khi đã thấm nhuần nhiệt tâm truyền giáo, thì còn phải dọn đường cho mọi người đến với Chúa Kitô” (LM 6d); lý do là vì chính tinh thần này là yếu tố làm nên “công giáo tính” của cộng đoàn. Thông điệp Sứ Mệnh Ðấng Cứu Ðộ đã nhắc lại khẩu hiệu của cha Manna: “Tất cả các Giáo Hội đều phải dấn thân hoạt động cho toàn thể thế giới được trở lại” (số 84). Chẳng thế mà về điểm này, giáo luật quy định như sau:

“Trong tất cả các giáo phận, phải đẩy mạnh tinh thần hợp tác truyền giáo bằng cách:

1. cổ võ ơn gọi truyền giáo;

2. đặc cử một linh mục để vận động hữu hiệu các chương trình truyền giáo, đặc biệt là cácHội Giáo Hoàng Truyền Giáo;

3. mỗi năm cử hànhNgày Truyền Giáo;

4. mỗi năm chuyển về Tòa Thánh số tiền quyên giúp việc Tuyền Giáo” (điều 791).

Thể chế trong Giáo Hội là như thế; còn các thành viên thì sao? Mỗi tín hữu đều có bổn phận chia sẻ trách vụ truyền giáo của Giáo Hội tùy theo địa vị và hoàn cảnh của mình.

Dân Chúa

Vaticanô II đã nói rõ: “mọi môn đệ Chúa Kitô đều có bổn phận góp phần vào cuộc gieo vãi đức tin…” (TG 23a), mà Giáo luật gọi là “nhiệm vụ cơ bản của dân Chúa” (đk. 781); vì thế, toàn thể Dân Chúa là một tập thể thừa sai, dù các chi thể trong Thân thể đóng giữ những vai trò khác nhau, tùy theo chức năng riêng.

Hàng Giáo Phẩm

Trước ai hết, hàng giáo phẩm có trách vụ đối với việc truyền giáo, như công đồng đã khẳng định: “Lo lắng rao truyền Phúc Âm cho khắp thế giới là một bổn phận của cộng đoàn các chủ chăn. Chúa Kitô đã truyền lệnh chung cho tất cả các ngài và trao phó cho các ngài một bổn phận chung, như Ðức Xêléxtinô đã từng nhắc nhở các nghị phụ công đồng Êphêsô” (GH 23c; x. TG 38a). Ðó là một sứ mệnh đoàn thể (collegial mission), bởi hàng giáo phẩm kế thừa tông đồ đoàn, tức Nhóm Mười Hai. Do đó, các hoạt động đoàn thể (công đồng, hội đồng, hội nghị, v.v.) bao giờ cũng phải gồm hàm chiều kích truyền giáo. Ðiều khoản 782 của giáo luật ghi rằng: “Ðức Giáo hoàng và Giám mục đoàn có nhiệm vụ điều hành và phối hợp mọi chương trình và hoạt động liên hệ đến công việc truyền giáo hay hợp tác truyền giáo ở cấp tối cao” (§1). “Ðiều hành và phối hợp” không có nghĩa là phủ nhận hay hạn chế quyền cơ bản của mỗi giáo hữu trong việc làm chứng cho đức tin và trong công cuộc truyền giáo.

Giáo Hoàng

Giám mục Rôma là thừa sai số một trong tư thế là đầu của Giám mục đoàn. Vaticanô II đã dùng thành ngữ “với Phêrô và dưới Phêrô” để nhắc lại vai trò này, khi nói về nhiệm vụ truyền giáo của Giám mục đoàn (x. AG 6, 38, v.v.). Trong thông điệp Sứ Mệnh Ðấng Cứu Ðộ, Ðức Gioan Phaolô II viết: “Chúa phục sinh đã trao cho tông đồ đoàn, với Phêrô làm đầu, mệnh lệnh truyền giáo cần được thực thi trong khắp thế giới; vì vậy, giám mục đoàn mà vị kế nhiệm Phêrô là đầu, có nhiệm vụ thực thi lệnh truyền ấy ngay trong thời đại này. Ý thức như thế về trách nhiệm nói trên, nên mỗi khi gặp các giám mục, bao giờ tôi cũng thấy có bổn phận chia sẻ với các vị cảm nhận ấy, nhằm tới cả việc ‘Phúc Âm hóa mới’ lẫn công tác truyền giáo trong khắp thế giới” (số 63). Ðó cũng là ý nghĩa ngài muốn nói lên qua các cuộc hành trình thực hiện trong những năm qua: làm chứng cho Ðức Kitô và loan báo Phúc Âm.

