Hợp Tuyển Thần Học

Truyền Giáo: Những Vấn Đề Thần Học

Truyền Giáo: Những Vấn Đề Thần Học

Mục Lục

Việc truyền giáo hiện đang trải qua một cơn khủng hoảng trầm trọng. Tại sao? Thần học đặt nhiều vấn đề liên quan đến cứu độ học; cụ thể là vấn đề về ơn cứu độ lương dân, và cụ thể hơn nữa là về giá trị cứu độ của các tôn giáo khác. Ngoài ra, còn có vấn đề mục vụ: làm sao để điều hòa quan hệ giữa việc truyền giáo và công cuộc phát triển xã hội; vấn đề “chính trị”: hoạt động truyền giáo bị một số người coi là ý đồ bành trướng “đế quốc tôn giáo” hoặc là một hình thức “xâm lăng văn hoá,” v.v. Phải nghĩ thế nào về các khó khăn này?

I. ƠN CỨU ÐỘ LƯƠNG DÂN

Lịch sử truyền giáo cho thấy là ngày trước, căn cứ vào Rm 10:15-17, đại đa số các thừa sai dấn thân vào việc rao giảng Tin Mừng với thâm tín kiên vững rằng có minh nhiên đón nhận đức tin kitô thì con người mới được cứu rỗi; trường hợp điển hình là thánh Phancicô Xaviê. Vậy, khi thần học đề xuất và phổ biến học thuyết về ơn cứu độ lương dân, tức là về sự việc cả những người không nhận biết được Ðức Kitô một cách minh nhiên, thì cũng có thể nhận được ơn cứu độ, thì đà hăng say và nhiệt huyết truyền giáo lắng nguội dần: số những người nuôi lý tưởng làm thừa sai giảm đi rất nhanh.[1]

Vấn đề xuất hiện lần đầu ở trong truyền giáo học với cuốn sách của Lange Le problème théologique des missions, xuất bản ở Louvain, năm 1928. Vấn đề đã trở thành đầu đề tranh luận sôi nổi trong những dịp nhóm họp về truyền giáo, như: cuộc triển lãm truyền giáo ở Barcelona (Tây ban nha) năm 1929, Tuần VIII về truyền giáo ở Louvain (Bỉ) năm 1930, và hội nghị của Hiệp hội giáo sĩ truyền giáo (L’Uni­on Missionaire du Clergé) tại Pháp năm 1932. Nhà thần học P. Glorieux chủ trương rằng việc truyền giáo không phải là chuyện sinh tử đối với phần rỗi lương dân, mà chỉ là tác vụ nhằm mang lại cho họ niềm viên mãn của ơn cứu độ; trái lại, E. Hugeny, O.P., coi đó chỉ là giả thuyết gây tai tiếng. Henri de Lubac, và cả L. Capéran đứng ra giải hòa giữa hai lập trường.[2] Dựa vào kế hoạch cứu độ, Henri de Lubac giải thích rằng mọi ơn thánh đều bởi Ðức Kitô mà đến và đều dẫn đến với Giáo hội là Thân thể của Ngài. Từ đó, Otto Semmel­roth, SJ, đi đến kết luận xác quyết rằng Giáo hội cần thiết như thế nào thì công tác truyền bá Phúc âm cũng cần thiết như thể ấy. Kết luâïn như thế vì thần học không coi ơn cứu độ như là chuyện cá nhân riêng lẽ, chuyện “được lên thiên đàng hay là phải xuống hỏa ngục,” nhưng là ân huệ nằm trong toàn bộ công trình cứu độ của Ðức Kitô và nằm trong vai trò Giáo hội đóng giữ theo kế hoạch Thiên Chúa. Mục đích sứ mệnh Giáo hội là không gì khác ngoài mục đích của chính Ðức Kitô, đó là: “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế.” Viễn ảnh ấy mở rộng tầm nhìn cho thấy rõ sứ mệnh truyền giáo quả là cần thiết để cho thế gian được cứu rỗi.[3]

Nếu thời tiền công đồng Vaticanô II đã nghe các tác giả nói tới vấn đề lương dân có thể được cứu rỗi, thì thời hậu công đồng đã có dịp chứng kiến nhiều thần học gia (như E. Hillmann, W. B. Frazier, H. Halbfas, v.v.) chủ trương rằng kitô hữu và lương dân đều có cái nhiên ngang nhau, tức là đều có thể – trong mức độ như nhau, không hơn không kém – nhận được ơn cứu độ.

Thái độ “lạc quan cứu độ” (salvific optimism) ấy quả đã gây hại trầm trọng đến đà hướng truyền giáo, như K. Rahner và P. Arrupe đã chính xác nhận định. Hiện nay, đối với hoạt động truyền giáo, đó là vấn đề sinh tử. Về mặt tri luận, thần học đối diện không phải với một vấn đề mà là với một mầu nhiệm, bởi lẽ những ai được cứu độ, những ai không được rốt cuộc chỉ một mình Thiên Chúa biết. Vì thế, có lẽ cần phải nhìn về một phía khác để cùng kết luận với đức Phaolô VI: “Nhờ lòng thương của Thiên Chúa, nhiều người có thể được cứu rỗi theo một cách khác, dù chúng ta không rao giảng Tin Mừng được cho họ; tuy nhiên, nếu không truyền bá Phúc âm, hoặc vì sao lãng, sợ sệt hay ái ngại – thánh Phaolô gọi là “hổ thẹn vì Tin Mừng” (Rm 1:16) – hoặc là vì suy nghĩ sai lầm, thì liệu chúng ta có được cứu rỗi không.”[4]

Bất cứ ai, dù lương dân hay vô thần, cũng đều có thể được cứu rỗi; trái lại, người kitô cũng vẫn có thể đi lạc ra ngoài con đường cứu độ; giáo lý này – giáo lý chung ở Giáo hội công giáo[5] – đã được Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân nhắc lại ở trong số 16. Tuy nhiên, Vaticanô II cũng đã minh nhiên khẳng quyết về tính chất cần thiết của công việc truyền giáo, bởi đó là ý định cứu độ của Thiên Chúa (x. TG 7). Loài người càng phải sống giữa những điều kiện khó khăn của thực trạng thế giới ngày nay, thì như công đồng nhận định, “Giáo hội càng được kêu mời khẩn thiết hơn để cứu vớt và canh tân mọi loài” (AG 1b).

Trong vấn đề này, thần học ý thức là phải tiến hành cuộc tìm hiểu với thái độ cẩn trọng tối đa, bởi việc cứu độ con người tự do là một mầu nhiệm hết sức tế nhị, mầu nhiệm diễn ra trong nơi sâu thẳm của cá nhân từng người (x. TG 6d, 9c, v.v.), nhưng đồng thời lại vượt hẳn lên trên khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa cũng như quan niệm riêng tư của mỗi người, và nêu bật liên đới tính giữa nhân loại như là một yếu tố thiết cốt của bản tính loài người. Ðấng Tạo hóa đã dựng con người nên với bản tính như thế, thì Ngài cũng cứu chuộc con người theo cách thức tiến hành của bản tính ấy: “Ý Thiên Chúa là muốn thánh hoá và cứu rỗi loài người không phải cách riêng rẽ, tách khỏi mọi quan hệ liên đới, nhưng bằng cách quy tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết Người trong chân lý và phụng sự Người trong thánh thiện,”[6] để trong Ðức Kitô loài người trở thành một gia đình duy nhất, một Dân duy nhất của Thiên Chúa” (x. TG 2b). Ðó là đường lối cứu độ Thiên Chúa đã chọn, như nhận biết được qua mạc khải.

