Số 20&21 Năm VIII (1998)

HHTH SỐ 20&21, NĂM THỨ TÁM (1998)

Bản Tính Của Giáo Hội (II)

Cơ Cấu Của Giáo Hội (I)

LỜI NÓI ĐẦU

Quý Vị độc giả,

Qua nội dung số đôi 20 & 21 này, HTTH xin tiếp tục gửi đến Quý Vị các chương còn lại của Phần Hai và chương đầu của Phần Ba trong tập khảo luận trường thiên về Giáo hội – Giáo Hội Học – do linh mục F. Gómez Ngô Minh thực hiện. Như Quý Vị đã rõ: các chương đầu của tập khảo luận đã được giới thiệu qua nội dung số đôi HTTH 18 & 19.

Chúng tôi xin được ghi lại đây — bằng chữ nghiêng — những gì viết trong Lời Nói Ðầu của số 18 & 19, về tác giả và về lý do thúc đẩy HTTH giới thiệu đến Quý Vị độc giả tập khảo luận nói trên:

Cha F. Gómez Ngô Minh, tác giả tập khảo luận nói trên, là một linh mục Dòng Tên, người Tây Ban Nha. Ngài đã theo ơn gọi truyền giáo từ lúc còn làm thầy: xong chương trình triết học tại Pháp, ngài đã được gửi sang Việt Nam năm 1960 để học tiếng Việt và sau đó, qua Phi Luật Tân theo học thần học; năm 1966, ngài – là một trong hai thầy Dòng Tên đầu tiên, – chịu chức linh mục tại Việt Nam; năm 1971, sau khi dọn xong tiến sĩ thần học hệ thống tại Ðại Học Grêgôriana, Rôma, ngài về dạy thần học tại Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Ðà lạt, cho đến năm 1975; từ 1975 cho đến 1989, ngài sang dạy thần học tại East Asian Pastoral Insti-tute (Viện Mục Vụ Ðông Á), Manila, Phi Luật Tân, và nhiều năm trong thời gian này, ngài làm chủ bút tạp chí East Asian Pastoral Review của Viện; là một trong những người chủ động của nhóm khai sinh tờ HTTH, ngài làm phụ biên cho tập san này trong các năm 1989-96 ở Paris; năm 1996, ngài trở lại Viện Mục Vụ Ðông Á nói trên, mà vẫn tiếp tục làm phụ biên cho HTTH như lúc còn ở Paris.

Sống giữa thế giới điên đảo ngày nay, – điên đảo cả đến trong lãnh vực Kitô giáo: với bao nhiêu là Giáo hội, là giáo phái, môn phái – nhiều lúc người công giáo cũng cảm thấy hoang mang, cần có những điểm mốc nhận ra rõ, những tiêu chí minh bạch, – có hệ thống và cả khoa học nữa, – giúp định hướng vững và tiến bước xác tín trên con đường đức tin của Giáo hội mình. Bàn tay uy lực của Thiên Chúa toàn năng hằng hiện rõ trên đường đời Giáo hội đầy yếu nhược và lỗi lầm. Bất chấp tất cả, Giáo hội vẫn đứng vững, không ai đánh phá nổi: “Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16: 18); “Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16:33); “Và đây, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28: 20)… Hôm qua, hôm nay và ngày mai, Giáo hội vẫn mãi là loài người, nhưng cũng vẫn mãi là bí tích của sức năng Thiên Chúa cứu độ, chờ giây phút thành tựu sung mãn trong hồi cánh chung: Giáo hội “ở trong thế gian” (Ga 15:19;17: 11), nhưng “không thuộc về thế gian” (Ga 17:14.16), để “làm chứng” cho Ðức Kitô (Ga 15:27), để “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28:19). Ðó là mầu nhiệm, là cuộc sống “biện chứng” của Giáo hội lữ hành, là những gì hôm nay đang diễn ra mồn một trước mắt loài người. Và đó là những gì làm cho người tín hữu yên tâm vững dạ!

Chẳng phải đó cũng là những gì thôi thúc chúng ta, là những tín hữu sống giữa thời nay, tìm hiểu sâu hơn về Giáo hội, làm quen nhiều hơn với Giáo hội học hay sao?

Kính chào Quý Vị,

HỢP TUYỂN THẦN HỌC

Share on Facebook