Cho đến thế kỷ 13, vai trò của tòa Rôma trong việc truyền giáo quả thực không đáng kể; nhưng vai trò ấy đã trở thành đặc biệt chủ chốt kể từ thế kỷ 17, lúc Bộ Truyền Giáo được thiết lập. Giáo hoàng thường thi hành nhiệm vụ này qua việc dùng các văn kiện giáo lý (như các thông điệp) để nuôi dưỡng cùng nâng cao nhiệt huyết truyền giáo trong toàn thể Giáo Hội, cũng như qua việc bảo trợ các hiệp hội truyền giáo. Hồi thượng bán thế kỷ 20, đài phát thanh Vaticanô đã được thiết lập, làm khí cụ đặc thù của tòa Rôma trong công tác rao truyền chân lý Phúc Âm. Chính Ðức Phaolô VI đã đích thân tiên phong thực hiện những cuộc ‘hành trình tông đồ’ quy mô, mang thánh danh Giêsu Kitô đến những nơi và với những người chưa được nghe nói về Ngài.

Giám Mục

Ðối với từng giám mục, sắc lệnh về Hoạt động Truyền Giáo đã nhắc lại nguyên tắc thần học sau đây: “Trong tư thế là thành phần của Giám mục đoàn, kế vị Tông đồ đoàn, các giám mục được thánh hiến không phải để chỉ phục vụ một giáo phận nào đó, mà là để lo cho phần rỗi của toàn thế giới” (số 38). Nguồn xuất phát của nhiệm vụ này là bí tích thánh chức, chứ không phải là cơ cấu tổ chức có tính cách “hành chính” của tôn giáo. Ơn gọi truyền giáo của giám mục đâm rễ từ trong mối thông hiệp với Chúa Kitô là Ðầu, tức nguồn sống của Hội thánh. Ấn tích của giám mục (episcopal sacramental character) là ấn tích truyền giáo. Hoạt động tông đồ của bản giám mục phải đượm nhuần tính chất ấy: “Do đó, trước hết, giám mục phải là người rao giảng đức tin để dẫn đưa các môn đệ mới đến với Chúa Ki­tô” (TG 20b). Sau đó, ngài phải cổ vũ ơn gọi truyền giáo ngay trong địa phận của mình (x. GM 8; đk. 385), và sẵn sàng “cống hiến” một số giáo sĩ và tu sĩ cho sứ mệnh ấy. Nếu có công tác truyền giáo tiến hành tại trong địa phận của mình, thì giám mục có bổn phận lưu ý đặc biệt bằng cách dành cho công tác những gì xét thấy là thích đáng về nhân lực cùng vật lực, và nếu không có đủ nhân sự, thì hãy mời thừa sai từ nơi khác (x. TG 20g). Thế nào thì giám mục cũng phải là người phải cổ vũ, phát động và hướng dẫn công cuộc truyền giáo trong giáo phận, đối với cả đến các tu sĩ miễn trừ (x. TG 30b, 38b; Sứ Mệnh Ðấng Cứu Ðộ số 63).

