Số 52 Năm XXVIII (2018)

SỨ MẠNG DẤN THÂN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI

HHTH SỐ 52, NĂM THỨ HAI MƯƠI TÁM (2018)

Nhìn Lại Quan Điểm Của Giáo Hội Về Bản Chất Con Người Trong Yếu Lược Giáo Huấn Của Giáo Hội Về Xã Hội

Giáo Hội Dấn Thân Vào Đời Sống Xã Hội – Nền Tảng Thần Học Theo H.U. Balthasar Và Hệ Luận Mục Vụ

Tìm Hiểu Về Ơn Gọi Chính Trị Của Giáo Hội

Cơ Hội Và Thách Đố Cho Thần Học Bối Cảnh Tại Á Châu

Dấn Thân Xã Hội, Chiều Kích Đặc Trưng Của Ơn Gọi Ngôn Sứ

Dấn Thân Xã Hội: Bài Học Từ Nhân Vật Tobit

Hướng Về Sự Thật Toàn Vẹn. Đồng Hành Tri Thức Như Một Cách Thức Dấn Thân Xã Hội

LỜI NÓI ĐẦU

Kính thưa quý độc giả,

Trong hai số trước của Hợp Tuyển Thần Học, chúng tôi đã thực hiện hai chủ đề vốn đi liền với nhau: lòng thương xót và sự công bình. Hai đức tính này là nền tảng cho mọi tương quan liên vị, dù trong xã hội dân sự hay trong phạm vi tôn giáo. Trong tuyển tập của HTTH số 52 kỳ này, chúng tôi ước mong khai phá bước tiếp theo của hai chủ đề trên bằng một chủ đề nối dài khác, vừa thực tiễn vừa có tính thời sự: sứ mạng dấn thân xã hội của Giáo Hội.

Nếu coi tổ chức Caritas Việt Nam, năm nay kỷ niệm 10 năm được tái lập (2008-2018) như một ví dụ sinh động cho dấn thân xã hội của một Giáo Hội địa phương như Việt Nam thì trên diện rộng, một đàng, chúng ta chứng kiến sự nhìn nhận đầy kính trọng của xã hội dân sự đối với những đóng góp xã hội và bác ái của các Kitô hữu, đàng khác, với tư cách những Kitô hữu dấn thân, chúng ta trải nghiệm những thách đố và khó khăn trong tiến trình truyền thông và thực hiện các công trình phục vụ xã hội của Giáo Hội. Đôi khi chúng còn đi kèm thất bại, mâu thuẫn, khủng hoảng hoặc cả những vụ bê bối. Về phần mình, xã hội dân sự hiện đại, với những diễn biến hiện tại phức tạp, cũng đòi hỏi nơi Giáo Hội một sự canh tân liên tục trong việc thực thi lệnh truyền “yêu thương anh em như chính mình“ của Đức Kitô.

Thật vậy, số 62 của bản Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo Hội đã coi những chuyển động của đời sống xã hội như là cơ sở để Giáo Hội thực thi sứ mạng Tin Mừng hóa của mình: “Xã hội, và tất cả những gì được thực hiện trong xã hội, luôn có liên quan tới con người. Xã hội được thiết lập bởi những con người, mà con người lại cũng chính là lộ trình quan trọng nhất và căn bản của Giáo Hội.” Vì thế, việc đọc các “dấu chỉ thời đại” dưới ánh sáng Tin Mừng trong đối thoại với lý trí nhân văn chính là khí cụ mạnh mẽ giúp canh tân đời sống cá nhân và xã hội, số 55 của cùng tài liệu đã khẳng định như vậy.

Trong bối cảnh đó, phần đầu của nội dung HTTH 52 sẽ nhắc lại trọng điểm nhân học trong Học thuyết xã hội với bài viết của tu sĩ Trần Khắc Bá. Bài tiếp theo của linh mục (Lm.) Nguyễn Hai Tính, trong khi dựa vào khái niệm “tấn kịch” của thần học gia Hans Urs von Balthasar để khai phá mối tương quan của Giáo Hội trong thế giới, sẽ khai triển hệ luận thần học của tương quan này trong đích nhắm phục vụ sự phát triển đích thực của xã hội nhân loại. Bài viết tiếp theo là một góc nhìn khác của Lm. Cao Gia An, bàn về ơn gọi chính trị của Giáo Hội. Sau khi phân tích lại khái niệm “chính trị” theo nhiều góc nhìn, tác giả chỉ ra những đặc điểm cần nhấn mạnh của ơn gọi này: huấn luyện lương tâm con người và thi hành sứ mạng ngôn sứ. Tuy không bàn trực tiếp vào đề tài dấn thân xã hội, bài viết với nhiều thông tin lịch sử của Lm. Trần Quốc Anh về quá trình phát triển của thần học bối cảnh tại Á châu mong mở rộng góc nhìn của độc giả về mối tương quan giữa việc suy tư đức tin và hoàn cảnh văn hoá xã hội.

Ơn gọi dấn thân xã hội của các ngôn sứ được Lm. Cao Gia An đào sâu qua việc đọc lại cuộc đời và trước tác của các ngôn sứ trong dòng lịch sử chính trị của Israel. Mảng dấn thân xã hội trong văn chương Cựu Ước được tiếp tục với một khảo cứu dài của Lm. Phạm Tuấn Nghĩa, về nhân cách và những công việc dấn thân bác ái xã hội của ông Tobit. HTTH 52 khép lại với một bài suy tư tự do của Lm. Bùi Quang Minh, phác họa những vấn đề của sự thật và tri thức trong bối cảnh thông tin xã hội hiện đại và đề nghị xây dựng một tri thức luận dựa trên nguyên tắc phân định, cũng như coi việc đồng hành tri thức này là một dạng dấn thân xã hội.

Trong khi Giáo Hội dấn thân phục vụ xã hội với tinh thần Tin Mừng, thì những khám phá của hạt giống Tin Mừng trong xã hội cũng đòi hỏi Giáo Hội canh tân chính mình để có thể trở nên người phục vụ xã hội tốt hơn. Điều đó cũng có nghĩa là trong khi tiếp tục phục vụ con người bằng những công trình bác ái và công bình của mình, Giáo Hội cần liên tục xét mình, hoán cải, thanh tẩy và xin tha thứ trước cộng đồng nhân loại, nhất là trong những gì liên quan đến việc sử dụng quyền lực, vật lực và sự trong sạch trong hàng ngũ lãnh đạo của mình. Cách nào đó, những cố gắng này tuy liên can đến tâm thế và thanh thế riêng của Giáo Hội, nhưng đó cũng đồng thời được coi như một dấn thân bằng chính bản chất thật của mình, một cuộc dấn thân bằng gương sáng (Ga 13,35).

Bên cạnh hành vi dâng chính mạng sống mình làm lời chứng cho đức tin, những công trình bác ái mà các thánh Tử Đạo Việt Nam đã thực hiện là điển hình cho cuộc đối thoại và phục vụ xã hội trong công bình và yêu thương. Trong tinh thần mừng 30 năm kỷ niệm các vị được phong hiển thánh này, Ban Biên Tập chúng tôi hân hạnh giới thiệu những hoa trái suy tư của anh em Dòng Tên Việt Nam.

Kính chào quý vị,

Ban Biên Tập HTTH

Bùi Quang Minh
Nguyễn Văn Yên

Share on Facebook