Làm công tác truyền giáo, Giáo hội không chủ yếu nhằm vào việc cứu từng cá nhân cho khỏi sa xuống hỏa ngục, (cho dù không được quên khía cạnh này), nhưng là ra sức quy tập mọi người vào trong Thân thể Ðức Kitô, vào trong thân thể Giáo hội, nghĩa là giúp họ thành toàn trong chiều kích xã hội, thành toàn con người của mình trong Chúa. Ý định và hoạt động cứu độ của Thiên Chúa (x. 1Tm 2:4) không chỉ đơn thuần thu hẹp vào trong lãnh vực nội tâm (x. TG 3a), vô hình, nhưng còn mở rộng ra cho hết mọi chiều kích, mọi lãnh vực của Nhập thể: thế nên, cần phải có chiều kích hữu hình và tập thể hệt như bản chất con người vậy. Mục tiêu tối hậu của kế hoạch Thiên Chúa là vinh quang của chính Thiên Chúa; nhưng sự cứu rỗi của con người là một khía cạnh của vinh quang Chúa: hoạt động cho vinh quang Thiên Chúa mà lại không quan tâm gì đến công tác cứu rỗi con người là một việc làm mâu thuẫn. Vì thế, sắc lệnh về đại kết viết: “Giáo hội duy nhất và hữu hình được Thiên Chúa sai đến với toàn thể thế giới, để thế giới trở về với Phúc âm và nhờ vậy được cứu rỗi hầu làm vinh quang Thiên Chúa” (HN 1b). Trong chiều hướng suy tư ấy, Ðức Gioan Phaolô nhận định rằng: “Ðiều hiển nhiên là ngày nay cũng như trong quá khứ, nhiều người không thể biết đến để chấp nhận mạc khải của Phúc âm hầu gia nhập Giáo hội. Họ sống trong những hoàn cảnh xã hội và văn hoá gây chướng ngại cho đức tin kitô, cho dù thường khi, họ đã được nuôi dưỡng trong các truyền thống tôn giáo khác. Họ có thể đạt đến được ơn cứu độ của Ðức Kitô qua ân sủng; và dù có quan hệ nhiêïm mầu với Giáo hội, ân sủng này vẫn không đưa họ vào trong cộng đồng kitô. Ân sủng soi sáng đầy đủ cho họ theo trạng hướng nội tâm và xã hội của họ. Ân sủng phát sinh từ Ðức Kitô, tức là hoa quả của cuộc Ngài hy sinh, và được Thánh Thần ban cho. Nhờ ân sủng ấy, mỗi người có thể được cứu rỗi nếu biết hợp tác đúng mức.”[7]

ƠN CỨU ĐỘ LÀ NHƯ THẾ NÀO?

Qua thông điệp Sứ mêïnh Ðấng Cứu Ðộ [Redemptoris mis­sio], Ðức Gioan Phaolô II đã giải đáp cho vấn nạn: “Ðức Kitô đã mang lại cho chúng ta ơn cứu độ toàn vẹn, ơn cứu độ bao gồm con người toàn diện và hết thảy mọi người, đưa con người vào trong lãnh vực kỳ diệu của tử tính Thiên Chúa” (số 11). Tuy nhiên, các thừa sai cũng phải lưu ý đến những quan niệm khác nhau về việc cứu độ trong các tôn giáo không-kitô.[8]

Trước hết, sự cứu độ là một ơn, một ân huệ nhưng không: không ai xứng đáng để nhận được ơn ấy. Thứ hai, không ai có thể tự cứu rỗi lấy mình: ai đã chết vì tội thì không thể nào làm cho mình sống lại được. Thứ ba, ơn cứu rỗi thuộc lãnh vực siêu nhiên, thế nên con người tự nhiên không thể với tới bình diện siêu nhiên để tự sức mình nhận lấy ơn ấy được: dù có tu thân đức độ đến đâu đi nữa thì con người – thuần túy tự nhiên – cũng chưa phải là một kitô hữu. Bẩm sinh, con người đáng phải chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (x. Ep 2:3), và do bởi sức riêng cũng như việc mình làm thì không thể trở nên công chính, hay được công chính hoá; như thế để không ai có thể tự hãnh diện (x. Ep 2:9; Rm 3:20; 9:12; Gl 2:16, v.v.). Tuyệt đối không một thuật khổ chế nào có sức năng biến con người thành con Thiên Chúa. Chúa Cha sai Con mình đến để cứu rỗi thế gian (x. Ga 3:16-17), và ngoài Ngài ra, không một ai có thể làm gì được để cứu độ (x Ga 15:5). Theo mạc khải kitô, kế hoạch cứu độ nhắm mục đích này: làm cho mọi người trở nên con Thiên Chúa trong Ðức Kitô. Và Thiên Chúa đã dựng nên con người với định mệnh siêu nhiên và đời đời này: hoặc là hoàn thành con người mình với và trong Thiên Chúa, hoặc là thất bại, rơi vào con đường hư hỏng và phải xa cách Người đời đời; nhưng không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Ðức Kitô (x. Ga 14:6). Vì Thiên Chúa đã sai Con Một làm Ðấng Cứu thế (x. 1Ga 4:14) để cứu độ hết thảy mọi người (x. 1Tm 2:4). Ơn cứu độ tiên khởi và cội nguồn đã được thể hiện nơi bản thân Ðức Kitô, và toàn bộ ân sủng được ban cho hết thảy những người khác đều mang “Kitô tính.”

BIẾN CỐ ƠN CỨU ĐỘ

Ơn cứu độ là sự việc con người tham dự cách tự do vào đời sống của Thiên Chúa; vì thế, ơn ấy phải biến thành chính con người vậy, nếu không thì chỉ là một cái gì ngoại lai. Thần học nói về “lịch sử cứu độ,” nghĩa là về một quá trình vừa của toàn thể nhân loại mà cũng vừa của từng cá nhân. Ơn cứu độ không phải là do bẩm sinh, nhưng là từ nơi khác mà đến, như Ðức Giêsu đã nói với dân Samaria: “Ơn cứu độ phát xuất từ dân Do thái” (Ga 4:22); thế mới hiểu tại sao trong kế hoạch của Thiên Chúa, công tác truyền giáo là việc cần thiết. Cần có thời gian, cần có nơi chốn để biểu hiện, biểu thị “giá trị” cứu độ; thí dụ: Giáo hội làm bí tích cứu độ, Thánh Lễ hiện diện hoá biến cố Phục sinh, v.v. Công đồng hiểu rằng việc cứu độ hiện “đang xảy ra” trong Giáo hội (x. chẳng hạn HN 2). Vì thế, có thể dựa theo thánh Âugutinô mà nói: “danh hiệu ‘kitô hữu’ là danh hiệu ân sủng, danh hiệu cứu độ” (GH 32 cuối). Hẳn là ơn cứu độ cũng hoạt động ngoài Giáo hội; nhưng nếu ơn ấy không “được giáo hội hoá” thì – theo ý định Chúa – là “ơn dang dở.”

Ðược cứu rỗi là cuộc biến đổi toàn diện, nghĩa là không chỉ có tính cách đơn thuần ‘thiêng liêng’ mà còn mang cả tính cách ‘vật chất,’ không chỉ liên quan đến một mình linh hồn mà cả đến xác thể, không chỉ là biến cố riêng tư mà còn là tập thể, v.v. (x. MV 3a). Tắt một lời, được cứu độ là được thông phần vào ân huệ của chính bản thân Ðức Kitô, “con người hoàn hảo,” theo khả năng không ngừng tăng trưởng của mỗi người, hoặc nói cách khác, theo nguyện vọng thiêng liêng của các cá nhân, nguyện vọng được Ðức Kitô làm cho thỏa mãn đến một mức vượt hẳn lên trên mọi ước vọng có thể có (x. TG 13a). Hết mọi khía cạnh của nhân tính và của nhân loại đều phải được cứu độ; nếu Ðức Kitô dạy phải “bỏ mình” thì chính là để có thể “thủ đắc mình” cách trọn vẹn và đầy đủ hơn. Mang xã hội tính, con được cứu độ không phải là riêng lẻ một mình, song là trong mối liên đới với “tha nhân,” với mọi nguời; vì thế, cá nhân phải gia nhập Dân Chúa hoặc gia đình của Thiên Chúa, v.v.[9] Hơn nữa, vì Ðấng Cứu độ là “trưởng tử muôn vật” (Cl 1:15), và muôn vật thì liên đới với loài người (x. Rm 8:22-23), nên ơn cứu độ cũng bao gồm cả chiều kích vũ trụ ấy của con người. Ðược cứu rỗi là trở nên thành phần của “trời mới và đất mới” nằm dưới quyền thủ lãnh của Ðức Kitô là Ðầu (x. MV 39); thật vậy, là “tạo vật mới” qua biến cố phục sinh, Ðức Kitô đã “khánh thành” thời đại cuối cùng ấy ở trong Giáo hội (x. GH 48b).