Linh Mục

Căn cứ vào chức thánh, công đồng bàn về nhiệm vụ truyền giáo của các linh mục tương tự như đề cập đến các giám mục: “Ân huệ thiêng liêng các linh mục đã nhận lãnh trong khi chịu chức, chuẩn bị cho các ngài không phải để thực thi một sứ mệnh giới hạn và thu hẹp nào đó, nhưng là để chu toàn sứ mệnh cứu rỗi rất rộng lớn, bao quát, trải dài đến tận cùng trái đất…” (LM 10a), vì các ngài tham dự vào sứ mệnh của các tông đồ và cũng được cung hiến cho tác vụ tuyền giáo (x. TG 39 và Sứ Mệnh …67). Trong công việc mục vụ thường nhật, các vị có bổn phận mạnh mẽ “cổ vũ và duy trì giữa các tín hữu lòng nhiệt thành đối với công tác rao giảng Tin Mừng,” bằng cách khuyến khích các tín hữu cầu nguyện cùng góp phần tài chánh và sức lực cho công tác lớn lao ấy, chứ: “đừng xấu hổ khi phải trở thành như những hành khất vì Chúa Kitô và phần rỗi các linh hồn.” Cần phải vun trồng tinh thần truyền giáo ấy từ những ngày tháng còn ở chủng viện (x. TG 39c; đk 245). Ðiều giáo hoàng nhấn mạnh liên quan đến vấn đề, là các linh mục phải có tâm hồn truyền giáo, tức là biết dành ưu tiên cho những ai còn ở xa Ðức Kitô, hoặc những nhóm chưa tin vào Ngài, đặc biệt trong những nơi tín hữu kitô còn là thiểu số.

Ðể chu toàn nhiệm vụ này, nhiều nước đã thành lập các Hội thừa sai cho linh mục triệu. Khởi đầu đã có Hội Truyền giáo Balê (Les Missions Étrangères de Paris), sáng lập năm 1653, rồi sau đó, đã có các Hội Thừa sai khác, như của Milanô (Ý, n. 1850), của Tây ban nha (n. 1899), Hoa Kỳ (Maryknoll, 1911) và gần đây thì có nhiều Hội Thừa sai khác tại nhiều nước, như Mêhicô, Phi luật tân, Ðại hàn, v.v.[1]

Thường thường thì các linh mục địa phận bận bịu với nhiều công tác mục vụ xứ đạo, ít khi có thì giờ lo cho “lương dân,” tức những người ngoài Kitô giáo. Thế nên, để bù đắp lại thì mỗi địa phận nên có một số thừa sai chuyên lo cho việc truyền giáo tại địa phương, tổ chức thành đội hoặc nhóm truyền giáo (mission team), và không nhất thiết phải thuộc vào xứ đạo nào.

Giáo Hữu

“Giáo hữu” là tín hữu đã được thánh hiến qua phép Rửa và các bí tích khác (trừ thánh chức), và không thuộc một hội dòng; cũng được gọi là giáo dân (x. GH 31). Trong tư thế là kitô hữu, họ tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Ðức Kitô; trong tư thế là giáo hữu, họ chia sẻ sứ mệnh của Giáo Hội. Về điểm này, giáo lý công đồng Vaticanô II nói rõ: “Giáo dân có bổn phận và quyền làm tông đồ do chính việc kết hợp với Ðức Kitô là Ðầu. Do bởi phép Rửa, họ được chính Ðức Kitô chỉ định làm việc tông đồ…” Do sự việc đã nhận được những đoàn sủng Thánh Thần ban phát cho, “mỗi tín hữu có quyền và bổn phận sử dụng những ơn đó trong Giáo Hội” một cách tự do (TÐ 3ad). Như vậy, tất cả đều hợp tác vào trong sứ mệnh duy nhất của Giáo Hội: sứ mạng với yếu tố cấu thành chủ chốt nhất là truyền giáo. Khi đã được Chúa ban quyền cho, tất không còn cần xin phép ai nữa cả. Vì thế Giáo luật khẳng định: “Tất cả các giáo hữu có nghĩa vụ và quyền lợi phải làm sao cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa càng ngày càng được truyền tới mọi người, thuộc mọi thời và mọi nơi” (đk. 211). Dẫu vậy, điều khoản 216 xem như còn giữ thái độ nước đôi về điểm này: “Vì được tham dự vào sứ mạng của Giáo Hội, tất cả các tín hữu có quyền cổ vũ và nâng đỡ hoạt động tông đồ kể cả bằng sáng kiến riêng, tùy theo tình trạng và điều kiện của họ; tuy nhiên không sáng kiến nào có thể mệnh danh là công giáo, nếu không có sự đồng ý của nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo hội.” Sự ‘đồng ý’ ấy là quyền của giáo phẩm để phối hòa, chứ không phải để phủ nhận. Vì vậy, giáo dân cũng có bổn phận lo cho công tác truyền giáo tại trong môi trường sống của họ, hoặc nếu Chúa gọi thì tại các “lãnh địa truyền giáo.” Trong lịch sử, các giáo lý viên đã đóng vai rất quan trọng. Vì đoàn sủng riêng của họ, giáo dân có thể gặp nhiều người mà giáo sĩ khó mà đến gần được: trong lãnh vực của họ hàng, nghề nghiệp, câu lạc bộ, v.v. Khu truyền giáo đặc thù của giáo dân là phạm vi trần tục, đặc biệt là gia đình, giới kinh tế và chính trị, văn hóa và nghiệp vụ. Họ thiết lập “Giáo Hội tại gia” (ecclesia domestica) là gia đình, và có thể tham dự vào thừa tác vụ lời Chúa, như là dạy giáo lý, chia sẻ Kinh Thánh, v.v.

