Số 51 Năm XXVII (2017)

HHTH SỐ 51, NĂM THỨ HAI MƯƠI BẢY (2017)

Khái Niệm Công Bình Trong Thần Học: Khái Quát, Vấn Nạn Và Suy Tư

Liệu Có Thể Xác Định Một Nguyên Lý Phổ Quát Trong Thông Diễn Về Công Bình Xã Hội?

Đức Mến, Không Phải Công Lý, Là Yếu Tố Tạo Thành Của Sứ Mạng Giáo Hội

Đức Giêsu Kitô – Sự Công Bình Của Thiên Chúa Trong Thế Giới Của Thủ Phạm Và Nạn Nhân

Vấn Nạn Về Sự Công Bình Của Thiên Chúa Trong Sách Gióp

Sự Công Bằng Về Đất Đai Trong Cựu Ước

LỜI NÓI ĐẦU

Kính thưa quý vị,

Suy tư về mối liên hệ giữa công bình và đức tin trong khoảng bốn thập niên trước thường được gắn liền và tô đậm trong bối cảnh thần học giải phóng, khiến người ta nghĩ nhiều đến vấn đề công bằng xã hội tại các nước Châu Mỹ Latinh. Nhưng từ đó đến nay, những nghiên cứu, suy tư về đề tài này đã chuyển hoá, tiến triển và được bổ túc rất nhiều. Hoa trái rõ rệt nhất của cuộc “hành hương tư tưởng” này là sự ra đời của tác phẩm Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội. Nhưng suy tư về công bằng xã hội theo nhãn quan đức tin sẽ bất khả, nếu không được nhìn từ sự công chính của Thiên Chúa.

Sự ra đời của thông điệp Laudato Sì của Đức Thánh Cha Phanxicô khởi động một lần nữa đề tài này trong Giáo Hội, nhưng trong một phương diện và tầm nhìn mới. Nếu trong quá khứ, vấn đề công bình được coi như một vấn đề phát khởi từ tương quan liên kinh tế – xã hội thời đó, thì hôm nay nó được đặt trong một phạm vi rộng hơn, giữa con người với thiên nhiên, giữa thế hệ hiện tại với các thế hệ tương lai. Công bằng xã hội vốn là một đề tài cũ giờ đây được đặt trong một điều kiện suy tư mới: trước những thách đố của khủng hoảng môi trường và cổ võ một sự phát triển bền vững. Thật vậy, số 51 của thông điệp đã nói đến “món nợ sinh thái” nảy sinh từ sự bất bình đẳng về công nghiệp, kinh tế và thương mại giữa các quốc gia giàu và nghèo, tạo nên sự lệ thuộc nặng nề và những biến động khó lường về mặt địa chính trị, đạo đức và y tế toàn cầu…

Năm thánh Lòng Thương Xót 2016 cũng là dịp để mời gọi các mục tử và nhất là các nhà thần học tái khám phá lại mối liên hệ nền tảng và hữu cơ giữa Công Bình và Thương Xót. Số 10 của tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót đã nói rõ mối liên hệ tiệm tiến và không thể tách rời giữa công bình và thương xót, điều vốn làm nên trọng tâm của đời sống và sứ mạng của Giáo Hội.

Từ hai lý do đó, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến quý vị số 51 của Hợp Tuyển Thần Học với đề tài Công Bình, với ước mong như một phần lượng giá lại hay tìm một số hướng đi mới cho chủ đề này sau khi đã khai triển đề tài Lòng Thương Xót ở số trước. Cụ thể tuyển tập này bắt đầu với hai bài viết có tính khái quát, một bên là thần học tín lý, một bên là thông diễn học triết học. Bài viết của linh mục Nguyễn Hai Tính trước tiên giúp xác định lại các ý nghĩa cơ bản của khái niệm công bình trong tương quan con người và công chính như phẩm tính của Thiên Chúa, sau đó chỉ ra giá trị của tình thương như là đỉnh cao của công bình mà con người cần noi theo Thiên Chúa. Nghiên cứu của tu sĩ Trần Khắc Bá cũng theo hướng tương tự nhưng qua lập trường của các triết gia. Triết học, trong khi đi tìm một sự thông diễn cho công bình, một đàng không nhất thiết gạt bỏ vai trò nền tảng của trí năng, đàng khác cần tích hợp khái niệm tình yêu vào trong hành vi phán đoán của mình. Chúng tôi cũng chuyển sang Việt ngữ hai bài viết về đề tài công bình. Trước hết, bài viết của Charles M. Murphy nhấn mạnh đến lòng thương xót, chứ không phải công bình, như yếu tố cấu thành đời sống và sứ mạng của Giáo Hội. Đặc biệt, để góp phần kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của Luther, Hợp Tuyển Thần Học chuyển ngữ một bài viết về công bình của thần học gia Tin Lành đương đại Jürgen Moltmann, với trọng tâm là cần nhìn vấn đề công bình từ viễn tượng cánh chung học.