Ơn cứu độ chung quyết mang tính cách cánh chung, nghĩa là chỉ được hoàn thành ở đời sau (x. GH chương 8). Bao lâu còn ở đời này con người chỉ được cứu rỗi trong niềm hy vọng (x. Rm 8:24). Cả đến kitô hữu cũng cần phải không ngừng cảnh giác (x. 1Cr 10:21; Pl 2:12; 1Pr 1:17), bởi lẽ, song song với mầu nhiệm cứu độ, mầu nhiệm tội ác cũng đang hoạt động mạnh (x. 2Th 2:7). Ðối với những người quá cố đã được cứu độ, thì thân thể của họ vẫn tàn lụi ra tro bụi và chỉ được hưởng ơn cứu độ trọn vẹn trong ngày xác loài người sống lại.

ƠN CỨU ĐỘ VÀ VIỆC TRUYỀN GIÁO

Ơn cứu độ toàn diện trên chỉ có thể trọn vẹn thành tựu qua phương pháp chính Thiên Chúa đã an bài, nghĩa là qua đức tin, phép rửa và Hội thánh. Ðó là điểm giáo lý hiện đang được bàn luận sôi nổi. Vaticanô II đã mạnh dạn khẳng quyết: “Dựa trên Thánh Kinh và Thánh Truyền, thánh công đồng dạy rằng: Giáo hội lữ hành này cần thiết cho phần rỗi. Thực vậy, chỉ một mình Chúa Kitô là Trung Gian và là con đường cứu độ… Chính Ngài đã minh nhiên công bố sự cần thiết của đức tin và của phép rửa (x. Mc 16:16; Ga 3:5), và đồng thời Ngài cũng đã xác nhận sự cần thiết của Giáo hội mà mọi người phải bước vào qua cửa của phép rửa” (GH 14a). Vì là cần thiết nên đức tin được gọi là “đức tin cứu rỗi” (fides salvifica): đó là mục đích của việc truyền giáo (x. MV 24a). Và được cứu độ là trở thành con Thiên Chúa, nên phải được “sinh ra” theo một cách mới, tức chịu phép rửa, như Ðức Kitô đã giải thích (x. Ga 3:5). “Vì vậy, mọi người phải trở lại với Ngài Ðấng mà họ đã nhận biết nhờ lời giảng dạy của Giáo hội, và chịu phép rửa để tháp nhập vào chính Ngài và vào Giáo hội, Thân thể của Ngài” (TG 7a). Rồi, trong Giáo hội, tín hữu hiệp thông với Ðức Kitô qua Thánh thể: đó là ơn cứu độ tối hảo ở đời này. Như vậy, ơn cứu độ kitô không chỉ do bởi “Thiên Chúa Duy Nhất” (như tín đồ các tôn giáo khác có thể nhận ra được), mà còn do bởi “Thiên Chúa Ba Ngôi” (như chính Người đã tự mạc khải cho chúng ta). Ðó chính là ân huệ Ðức Kitô hằng muốn phân phát cho mọi người (x. Mt 28:19); đó chính là ý Ngài muốn nói lên khi để lại giữa loài người, “thịt của Ngài để cho thế gian được sống” (Ga 6:51).

Tuy Nhiên

Ðiều minh nhiên khẳng định trên đây không phủ nhận một điểm giáo lý khác, đó là ngoài Giáo hội hữu hình cũng có ơn cứu độ. Vaticanô II bắt đầu chương 2 về “Dân Thiên Chúa” với câu này: “Chắc chắn là trong mọi thời đại và mọi dân tộc, bất cứ ai kính sợ Thiên Chúa và thực hành đức công chính, thì đều được Người đoái thương” (GH 9a). Chương này (“Dân Chúa”) của công đồng bao gồm người dự tòng (số 14), các kitô hữu thuộc giáo hội hoặc giáo phái khác (số 15), những người ngoài kitô giáo, và cả đến những người vô thần (số 16).[10] Ðức tin hẳn là cần thiết, nhưng “Thiên Chúa có thể dùng những đường lối chỉ mình Người biết được, để đưa những kẻ không vì lỗi mình mà chưa được biết Phúc âm, đến với đức tin” (TG 7a); đó là “đức tin cứu độ” theo Dt 11:6 được công đồng trích dẫn.[11] Theo Rm 1:20 (x. DS 3004), con người có thể biết được Thiên Chúa qua vũ trụ, qua các tạo vật, và sự hiểu biết ấy không chỉ là thuần túy tự nhiên, vì khởi sự từ chứng tá của Ngôi Lời tạo hoá (x. MK 3), có thể được quan niệm như là “lời Chúa” theo cách loại suy. Những “hạt giống (vết tích) của Ngôi Lời” (semina Verbi) được Thánh Thần dùng để mời gọi mọi người đến với Ðức Kitô (x. TG 15), và do đó, việc đáp ứng “lời mời” ấy mang tính chất siêu nhiên. Do thái giáo và Hồi giáo “tuyên xưng đức tin của Abraham” (GH 16), và vì thế được thực sự tham dự vào mạc khải kitô. Những người khác có thể có đức tin theo dạng “đức tin vũ trụ” (cosmic faith) hoặc qua “việc dấn thân luân lý” (mo­ral commitment). Nội dung của “đức tin” này có thể là thái độ tuân phục Ðấng [Sự] Tuyệt đối, hoặc là ý chí tự do thực hành chân thiện. Kết quả cứu độ thì chỉ một mình Thiên Chúa biết.

Còn đối với phép rửa và Giáo hội, thần học đã từng biết đến votum, tức ước nguyện (lòng ao ước, cả đến một cách vô thức) đối với ơn cứu rỗi: nếu bất cứ ơn nào cũng đều là ơn của Ðức Kitô và đều mang “khuynh hướng” quy về với Giáo hội, nên ước nguyện cứu độ là ước nguyện thuộc về Giáo hội vậy (cách mặc nhiên: x. GH 13 cuối). Sự thật sẽ hiển hiện hồi cánh chung, khi “mọi người công chính, từ Ađam, ‘từ Abel công chính cho đến người được tuyển chọn cuối cùng’, sẽ được tập họp trong Giáo hội phổ quát bên Chúa Cha” (GH 2 cuối).[12]

Nếu vậy, thì còn cần gì truyền giáo? Vaticanô II ý thức rất rõ về vấn nạn này; vì thế, số 7 trong Sắc lệnh về Hoạt động Truyền Giáo khẳng quyết rằng, dù sự thực là thế đối với cả hai phía (ơn cứu độ ở trong và ở ngoài Giáo Hội hữu hình), thì cũng không thể không xác nhận sự cần thiết và tính chất thiết bách cao độ hơn của việc truyền giáo. Quyết định cứu độ phổ quát (x. 1Tm 2:4) và mệnh lệnh truyền giáo là hai cách diễn đạt cùng một ý định của Thiên Chúa trong việc thực hiện kế hoạch cứu độ duy nhất: cách biểu đạt thứ nhất vén mở cho thấy ý định của Thiên Chúa, cách thứ hai nêu rõ nhiệm vụ của Giáo hội. Vì thế, công đồng gọi sứ mệnh của Giáo hội là “sứ mệnh cứu độ” (GH 30. 33; TÐ 33; TG 41), “sứ mệnh cứu độ phổ quát” (LM 10). Chẳng thế mà Ðức Gioan Phaolô II viết: “Cần phải cùng một lúc, nắm vững cả hai chân lý này: mọi người có thể được cứu rỗi trong Chúa Kitô và đồng thời Giáo hội cũng cần thiết để họ được cứu rỗi.”[13]

Việc truyền giáo cần thiết vì những lý do ở trên; nhưng về phương diện “cứu rỗi từng cá nhân” thì sao? Chắc đó không phải là lý do thần học duy nhất, và quan trọng nhất, dẫu có lẽ về phương diện tâm lý có thể là lý do hấp dẫn mạnh nhất. Thái độ lạc quan về sự cứu độ ngoài Giáo hội không cho phép nhắm mắt bưng tai về thế gian. Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân viết: “Con người thường bị ma quỷ gạt gẫm làm cho phán đoán sai lạc đi, khiến họ đánh đổi chân lý Thiên Chúa với sự giả dối, đi phụng sự tạo vật hơn là phụng sự Ðấng Tạo hoá (x. Rm 1:21 và 25)…” (số 16). Cứ lớn tiếng chê trách “Giáo hội tội lỗi” để coi dân ngoại là “cảnh vực thánh thiện” thì quả thật là ngây thơ… Thế gian không ở thế “trung lập” đối với ơn cứu độ, nhưng là “kẻ thù” chống lại Thiên Chúa, và gây nguy hại trầm trọng cho số phận của những ai sống theo tiêu chuẩn của nó (x. Rm 12:2). Nếu sau khi đã được “tái sinh” nhờ phép rửa và được củng cố nhờ các bí tích, v.v… mà kitô hữu vẫn thấy còn bị lay động bởi không biết bao nhiêu khuynh hướng xấu, thì còn nói chi đến tình trạng nội tâm, thiêng liêng của những người không hưởng được các ân huệ vừa nói!