Giáo dân có thể hoạt động riêng biệt hoặc trong các tổ chức do chính họ thành lập theo quyền hạn được thừa nhận (x. đk. 215). Nhiều tổ chức gọi là “Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo” đã được giáo dân sáng lập (chẳng hạn như hội do cô Pauline Jaricot, 1799-1862, thành lập). Những khi Giáo Hội bị áp bức “giam lỏng,” các giáo dân thường có được tự do hơn để tiếp xúc với lương dân và đề nghị họ chia sẻ đức tin kitô với mình.

Các Tu Sĩ

Vì ơn gọi đặc biệt, các tu sĩ đảm nhận những nhiệm vụ truyền giáo của giáo dân và nhiều hơn nữa. Nếu họ là linh mục, thì cũng có thêm bổn phận từ ơn chức thánh phát sinh. Sắc lệnh về Truyền Giáo đã dành đoạn 40 để bàn riêng về các tu sĩ: các hội dòng chiêm niệm đóng một vai hết sức quan trọng đối với việc truyền giáo do sức năng của việc cầu nguyện và đời sống gương sáng; vì thế, Giáo Hội hằng mong thấy họ thiết lập nhiều đan viện tại các xứ truyền giáo. Ngoài sứ mệnh riêng của mình (giáo dục, từ thiện, trị bệnh, v.v.), các dòng chuyên về hoạt động tông đồ cần phải nhận định xem đoàn sủng riêng ấy có thể góp phần như thế nào cho việc truyền giáo; với các dòng này, công đồng nói lên hai nguyện vọng: cần phải làm thế nào để có thể ngưng việc họ đang làm để đảm trách một công tác khác liên quan nhiều hơn và trực tiếp hơn với việc truyền giáo, và thứ đến sẵn sàng thay đổi Hiến pháp – dĩ nhiên là vẫn giữ trọn đặc sủng riêng – để bắt tay làm việc tại các xứ truyền giáo, theo tinh thần đặc thù của dòng mình.

Với các tu sĩ, Vaticanô II nhắn nhủ: “Tinh thần truyền giáo phải được tuyệt đối duy trì trong các hội dòng” (ÐT 20b). Các phương tiện cần dùng đến thì tùy sáng kiến của họ; ít nhất là phải tìm theo dõi tin tức về công cuộc truyền giáo trong Giáo Hội; tốt hơn nữa là có liên hệ với một số thừa sai, và tốt nhất là có những thừa sai của chính dòng mình. Ðức Gioan Phaolô II còn ước mong cho có môn học đặc biệt về truyền giáo trong chương trình đào tạo các tu sĩ, và nếu được thì một số tu sĩ của các hội dòng lo gia công nghiên cứu hầu trở thành chuyên viên về truyền giáo học (x. Sứ Mệnh Ðấng Cứu Ðộ, 83). Truyền thống làm chứng cho vai trò chủ đạo của các tu sĩ trong lãnh vực này: trước tiên là các đan sĩ, rồi đến các dòng khất thực thời Trung cổ, cũng như trong thời Phục hưng, như Dòng Phanxicô, Dòng Ða Minh, Dòng Augutinô, Dòng Tên, v.v. đã bắt đầu hoạt động truyền giáo tại Châu Mỹ và Châu Á. Từ khi Bộ Truyền giáo được thiết lập vào năm 1622, các dòng tu, cũ cũng như mới, đã trở thành khí cụ chủ yếu của Tòa thánh trong công cuộc truyền bá Phúc Âm. Ðiều đáng chú ý là các Giáo Hội trẻ cũng đã sớm lưu tâm đến việc thiết lập các dòng bản xứ (như Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam, chẳng hạn) làm phương tiện hữu hiệu cao độ cho công tác truyền giáo.

