HHTH SỐ 26, NĂM THỨ MƯỜI (2000)
Ðấng Muôn Dân Đợi Trông: Kitô Học Trong Cựu Ước
Phục Sinh: Khởi Điểm Của Kitô Học
LỜI NÓI ĐẦU
Quý Vị độc giả,
Qua nội dung số 26 này, HTTH xin gửi đến Quý Vị ba chương đầu của tập khảo luận trường thiên về Ðức Kitô – Kitô Học – do linh mục F. Gómez Ngô Minh thực hiện. Những phần còn lại của tập khảo luận sẽ được tiếp tục giới thiệu đến Quý Vị trong các số sắp tới [27-30] của HTTH. Cũng xin lưu ý: đây là tập Kitô học đầu tiên viết bằng tiếng Việt.
Liên tiếp qua nội dung các số từ 18 cho đến 22 của HTTH, Quý Vị đã có dịp theo dõi thiên khảo luận về Giáo hội – Giáo hội học – của cùng một tác giả.
Xin ghi lại đây đoạn viết về tác giả, trong Lời Nói Ðầu của số 18 HTTH:
Cha F. Gómez Ngô Minh, tác giả [1] tập khảo luận nói trên, là một linh mục Dòng Tên, người Tây Ban Nha. Ngài đã theo ơn gọi truyền giáo từ lúc còn làm thầy: xong chương trình triết học tại Pháp, ngài đã được gửi sang Việt Nam năm 1960 để học tiếng Việt và sau đó, qua Phi Luật Tân theo học thần học; năm 1966, ngài – là một trong hai thầy Dòng Tên đầu tiên – chịu chức linh mục tại Việt Nam; năm 1971, sau khi dọn xong tiến sĩ thần học hệ thống tại Ðại Học Grêgôriana, Rôma, ngài về dạy thần học tại Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Ðà lạt, cho đến năm 1975; từ 1975 cho đến 1989, ngài sang dạy thần học tại East Asian Pastoral Institute (Viện Mục Vụ Ðông Á), Manila, Phi Luật Tân, và nhiều năm trong thời gian này, ngài làm chủ bút tạp chí East Asian Pastoral Review của Viện; là một trong những người chủ động của nhóm khai sinh tờ HTTH, ngài làm phụ biên cho tập san này trong các năm 1989-96 ở Paris; năm 1996, ngài trở lại Viện Mục Vụ Ðông Á nói trên, mà vẫn tiếp tục làm phụ biên cho HTTH như lúc còn ở Paris.
Ở đâu và bao giờ người kitô cũng đều có bổn phận trả lời cho mình cũng như cho người chung quanh, câu hỏi thiết cốt mà ngày trước Ðức Kitô đã đặt cho các môn đồ của Ngài: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” [2] Câu hỏi thiết cốt và lời đáp trả quan yếu đến độ ngay từ đầu, tác giả thiên khảo luận đã xác quyết như sau: “Kitô học là trọng tâm của thần học… Giáo hội và ngay cả Kitô giáo, có đứng vững hay không là tùy ở thái độ đối với Ðức Kitô. Ngài là nền tảng, là nguồn gốc và là cùng đích của đức tin kitô, của Kitô giáo. Nỗ lực suy tư về đức tin ấy, mối lắng lo cho tôn giáo này đều phải phát nguyên từ và kết thúc ở nơi Ngài: ‘Tất cả đều tồn tại trong Ngài’ (Cl 1:17).” [3] Không gì khác, Kitô học là lời đáp trả cho câu hỏi chính Ðức Kitô đã đặt ra.
Vậy, phải làm gì để biết về Ðức Kitô sâu sắc hơn, để có đủ dữ kiện mà trả lời cho câu hỏi thiết cốt Ngài đặt ra, nếu không phải là dùng đến một phương cách cụ thể và tương đối dễ dàng qua việc học hỏi và tìm hiểu về Kitô học?
Kính chào Quý Vị,
HỢP TUYỂN THẦN HỌC
[1] Cũng là tác giả cuốn The Good Shepherd: Pastoral Approaches to Christology (Manila: the Cardinal Bea Institute, Ateneo de Manila University, 1997).
[2] Mt 16:15; Mc 8:29; Lc 9:20.
[3] Trong số này, tr. 1.