* * *

II. TRUYỀN GIÁO VÀ GIÁ TRỊ CỦA CÁC TÔN GIÁO KHÁC

Có quan hệ mật thiết với chủ đề bàn đến trên đây, và có lẽ cũng chỉ là một khía cạnh của nó, vấn đề này chỉ mới xuất hiện gần đây và hiện nay được thảo luận như là một vấn đề đứng riêng.

Muốn nói gì khi dùng từ “tôn giáo”?

Khoa học hiểu “tôn giáo” theo nhiều cách khác nhau, nhưng bao giờ cũng muốn chỉ về những yếu tố tín ngưỡng, hành vi và tình cảm. Trong Anh ngữ, người ta gọi tắt là CCC (Creed, Cult, Code), tức tín ngưỡng, tế tự và quy tắc ứng xử; ngoài ra còn phải có một tập thể. Tôn giáo là cuộc “đối thoại” giữa con người và Ðấng Tuyệt đối: cuộc đối thoại diễn ra trước hết qua sự việc Thiên Chúa mời gọi, hằng không ngừng mời gọi, và qua sự việc con người tìm kiếm cùng được Thiên Chúa đáp trả, tức là bao giờ cũng có một hình thức “mạc khải.”

Tông huấn Giáo hội tại Châu Á (Ecclesia in Asia), số 6, phân biệt giữa “tôn giáo” và “truyền thống thiêng liêng,” để gọi Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo và Ấn giáo là “tôn giáo lớn” [tầm cỡ hoàn cầu] (Worl Religions); rồi ngoài rất nhiều các “tôn giáo truyền thống và bộ lạc” khó mà kể ra hết được, thì còn có các “truyền thống thiêng liêng,” chẳng hạn: Phật giáo, Ðạo giáo, Khổng giáo, tại Ấn độ thì có Ðạo Giaina, Ðạo Sikh, và Ðạo Zoroastrô (Ấn độ và Ba tư), còn tại Nhật bản thì có Thần Ðạo (Shinto). Cách chung, các tác phẩm viết về “tôn giáo” thường xếp Phật giáo vào hàng “các tôn giáo lớn.” Thêm vào đó, còn phải kể đến những phong trào tôn giáo mới, thường thì khá mờ ảo, không dễ để phân loại.

Vấn Ðề

Sau đây là lối lý luận vấn đề. Trong bối cảnh đa dạng hiện nay, thái độ kính trọng đối với các lập trường, phong tục và truyền thống khác là thái độ hợp lý; thậm chí đó là thái độ duy nhất hợp lý. Về mặt tôn giáo, nhiều truyền thống và tín ngưỡng thường cùng chung sống với nhau. Một đàng, tất cả những xác tín và yêu sách tôn giáo của mình là chính thật, có khi tuyệt đối nữa; đàng khác, cuộc sống xã hội đòi hỏi phải đối xử hòa thuận với nhau; trong bầu khí ấy, “hòa thuận” thay thế cho “chân lý,” và quy trình đời sống bắt nguồn từ dưới lên (đa số trong xã hội), chứ không phải từ trên xuống (Thiên Chúa). Xác tín về những gì tuyệt đối là cố chấp, thiếu khoan dung, và hơn nữa, là mù quáng, không thấy được chân lý nơi người khác, ở chỗ khác. Vì thế, thái độ thực sự ‘trí thức’ chỉ có thể là tương đối thuyết. Rối ren hơn nữa là tình trạng hỗn hợp tôn giáo và văn hoá; đã đành văn hoá thì tương đối, nhưng từ đó, tôn giáo cũng bị coi là như thế. Rốt cục, bàn cãi về sự thật (vấn đề chính thống) là việc làm vô bổ; tốt hơn là lo làm điều thiện, bởi ai ai cũng hiểu được và đều đồng ý (ưu tiên dành cho chính hành).

Một lẫn lộn hay ngộ nhận khác nữa là coi “kitô giáo,” “giáo hội” và tệ hơn nữa, Giáo hội “tây phương” chỉ là một. Rồi còn đem tôn giáo này so sánh với tôn giáo nọ, đề cao điều tốt nơi nhiều tôn giáo, làm như để phơi bày cho nổi bật hơn những sơ sót ở trong Giáo hội. Tại nhiều nơi, hiện đang có phong trào đi tìm “gốc rễ” của mình trong các nền văn hoá cổ xưa, coi Giáo hội như là tổ chức đồng lõa với thực dân. Tuy nhiên, thực dân cũng đã mang đến nhiều điều tốt (khoa học và kỹ thuật, chẳng hạn), thế nên không thiếu chi kẻ chỉ muốn lấy phần này và bỏ phần kia, theo tiêu chuẩn “duy ích.” Về phương diện này, việc truyền giáo gặp phải nhiều khó khăn.

THẦN HỌC VỀ CÁC TÔN GIÁO

Thần học dựa trên nền tảng đức tin.[14] Thần học kitô là khoa học quy phạm (normative science), gia công tìm hiểu mọi sự trong ánh sáng của mạc khải kitô. Triết lý về các tôn giáo dùng những tiêu chí duy lý hoặc khoa học, còn thần học thì tiến hành theo tiêu chí của mạc khải. Ðối diện với vấn đề, thường có ba loại lập trường:

1. Lập trường chuyên nhất(exclusivist),chủ trương duy chỉ Ðức Kitô là nguồn ơn cứu độ, duy chỉ đức tin kitô là đường giải thoát, còn các tôn giáo khác thì hoăïc là “xấu” hoăïc chẳng có lợi ích là mấy. Ðó là dạng thần học của Karl Barth, E. Brunner, K. Kraemer, và của trường phái duy văn tự hoặc bảo thủ quá khích. Phúc âm “phán xét” các tôn giáo, và trong đó chúng được thành tựu.

2. Lập trường gồm hàm(inclusivist),chủ trương rằng các tôn giáo không-kitô có kinh nghiệm và hiểu biết đích thực về Thiên Chúa, nhưng mức viên mãn chỉ tìm thấy được ở trong Kitô giáo. Mọi người có thể được cứu rỗi, nhưng ơn ấy có được là nhờ Ðức Kitô và hướng về với Giáo hội. Ðức Kitô là Ðấng Cứu thế duy nhất và phổ quát, và tất cả những gì là chân thiện đều phát sinh từ Ngôi Lời (x. Ga 1:9). Giáo hội thì không chỉ đơn thuần là một “tôn giáo,” mà còn và nhất là thân thể Chúa Kitô. Có thể nói đó là lập trường phổ biến nhất giữa thần học công giáo.

3. Lập trường đa dạng(pluralist),chủ trương tôn giáo nào cũng đều tốt, đều là đường cứu độ như nhau, là những lối ngả khác nhau nhưng đều dẫn đến với cùng một Vị Tuyệt đối. Là một yếu tố của văn hoá, nên tôn giáo mang tính chất tương đối. Mỗi người và mỗi nền văn hóa có tôn giáo riêng, thích hợp với nhu cầu riêng của mình.

Ba lập trường này còn xuất hiện dưới nhiều sắc thái khác nhau tùy quan niệm các tác giả hoặc các người chủ trương.