Ơn Gọi Thừa Sai Ðặc Thù

Nói đến thừa tác viên truyền giáo, ắt phải nêu bật các “thừa sai chuyên nghiệp.” Sắc Lệnh về Truyền Giáo dành chương 4 để bàn về các vị. Thừa sai là tín hữu, nam hoặc nữ, giáo dân hoặc giáo sĩ, người nước ngoài hoặc bản xứ, đã nhận được ơn gọi đặc thù tựa như ơn gọi của các Tông đồ. Ðáp lại ơn gọi này, thừa sai phải sẵn sàng dấn thân suốt đời nếu cần và vô điều kiện, cho công tác truyền giáo, và như thế chỉ vì yêu mến Thiên Chúa cùng yêu thương tha nhân; rồi phải được Giáo Hội sai đi: thừa sai không thể nhân danh chính mình! Ðức Thánh Cha giải thích: “Ðó là một thiên triệu đặc biệt, theo mô mẫu các tông đồ, tức là lời mời gọi cam kết tuyệt đối dấn thân cho việc truyền giáo, với toàn bộ con người và cuộc đời của mình, qua việc hiến thân vô giới hạn, bao gồm trọn sức lực và thời giờ của mình” (Sứ Mệnh… 65).

Lãnh vực hoạt động của thừa sai là môi trường sống “lương dân,” tức giữa những nhóm (quốc gia, dân tộc, bộ lạc, giai cấp, v.v.) trong đó đa số chưa nghe biết và chưa tin nhận Ðức Kitô. “Xứ truyền giáo” là cách gọi thông thường, nhưng cũng có thể gọi là “lãnh vực truyền giáo,” như chẳng hạn các nhóm di dân không-kitô hoặc một giai cấp nào đó trong xã hội. Người thừa sai được phái đi làm việc giữa môi trường ấy hầu rao giảng Tin Mừng, giúp cho biết Ðức Giêsu là ai và, nhờ ơn Thần Khí, hợp tác vào việc mở lòng lương dân để họ tin nhận Ngài.

Ơn gọi ấy vốn là ân huệ ban cho cá nhân, nhưng thường được thành tựu trong một hội dòng hoặc tu hội đời (x. TG 27). Có dòng đảm trách nhiều hình thức hoạt động tông đồ khác nhau, trong đó công tác truyền giáo chiếm một chỗ quan trọng (như Dòng Tên), và có dòng, nam cũng như nữ, chuyên lo về truyền giáo (như Dòng Ngôi Lời [SVD], Dòng Các Cha Trắng – bây giờ gọi là Dòng Truyền Giáo Phi Châu –, v.v.). Hễ đã gia nhập các dòng như thế thì đều là thừa sai, dù có lẽ không bao giờ có dịp làm việc với lương dân, như Paul Libermann (1804-1852), vị sáng lập Dòng Chúa Thánh Thần (Congrégation du Saint-Esprit) với mục đích rao giảng Phúc Âm tại Châu Phi. Khi theo ơn gọi của dòng chuyên lo rao giảng Tin Mừng, các thành viên chia sẻ, thông dự vào đặc sủng truyền giáo của hội dòng ấy. Ðược sai đến các xứ truyền giáo, thừa sai có thể làm đảm trách nhiều sinh hoạt khác nhau, như việc mục vụ, công tác giáo dục hoặc phát triển kinh tế, v.v. trong khuôn khổ sứ mệnh của dòng.