Hai bài nghiên cứu cuối cùng đi sâu vào lĩnh vực Kinh Thánh, với hai nội dung cụ thể. Linh mục Cao Gia An soi sáng mối liên hệ giữa công bình và thương xót của Thiên Chúa trong bối cảnh “người ngay gặp nạn” của sách Gióp. Còn trong bài viết nghiên cứu trường hợp công bằng về đất đai trong Cựu Ước, những kết luận của linh mục Nguyễn Công Đoan mở ra cho độc giả Việt Nam suy nghĩ về một vài tình huống về công bằng xã hội ngày nay.

Cũng như nhiều vấn đề thần học khác, công bình và thương xót phải thấm vào kinh nghiệm nội tâm và dấn thân của từng tín hữu. Như một lối kết mở để dẫn bạn đọc vào những suy tư của các tác giả, chúng tôi trích lại đây một phần trong bức thư của các tu sĩ Dòng Tên tham dự Tổng Hội 36 của Dòng năm 2016, thể hiện sự liên đới và cầu nguyện với những tu sĩ và tín hữu đang dấn thân cho hoà bình và công lý trong những vùng chiến sự, đặc biệt tại Syria, cùng với lời kêu gọi hành động cụ thể, mỗi người từ hoàn cảnh và khả năng của mình.

“Giống như anh em, đôi khi chúng tôi cũng cảm thấy bất lực trước hàng ngàn nguyên do của chiến tranh và bạo lực. Chúng dường như, và thật sự luôn hoàn toàn vượt quá sự kiểm soát của chúng ta. Nhưng bởi lý do nào đi nữa, và thời nào cũng vậy, những người nghèo nhất trong số những người nghèo là những người phải chịu đau khổ. Cùng với anh em, chúng tôi gióng lên tiếng kêu chống lại sự bất công đó, chúng tôi cùng phản đối trước những đau khổ của biết bao người vô tội.

Chỉ nhờ Thánh Thần của Thiên Chúa mà những thái độ gây phát sinh và duy trì những cuộc xung đột mới có thể thực sự được thay đổi. Và vì thế, Tổng Hội xin các anh em Dòng Tên trên khắp thế giới cầu nguyện cho một sự hoán cải tâm trí nhờ cầu nguyện cá nhân và cử hành Bí tích Thánh Thể, và mời gọi người khác cũng làm như vậy. Thứ đến, chúng tôi khuyến khích mọi Tỉnh Dòng ủng hộ hòa bình bằng việc sử dụng bất cứ phương tiện gì có sẵn như mạng xã hội, những trung tâm xã hội, những cơ sở giáo dục, các giáo xứ hoặc các ấn phẩm. Thứ ba, chúng ta hãy nhớ những lời của Đức Thánh Cha Phaolô VI: “Nếu các bạn muốn hòa bình, hãy lao tác cho công bình.” Những lời ấy nhắc nhớ chúng ta rằng, khi chúng ta làm việc vì công bình trên toàn thế giới, là chúng ta đang tham gia vào hành trình cổ võ hòa bình.

Dù phải đối mặt với những thách đố lớn lao và thậm chí thất bại rõ ràng trước mắt, chúng ta vẫn dám ước mơ về việc kiến tạo cùng một thế giới khác biệt, vì chúng ta biết Đấng “có thể dùng quyền năng hoạt động nơi chúng ta, mà làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới.” Và vì vậy chúng ta hãy đứng vững, “chân đi giày… là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an.”

Ước mong những suy tư và chia sẻ trong số 51 của Hợp Tuyển Thần Học này của anh em Dòng Tên Việt Nam cung cấp cho bạn đọc những tri thức và cảm hứng lớn hơn cho ước mơ dấn thân vì công bình trong Giáo Hội của quý vị.

Kính chào quý vị,

Ban Biên Tập HTTH

Share on Facebook