Kinh thánh có lối nhìn khá tiêu cực về tôn giáo của các dân ngoại. Dù cho là mọi dân tộc có thể biết Thiên Chúa qua vũ trụ (x. Kn 13, Rm 1:19-20), nhưng trong thực tế, Cựu Ước là cả một quá trình bút chiến chống lại chế độ đa thần và việc thờ tự các ngẫu tượng, “vì chư thần các nước thảy đều hư ảo” (Tv 96: 5; 1Sb 16:26), “ước gì những kẻ làm ra hoặc tin ở tượng thần cũng giống như chúng vậy” (Tv 115:8). Tệ hơn nữa, các thần ấy là kẻ thù của Yahvê. Lúc đầu, Ítraen tin là mỗi dân tộc đều có thần riêng của mình (thuộc một loài gì đó), dẫu đối với Ítraen, Yahvê thì “cao cả hơn hết mọi thần minh” của Ai cập (x. Xh 18:11; Ðnl 4:7), và là Ðấng đã cấm ngặt Ítraen “không được có thần nào khác đối nghịch với” Người (điều răn thứ nhất: Xh 20:3). Còn đối với các dân ngoại thì việc họ phụng sự các thần của họ được coi là chính đáng (x. Rút 1:15).

Các tiên tri đã cho thấy rõ các ngẫu tượng không là gì cả (x. Gr 2:11), thậm chí coi đó là những đồ vật đáng khinh bỉ (x. Is 41:21tt).

Tân Ước được biên soạn trong một xã hội đa tôn giáo, do các tác giả gốc Do thái (trừ Luca ra), tức xuất thân từ một truyền thống không đánh giá cao hành vi tôn giáo và luân lý của lương dân. Ðiển hình là chương một của thư gửi tín hữu Rôma, trong đó tác giả gọi họ ngu si, điên rồ, buông theo dục tình đồi bại, thù ghét Thiên Chúa, v.v. (x. Rm 1:21-32). Trong 1Cr 10:20, vị tông đồ coi việc họ cúng tế là “cúng cho ma quỷ.” Thánh Gioan đối sánh dân kitô với dân ngoại và nói: “Chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác thần (x. 1Ga 5:19). Cho đến nay, các bản văn này vẫn còn ảnh hưởng sâu rộng trên tư tưởng kitô giáo.

Nếu ý kiến về tôn giáo có tiêu cực như thế, thì quan niệm về từng cá nhân lại khác hẳn. Trước hết, về số phận của mỗi người thì chỉ mình Thiên Chúa biết, thế nên không thể kết án ai cả (x. Rm 2:16; 1Cr 4:5; 5:12-13). Bởi khi sống theo lẽ tự nhiên thì cả lương dân nữa cũng chu toàn lề luật, vì lẽ “điều gì Luật [của Môsê] đòi hỏi, thì đã được ghi khắc trong lòng họ” (Rm 2:14-15). Theo Phaolô, cả Luật Môsê lẫn lương tâm con người đều bất lực trong việc cứu độ, và chỉ đóng vai chỉ đường cho con người tự do bước đi: có theo hay không là tùy quyết định của mỗi cá nhân; còn việc cứu rỗi thì do một mình Thiên Chúa thực hiện, và quả thực Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi (x. 1Tm 2:4). Trong Sách Công vụ Tông đồ, chương 17, xem ra Phaolô công nhận giá trị của tôn giáo thành Athêna, bởi ngài khen họ “là người sùng đạo hơn ai hết,” đặc biệt là vì họ kính cả thần vô danh (x. Cv 17:22-23); nhưng không, Phaolô đã nổi giận khi thấy những tượng thần ấy, và, không như dân thành Athêna hiểu, tên gọi “thần vô danh” mang một ý nghĩa khác hẳn đối với Phaolô. Ngài coi một số các nghi thức – dù không rõ hẳn là ngoại đạo, như việc ‘sùng kính các thiên thần’ – là ít ra, vô bổ và nguy hiểm đối với đức tin kitô (x. Cl 2:16-18).

Còn các Giáo phụ thì có thái độ hoặc tiêu cực hoặc nước đôi đối với các tôn giáo của lương dân. Thời ấy, chưa ai nghĩ ra hoặc nghĩ tới việc “đối thoại.” Lý luận theo lối triết, các ngài đã nhận ra được “hạt giống Lời Chúa” (Giustinô) hoặc một dạng “giao ước Hy lạp” (Clêmentê Alêxănđria) ở trong thế giới lương dân. Thánh Giustinô đã đánh giá rất cao nền triết lý Hy lạp (nhất là trường phái Platô), nhưng cùng lúc đã thẳng tay bài trừ các tôn giáo và các thần thoại, coi đa thần là sản phẩm của ma quỷ. Các Giáo phụ từ chối hẳn hết mọi dạng đối thoại với “ác thần,” dù vẫn giữ lòng kính trọng đối với những cá nhân bên lương.

Vaticanô II dạy rõ rằng bất cứ người nào cũng có thể được cứu rỗi trong đời sống cụ thể của mình. Công đồng coi trọng thái độ tôn giáo của các cá nhân. Mọi người đều có thể có một thứ lòng tin đo bởi Lời Chúa tiềm tàng ở trong vũ trụ: “Mọi tín hữu, dù thuộc tôn giáo nào đi nữa, thì cũng đã từng không ngừng nhận ra tiếng của Thiên Chúa và dấu biểu hiện của Ngài qua tiếng nói của tạo vật” (MV 36c), cũng như qua tiếng nói lương tâm (x. MV 16). Chính vì thế, Giáo hội minh nhiên và mạnh mẽ bênh vực quyền tự do tôn giáo của con người (x. TD 3).

Giá trị của các tôn giáo cốt tại ở những yếu tố cấu thành, tức là chân lý và ân sủng, những yếu tố nói lên việc Thiên Chúa hiện đang hoạt động trong chúng (x. TG 9). Và vì Thiên Chúa không cứu rỗi con người một cách riêng rẽ, nhưng là một cách tập thể, xã hội, nên “những sáng kiến tôn giáo” có mọc lên thì cũng là nhờ ơn Chúa (x. TG 3). Cụ thể hơn, đạo đức học là kim chỉ nam cho đời sống của các tôn giáo, là phản ảnh ánh sáng của Thiên Chúa: Giáo hội nhìn nhận chân lý ấy (x. NK 2). Một trường hợp đặc biệt là các truyền thống tu hành: chúng đã được do chính tay của Thiên Chúa, “gieo” vào giữa lòng của nhiều tôn giáo (x. TG 18). Thực vậy, tín hữu của các tôn giáo lớn và lương dân nói chung, đều có những liên hệ khác nhau với Dân Chúa (x. GH 16); các liên hệ này bao gồm cả chính tôn giáo của họ.

Từ đó, thần học tự hỏi: phải hiểu như thế nào về vai trò cứu độ của các tôn giáo? Và đó là vai trò đóng giữ trong tình trạng thông thường của đại đa số giữa loài người mà Thiên Chúa hằng muốn cứu rỗi. Những ơn Thiên Chúa soi sáng kết tinh ở nơi tôn giáo, lời Người mời gọi cũng thường vọng lên ở đó, và con người có ứng đáp thì cũng thường là qua hành vi tôn giáo. Mặt khác, thực trạng là con người hẳn có tội, “thế gian” lối kéo về đàng xấu, ma quỷ cám dỗ và đánh lừa các cá nhân cũng như các tổ chức, v.v. Vì thế, cần phải sáng suốt phân tích và nhận định. Thần học nhận ra Thần Khí hiện diện và hoạt động ở mọi nơi và mọi khía cạnh trong đời sống cá nhân và tập thể xã hôi, nhất là trong hành vi tôn giáo.[15] Một số tôn giáo có sách thánh; các sách ấy có chứa đựng mạc khải của Thiên Chúa hay không? Có được linh ứng hay không? Chắc hẳn ảnh hưởng và tác động của Thần Khí không thể nào giống như trong trường hợp của Kinh Thánh Kitô giáo. Có lẽ phải nhờ khái niệm “loại suy” mới có thể tìm thấy ánh sáng cho vấn đề này. Là khí cụ tôn giáo, tất loại văn chương ấy có tiềm hàm dưới một dạng thức nào đó, bóng dáng của Thần Khí; nhưng vẫn không thể nào so sánh được với tính cách đặc thù duy nhất của mạc khải Do thái-Kitô giáo. Khi suy tư về mầu nhiệm Thiên Chúa, thần học phải tiến hành hết sức cẩn trọng, vì sự việc không phải minh bạch rành rành như trắng với đen, như có với không, song là hơn kém thế này hay thế kia. Các tôn giáo với những nghi thức và sách thánh của họ, là những khí cụ cứu độ, nhưng theo một cách thức tiến hành, với một mức độ tác động và ở một bình diện hiệu lực khác hẳn với Kitô giáo.