Lý tưởng là vĩnh viễn sống đời thừa sai, dù hiện giờ không còn nhu cầu bách thiết như xưa, vì hoàn cảnh cuộc sống trong thế giới ngày nay, thay đổi không ngừng, với những phương tiện di chuyển dễ dàng, với lối làm việc di động trong nhiều nơi, tại nhiều nước. Lịch sử cũng cho thấy thường có những thừa sai hợp tác tạm thời ở một nơi. Trong thế kỷ 20, đáng kể nhất là các “linh mục fidei donum”: những linh mục triều tự nguyện đi làm việc truyền giáo trong một thời gian tại Châu Phi, theo yêu cầu của Ðức Piô XII qua thông điệp Fidei donum (Hồng Ân Ðức Tin, n. 1957).[2] Vaticanô II cũng yêu cầu các giám mục “lưu tâm đến việc chuẩn bị cho các thừa tác viên thánh vụ… đi làm việc tại các xứ truyền giáo… và gửi một số linh mục của mình đến thi hành thánh vụ tại các xứ truyền giáo… vĩnh viễn hay ít là trong một thời gian…” (GM 6b). Thông điệp Sứ Mệnh Ðấng Cứu Thế đã nhấn mạnh đến giá trị sáng kiến Ðức Piô XII đề ra; đó quả là, trong hoàn cảnh hiện tại, dấu hiệu sáng chói của tinh thần hợp tác giữa các Giáo Hội địa phương (x. số 68). Ðối với tu sĩ, hình thức hợp tác như thế là hình thức rất dễ thực hiện, vì các hội dòng thường hoạt động tại nhiều nước. Tạ ơn Chúa về một hiện tượng mới đang trên đà thịnh hành tại nhiều nước công giáo, đó là sự việc nhiều giáo dân nam nữ, nhất là lớp người trẻ, cam kết dấn thân làm việc một vài năm với các vị truyền giáo ở những dân nước xa xôi hoặc ngay tại quê nhà mình, đem những tài năng chuyên nghiệp của mình phục vụ thổ dân cùng khốn và các Giáo Hội địa phương.[3] Như vậy, “đi truyền giáo” không còn là chuyện xa lạ, ngoại thường, nhưng là điều nằm trong tầm tay của hết mọi tín hữu có thiện chí và biết ý thức về tầm trọng yếu của công tác.

Ðào Tạo các Thừa Sai

Thời trước, các thừa sai đã chẳng được huấn luyện theo một phương thức chuyên biệt nào: thánh Columbano là đan sĩ, thánh Phanxicô Xaviê đã theo học tại Paris như bất cứ sinh viên nào khác, Phêrô Chanel được đào tạo để làm cha xứ ở Pháp, v.v… Hiện nay, Giáo Hội muốn cho các thừa sai được đào luyện kỹ trong đời sống thiêng liêng và luân lý, về mặt giáo lý và hoạt động tông đồ (x. TG 25-26). Ðó cũng chỉ là linh đạo chung của các giáo sĩ.

Trước hết, thừa sai là chứng nhân của Ðức Kitô, trung thực phản ảnh con người, giáo lý và hành động của Ngài qua chính đời sống, lời nói và việc làm của mình. Tiếp đó, thừa sai phải là “chuyên viên về Kitô giáo,” bởi không ai cho được cái mình không có; nói cách khác: nhất thiết phải có đủ hiểu biết về thần học và Kinh Thánh với những bước tiến phát không ngừng nối đuôi nhau, về tình trạng của Giáo Hội và các sáng kiến mục vụ tại nhiều nơi trong thế giới.

Làm thừa sai thì phải để ý đến một số điều kiện tự nhiên, tức những khả năng thích ứng với môi trường hoạt động. Sức khỏe cần ở một nơi nhưng có thể không cần cho lắm ở một nơi khác. Tính tình là điểm cần phải đặc biệt lưu ý: trước hết, cần phải biết kiên nhẫn và khoan dung, phải biết tránh phán xét những điều mình không hoặc chưa hiểu, rồi phải biết ý thức là còn có rất nhiều điều mình không hiểu trong văn hóa, phong tục, tính tình, v.v. của dân nước mình mới tiếp xúc; có như thế thì mới khỏi rơi vào tệ trạng hiểu lầm. Cần giữ phong thái hiền lành, dễ mến, dễ thu nhận; biết lắng nghe trước khi nói và nghe nhiều hơn nói; biết mềm dẻo thích nghi với từng hoàn cảnh; ít có nhu cầu riêng. Ðôi lúc thừa sai phải sống một mình, trong cảnh cô đơn… Vậy, phải được đào tạo để đối đầu với tình trạng ấy. Ðàng khác, cũng phải biết hợp tác với các thừa tác viên khác, vì sứ mệnh là của chung chứ không phải là của riêng mình.