***

Trong hoàn cảnh như thế, sứ mệnh truyền giáo phải được tiến hành theo phương thức nào? – Trước hết, phải tạ ơn Chúa vì đã gieo lời Người trong khắp thế gian, dù hạt giống có sinh hoa kết quả khác nhau: hạt thì được gấp trăm, có hạt lại không được gì hết, Ðức Giêsu đã cho thấy qua dụ ngôn gieo giống (x. Mt 13:1tt). Thấy thửa ruộng tôn giáo nào được sinh nhiều hoa trái, thì người thừa sai phải vui mừng. Thế thì, giữ lập trường thần học lạc quan về phần rỗi lương dân, người kitô sẽ không quá lo âu về số phận đời đời của đại đa số trong nhân loại, mà vẫn ý thức đầy đủ bổn phận truyền giáo của mình, vì những lý do kể trên. Văn kiện Ðối thoại và Loan báo Tin Mừng viết rằng: đối với các tôn giáo, Giáo hội đóng vai trò làm tiên tri, nghĩa là đặt vấn đề cho các tôn giáo bằng cách làm chứng cho Phúc âm, đồng thời sẵn sàng đón nhận mọi thách đố từ phía các tôn giáo.[16] Quả vậy, thông điệp Sứ Mệnh Ðấng Cứu Ðộ (1990) đã minh nhiên trả lời về những vấn nạn các tôn giáo đặt ra. Chấp nhận giá trị, mà đồng thời cũng nêu bật những thiếu sót của các tôn giáo, thông điệp khẳng định – một lần nữa – về tầm bách thiết cao độ hơn bao giờ hết, của công tác truyền giáo; vì, dù Thánh Thần có hoạt động nơi mọi nền văn hoá và mọi tôn giáo, thì tác động tiềm tàng ấy cũng không thể thay thế cho Ðức Kitô được; hơn nữa, “bất cứ những gì Thần Khí thực hiện trong lịch sử các dân tộc, cũng như trong các nền văn hoá và các tôn giáo, đều là để dọn đường cho Phúc âm, và không thể không quy chiếu về với Ðức Kitô, là Ngôi Lời nhập thể do tác động của Thần Khí, ngõ hầu Ðức Kitô, là con người hoàn hảo, cứu rỗi tất cả và thu họp tất cả về dưới sự lãnh đạo của mình, là Ðầu” (số 29). Nhưng Ðức Kitô lại chỉ thực hiện được nhiệm vụ ấy qua việc truyền giáo của Hội thánh. Cuối cùng, vấn đề cơ bản ở đây là vấn đề sự thật: Thiên Chúa là sự thật, Ðức Kitô là sự thật, và Thiên Chúa “muốn cho mọi người biết sự thật” (2Tm 3:7), không phải một sự thật của kiến thức khoa học, triết lý hoăïc lịch sử, song là “chân lý của Phúc âm” (Gl 2:5.14), “lời chân lý” (Eph 1:13), “sự thật ở nơi Ðức Kitô” (Ep 4:21). Vậy không thể nào buông xuôi đầu hàng trước chủ thuyết tương đối.

III. PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ VIỆC TRUYỀN GIÁO

Trước cảnh nghèo khổ hiện thấy trong nhân loại, tất kitô hữu phải phản ứng như chính Ðức Giêsu đã dạy: hãy cho kẻ đói ăn! Có làm thế, mới mong được đón nhận để nói tới những nhu cầu khác. Vốn quảng đại, có lòng thương người và chính trực công bằng, các thừa sai không thể không phản ứng mạnh mẽ khi tận mắt chứng kiến dân chúng bị bóc lọt và áp bức một cách lộ liễu hết sức, tình trạng cách biệt quá lớn giữa một số ít người giàu và đại đa số người bần cùng trong xã hội. Trong các thập kỷ 60 và 70, chủ nghĩa phát triển đã dấy lên thịnh hành, nhất là tại Châu Mỹ Latinh, khiến nhiều giới kitô giáo hăng say dấn thân vào việc cổ võ công bằng xã hội, bởi coi đó là nhu cầu ưu tiên tuyệt đối. Chủ nghĩa ấy cũng đã ảnh hưởng trên các giới truyền giáo sâu rộng đến độ đưa tới nhiều xung đột. Dồn cả tâm lực lo cho việc phát triển, nhiều thừa sai “không còn thì giờ để làm công tác truyền giáo.” Ði xa hơn, có những người khác đã chủ trương tạm gác bỏ việc “thiêng liêng” lại để dồn hết khả năng lo cho việc giúp đỡ những người nghèo. Và cuối cùng, còn có kẻ cho rằng làm việc truyền giáo là góp phần làm cho cảnh bóc lột ra tệ hại thêm; thế nên, tốt hơn là đừng nói chi đến chuyện truyền giáo![17]

Ngay cả trong công đồng Vaticanô II, vấn đề cũng đã gây ra bầu khí sôi động: khi bàn luận về Lược đồ 13 – sau này sẽ trở thành Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng – và Sắc lệnh về Truyền giáo, một số nghị phụ (chẳng hạn như đức hồng y Frings đối với văn bản trước, hoặc đức cha J. Gay đối với văn bản sau)ï đã lên tiếng phàn nàn: dường như công tác truyền giáo đã mất đi tầm trọng yếu vì quá nhấn mạnh đến việc dấn thân cho nỗ lực phát triển. Những lập trường “khuynh tả” (dù là cực đoan) đã được dư luận rầm rộ hoan hô, nhưng ít khi mang lại được kết quả tích cực đáng kể. Cái khó là làm sao giữ cho được thái độ quân bình giữa hai đòi hỏi của Phúc âm là yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân (x. Mc 12:28tt): cả hai đều thiết yếu, cả hai luôn đi đôi với nhau, và cả hai cũng chỉ là một bổn phận duy nhất (x. 1Ga 4:20). Thời ấy, Giáo hội Châu Mỹ Latinh đã đưa ra khẩu hiệu: “[phục vụ] người nghèo là việc cần phải chọn trước hết” (preferential option for the poor); vấn đề là đã có người “chỉ đơn thuần chọn” người nghèo… và vì hồ hởi tin vào chủ nghĩa mácxít (lúc mà đế quốc cộng sản còn đang đứng ở thế rất mạnh), họ đã bỏ quên đi sứ mệnh thiêng liêng của mình.