Tích cực hơn, thừa sai phải kiên trì nhắm vào tiêu đích chủ yếu là quy tập và đào tạo những môn đệ mới cho Ðức Giêsu. Ðể được vậy thì cần phải dùng đến một số công cụ: trước tiên là tiếng nói cần để giao tiếp với những người mình gặp gỡ giữa môi trường làm việc; thường là tiếng địa phương, hoặc ngôn ngữ riêng của một dân tộc. Vì được quan niệm chung cầm như là người trí thức, thừa sai có bổn phải học biết đầy đủ kiến thức về văn hóa, tôn giáo, lịch sử, phong tục, ‘phẩm trật giá trị,’ v.v. của môi trường hoạt động. Lý tưởng là biết suy tư và lý luận với những phạm trù bản xứ, làm sao để có thể diễn tả mầu nhiệm Ðức Kitô một cách dễ hiểu và quen thuộc đối với người bản xứ.

Các chuyên viên truyền giáo học còn nhấn mạnh đến việc học biết về các môn nhân chủng học và dân tộc học; trong các thế kỷ trước, những kiến thức ấy rất hữu ích, nhưng trong thời nay, có lẽ đó là lãnh vực dành riêng cho các chuyên viên.

Công đồng đã không quên nhắn nhủ các thừa sai nên “biết sử dụng thông thạo các phương tiện kỹ thuật và truyền thông xã hội mà không ai lại không nhận thức rõ về tầm quan trọng” (TG 26). Thật ra, điểm then chốt trong việc huấn luyện thừa sai (cũng như đối với việc huấn luyện bất cứ thừa tác viên nào trong Giáo Hội) là biết truyền thông cho hữu hiệu sứ điệp kitô, bằng lời nói, bằng chữ viết, hay là bằng truyền hình, v.v. Trong công tác này, tâm lý và kỹ thuật phải đi đôi với nhau. Từ những thời xa xưa hay trong những thập kỷ qua, các thừa sai đã từng gia công biên soạn và ấn hành sách báo cùng tranh ảnh, xây dựng các đài phát thanh và truyền hình, v.v. Bây giờ còn có Liên mạng (In­ternet)… Lịch sử còn cho thấy rõ có khả năng về kỹ thuật hoặc nghệ thuật nào đó thì thừa sai càng dễ có ảnh hưởng trong công tác truyền giáo; điển hình là trường hợp của các nhà truyền giáo tại Trung Quốc thời trước. Nói khác đi, càng có khả năng phục vụ đắc lực con người, thì thừa sai càng tiến hành hữu hiệu hơn trong công tác của sứ mệnh mình.

Tại Châu Á, các thừa sai hiện đang chuẩn bị để tiến hành cuộc đối thoại liên tôn. Vì thế, hơn những thời trước nhiều, môn đệ Ðức Kitô cần phải tìm hiểu về các tôn giáo (tôn giáo học) có mặt nơi môi trường mình làm việc. Mức độ hiểu biết có thể cao thấp khác nhau tùy trường hợp, nhưng tất cả đều phải có những kiến thức cơ bản về các tôn giáo địa phương.