Giáo hội thừa biết mình được sai đến với muôn dân, và công tác truyền giáo đang tiến hành đặc biệt là giữa các tầng lớp dân nghèo, mà công đồng gọi là “các quốc gia đang trên đường phát triển” (x. MV 9b, 6f, TÐ 14c); tại những nơi đó, vô số kể nhu cầu vật chất hiện rõ rành rành, cực độ bách thiết. Noi sát gương Ðức Giêsu, vị thừa sai phải biết thi ân giáng phúc (x. Cv 10:38), và thực sự, lịch sử đã cho thấy rất nhiều gương anh dũng (x. TG 12). Vì thế công đồng nhận định: “Trong lịch sử loài người, dù xét về phương diện trần thế, Phúc âm quả đã đóng vai làm men tự do và tiến bộ” (TG 8). Về nguyên tắc, giáo lý đã rõ ràng; tuy nhiên, trong thực tế, xung đột có thể vẫn còn. Nhưng, tốt nhất là noi theo cách thức nhận định và hành động của các tông đồ, để khi không thể làm tất cả, thì phải chọn những gì thiết yếu hơn, coi đó là ưu tiên số một: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải” (Cv 6:2).[18]

Giáo hội nhận ra rõ rằng sự tiến bộ của loài người không chỉ tùy thuộc ở số lượng thu nhập, song còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa (Liên Hiệp Quốc dựa theo 17 nhân tố để tính mức độ phát triển của mỗi nước), cách riêng là những yếu tố nhân bản: sự tiến bộ cốt tại ở điểm con người trở nên tốt hơn, chứ không phải ở việc có nhiều phương tiện vật chất hơn. Ðiều kiện đầu tiên phải có để phát triển là một vũ trụ quan mới, và đó chính là điều Phúc âm đã mang lại. Quả thực, trong thế giới có nhiều mô mẫu phát triển khác nhau; chính vì thế thông điệp Sứ Mệnh Ðấng Cứu Ðộ đã nhận định về bổn phận của công tác truyền giáo đối với nỗ lực “phúc âm hoá” các trung tâm quyết định về mô mẫu cho việc phát triển xã hôi, chẳng hạn như là các thành thị thời nay (x. số 37). Ðà tiến bộ kinh tế và kỹ thuật đã không giải đáp được các vấn đề, đã không đáp ứng được các nhu cầu, trái lại tệ hơn, đã gây thêm nhiều vấn đề nan giải và nhu cầu bách thiết gấp bội (x. MV 4), bởi đã quên bẵng đi rằng tiến bộ là để phục vụ con người, chứ không trái lại (x. MV 26c, 35).

Ðiều mà trước tiên công tác truyền giáo mang lại cho một dân tộc, là thái độ mở rộng đón nhận sự thay đổi, đón nhận tiến bộ, coi là điều tốt, mà đồng thời vẫn biết ý thức rõ về tính chất nước đôi của nó. Phúc âm soi sáng, giúp cởi bỏ những điều cấm kị đối với thiên nhiên, lối quan niệm vũ trụ theo chu kỳ, óc định mệnh, v.v… gây trở ngại cho đà phát triển. Thêm vào đó, Kitô giáo đặt nền tảng kiên vững cho một xã hội mới, qua một hệ thống giáo lý và đạo đức học minh chính về thế giới, về lao động, về nhân quyền, về bình đẳng, chống lại mọi hình thức phân biệt giai cấp, chủ nghĩa, tôn giáo, v.v. Trước kia, các hoạt động “văn minh hoá” được xếp vào loại công tác gọi là “tiền phúc âm hoá” (pre-evangelization); nhưng Vaticanô II đã chính thức coi đó là những hoạt động thuộc tác vụ “phúc âm hoá” (x. TG, chương 3), vì nằm trong nhiệm vụ của Giáo hội đối với mọi dân tộc. Nhiệm vụ phát triển này là đặc nhiệm của giáo dân: bởi đã thông phần vào chức vụ vương giả của Ðức Kitô (x. MV 36), nên giáo dân nhận được sức năng và bổn phận ra sức hoạt động thế nào để ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc cải thiện các cơ cấu xã hội, kinh tế, chính trị, văn hoá, v.v. làm sao cho công bằng hơn. Quả thật, tự bản chất, những thành tích như thế có giá trị lớn trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa (x. TÐ 7). Nhìn vào thực cảnh ngày nay, Sứ Mệnh Ðấng Cứu Ðộ ghi nhận rằng: “Sứ mệnh đến với lương dân (ad gentes) đang thể hiện đặc biệt là tại các vùng phía nam địa cầu. Bởi tại các vùng này, nhu cầu phát triển toàn vẹn và giải phóng cho khỏi những chế độ áp bức thì bách thiết hơn. Trong các dân tộc đã được phúc âm hoá, thì Giáo hội không ngừng cổ xúy việc tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa đà tiến bộ. Ngoài ra, hơn trong những thời trước, hiện nay, các thừa sai được các chính phủ và các chuyên viên quốc tế coi là những người hằng chăm lo khuyến khích mở mang” (số 58).[19]

Cùng với nhãn quan ấy, đã xuất hiện ý niệm “phúc âm hoá toàn diện” (integral evangelization), là công tác bao gồm nhân tố vật chất cũng như thiêng liêng, văn hoá cũng như tôn giáo, cá nhân cũng như xã hội, thế tục cũng như vĩnh cửu (x. RM 42), bởi các thừa sai cũng phải góp phần vào việc xây dựng một thế giới mới trong hoà thuận, công bình và tình thưong. Vì thế, Ðức Phaolô VI đã quả quyết rằng tương lai của nhân loại tùy thuộc vào sự phát triển toàn diện trong mối liên đới trọn vẹn giữa tất cả.[20]

Do đó, truyền giáo học phải ra sức làm sao để biểu trình cho thật rõ mối quan hệ mật thiết giữa việc rao giảng Tin Mừng và công tác phát triển.[21] Evangelii nuntiandi viết:

“Có nhiều mối quan hệ sâu xa giữa công tác rao giảng Tin Mừng và việc con người tiến bộ, giữa việc phát triển và nỗ lực giải phóng. Những mối liên hệ này có tính cách nhân học, vì con người được phúc âm hoá không phải là chuyện trừu tượng mà là một hữu thể thuộc lãnh vực xã hội và kinh tế, và cũng mang tính chất thần học, vì không thể tách biệt kế hoạch sáng tạo ra khỏi kế hoạch cứu chuộc. Việc cứu chuộc trải rộng để bao gồm cả việc cụ thể chống lại tình trạng bất công và nỗ lực khôi phục công bình. Chúng cũng đượm nhuần đặc thù tính của Phúc âm, tức là gồm chứa những đòi hỏi của tình thương: làm sao có thể loan báo điều răn mới, nếu không chịu dấn thân vào việc cổ vũ sự tiến bộ đích thực của con người, trong công bằng và hòa bình?” (số 31).

Hơn bao giờ hết, trong thế giới ngày nay, mối quan hệ giữa Phúc âm và công bằng xã hội mang một ý nghĩa và một tầm quan trọng đặc biệt.[22] Giữa nền văn minh mới hiện đang nhanh chóng biến thành phổ quát, những giá trị vật chất được nêu bật, đề cao, và tiêu chuẩn tiến bộ xem ra chỉ được rút ra từ những nhân tố kinh tế; kết quả là một tình trạng bất công toàn diện và toàn cầu.[23] Giáo hội đang lên tiếng cổ vũ và đẩy mạnh một cao trào “phúc âm hoá mới,” không ranh giới, tức không chỉ dành riêng cho các “khu truyền giáo,” bởi hiện nay, toàn cầu là khu truyền giáo, và cũng không chỉ giới hạn ở trong “thế giới [lãnh vực] thiêng liêng.” Hiện tượng “toàn cầu hoá” (x. Giáo Hội tại Châu Á, 39) kéo theo nhiều thách đố lớn mà chắc hẳn Tin Mừng có thừa khả năng để góp phần giải đáp. Không có phương pháp kinh tế đặc thù và cũng chẳng tham chi quyền hành thế tục trong lãnh vực phát triển, nhưng vì liên đới với dân nghèo cũng như vì ảnh hưởng của kinh tế trên phạm vi luân lý và tôn giáo, nên Giáo hội có sứ mệnh tuyên bố những nguyên tắc đạo đức học cũng như tôn giáo khả dĩ soi sáng cho sinh hoạt của xã hội loài người; và đó cũng là mục đích của việc rao giảng Tin Mừng. Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á viết: “Trong khi phục vụ gia đình nhân loại, Giáo hội nhắm tới mọi người, ra sức cùng với họ xây dựng một nền văn minh tình yêu, đặt nền móng trên những giá trị phổ biến của hoà bình, công lý, tình liên đới và tự do, là những giá trị đã đạt đến được mức hoàn thành trong Ðức Kitô… Tình trạng thiếu cân bằng ngày càng đập rõ vào mắt, càng trầm trọng hơn thêm, giữa những người hưởng lợi nhờ khả năng tăng trưởng của thế giới trong việc làm ra của cải, và những người bị bỏ rơi bên lề của đà phát triển; vậy, để con người được nhờ, thì những sai sót ấy phải được sửa đổi tận gốc, tức là từø não trạng cho đến những cơ cấu đã đẻ chúng ra. Thách đố luân lý to lớn hiện ra trước mắt các quốc gia và cộng đồng quốc tế, liên quan đến việc phát triển, là phải can đảm sống tình liên đới mới, với nỗ lực vận dụng khả năng hầu nghĩ ra và thực hiện những biện pháp hữu hiệu nhằm giải quyết tình trạng chậm phát triển phi-nhân-hoá cũng như đà ‘phát triển quá mức’ có khuynh hướng biến con người thành một đơn vị kinh tế trong mạng lưới tiêu thụ ngày càng bức chế ngột ngạt hơn” (số 32).