Những Tổ Chức Chuyên Môn

Nói đến thừa tác viên truyền giáo, thì không thể không nói đến các tác viên tập thể, đã và đang đóng giữ một vai trò trọng yếu hàng đầu trong Giáo Hội. Các tác viên tập thể thì có nhiều dạng loại: các hội dòng chuyên lo việc truyền giáo; các tạp chí cổ võ công cuộc truyền giáo và góp phần vào việc đào tạo thừa sai; các phân khoa truyền giáo học, làm việc truyền giáo qua công trình nghiên cứu khoa học; Bộ Truyền Giáo (De Propa­ganda Fide) do Tòa thánh thiết lập hồi thế kỷ 17, là cơ quan trung ương đặc trách về việc tổ chức và phối kết các sáng kiến cũng như các hoạt động truyền giáo ở khắp nơi;[4] “Hội Giáo Hoàng Truyền bá đức tin có mục đích gây ý thức cho mọi tầng lớp Dân Chúa biết quan tâm tới việc rao giảng Tin Mừng trong khắp hoàn cầu, cùng xúc tiến tại các Giáo Hội địa phương, việc trợ giúp vật chất cũng như tinh thần, rồi ngoài ra, còn nhằm tới cổ xúy việc trao đổi nhân sự truyền giáo; Hội Nhi Ðồng Truyền giáo có mục đích giúp các thầy cô biết cách thức từng bước khơi dậy ý thức truyền giáo nơi các trẻ em; Hội Giáo Hoàng Truyền giáo thánh Phêrô Tông đồ có mục đích giúp các kitô hữu biết ý thức hơn về tầm quan trọng của hàng giáo sĩ địa phương tại các xứ truyền giáo, và kêu gọi họ dùng các phương tiện tinh thần cũng như vật chất để góp phần vào công trình đào tạo các ứng viên linh mục và tu sĩ; còn Liên Hiệp Giáo Hoàng Truyền giáo thì lo cổ võ ý thức truyền giáo giữa các linh mục, tu sĩ và cọng sự viên truyền giáo.[5] Các tổ chức vừa kể đều thuộc quyền Tòa thánh, xét theo diện toàn cầu, và được đặt dưới quyền giám mục hoặc giám mục đoàn, xét theo diện địa phương.

Ngoài ra, mỗi địa phận còn có thể có những Hội truyền giáo riêng, dành cho giáo sĩ hoặc giáo dân (như Legio Mariae chẳng hạn). Cọng với các tổ chức nói trên, còn có các hội dòng hoặc thuần túy truyền giáo hoặc đượm nhuần tinh thần truyền giáo. Các tổ chức, các tu hội đều có thể hoạt động truyền giáo tại địa phương hoặc góp phần cho công cuộc truyền giáo tại các nước ngoài.

——oOo——

Như vậy, “thừa sai” là một hiện thực loại suy. Hết thảy mọi kitô hữu đều có ơn gọi và sứ mệnh truyền giáo; mỗi người đáp ứng ơn gọi ấy theo một cách: cá nhân hay tập thể, tại quê nhà hay ở nước ngoài, suốt đời hay chỉ trong một thời gian, v.v. Ơn gọi đã có, chỉ còn cần một điều là tín hữu kitô phải có tinh thần truyền giáo và xả thân làm chứng cho Ðức Kitô trong đời sống hằng ngày. Ðể công cuộc truyền giáo tiến mạnh thì phải tránh xa mọi thái độ cạnh tranh, ghen tị, v.v. cũng như cần phải sống mạnh tinh thần hợp tác trong việc đào tạo các thừa tác viên, qua việc trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong những lúc gặp khó khăn, v.v. Nguyện ước hiệp nhất của Ðbức Kitô (x. Ga 17:21) phải được thể hiện rõ nhất giữa các thừa tác viên truyền giáo.


[1] Về hoạt động truyền giáo của các Giáo Hội Châu Á, xin xem FABC Paper số 88 (1999) và 92 (tháng giêng 2000).

[2] Một thí dụ cụ thể: Bakalarz Andrzej, La missionarietà del sacerdote diocesano dall’enciclica ‘Fidei donum’, all’enciclica ‘Redemptoris missio’ applicata alla Chiesa in Polonia, Urbaniana University Press 1992.

[3] Riêng Dòng Tên thì có tổ chức Jesuit Volunteers hoạt động tại nhiều nước, có Catholic Network of Volunteer Service (từ 1963), Maryknoll Affiliates (từ 1991) làm việc ở địa phương, hoăc ở Tây ban Nha, Voluntariado misionero, đang làm việc ở 22 nước, v.v.

[4] Xin xem Huấn thị Cooperatio missionalis, về việc hợp tác truyền giáo, 1-10-1998.

[5] Cooperatio missionalis, số 4.