Ðấy là cả một chương trình hoạt động truyền giáo rộng lớn và cam go tại Châu Á.[24] Nhưng, vì toàn cầu là khu truyền giáo, nên, để cho rõ, thì Ðức Giáo hoàng đã giải thích: “Hoạt động truyền giáo mang lại cho dân nghèo ánh sáng và niềm khích lệ trong nỗ lực phát triển đích thực, còn tác vụ phúc âm hóa mới thì được tiến hành cho dân giàu, cùng với những kết quả khác nhau, ý thức rằng đã đến lúc tất cả đều phải thật sự trở nên anh chị em của nhau, ngõ hầu tất cả cùng nhau đồng hành tiến tới ‘mức phát triển trọn vẹn’ và mở rộng cho tới Ðấng Tuyệt Ðối” (x. Sứ Mệnh Ðấng Cứu Ðộ, 59). Như vậy công tác rao giảng Tin Mừng và nỗ lực cổ vũ việc phát triển liên hệ chặt chẽ với nhau. Chỉ có điều phải tránh là đừng chuyên nhất làm điều này mà quên mất đi điều kia. Trong thực tế, hiện nay, hiếm có những thừa sai đi làm việc truyền giáo theo tư thế là ‘cá nhân’; việc truyền giáo thường đươc tiến hành qua hoạt động của các nhóm (hội dòng, giáo xứ, v.v.) và, vì thế, cần phải phân công tác vụ, tức là trong khi một số dấn thân vào việc xã hội, thì một số khác vẫn lo làm “dịch vụ của lời” (Cv 6:4; 2Tm 4:5) là phần chủ yếu. Dù sao, đã là thừa sai thì làm gì cũng phải làm vì Ðức Kitô, nhân danh Ngài và để mở rộng vương quyền của Ngài.

(Còn tiếp)

[1] Truyền giáo học đã tranh luận sôi nổi về vấn đề này suốt trong thế kỷ 20; xin xem L. Capéran, Le problème du salut des infidèles, Toulouse 1934 (2 cuốn); R. Lombardi, La salvezza de chi non ha fede, Roma 1949; A. Santos, Salvación y paganismo, Santander 1960; G. García, La salvación de los infieles y la necesidad de la acción misionera, Roma 1952.


[2] H. de Lubac, Le fondement théologique des missions, Paris 1946.

[3] Xin xem D. Catarzi, Lineamenti de Dommatica missionaria, Parma 1958.

[4] Evangelii nuntiandi, 80.

[5] Xin xem Redemptoris Missio, số 5-11; Dean Brackely, Divine Revolution: Salvation and Liberation in Catholic Thought, Maryknoll: Orbis Books 1996.

[6] GH 9a: bản văn này được trưng dẫn trong MV 32a và là nội dung của TG 2b.

[7] Redemptoris Missio, n. 9, Rôma 1990.

[8] S. Mark Heim, Salvations: Truth and Difference in Religion, Maryknoll: Orbis Books 1995; Giuseppe de Virgilio, “Salvezza universale in Cristo: Aspetti della riflessione neotestamentaria per il dialogo interreligioso,” Rasegna di Teologia 38 (1997) 313-345; Mariasusai Dhavamony, “L’economia sacramentale della salvezza e le religioni mondiali,” Rasegna di Teologia 38 (1997) 485-499; Robert M. Fowler, Salvation and Truth in the World’s Religions, International Scholars Publicatons, 1999.

[9] Cũng nên lưu ý: không phải là “Dân Chúa” không nhất thiết có nghĩa là “dân quỷ,” nhưng chỉ “không phải là một dân” (1Pr 2:10).

[10] Công đồng áp dụng Rm 9:4-5 và 11:28-29 cho dân Do thái, Cv 17:25-28 cho dân ngoại, và 1Tm 2:4 cho tất cả. Suy tư thần học dựa theo Tổng luận thần học, III. q.8, a.3 ad 1, của thánh Tôma. Thánh tiến sĩ đề xuất hai lý do: vì Ðức Kitô đã cứu chuộc mọi người cách đầy đủ, và vì con người tự do bao giờ cũng có thể đáp ứng hay không ân sủng của Thiên Chúa.

[11] Về Vaticanô II, xin xe Francis Fernandez, SDB, In Ways Known To God. A Theological Investigation On The Ways Of Salvation, Spoken of In Vatican II, Shillong: Vendrame Inst. Publ. 1996.

[12] Vaticanô II đã bị tố cáo là quá khích trong thái độ lạc quan về dân ngoại; thật vậy, công đồng đã trích dẫn hết các câu trong Tân Ước nói lên thái độ lạc quan ấy, mà lại im lặng về những câu bất lợi, như Mc 7:27; Lc 2:32; Cv 26:18; Rm 1:22.32; 2:19; 1Cr 1:21; 10:20; 15:34; Gl 4:8; Ep 2:13; 4:17-19; 5:8; Cl 1:13.21; 1Ts 1:10; 4:5.6; 5:5; 2Ts 1:8.

[13] Redemptoris Missio, số 9.

[14] Về đề tài này xin xem Alan Race, Christians and Religious Pluralism, New York: Morehouse 1985; Hans Kung, Christianity and World Religions, N.Y.: Orbis Books 1986; Mariasusai Dhavamony, Teologia delle Religioni, Roma 1986; Jacques Dupuis, Toward a Christian Theology of Religious Pluralism, N.Y.: Orbis Books 1999.

[15] Về các chi tiết, xin xem bài viết do Office of Theological Concerns của FABC, trong FABC Papers số 81, 1997.

[16] Xin xem Dialogue and Proclamation, Rôma 1991, số 79, và cả Redemp­toris Missio, số 56.

[17] Th. N. Headland, “Missionaries and social justice: are they part of the problem or part of the solution?” Missiology 24 (1996) 167-178.

[18] Về lập trường của Giáo hội liên quan đến vấn đề này, xin xem John Walsh, MM, Evangelization and Justice, New Insights for Christian Ministry, Maryknoll: Orbis Boks 1982; James A. Scherer and Stephen B.Bevans (eds), New Directions in Mission & Evangelization 1, Basic Statements 1974-1991, Orbis Books 1992; Alain Durand, “J’avais faim…” Une théologie à l’épreuve des pauvres, Paris: Desclée de Brouwer 1995; R. Berthouzoz-R.Papini (eds), Économie et développement: répertoire des documents épiscopaux des cinq continents 1891-1991, Paris: Cerf 1997.

[19] Catholic International 7 (1996), “The Catholic Contribution to Justice and Peace from the Gospel to Gaudium et Spes”, trg. 231-245; R.M. Rodríguez-Izquierdo, “Lay people committed in a society marked by plurality and injustice. Theological problems and challenges for mission” Vidyajyoti 60 (1996) 386-398.

[20] Trong thông điệp Populorum progressio (26-3-1967), số 42.

[21] Brian D’Silva, “Development in mission,” Indian Missiological Review 18 (1996) 22-30; J. M. Thompson, Justice and peace. A Christian primer, Maryknoll: Orbis B. 1997.

[22] Dòng Tên có công đặc biệt bởi đã liên kết công bằng với đức tin: xin xem

http://www.jesuit.org/resources/justice.html.

[23] “God and Mammon: economies in conflict,” Mission Studies 13 (Hamburg 1996) 1-367: nhiều tác giả đã viết về vấn đề này.

[24] Xin xem Dujarier, Michel, et alii, “L’Asie est là”, Mission de l’Église, 1997, số 117 chuyên đề; R.V. Mathias, “The potential agents of development and the task of the Church,” Vidyajyoti 61 (1997) 539-545.